Marketer Thann Auttanukune
Thann Auttanukune

Vice President CP Vietnam Corporation Serial Entrepreneur

The Professionals #7: Sự chuyên nghiệp trong quan hệ công việc

The Professionals #7: Sự chuyên nghiệp trong quan hệ công việc

Niềm tin, sự tôn trọng và giá trị chính là nền tảng cơ bản của việc xây dựng một mối quan hệ chuyên nghiệp trong công việc. Dù bạn là ai, ở đâu, đang làm ở agency hay client nào, thì chỉ có sự chuyên nghiệp mới đem đến hiệu quả bền vững. Vậy làm thế nào để xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp trong công việc?

Bài viết dựa trên những chia sẻ giữa bà Giang Nguyễn, Co-Founder, Managing Director, The Purpose Group và ông Thann Auttanukune, General Director of F&N Việt Nam Co-founder The Coffee House Co-founder ZumStart.

The Professionals là chuyên mục do ông Thann Auttanukune dẫn dắt và được sản xuất, truyền thông bởi Brands Vietnam phối hợp cùng Rice.

Sáu bài đầu tiên trong chuyên mục là những quan điểm của Thann về sự chuyên nghiệp trong Marketing. Từ số 7 trở đi, chuyên mục thay đổi diện mạo bằng bài viết và video phỏng vấn các chuyên gia trong ngành Marketing để lắng nghe những câu chuyện của họ về trải nghiệm, cách làm việc hay tư duy đúng của người làm Marketing chuyên nghiệp.

 

1. Mối quan hệ chuyên nghiệp được tạo nên từ những con người chuyên nghiệp

“Hãy trở thành một người chuyên nghiệp trước khi yêu cầu người khác chuyên nghiệp với bạn”

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay, không chỉ riêng Marketer, thực sự không hề biết đến định nghĩa “chuyên nghiệp trong công việc” là gì. Thực ra, để trở thành một người “chuyên nghiệp” không hề khó, và điều này hoàn toàn bắt nguồn từ tư duy và hành động của bạn.

Để có thể làm tốt công việc của mình, trước hết bạn cần phải định vị được bản thân mình trong công việc, từ đó hoạch định rõ ràng hơn những thành tựu cần phải đạt được. Bạn cần tự mình trả lời 3 câu hỏi: bạn là ai, bạn đóng vai trò gì trong chuỗi công việcnhững việc bạn làm đóng góp giá trị gì cho công ty.

The Professionals #7: Sự chuyên nghiệp trong quan hệ công việc

Tiếp theo, hãy thể hiện những giá trị của mình trong công việc trước sau như một, giữ vững chữ tín và kiên định với lập trường và tạo ra nguyên tắc làm việc riêng. Đừng chỉ nói suông về những mong muốn và ý kiến của mình, hãy dùng hết nỗ lực để hiện thực hoá chúng.

Đặc biệt, phẩm chất của một Marketer chuyên nghiệp còn thể hiện ở tầm nhìn tốt về thương hiệu và tình hình kinh doanh, đặc biệt còn có sự cầu tiến trong công việc. Không chỉ dừng lại ở vai trò của mình, bạn nên nâng cấp chất lượng công việc của mình bằng việc học hỏi cái mới, chủ động thay đổi cách làm để đạt được hiệu quả tối ưu cho thương hiệu. Khi đó, bạn sẽ hoàn thành tốt công việc vì chính bản thân, chứ không phải bất kỳ ai, dù đó là sếp của bạn.

Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp còn đến từ việc mạnh dạn trải nghiệm những điều mới từ nền móng cũ. Hiện nay, chúng ta đang di chuyển đến một tương lai không thể đoán trước được, những kế hoạch 5 năm, 10 năm của thương hiệu có thể thay đổi bất cứ khi nào bởi nhiều tác động bên trong lẫn bên ngoài. Thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng luôn biến đổi kéo theo các kế hoạch, chiến lược marketing cũng sẽ được làm mới liên tục đáp ứng cho xu hướng trên.

Để vững mạnh, Marketer phải giữ vững nền tảng của ngành, các quy tắc của Marketing để tiến lên, đương đầu với những khó khăn ở phía trước; tiếp tục học hỏi, quan sát, tìm kiếm, gặp gỡ đối tác mới và trải nghiệm những điều mới mẻ từ nền tảng cũ và học hỏi từ nó.

Nếu thành công, hãy lấy đó làm động lực để phát triển bản thân cũng như giúp thương hiệu đi lên vượt bậc hơn. Nếu thất bại, hãy coi đó là bài học, rút kinh nghiệm và học cách khắc phục khó khăn. Nếu cân bằng được sự mạnh dạn trải nghiệm và lường trước được những rủi ro, bạn sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều trong công việc. Khi mạnh mẽ và chuyên nghiệp, bạn sẽ biết cách chèo lái trong môi trường phức tạp và luôn biến động.

Và quan trọng nhất là, hãy chủ động giao tiếp với đồng nghiệp để xây dựng mối quan hệ tốt trong công việc. Khi làm việc nhóm, việc đặt niềm tin vào đồng nghiệp rất quan trọng, vì đó chính là chất xúc tác giúp tìm được tiếng nói chung.

The Professionals #7: Sự chuyên nghiệp trong quan hệ công việc

Hãy cởi mở để lắng nghe cộng sự, agency, client, những người tác động trực tiếp đến công việc của bạn, vì bạn sẽ không thể tự mình làm tất cả mọi công việc và thành công một mình được.

Nếu đang lãnh đạo một tập thể, hãy nói chuyện với cấp dưới, truyền cảm hứng, tin tưởng và làm việc trực tiếp với họ để có thể xây dựng được một đội ngũ vững mạnh. Nếu bạn có thể truyền cảm hứng cho họ, họ sẽ yêu thích làm việc cho bạn. Những vấn đề về ngân sách, giá cả, deadline hay bất cứ điều khó khăn khác cũng sẽ là chuyện nhỏ.

