Marketer minh tran
minh tran

Managing director @ Voltron Performance Marketing Agency

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

Dù Marketeer có thông minh, hiểu biết và giàu kinh nghiệm đến mấy, luôn có sự khác biệt giữa điều bạn có thể làm và điều bạn thường làm được

 

Bất kể kĩ năng của bạn tốt đến đâu, chẳng có gì chắc chắn rằng tài năng này sẽ giúp bạn trở thành một trong những nhân sự giá trị nhất của doanh nghiệp. Các nghiên cứu về tiềm năng của con người đều đồng ý rằng, tiềm năng ẩn sâu bên trong chúng ta không thể hoàn toàn được khám phá trừ khi đánh giá cả các yếu tố về cảm xúc, lợi thế xã hội và khuynh hướng hành động. Dù Marketeer có thông minh, hiểu biết và giàu kinh nghiệm đến mấy, luôn có sự khác biệt giữa điều bạn có thể làm và điều bạn thường làm được

Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến nỗ lực tìm kiếm Marketeer tài năng thường thất bại: khi nhà tuyển dụng tập trung quá nhiều vào tiềm năng của ứng viên - hiệu suất tốt nhất ứng viên có thể tạo ra nếu được đặt trong trong điều kiện lý tưởng cả về môi trường lẫn tâm lý - nhà tuyển dụng quên mất điểm tối quan trọng là dự đoán hiệu suất của ứng viên nếu họ thực sự nhận công việc, tức hiệu suất thông thường của ứng viên. Giống như bạn không nên kỳ vọng ấn tượng ban đầu về cô bạn gái rụt rè sẽ giữ nguyên sau 5 năm, khi nàng đã thành vợ bạn. Tương tự, sẽ có khác biệt giữa ấn tượng nhà tuyển dụng có về khả năng của một Marketeer khi ứng tuyển và 5 năm sau khi người ấy được nhận (tất nhiên là có phương pháp để dự đoán các thay đổi này)

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

Lúc làm việc thực tế và khi đi phỏng vấn

Nếu bạn thấy hiệu suất công việc hiện tại chưa phản ánh hết tiềm năng bản thân, có thể bạn đúng: vì chỉ có một số ít cá nhân thể hiện được 100% năng lực liên tục và xuyên suốt các dự án họ tham gia. Mặt khác, dù bạn thấy mình đang thể hiện xuất sắc và đã khai thác tối đa tiềm năng bản thân, bạn cũng có thể đã sai, vì thông thường có sự khác biệt tương đối lớn giữa những gì bạn nghĩ về năng lực của bản thân, so với thực tế thể hiện. Giống như việc các Marketeer xuất sắc thường có xu hướng đánh giá hiệu suất bản thân cẩn trọng và khắc nghiệt, trong khi số khác ít nổi bật hơn lại xem bản thân là đầu tàu dẫn dắt thành công của doanh nghiệp: nên dường như khả năng Tự nhận thức (self-awareness) có thể xem là một yếu tố quan trọng làm nên một Marketeer tài năng

----

Hầu hết mọi người sẽ không cố gắng hết sức nếu đã nhận việc được hơn 6 tháng, đây được xem là khoảng thời gian “Trăng mật” giữa doanh nghiệp và Marketeer. Dù có nhiều lý do khiến Marketeer không thể đạt được hiệu suất đỉnh cao, thì có 4 nguyên nhân phổ biến nhất và cách để nhận ra chúng

 

