Elite Program Development (hay "Hành trình hóa siêu nhân")
[ Note: rất dài, cần sự cân nhắc nghiêm túc trước khi đọc và chỉ thích hợp cho những ai quan tâm đến marketing]
Ngoắt một cái, thế là mình đã kiên cường bơi bơi trong hành trình này được gần 4 tháng rồi. Đôi khi, những chuyện chẳng ngờ đến cứ thế nhảy cái èo vào cuộc đời mình. Đôi khi, cũng khó mà tin được vào sức lực của chính mình – trong cái thử thách dài hơi nhất mà mình từng đối mặt.
Là thử thách, thật đó! Ai sao không biết, chứ mình không nhìn Elite Program đơn thuần chỉ là một vận may, hay một cơ hội để thứ 7 mỗi tuần được dịp nghe ngóng vài điều mới mẻ như các buổi workshop khác vẫn đang làm đều đặn. Không hề, Elite Program không như thế! Elite Program không phải là nơi mà bạn có thể ung dung nhấp vào 1 cái link trên mạng, đăng kí thông tin, rồi cứ thế nhẩn nha chờ đến ngày được tham dự, ngồi trong một quán nào đó nghe chuyện, uống 1 ly cà phê rồi về. Elite Program không nhằm vào những việc ấy! Thay vào đó, là những áp lực mà các Eliters đã quen gọi là “Elite Phobia”. Là mỗi thứ 6 với hai bài tập cực khủng mà từ thứ 2 đến thứ 5 cứ phải gọi là họp hành liên miên, vào các buổi tối sau 1 ngày thật dài, hoặc lắm lúc còn tranh thủ 1 tiếng rưỡi giờ nghỉ trưa. Một đám người trẻ cứ phải chạy chạy chạy. Nhưng đây không chỉ là áp lực “bài tập khi đến lớp” như lẽ thông thường. Cực, nhưng nhận thức rằng chẳng có vận may, cơ hội nào là miễn phí cả. Muốn được dạy, thì phải chủ động tự học trước ở nhà. Sau khi được dạy rồi, thì phải cho ra kết quả. Là cả một quá trình. Như thể phải ra vườn, hái dâu, rửa sạch, thái nhỏ, bỏ vào máy xay, rồi mới cho ra một ly sinh tố thơm ngon để mà uống. Người ta đã tạo cơ hội cho mình bước vào đường đua, thì việc chạy đến đích phải là chuyện của mình, nhất định không thể là chuyện của ai khác được.
Mào đầu dông dài quá, bơi vào mục đích chính của cái note này nào: nhật ký biến đổi thành siêu nhân =]]]] Đùa chứ từ bây giờ ngoài recap vào cuối mỗi buổi học, mình sẽ note lại thêm một lần nữa vào note này. Recap freestyle quá, cảm xúc tự trào vẫn là chủ yếu. Note thêm vào đây những “bài học lớn” mà mình rút ra được. Lâu lâu lại đọc, để biết mình đã, đang và sẽ còn “biến đổi” như thế nào :D
Tuần 1: Marketing ultimate goal: Serving the needs of consumers – Trở lại căn nguyên của vấn đề
Còn nhớ trước buổi học đầu tiên này, bản thân đã rất căng thẳng. Không biết mình sẽ được học những gì, và có thể hiểu hết những điều đó không? Một đứa ngoại đạo như mình chả biết gì nhiều, sẽ phải “ứng xử” thế nào trong lớp? Cái cảm giác như thể bạn đi thi bắn cung trong khi trước giờ bạn chỉ biết bơi vậy đó! Trước buổi học, cũng tự trả lời cho câu hỏi mục tiêu của marketing là gì? Là kim chỉ nam và mang tính quyết định cho cả 1 business, nói chung là phải khủng khiếp lắm. Sau buổi học mới thấy: chỉ đơn giản là thỏa mãn nhu cầu khách hàng, vậy thôi! Bài học đầu tiên: hãy trở lại căn nguyên của vấn đề:
- Người ta khát khao điều gì, bắt nguồn từ đâu, tại sao lại thế, những thứ ở hiện tại vì sao lại không đủ để thỏa mãn? Học được rằng: hãy tập tư duy biện chứng, đặt câu hỏi tại sao và tại sao không!
- Quên cái việc học thuộc các định nghĩa sách vở đi. Thuộc, không đảm bảo cho sự hiểu. Thay vào đó, hãy đọc chúng, tự nghiền ngẫm, và diễn giải lại theo cách của mình. Cho tới khi nào bản thân có thể diễn giải mọi vấn đề theo cách ngắn gọn và đơn giản nhất, khi ấy ta mới thật sự hiểu.
- Mọi thứ chúng ta làm đều vì khách hàng. Vì thế, bắt buộc phải hiểu họ. Hiểu, chứ không phải là chỉ biết về họ. Đối xử với tâm tư tình cảm như người đang yêu ấy! Nếu không làm được điều ấy, đừng hy vọng “cuộc tình” này sẽ đi đến kết quả.
Tuần 2: Market research – Sống sót trong rừng xanh!
Nói đến market research, là nói đến khảo sát nè, thống kê nè, số liệu nè, phân tích nè. Nghe thôi đã muốn chết ngộp trong mớ rừng ấy rồi. Chẳng đùa! Nếu không biết mình muốn gì, cần tìm hiểu cái gì; nếu không biết cách “thấy”, chắc chắn là sẽ chết bơ vơ trong rừng xanh ngay và luôn! Market research là vũ khí không thể thiếu cho bất kì trận chiến nào, nhưng đó là chỉ khi bạn có “kỹ năng sinh tồn” để tìm được lối ra trong cánh rừng thông tin ấy. Giỏi tính toán, tổng hợp, thống kê thôi chưa đủ. Quan trọng hơn cả là xác định mục tiêu ngay từ đầu và bám lấy mục tiêu ấy. Đọc số và hiểu số là hai vấn đề khác nhau. Không phải việc gì cũng ào vào khảo sát, và một bảng khảo sát đầy chữ đầy câu hỏi chưa hẳn đã có nghĩa. Đừng quên việc hiểu biết về “người” nữa - biết người biết ta, trăm trận mới trăm thắng mà!
Note lại một số quan điểm hay ho, rất là “insightful” lượm lặt được trong buổi học:
- Consumers define your success
- Start with an ending mind
- Brand love is the key. Because once you love someone/something, every comparison will be ridiculous.
Tuần 3: Brand tasks & brand essentials – Brand là một con người!
Đến buổi học này mới ý thức sâu sắc được rằng: nếu nhìn brand dưới hệ quy chiếu của con người, nhiều điều sẽ mặc nhiên trở nên rất đơn giản. Đừng chỉ nghĩ rằng, làm branding là tung hoa múa lụa cho một doanh nghiệp nào đó, một sản phẩm nào đó. Hãy nhìn brand dưới hình hài và tính cách của một con người, để thấy:
- Without character, you are no one: Thất bại của một con người là bản thân bị lu mờ, bị chết chìm trong cuộc sống. Brand cũng vậy. “Brand is what people talk about you when you are not there”. Anh tồn tại nhưng anh không được ghi nhớ, vì một điều gì đó bất kỳ, cũng chẳng khác gì anh chưa từng tồn tại. Vì thế, brand – hay mỗi con người chúng ta – đều cũng phải mang trong mình một dòng máu, một tính cách, một “màu” nhất định. Branding là việc xây dựng nên hình ảnh đó, nhất quán thể hiện và truyền tải nó đến với mọi người xung quanh. Với mình, điều này đã vượt xa một bài học về marketing rồi. Nó là một bài học lớn về việc tồn tại và khẳng định mình trong cuộc sống. Bạn là ai? Nhắc đến bạn, mọi người sẽ bật thức được ngay “key word” nào? Điều đó có nhất quán không, hay bạn chỉ như một con tắc kè hoa lúc này lúc khác? Xuất hiện trước mặt mọi người thì dễ, ở lại trong tim, trong đầu họ mới khó!
- Hãy đẹp có nội dung: Bạn thích một cô chân dài não ngắn hay một cô chân không dài lắm nhưng não có nội dung? Tương tự, bạn thích một brand chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng rỗng tuếch bên trong, hay brand như một người con gái có chiều sâu? Nhớ rằng, hình thức lẫn nội dung là hai yếu tố quan trọng ngang nhau trong mối tương quan tài – sắc này. Qua rồi cái thời chỉ cần tốt gỗ mà chẳng cần đến nước sơn. Cái đẹp vẫn luôn được trân trọng; brand ta “đẹp”, ta có quyền!
- Mọi mối quan hệ đều bắt đầu bằng lời hứa và niềm tin: Trong mối quan hệ “yêu đương” giữa brand và consumer, cũng không ngoại lệ. Mọi sự đều bắt đầu bằng lời hứa. Ừ tôi thấy anh cũng có vẻ sáng sủa, nhiều người bảo anh cũng hay ho lắm. Anh cũng hứa rằng sẽ mang đến cho tôi niềm vui, hạnh phúc, một tương lai tốt đẹp. Anh ấy không chỉ hứa, mà còn thực hiện trọn vẹn lời hứa ấy mỗi ngày. Thế là tôi tin anh. Thế là mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu và được duy trì tốt đẹp! Tôi là người tiêu dùng, còn anh ấy chính là brand.
Tuần 4: Translating consumer insight into brand big idea & strategy – Này những người trẻ, muốn bay thì phải học bay trước đã. Và, bay vừa thôi!
Trước giờ mình nghĩ khái niệm “sáng tạo” chỉ mang tính thiên phú ở một số con người nhất định, và sáng tạo thì phải thật bay, thật tùy hứng, đại loại thế. Bước vào buổi học mới vỡ lẽ ra rằng bất cứ ai cũng có thể sáng tạo, và tin hay không tùy bạn, nhưng sáng tạo là cả một bộ môn khoa học chứ chẳng phải chỉ thỉnh thoảng thăng hoa cho vui. Nhìn lại mới thấy hóa ra lâu nay mình brainstorm kiểu rừng rú gì ấy, chỉ giỏi ngồi nghĩ ngợi, pop-up ý tưởng lung tung, thẳng đi theo bất cứ logic nào cả mà cứ tự cho là sáng tạo. Hôm nay học được rất nhiều phương pháp hay ho để hình thành nên ý tưởng, tuyệt vời ông mặt trời. Hai câu thần chú cần ghi nhớ:
- Life has no order as you want! Cứ nhất nhất làm theo thứ tự rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy ư? Quên đi! Có khi phải build từ cái nhỏ nhất mới lên được cái lớn hơn, nhưng cũng có khi cái lớn nảy ra từ những cái nhỏ xíu. Hôm nay được quay như dế, cứ 10 phút là ra khỏi ghế, 10 phút lại vào, liên tục. Vừa tiếp thu, vừa thực hành, vừa thử nghiệm, vừa chỉnh sửa, vừa tự đúc kết.
- No idea - killing, please! Với người trẻ, chỉ cần một chút tập trung, một chút kích thích, một chút phấn khích là ý tưởng có thể nhảy ra tứ tung. Nhưng số lượng ý tưởng bị kill từ trong trứng nước cũng tỉ lệ thuận. Chúng ta cứ pop – up ra ý tưởng này, chưa thèm phân tích đã vội thấy nó có vấn đề, rồi dẹp ngay nó qua một bên, nghĩ cái khác, rồi lại dẹp, cứ thế hết ngày, để rồi hoặc là chả đi đến kết thúc tốt đẹp, hoặc lấy bừa một cái ý tưởng tàm tạm nào đó vờ như có kết thúc tốt đẹp. Khi ý tưởng nào đó được nảy sinh, hãy cố gắng phát triển đến tận cùng của nó, sau đó đánh giá, chọn lựa và quyết định.
