Để Mị nói cho mà nghe: Công thức triệu view của MV quảng cáo Tết

Tết Tết Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người

(Ngày Tết quê em – Từ Huy)

Và đến trong những giai điệu quảng cáo mùa Tết đua nhau vang lên rộn rã phố phường.

Để Mị nói cho mà nghe: Công thức triệu view của MV quảng cáo Tết

Xuân đương tới rồi, nhãn hàng nào cũng muốn có MV

Tết là mùa mua sắm lớn nhất của người Việt, thời điểm người người sẵn sàng “mở hầu bao” không nghĩ ngợi vì “Tết mà”. Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 46 ngàn tỉ đồng (1,97 tỉ đô-la Mỹ) cho hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chỉ trong 4 tuần trước Tết 2019, xấp xỉ 1% GDP cả năm, và gấp đôi mức trung bình của những tháng khác 1. Dĩ nhiên, các nhãn hàng không thể bỏ qua mùa cao điểm này, đều thi nhau tung hết lực cho những chiến dịch marketing, quảng cáo khủng.

Với khoảng 50 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, dành trung bình 2,5 giờ mỗi ngày để lướt mạng – theo số liệu của VnExpress – internet là nền tảng đầy tiềm năng để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Việt Nam cũng nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới có thời gian xem cao nhất trên Youtube, và nền tảng này được người Việt dùng nhiều thứ hai, chỉ sau Facebook 2.

Mùa Tết năm ngoái, Youtube chứng kiến lượng tìm kiếm tăng vọt lên 6 lần ở thị trường Việt Nam từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2019 – tương ứng với khoảng thời gian mua sắm nhộn nhịp nhất năm 3.

Quảng cáo bằng video ca nhạc (music marketing) mỗi dịp xuân về đã thành thông lệ vài năm gần đây, nhưng chưa khi nào nở rộ như mùa Tết Canh Tý. Với giai điệu bắt tai, ca từ dễ nhớ, hình ảnh tươi sắc Tết đượm vị xuân cùng thông điệp giàu ý nghĩa, những MV quảng cáo Tết đã thực sự “lọt mắt xanh” khách hàng. Nhiều MV quảng cáo còn được nhiều người xem như sản phẩm âm nhạc thực sự, đón nhận nhiệt thành, thi nhau cover và tình nguyện “cày view”. Điều này clip quảng cáo thông thường không thể mơ tới.

Lượng view của những MV quảng cáo Tết thành công nhanh chóng cán mốc 7 chữ số, không ít bài được được nhiều bạn trẻ yêu thích không thua những bài nhạc xuân truyền thống. Như một lẽ tất yếu, Tết, MV quảng cáo và Youtube cộng hưởng cùng nhau, tạo thành bộ ba quyền năng.

Để MV quảng cáo xôm như Tết

Không còn là “món lạ”, MV quảng cáo Tết phải là “món ngon” thì mới hút khách. Sáng tạo thì muôn hình vạn trạng, nhưng “nguyên liệu” chính để thành công gồm những yếu tố sau.

Dàn sao “khuấy đảo thế giới ảo”

“Được mùa” đóng MV quảng cáo nhất năm nay là Trúc Nhân, với “Aiii chuyện cũ bán hông” quảng cáo cho Mirinda, đạt Top 1 video được xem nhiều nhất toàn cầu trong vòng 24 giờ và leo thẳng vào Top trending Youtube. Trúc Nhân còn đồng hành cùng Samsung trong “Thấy Tết lớn – Mừng Tết lớn” và Knorr với “Có vị nào hơn vị Tết nhà”, sau một năm vô cùng thành công với MV “Sáng mắt chưa” (55,5 triệu view) và “Lớn rồi còn khóc nhè” (gần 34 triệu view).

Đảm nhiệm vai chính, “nam châm hút view” của các MV quảng cáo Tết đều là những ngôi sao triệu fan, có tần suất xuất hiện dày đặc trong showbiz Việt năm 2019. Một sao đã “hot”, khi nhiều sao cùng góp mặt thì mức độ lan toả của sản phẩm càng tăng theo cấp số nhân.

