Shopee: Gia nhập muộn để trở thành một thế lực
Gia nhập thị trường muộn không phải lúc nào cũng là bất lợi, Shopee là một ví dụ điển hình.
Kể từ khi thành lập vào năm 2015, Shopee đã trở thành trang thương mại điện tử (TMĐT) được nhiều người dùng ghé thăm nhất tại Đông Nam Á. Theo một báo cáo hiện tại của iPrice, Shopee đứng đầu danh mục lượt tải và hoạt động trung bình hàng tháng của người dùng trong khu vực.
Vậy bí mật của thành công này đến từ đâu, dù nhập cuộc “trễ”?
Ông Zhou Junjie, CEO của Shopee chia sẻ, “trở lại đầu năm 2015, chúng tôi nhận thấy TMĐT là một ngành công nghiệp, và trong khi đã có nhiều người chơi tham gia vào cuộc chơi lớn này, thì đây vẫn là một mảnh đất chứa nhiều tiềm năng phát triển với nhiều lĩnh vực mà các đối thủ còn chưa thực hiện hiệu quả”.
Cũng vào thời điểm đó, hầu hết những đối thủ trong ngành TMĐT đều tập trung vào trang web của họ như nền tảng chính. Shopee đã sớm thực hiện một chiến lược khác bằng cách tung ra ứng dụng trên di động để đáp ứng tỉ lệ thâm nhập (penetration rate) sử dụng di động cao tại Đông Nam Á thời điểm đó.
“Đây là một trong những ưu điểm của việc gia nhập trễ. Vì bạn có thể quan sát những điều đang diễn ra, xu hướng là gì và đặc biệt bạn có thể thấy được cách làm khác biệt và hiệu quả hơn”, ông Zhou bổ sung thêm.
Nền tảng thương mại điện tử của Singapore này là một trong nhiều ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Lazada của Alibaba hay Tokopedia của Indonesia. Sự phát triển của những ứng dụng này được thúc đẩy bởi việc áp dụng hình thức thanh toán kỹ thuật số cho thị trường 100 triệu người dùng internet, trị giá hàng tỷ USD tại Đông Nam Á.
Shopee được vận hành bởi SEA, công ty công nghệ mới nổi trong khu vực Đông Nam Á, trực thuộc Garena. Trước khi bước chân vào ngành TMĐT, SEA là công ty phát hành, vận hành và sản xuất trò chơi trên PC và di động.
Cuối cùng, ván cược tiếp cận người dùng di động của Shopee đã được đền đáp khi hơn 90% giao dịch được thực hiện trên ứng dụng, theo ông Zhou.
Để chinh phục thị trường bản địa, Shopee thực hiện chiến lược nội địa hoá và tuỳ biến ứng dụng cho mỗi thị trường riêng biệt.
Thay vì dùng một ứng dụng chung cho toàn khu vực, Shopee tạo ra các phiên bản riêng cho mỗi thị trường. Theo ông Zhou, điều này cho phép công ty giới thiệu những tính năng đặc trưng của mỗi thị trường để thu hút người dùng ở mỗi thị trường như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Philippines.
Ví dụ như tại Indonesia, Shopee đã tạo nên một mục gồm các sản phẩm, dịch vụ nhằm phục vụ riêng cho thị trường với phần đông là người Hồi giáo này. Tại Thái Lan và Việt Nam, nơi mà sức ảnh hưởng của người nổi tiếng góp phần làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, Shopee đã mở các cửa hàng trực tuyến bán các mặt hàng được quản lý bởi những người nổi tiếng hàng đầu.
“Đông Nam Á là một khu vực, nhưng mỗi quốc gia lại là một thị trường khác biệt từ ngôn ngữ cho đến tiền tệ, và cả về năng lực mua hàng”, theo ông Zhou, người đã thừa nhận việc tuỳ chỉnh ứng dụng theo mỗi quốc gia đòi hỏi Shopee phải làm việc nhiều hơn nữa và phải xây dựng công ty tại mỗi quốc gia.
Giống như những đối thủ của mình, Shopee cũng chú ý đến xu hướng “mua sắm như việc giải trí” tăng trưởng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dựa vào kinh nghiệm phát hành trò chơi điện tử của SEA và Garena, Shopee áp dụng trò chơi trên di động, công nghệ phát trực tiếp, chức năng trò chuyện để tiếp cận người mua tốt hơn và khuyến khích họ mua sắm trực tiếp ngay trên nền tảng.
Shopee tập trung phát triển mô hình C2C (Customer to Customer) và tạo ra Shopee Mall – một nơi mà người mua có thể mua hàng trực tiếp từ nhiều thương hiệu. Trước đây hình thức này rất phổ biến với những người bán hàng “rong” trên các nền tảng như Facebook, Instagram trong khu vực.
Khi tham gia những nền tảng như Shopee hay Lazada, người bán hàng nhận được sự hỗ trợ tốt hơn về thanh toán, logistics và đặc biệt là nền tảng người dùng tích hợp. Đổi lại, Shopee kiếm tiền bằng việc chạy quảng cáo, tính phí cho các dịch vụ cung cấp cho người bán và cắt giảm phí giao dịch ở những thị trường nhất định.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong ngành TMĐT, nhưng Shopee vẫn nằm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ, trong đó phải kể đến Lazada vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 4 tỷ USD từ Alibaba năm 2018.
Và trong khi nền tảng TMĐT đến từ Singapore này đang dẫn đầu Đông Nam Á về số người ghé thăm trang web và lượt tải về, thì Lazada lại trở thành ứng dụng có nhiều người dùng hoạt động hàng tháng nhất tại các thị trường như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.
Nhưng ông Zhou có vẻ như không tỏ ra lúng túng trước cuộc cạnh tranh này: “Cạnh tranh không phải là điều xấu, điều này chứng minh rằng thị trường đang sở hữu nhiều điều thú vị và tiềm năng phát triển”, thêm vào đó, nhiều tay chơi trong ngành có thể giúp đưa nhiều người mua và người bán hơn gia nhập TMĐT để phát triển toàn bộ ngành.
Vị CEO này nói rằng khi các thương hiệu mở rộng quy mô kinh doanh sẽ càng giúp họ nổi bật hơn trong tương lai: “Khi thị trường phát triển, chúng ta nên ở một vị trí mạnh hơn nhiều để nắm bắt tỷ lệ tăng trưởng lớn hơn”.
* Nguồn: krASIA