Tuần 5: Grand Presentation 01 – What’s in, what’s out
Sau 4 tuần tiếp thu, là lúc “cho ra” những gì đã được dung nạp. Ở 4 tuần trước, mỗi tuần đều chuẩn bị dần cho Grand Presentation này. Thế mà đến phút cuối, “thử thách” chính là việc đổi nhóm, yêu lại từ đầu, xây lại từ đầu. Lần đầu tiên nếm trải cảm giác mọi thứ bị đẩy lên cùng cực, phải chạy chạy chạy hết sức, não hoạt động hết công suất cho các buổi họp kế tiếp nhau. Ý thức sâu sắc rằng: từ điều mình được truyền đạt đến điều mình hiểu là một khoảng cách, đến điều mình áp dụng lại là một khoảng cách khác xa hơn nữa. Có bắt tay vào làm mới thấy trời ơi đất hỡi, thấy mình còn lấn cấn nhiều thứ quá. “Đứa con tinh thần” của nhóm tuy có đẹp – độc – lạ, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần phải xem xét:
- Xác định rõ mình cần biết cái gì và khảo sát thế nào để có được điều ấy. Không phải cứ lên mạng tìm kiếm thông tin, đi hỏi người này người kia, quăng khảo sát lên mạng nhờ bạn bè thực hiện là sẽ có được điều mình muốn.
- Concept vẫn chưa thành hình rõ ràng, chưa rắn chắc từng lời từng chữ.
- Chưa xét đến độ đúng sai, nhưng mạch tư duy phải thật chắc.
- Làm gì cũng phải suy xét xem mình có đang đi đúng hướng không, có logic không, tránh tình trạng “bài viết của em rất hay nhưng lạc đề”.
- Hãy xác định sân chơi trước: Sau cùng rồi thấy phân tích tổng thể thị trường theo lời các anh chị cũng…..đâu có khó lắm, mà mình làm chi cho rắc rối cho tự khổ vậy không biết nữa! Quan trọng nhất là phải start with business objective! Cuối cùng rồi chúng ta cũng làm kinh doanh mà! Bữa mình tự suy nghĩ: marketing là nghĩ cách tiêu tiền làm sao mà thu về được nhiều tiền hơn Đó cũng là cái níu chân 1 người làm marketing xuống mặt đất! Xác định phân khúc, nhìn được sự tăng trưởng của phân khúc đó trong tương lai, tìm nhu cầu nào chưa được thoả mãn… Tìm sân chơi trước đi, rồi học cách chơi, sau đó hãy chơi một phát phá đảo luôn!
Cố gắng nào, chúng ta sẽ còn phải đi rất xa!
Tuần 6: Brand Innovation – “Distinguishes between a leader and a follower” (Steve Jobs)
Trước buổi học, mình từng nghĩ innovation là điều gì đó ghê gớm oai hùng lắm. Như các siêu nhân có sức mạnh làm thay đổi cả thế giới, nhưng những chuyện xưa nay hiếm thấy. Nhưng học rồi mới thấy, brand innovation đúng thật là điều tuyệt vời, nhưng là điều dĩ tất mà các marketers phải luôn nghĩ đến mà làm, chứ chẳng phải chuyện của riêng siêu anh hùng hay nhà bác học nào. Thương trường là chiến trường. Không tiến, ắt phải lùi. Innovation sẽ cho thấy rất rõ ai là người dẫn đầu, còn ai chỉ là kẻ theo sau. Hiểu rõ về innovation, để thấy innovation là điều hoàn toàn có thể làm được:
- Hiểu biết rõ về chính ngành hàng của mình, sản phẩm của mình trước: Như một câu nói trong phim Captain Phillip mà mình rất ấn tượng: “Whatever would happen, remember that: We know the ship. They don’t!” Thấy những anh chị thật sự rất rất hiểu về ngành hàng và sản phẩm của mình, hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc, xuất xứ làm sao, công đoạn thế nào, tác dụng chính và phụ, điểm yếu và yếu điểm, key words… Còn học sinh này thì mỗi lần làm bài tập chỉ bơi bơi qua các brand và product, cứ cho là mình cũng có hiểu biết về nó mà, nhưng thật ra chỉ biết một chút xíu xìu xiu. Hời hợt hết sức!
- Ví như ai cũng ngon, thì cái ngon của mình có gì đặc biệt? Câu hỏi này nhắc nhớ về việc hãy luôn đào sâu vấn đề và trong quá trình đào sâu đó, phải gắn brand mình vào, những cái “của mình, thuộc về mình”. Bây giờ, khách hàng đã được nghe quá nhiều tính từ. Xung quanh họ, cái gì cũng ngon cũng tốt. Vậy nên mình phải cho họ lí do để họ chọn mình. You have to be different to be remembered!