Tóm lại, khi bạn nhận thức được chuỗi giá trị trên, bạn không cần phải “theo đuổi” sự chuyên nghiệp nữa mà điều đó sẽ trở thành một phần con người trong bạn.

2. Xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp giữa Agency & Client bằng niềm tin và sự tôn trọng

Trong thế giới Marketing, mối quan hệ giữa client & agency là mối quan hệ hỗ trợ nhau để tạo ra giá trị cho cả hai bên. Nhưng đây cũng là một mối quan hệ phức tạp khi có quá nhiều bất đồng quan điểm. Vậy làm cách nào để mối quan hệ giữa client & agency trở nên chuyên nghiệp hơn?

Một mối quan hệ chỉ phát triển được dựa trên nền tảng “niềm tin”

Chỉ khi tin tưởng nhau, chúng ta mới có thể hợp tác làm việc. Để làm được điều này, trước hết, phải hiểu nhau. Ngay từ những bước hợp tác đầu tiên, cả 2 phía agency/client nên nhận thức được vai trò, giá trị và sự khác biệt để tránh tình trạng “dẫm chân nhau trong công việc”.

Để trở thành đối tác tốt, client nên tin tưởng vào chuyên môn của agency và ngược lại. Giả sử bạn là một Marketer ở phía client, hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân, tại sao bạn lại chọn agency đó để thực hiện dự án lần này?

Câu trả lời đó là vì bạn tin họ, chỉ duy nhất họ mới có thể làm tốt nhất những yêu cầu của bạn. Bạn cũng nên nhận thức rõ, bạn ở phía client, là người hiểu rõ về thương hiệu và tình hình kinh doanh của mình hơn bất cứ ai vì bạn sống với thương hiệu của mình hàng ngày. Tuy nhiên, những kiến thức về xây dựng thương hiệu, hay ý tưởng truyền thông, quảng cáo cần đến bàn tay hỗ trợ của agency.

Có nhiều client hiểu nhầm về vai trò của agency, một trong số đó là agency chỉ là kẻ đứng ở giữa và sẽ làm bất cứ điều gì mà client yêu cầu, ngay cả khi điều đó không chính xác.

Ở phía agency, khi chấp nhận một lời mời kết nối trong dự án hợp tác với client, họ cũng đã phải trải qua quá trình tìm hiểu, đào sâu thông tin về sản phẩm, người tiêu dùng, xu hướng thị trường và cả những tính cách đặc trưng của client.

Từ việc đặt nền móng là niềm tin, mối quan hệ giữa hai chủ thể này mới có thể phát triển lên đến nhiều nấc thang khác trong mối quan hệ công việc.

* Giải quyết việc bất đồng quan điểm và tôn trọng sự khác biệt của nhau

Client và agency là hai mảnh ghép có hệ sinh thái marketing khác biệt về góc nhìn, quan điểm và sở thích. Để giải quyết sự khác biệt, cả hai phía cần phải từ bỏ định kiến về nhau. Có nhiều client hiểu nhầm về vai trò của agency, một trong số đó là agency chỉ là kẻ đứng ở giữa và sẽ làm bất cứ điều gì mà client yêu cầu, ngay cả khi điều đó không chính xác.

Nên giữ thái độ hợp tác, cởi mở để cùng nói chuyện, lắng nghe nhằm tìm ra cách giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Khi vấn đề xảy ra giữa hai bên, sẽ có 2 chiều hướng: vấn đề sẽ được giải quyết triệt để, mối quan hệ vẫn được duy trì và có tiềm năng phát triển, hoặc vấn đề đi vào bế tắc, mối quan hệ đổ vỡ. Niềm tin và sự tôn trọng sẽ là thứ kéo mối quan hệ đó lại và làm triệt tiêu vấn đề. Đây là điều mà agency lẫn client cần phải nắm vững nhằm mang lại hiệu quả tối ưu trong công việc và tạo ra mối quan hệ bền vững cho những dự án tương lai.

Trong nhiều trường hợp, brief chính là mồi nhen lên ngọn lửa mâu thuẫn giữa hai chủ thể này. Vấn đề xảy ra khi brief của client chỉ đi theo 1 chiều và chưa đầy đủ thông tin, khiến agency khó khăn trong việc hiểu về thương hiệu và dự án, dẫn đễn tình trạng làm sai, làm thiếu, làm không đúng yêu cầu của client.

Hoặc xảy ra tình trạng agency yêu cầu brainstorming để cùng nhau thảo luận về dự án hợp tác của cả hai bên nhằm đưa ra một bản brief đúng định hướng nhưng client hời hợt; thậm chí agency làm việc không có trách nhiệm, khi chỉ làm theo những gì client yêu cầu.

Để có một brief đúng định hướng, thay vì chỉ gửi một brief nho nhỏ và im lặng, agency và client có thể chủ động gặp mặt và cùng thảo luận về sản phẩm và giá trị mà doanh nghiệp mong muốn để tránh tình trạng hiểu nhầm “agency đang thử thách client”. Từ đó, brief sẽ được định hướng một cách rõ ràng hơn với những ý tưởng đột phá và cam kết làm việc vững mạnh. Một bản brief đúng định hướng chính là bước thành công đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác giữa client & agency.

Tóm lại, dù bạn ở bất cứ đâu, hãy chủ động làm việc một cách hiệu quả và xây dựng cho mình những mối quan hệ chuyên nghiệp trong công việc để góp phần tạo ra giá trị cho bản thân và sự nghiệp.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Trang Hạnh / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam