Những lưu ý khi làm báo cáo thường niên theo thông tư 155
Báo cáo thường niên là gì?
Báo cáo thường niên (BCTN) được xem là một tài liệu xuất bản hàng năm mà một công ty cần cung cấp cho các cổ đông nhằm mô tả các hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Bản sao của bản báo cáo thường niên sẽ đươc gửi cho tất cả các cổ đông trước khi diễn ra đại hội cổ đông của công ty.
BCTN là một phương tiện truyền tải thông tin về các hoạt động kinh doanh, lợi nhuận và các hoạt động liên quan của mỗi Doanh nghiệp trong suốt một năm qua cũng như kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, phát triển của Doanh nghiệp trong thời gian tới.
Vậy mục tiêu của BCTN là gì?
- Thể hiện sự minh bạch trong cung cấp thông tin đến Cộng đồng các nhà đầu tư.
- Thể hiện trách nhiệm của mình với Cổ đông hiện hữu.
- Thu hút sự quan tâm của các tổ chức đầu tư, nhà đầu tư cá nhân mới,…
Ngoài nội dung đầy đủ và thông tin minh bạch, sáng tạo trong trình bày bố cục để chuyển tải hiệu quả các các thông điệp về phân tích, đánh giá cũng như tạo ấn tượng trong thiết kế để thu hút người đọc xuyên suốt cuốn BCTN, đây cũng được xem là một công tác chuẩn bị khá quan trọng. Nó thể hiện sự tôn trọng, hiểu biết, quan tâm và đầu tư đúng mức của doanh nghiệp trong công tác quan hệ với nhà đầu tư.
Đối tượng áp dụng trách nhiệm lập và chữ ký trên BCTC
1. Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm:
Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.
2. Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):
a) Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
b) Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
c) Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
3. Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
4. Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thủ tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.
5. Việc lập, trình bày và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ thực hiện theo quy định của pháp luật về Báo cáo tài chính hợp nhất.
6. Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo Luật kế toán. Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.
Thời điểm làm báo cáo thường niên
Theo Thông tư của Bộ Tài chính, các công ty đại chúng phải lập Báo cáo thường niên và công bố thông tin về Báo cáo thường niên chậm nhất là 20 ngày sau khi công bố Báo cáo tài chính năm được kiểm toán.
Việc công bố thông tin phải được thực hiện trên các ấn phẩm, trang thông tin điện tử của công ty đại chúng, phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch) và lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất 10 năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo.
Thông tin tài chính trong Báo cáo thường niên phải phù hợp với Báo cáo tài chính năm được kiểm toán.
Khung nội dung trọng yếu mà cuốn BCTN cần phải có theo thông tư 155/2015/TT-BTC:
Phần I: Thông tin chung
- Thông tin khái quát
- Quá trình hình thành và phát triển
- Ngành nghề và địa bàn kinh doanh
- Thông tin về mô hình quản trị, tổ chức kinh doanh và bộ máy quản lý
- Định hướng phát triển
- Các rủi ro: Nêu các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đối với việc thực hiện các mục tiêu của Công ty, trong đó có rủi ro về môi trường. -> Bổ sung rủi ro về môi trường so với thông tư 52
Phần II: Tình hình hoạt động trong năm
- Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh
- Tổ chức và nhân sự
- Tình hình đầu tư, tình hình thực hiện các dự án
- Tình hình tài chính
- Cơ cấu cổ đông, thay đổi vốn đầu tư của chủ sở hữu
- Báo cáo và đánh giá tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty -> Bổ sung mục 6 so với thông tư 52
Phần III: Báo cáo của lãnh đạo
1. Báo cáo của Hội đồng Quản trị bao gồm:
- Đánh giá tóm lược tình hình hoạt động trong năm; tình hình thực hiện so với kế hoạch; những thay đổi chủ yếu trong năm.
- Bình luận về các rủi ro lớn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh và các chiến quản lý rủi ro của doanh nghiệp.
- Công bố những triển vọng kinh doanh và kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian tới.
2. Báo cáo của Ban Giám đốc:
- Tình hình tài chính.
- Kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Những tiến bộ đã đạt được.
Phần IV: Quản trị doanh nghiệp
- Hội đồng quản trị
- Ban Kiểm soát
- Các giao dịch, thù lao và các khoản lợi ích của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và Ban kiểm soát
Phần V: Báo cáo phát triển bền vững (không bắt buộc)
Đây là nội dung mới đang được khuyến khích đưa vào Báo cáo thường niên trong vài năm trở lại đây. Việc bổ sung thêm giải thưởng báo cáo phát triển bền vững vào Báo cáo thường niên nhằm giúp doanh nghiệp công khai thông tin và xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững thông qua các tiêu chí trách nhiệm của doanh doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Phần VI: Báo cáo tài chính
- Báo cáo tài chính riêng
- Báo cáo tài chính hợp nhất
Một số lỗi thường gặp trong cuốn BCTN của doanh nghiệp:
- Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính.
Đa phần các báo cáo chỉ đề cập đến các rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hoặc đối với việc hoàn thành mục tiêu của công ty nhưng vẫn còn sơ sài và lại bỏ qua các rủi ro quan trọng.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm chỉ được trình bày qua các số liệu về tài chính nhưng lại thiếu sự phân tích sâu cũng như đánh giá mức độ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường chỉ đề cập đến các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng thuận lợi đến hoạt động của công ty và bỏ qua những diễn biến ảnh hưởng không tốt cùng việc phân tích về những ảnh hưởng đó.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa đưa ra được các kế hoạch trung và dài hạn mà chỉ dừng lại ở các kế hoạch ngắn hạn.
Một số báo cáo thường niên chưa cung cấp rõ ràng về tình hình đầu tư cũng như hiệu quả hoạt động của các công ty con, công ty liên kết.
Ở các báo cáo thường niên có ý kiến kiểm toán lưu ý cần bổ sung thêm giải trình của công ty về ý kiến kiểm toán, đính kèm báo cáo tài chính hay đường dẫn báo cáo tài chính.
- Thông tin về quản trị công ty
Thường các công ty ít trình bày các nội dung hoạt động của thành viên HĐQT độc lập không điều hành” và “Danh sách các thành viên HĐQT có chứng chỉ đào tạo về quản trị công ty. Danh sách các thành viên HĐQT tham gia các chương trình về quản trị công ty” cũng ít được nhắc đến, đa phần chỉ đề cập danh sách HĐQT.
Hầu hết các báo cáo thường niên thiếu phần ” “Thực hiện quy định quản trị công ty” hoặc có thì chỉ trình bày là đã thực hiện đúng các quy định về quản trị công ty, không có nội dung chưa thực hiện và phương án khắc phục.
Nội dung phát triển bền vững chưa đầy đủ vì không theo bất kỳ chuẩn mực nào nên thiếu những nội dung rất cơ bản (thông tin liên hệ, phạm vi báo cáo, đối tượng sử dụng báo cáo…) hoặc có nội dung tương đối đầy đủ nhưng lại không xác nhận chuẩn mực sử dụng. Bên cạnh đó, rất ít báo cáo có đặt mục tiêu cho các chỉ tiêu báo cáo hoặc chỉ có những công bố mang tính chất định tính, chưa có quy trình quản trị hữu hiệu để đảm bảo tính tin cậy của các thông tin và rất ít công ty có xác nhận độc lập.
- Hình thức báo cáo thường niên
Ngoài ra, Công ty cũng cần chú trọng hình thức thể hiện, sử dụng bảng biểu và hình ảnh để truyền tải nội dung dễ hiểu hơn. Đặc biệt, đối với các BCTN đã làm tốt ở các năm trước cần có sự cải tiến hơn nữa để tránh rập khuôn trong cách trình bày và đem đến ít thông tin cho người đọc do sự nhàm chán.
Nhìn chung, việc lập một báo cáo thường niên không phải là một việc khó, nhưng để lập một báo cáo thường niên chất lượng thì cần đầu tư lớn về cả thời gian và nhân lực. Các doanh nghiệp nên coi việc lập báo cáo thường niên là một hình thức để giao tiếp với nhà đầu tư, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, ghi nhận những dấu mốc trong quá trình hoạt động trong năm của mình.
Nguồn: Bigsouthbrand.com