- Tất cả đều bắt đầu từ insight: Thật thú vị là mỗi anh chị trong ngành đều có những bí kíp rất riêng cho mình, đơn cử là cách hiểu, cách định nghĩa về insight, mỗi người đều có một dấu ấn rất riêng. Như quan điểm của anh Empower hôm nay: cứ chiết tự ra để nhớ thôi: là những cái “in” từ những cái “sight”. Insight là consumer need/desire + BUT – why can’t be satisfied (brand’s job). Từ định nghĩa này thấy “đám mây đen” mang tên insight đang vần vũ trong đầu có vẻ tản ra được chút chút. Chộp được một câu rất rất hay: Observation is something found. Insight is something thought!
Tuần 7: Brand Communication – Hãy cho tôi biết anh là ai?
Brand mình có concept hay, mình tự sướng âm ỉ với nhau. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nói điều đó như thế nào, truyền đạt thông điệp ấy thế nào với người tiêu dùng. Và, hãy cẩn trọng với điều mình nói!
- Communication vs reality: Hôm nay được một chị rất có thâm niên trong ngành chia sẻ những case study hay để học hỏi. Communication rất tốt, rất hay, được đánh giá rất cao. Thế nhưng reality lại là một vấn đề rất khác. Anh bảo rằng bánh anh ngon, ăn rất vui. Ok tôi tin đấy, thế nhưng tôi tìm mua khó quá: cả canteen trong trường lẫn bà bán tạp hóa gần nhà đều không có; giá thì cao mà bánh chẳng có bao nhiêu. Thế là coi như xôi hỏng bỏng không! Nói thì dễ làm thì khó, là thế! Không thể chỉ nói suông, mà rất nhiều bộ máy khác cũng phải được vận hành nhất quán với lời nói ấy. Communication cũng là con dao 2 lưỡi!
- Emotion eats logic for breakfast: Câu nói gây rùng mình trong ngày. Đúng là chúng ta đã qua cái thời đánh nhau bằng functional, phải chuyển qua mặt trận emotional hết rồi. Nhưng vẫn phải luôn có sự cân bằng nhất định giữa hai yếu tố này. Tuy nhiên, emotion vẫn có sức mạnh ghê gớm nếu chúng ta có thể touch được nó. Love is blind, whatever kind of love it is!
- Talk WITH consumer, with CONSUMER language: Sau cùng thì, những người mua sản phẩm của chúng ta chính là người tiêu dùng. Vậy nên, phải nói cho họ nghe, bằng ngôn ngữ của họ. Con ngựa không thể bảo con trâu ăn cỏ khi nói chuyện với nó bằng tiếng con gà. Sai lầm lớn nhất của marketers hay advertisers chính là cứ thao thao bất tuyệt với nhau, và bằng những lời quá sáo rỗng, quá giả tạo hay quá khó hiểu. Người tiêu dùng đôi khi cũng rất đơn giản, và họ cũng biết yêu bằng tai!
Tuần 8: Brand Activation – Practice what you preach
Trong lúc tìm hiểu để làm bài tập trước buổi học, mình đã tự vẽ nên một “bức tranh thiên nhiên” về topic này. Brand activation platform chính là mảnh đất mà từ đó, mình có thể trồng nhiều cái cây brand activation ideas, với các cành lá là brand activation channels. Đôi khi, tự hiểu theo cách của mình cũng tốt, nhỉ!
Đã nói ở brand communication, thì phải làm ở brand activation. Hứa, thì phải thực hiện trọn vẹn lời hứa đó. Nói 1 mà làm 10 thì người ta lại càng trân trọng anh. Miễn đừng có nói một đằng, làm một nẻo.
Tuần 9: Overall media understanding & media planning – Just a huge work!
Mình đã đến với buổi học này với một sự lo lắng không hề nhẹ. Trước giờ, media với mình là một khái niệm quá rộng, chẳng biết thế nào mà bơi cho hết. Thật hạnh phúc là chị Empower hôm nay đã cho tất cả thấy nó không quá khó như ta tưởng. Và để nói về tất cả những gì đã được truyền đạt hôm nay, về media, chỉ bao gồm trong 2 từ thôi: huge work! Chính vì mảng media rất rộng, nên để có thể do, track & control đòi hỏi công sức của rất nhiều người, với rất nhiều việc phải làm. Ấy vậy mà khi hỏi đến “bí kíp sống sót”, chị chỉ nhẹ nhàng buông một câu: Đừng bao giờ làm việc gì chỉ với nửa trái tim!
Đến tuần thứ 9 này, hạnh phúc nhận ra rằng những điều mình học được không chỉ có kiến thức, mà còn là cuộc đời, là phong cách sống, là cảm hứng bất tận và sức mạnh được truyền từ các anh chị Empower. Như hôm nay, chị Empower là một trong số những người hiếm hoi mà mình cho rằng sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình. Chị là người khiến mình có ý nghĩ nghiêm túc rằng nên dành tất cả thời gian rỗi chui vào nhà sách đọc hết các quyển về đời sống, xã hội, văn hóa, con người Việt Nam trước khi quá muộn. Chị khiến mình thật sự tin vào câu nói: “Sometimes, people with the worst pasts end up creating the best futures”, sau những câu chuyện “có thể viết thành sách” mà chị chia sẻ. Chị là người mà mình thật sự ngưỡng mộ từ vấn đề về kiến thức, kinh nghiệm sống, lẫn thái độ sống, cách sống, cách đối diện với mọi thứ trong cuộc đời này. Chị khiến mình thấy bản thân mỗi con người nên hiểu rằng mình cần phải vươn xa hơn nữa, và không có gì đẹp hơn là khiến cho bản thân mình tốt hơn và cuộc đời này tốt hơn.
Và chiều nay mình đã cảm thấy rất hạnh phúc khi ý thức được bản thân đang dần bước vào giai đoạn nhìn nhận và trưởng thành của cuộc đời.
Tuần 10: Grand Presentation 02 – Far more to go!
Những tưởng đến bài thuyết trình thứ 2, mọi thứ sẽ dễ thở hơn. Nhưng mình đã nhầm! Cả nhóm lại một lần nữa xây lại từ đầu. Rồi thì người đi học, người đi làm, người chỉ rảnh tối 2 4 6, người chỉ trống tối 3 5 7. Lần đầu tiên trong đời mà mình cứ đi họp liên tục vào các buổi trưa ngắn ngủi. 9h tối của ngày cuối cùng, cả nhóm còn ngồi rị mọ với nhau, chưa an lòng một số thứ, và cũng tự wow một số thứ.
Và quả thật là lần thuyết trình thứ 2 này chẳng dễ thở hơn chút nào. Các anh chị lắng nghe từng lời, đánh giá từng ý một, rất thực tế và rất sát. Các nhóm cứ gọi là bù trừ cho nhau, nhóm này mạnh phần này, nhóm kia mạnh phần kia. Gía trị của những buổi thuyết trình này là ở đó! Là thời điểm mà chúng ta thật sự làm những gì mình học, để biết mình đã hiểu đúng hay chưa, hiểu tới đâu rồi, vì những lý do gì mà còn nhiều hạt sạn. Là lúc thấy được toàn bộ mindset và process của những nhóm khác để học hỏi và hoàn thiện mình hơn. Là khi thấy rằng mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa; đường còn dài, còn dài!
Tuần 11: Digital Marketing – Do great work instead of good work!
Lại một topic khá khoai như mảng media. Và một lần nữa, hạnh phúc thay, lại được anh Empower khiến cho cảm thấy rất “an lòng”. Ai cũng tự tin mình có thể “làm” trong mảnh đất digital màu mỡ này. Nhưng hiểu đúng và làm một cách thông minh lại là chuyện khác!
- Start with a good foundation: Thời điểm này việc tạo ra một trang web doanh nghiệp, một fanpage, chạy banner quảng cáo các thứ là điều không khó. Thế nhưng đến một trang web còn không ra hồn thì tạm quên những thứ gọi là strategy đi. Hãy tận dụng tối đa những tài nguyên mà mình có trước, đầu tư và xây dựng nó thật tốt trước đã, rồi hãy tính đến chuyện làm campaign trên digital.
- Before driving a Ferrari, let’s try a Beetle first: Platform digital rất tiềm năng, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ vung tay quá mức cần thiết để làm mọi cái có thể. Quan trọng nhất vẫn là hiểu nền tảng cơ bản chứ không phải chạy theo mốt.. Khi mà ai cũng có thể làm, thì chúng ta cần phải chú trọng việc làm thế nào cho tốt nhất, cho hiệu quả nhất. Biết được rằng chúng ta nên chọn gì và bỏ qua điều gì, đó mới gọi là tối ưu hóa.
Tuần 12: Strategic Planning of Advertising PR - All about conversation & relationships
Sau bao tháng ngày chờ đợi mòn mỏi, cuối cùng cũng được học một buổi cho chính “anh chủ nhiệm” đứng lớp.
Điều đáng chú ý số 1 của buổi học chính là cái thời điểm mình vừa nghe, vừa suy nghĩ rằng nếu đem 3 tháng của khóa học PR vào năm ngoái và 5 giờ đồng hồ của ngày hôm nay lên bàn cân, chưa chắc cái cân ấy sẽ nghiêng về bên nào!
Điều đáng chú ý số 2 là lượng kiến thức mà mình đã học được. Bị thích khi chạm đến cái gọi là “PR nguyên bản”. Đỉnh cao của PR là biến audience thành media. Paid ư, scandal ư, không bàn đến nữa nhé!
Điều đáng chú ý số 3 là phát hiện bản thân được truyền cảm hứng nhất là case study về campaign mang tính cộng đồng. Ví như khi ngồi trong lớp mà muốn rơm rớm nước mắt khi xem clip campaign của Dove hay We care for her, dù trước đó tất nhiên đã xem mấy lần rồi. Phát hiện rằng bản thân có cảm hứng lớn nhất với những vấn đề thuộc về cuộc sống – xã hội hơn là business. Thật tốt biết bao khi những gì mình làm mang đến ý nghĩa, giá trị tốt đẹp cho xã hội và cuộc sống. Mình thì chưa có cơ hội và khả năng làm điều đó, nhưng mình nghĩ cảm giác ấy sẽ rất rất ngọt ngào và đáng tự hào. Đó mới thật sự là tinh hoa của nghề, là điều đáng để hướng tới, đúng như lời anh chủ nhiệm đã từng nói. Chẹp, một vấn đề cần phải suy nghĩ nghiêm túc cho tương lai đấy!
Điều đáng chú ý số 4 là video clip mà anh chủ nhiệm cũng rất tâm huyết: chỉ vài phút ngắn ngủi thôi mà nói hết những điều cần phải nói về PR:
Điều đáng chú ý số 5 chính là việc…..bản thân chả biết phải recap thế nào cho buổi học này – buổi học của chính anh chủ nhiệm. Giống như việc bạn chuẩn bị cả một bài diễn văn nhưng đứng trước mặt người yêu thì không thốt nên lời vậy. Biết phải nói sao nhỉ, bản thân mình không xem anh chỉ như một “chủ nhiệm” hay empower, mà là một trong những người đặc biệt có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ấy. Nói gì cho đủ nhỉ, khi nếu không có anh, sẽ không có tất cả: Không có Young Marketer, không có Elite Program, không có những bài học này, không có những đứa em của ngày hôm nay. Là người luôn động viên khi đứa em nào đó tâm sự sự rằng nó thấy mình yếu kém và vô dụng, với một câu chốt hạ chắc nịnh: Anh tin ở em! Là người thấy đứa này còn yếu, làm sao để kéo nó lên, hay đứa này khá, phải tạo thêm áp lực cho nó khá hơn mới được. Là người luôn cố gắng “đóng vai ác” trong quá trình làm chủ nhiệm của mình, nhưng mấy đứa nhỏ thì dù có than khóc năn nỉ ỉ ôi thế thôi chứ vẫn luôn cười hề hề. Thôi chẳng nói nữa, ngại lớm, có những điều chỉ nên giữ trong tim ;)
[ to be continued ]