Biti’s Hunter “Đi để trở về” mùa 4 mang sắc thái mới nhờ hoà giọng Soobin Hoàng Sơn cùng Phan Mạnh Quỳnh – tác giả “Có chàng trai viết lên cây” đang nóng trở lại trong phim “Mắt biếc”. Hoàng Thuỳ Linh, cô ca sĩ pop khéo quyện màu dân gian cùng hơi thở thời đại trong album “Hoàng” ấn tượng, kết hợp cùng hai giọng ca nam chất chơi trong làng underground Justatee và Đen Vâu, trong giai điệu đầy giục giã của “Làm gì phải hốt” quảng cáo cho ViettelPay. Bộ tứ “Chạy đi chờ chi” Trương Thế Vinh, Ninh Dương Lan Ngọc, Liên Bỉnh Phát và Jun Phạm cùng diễn nhạc kịch “Lang Liêu hậu truyện” gửi gắm thông điệp an lành từ Vinasoy…

Cất lên nỗi lòng Tết của muôn người

Khi “đang yên đang lành, tự nhiên Tết”, tâm trạng người Việt lại ngổn ngang vô số nỗi niềm khó nói: lo tiền tiêu Tết, đau đầu chọn quà biếu, sợ ăn nhiều tăng cân, sợ đối mặt những câu hỏi không ai muốn đáp như “lương bao nhiêu?”, “thưởng nhiều không?”, “người yêu đâu?”, “bao giờ lấy chồng/vợ?”…

Phim ngắn của Generali thấu hiểu và sẻ chia tâm tư người trẻ, khi áp lực thành công theo khuôn mẫu có sẵn của xã hội, theo kỳ vọng của gia đình khiến họ dần quên đi khát vọng thanh xuân của bản thân. Tên phim ngắn “Sống như ý” vừa nhấn mạnh ước vọng là chính mình, sống cuộc đời mình muốn, vừa là lối chơi chữ duyên dáng khi quảng cáo cho công ty bảo hiểm Ý.

Bích Phương “chào Tết” bằng những bộn bề nội trợ của chị em phụ nữ “sợ Tết như sợ mẹ chồng”, và mong ước một mùa xuân thảnh thơi khi có Co.opmart trợ thủ. Mirinda thành “trưởng ban hoà giải” để ủ rũ ở mãi năm cũ, cho năm mới phơi phới cười vang ha ha ha.

“Làm gì phải hốt” (ViettelPay) dựng nên một hoàn cảnh “toang đến nơi rồi” khi Tết mà hết mana (tiền). Hiểu nỗi lo tích mỡ mùa Tết, Trà Ôlong Tea+ Plus hứa hẹn “Ăn Tết ngon, nhẹ dáng son” qua giọng hát và diễn xuất hài hước của Kay Trần.

“Liên khúc” nhiều tập đến Tết lại lên

Khởi đầu từ Biti’s Hunter với series “Đi để trở về” chào sân năm 2017, đến nay không hiếm nhãn hàng đã tạo cho mình một chủ đề xuyên suốt, và đều đặn trình làng mỗi năm một MV đón xuân. ViettelPay lần thứ hai kết hợp cùng những giọng hát underground để kể chuyện mana mùa Tết. Mirinda nhờ Bích Phương (Tết Kỷ Hợi) và Trúc Nhân (Tết Canh Tý) gửi thông điệp “Chuyện cũ bỏ qua”, trong khi Samsung cũng trùng hợp chọn cùng hai ca sĩ đó cho khúc ca “Mừng Tết lớn” năm 2019 và 2020…

Việc ra mắt MV quảng cáo hàng năm giúp hình thành thói quen, niềm háo hức đón chờ cho khán giả “ruột”, tăng độ phủ sóng và ảnh hưởng của nhãn hàng. Nhưng món ngon ăn mãi cũng nhàm, khi theo mãi cùng một chủ đề, MV quảng cáo càng về sau càng khó gây ấn tượng nếu thiếu những sáng tạo bất ngờ. Thách thức cho người làm quảng cáo vì thế càng cam go.

Nhưng đó là chuyện dài lâu. Còn bây giờ, hãy cùng nâng ly chúc mừng một mùa Tết bội thu của những MV quảng cáo hàng chục triệu view.

Tác giả Nhung Do là copywriter của EloQ Communications. Nhung Do có trên 10 năm kinh nghiệm viết báo, viết sách, dạy học và sáng tạo nội dung. Cuốn sách đầu tiên của cô mang tựa đề “Lửa trời đuôi cáo – 100 câu chuyện Phần Lan” kể về những trải nghiệm văn hoá ở xứ sở ngàn hồ.