1. Không phù hợp

Tính cách nhân sự phù hợp tính cách tổ chức là yếu tố trọng yếu, điều này lý giải vì sao hầu hết Marketeer làm việc tốt hơn ở một số nhóm doanh nghiệp, văn hóa và hoàn cảnh cụ thể hơn nhóm khác. Sự phù hợp này được ước lượng bằng cách tìm kiếm sự tương đồng giữa thái độ, giá trị theo đuổi, kĩ năng, xu hướng hành động của ứng viên đặc trưng của công việc cần thực hiện, vai trò sẽ đảm nhiệm cùng giá trị của doanh nghiệp. Nghe thì đơn giản, nhưng vấn đề thường xảy ra là bất kể doanh nghiệp có đánh giá đúng năng lực của Marketeer, thì doanh nghiệp cũng chưa chắc hiểu rõ về vị trí mình đang tuyển cũng như định hình được nét văn hóa cụ thể. Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp thường mô tả bản thân năng động, đa dạng, sáng tạo và thịnh vượng hơn thực tế - đó đúng hơn là hình mẫu lý tưởng mà doanh nghiệp muốn trở thành thay vì một nhìn nhận chính xác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận định của Marketeer về doanh nghiệp và vai trò cần thực hiện, để rồi mất không ít thời gian để trải nghiệm văn hóa và thấu hiểu những gì doanh nghiệp thực sự cần ở họ.

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

Hãy chuẩn bị kĩ bài tập về nhà

Marketeer nên làm gì trong tình huống này?

Như một học sinh chăm chỉ, hãy bỏ thời gian ra nghiên cứu kĩ về tổ chức bạn sẽ tham gia, đảm bảo bản thân thực sự hiểu rõ các khía cạnh liên quan đến công việc để tránh bị bất ngờ. Tham khảo từ bạn bè, bình luận trên mạng xã hội hoặc từ chính nhân sự của tổ chức đó là một cách để góc nhìn của bạn được cụ thể hơn - nhưng rõ ràng các nguồn tin này có tính chủ quan cao. Hãy hỏi trực tiếp người tuyển dụng, gặp và trao đổi với các lãnh đạo khác của doanh nghiệp (trong trường hợp bạn nằm ở vị trí cấp cao), hình dung xem bạn có nhiều điểm chung với những nhân sự đang được đánh giá cao ở vị trí tương tự không, cách này sẽ giúp bạn dự đoán tốt hơn. Và trừ khi bạn là một Marketeer với EQ cao ngất ngưởng, nếu không các đánh giá đưa ra sẽ khó mà hoàn hảo được, tuy nhiên sẽ an toàn hơn để kết luận rằng bạn sẽ nhanh chóng thích ứng và đạt hiệu suất cao nếu profile cá nhân bạn tương đồng với profile của các nhân sự xuất sắc trong doanh nghiệp

 

2. Thiếu sự chỉ dẫn

Cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu nhiệt tình và suy giảm động lực thường thấy ở các đội ngũ Marketing. Tác nhân chính gây ra vấn đề rất dễ thấy nhưng không dễ giải quyết, người lãnh đạo. Bạn không thể đột nhiên quyết định thay thế sếp hiện tại bằng một sếp tốt hơn - người sẽ truyền cảm hứng, hướng dẫn, đưa ra mục tiêu cùng các phản hồi hữu ích để bạn cải thiện chất lượng công việc, người sẽ khiến bạn trở nên phấn khởi khi đến văn phòng vào mỗi buổi sáng. Và nếu bạn may mắn gặp đúng người lãnh đạo có khả năng như trên, họ cũng chưa chắc sẽ làm điều đó với bạn, có thể vì họ đang dành thời gian cho một dự án hay một cá nhân mà họ đánh giá là xứng đáng hơn. Tuy nhiên tin vui là bạn không cần phải bỏ sếp, có một số điều người Marketeer có thể làm để dù thiếu sự chỉ dẫn hiệu suất công việc vẫn được nâng cao. Một trong số đó là dành thời gian để kết nối với các đồng nghiệp có liên quan trực tiếp đến công việc mà bạn đang làm (tài chính, bán hàng, chăm sóc khách hàng hay phân tích dữ liệu…), từ đó nuôi dưỡng mạng lưới thông tin nội bộ thứ sẽ hữu ích để có ý tưởng cho những dự án mới hay tăng tốc độ triển khai dự án. Đừng quên, tìm cách nói trực tiếp với sếp rằng bạn cần được hướng dẫn và được phản hồi nhiều hơn, vì có thể sếp bạn chỉ quá bận nên tạm quên việc hỗ trợ bạn dù họ rất muốn, đặc biệt nếu giá trị bạn tạo ra được công nhận

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

Tỉ tê tâm sự, đừng vội bỏ sếp

 

3. Chính trị

Cơ chế đánh giá nhân sự bằng dữ liệu đang dần thay thế cho việc đánh giá bằng cảm tính khiến các cá nhân có năng lực đã được đối xử công bằng hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Thực tế là các doanh nghiệp dù cho tìm được rất nhiều nhân tài, thì các ngôi sao này đều phải học cách đề kháng lại những điểm độc hại từ việc phân chia vây cánh trong tổ chức. Và không hề bất ngờ khi trong các buổi huấn luyện quản lý, nội dung tập trung nhiều vào cải thiện kỹ năng mềm và khả năng chính trị, kết quả là các cá nhân thấu hiểu hơn về chính trị sẽ dễ dàng thăng tiến hơn, bất kể tiềm năng và trình độ chuyên môn. Một tổ chức thiếu quyết liệt và liên tục trong việc triển khai văn hóa doanh nghiệp thì các cá nhân phía trên sẽ càng nhiều, như vi khuẩn phát triển nhanh trong môi trường ô nhiễm vậy. Hiện tượng này rất dễ thấy ở bất kỳ tổ chức nào mà các cá nhân có năng lực và đóng góp lớn không có được mức đãi ngộ tương xứng. Là một Marketeer tỉnh táo, bạn nên ý thức được các dòng chảy chính trị này dù lựa chọn tham gia hay không - với hy vọng bản thân sẽ không nhúng chàm. Và ở bất kì tình huống nào, đừng ngây thơ cho rằng tự năng lực xuất chúng của bản thân sẽ lên tiếng và cho bạn chỗ đứng phù hợp - thực tế, bạn càng nổi bật thì càng nhiều người chống lại bạn - đặc biệt trong các tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng phe phái. Nếu tình hình trở nên khó kiểm soát, hãy thay đổi doanh nghiệp hoặc tối thiểu là thay đổi dự án/đội ngũ bạn đang hợp tác. Lưu ý rằng tất cả doanh nghiệp đều có yếu tố chính trị, chỉ là một số ít bị ảnh hưởng hơn hẳn số khác

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

"Be sure you put your feet in the right place, then stand firm."

 

4.Tình trạng cá nhân

Lý do cuối cùng có vẻ quá hiển nhiên không cần nhắc đến, tuy nhiên với các Marketeer nghiện việc, rất dễ để quên rằng bản thân cũng có cuộc sống riêng. Bất kể bạn có nhiệt tình hay tài năng đến đâu, các cột mốc trong cuộc sống, vấn đề gia đình hay thất bại mang tính cá nhân cũng thường ảnh hưởng đến hiệu suất và thành công trong sự nghiệp của bạn. Đây là nguyên nhân của vô số cuộc thảo luận về cân bằng cuộc sống - công việc (work-life balance), dù rằng hiện tại lằn ranh giữa công việc giữa cuộc sống đã nhòe đi. Những người lãnh đạo sáng suốt và nhà tuyển dụng tận tâm sẽ muốn hiểu về tình trạng cá nhân của các Marketeer, để đảm bảo rằng có thể cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ cho bạn để xử lý chúng nếu cần, từ đó nhận được sự cam kết và nỗ lực của bạn trong dài hạn

4 lý do khiến Marketeer giỏi không thể phát huy hết tiềm năng

The balance has to be within you

Ngắn gọn thì, tài năng là cần thiết, tuy nhiên chưa đủ để bứt phá và gây ra tác động lớn trong công việc.

Lựa chọn công việc phù hợp với sở thích, niềm tin cũng như phong cách sống của bạn, luôn lưu ý đến các tác động xảy ra bên ngoài và bên trong ảnh hưởng đến sự năng động của tổ chức. Những điểm này sẽ giúp viên ngọc bên trong bạn thực sự tỏa sáng với thế giới.

---

Đọc thêm chuỗi bài của tác giả và học thêm về Digital marketing thúc đẩy tăng trưởng (Performance marketing) tại đây https://www.brandsvietnam.com/marketer/minhtranVoltron/baiviet