Outbound marketing và Inbound marketing - Đâu là hình thức marketing của tương lai?
Outbound marketing hay Inbound marketing từ lâu đã là cuộc tranh luận không hồi kết của các marketers hiện đại. Hình thức marketing nào hiệu quả hơn? Hình thức nào tiết kiệm chi phí và mang lại lợi nhuận cao hơn? Hình thức nào xây dựng thương hiệu lâu dài và bền vững?
Để hiểu một cách đơn giản, Outbound marketing là hình thức marketing tập trung vào việc đẩy và quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ đến khách hàng với mục tiêu bán hàng. Trong khi đó, Inbound marketing là hình thức tìm kiếm và thu hút sự quan tâm và chú ý của khách hàng bằng cách cung cấp những nội dung giá trị và chất lượng theo cách cá nhân hóa. Nếu khách hàng nhận thấy những giá trị và cảm thấy thu hút bởi dịch vụ cung cấp, họ sẽ là những người chủ động tìm đến các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. (Nguồn: Làm sao để vận hành chiến dịch Inbound Marketing từ A đến Z)
Outbound marketing - những hạn chế của hình thức marketing truyền thống
Outbound marketing là hình thức marketing truyền thống và không còn mới lạ đối với các marketer. Ưu điểm của Outbound marketing đó là khả năng phủ sóng rộng rãi trên các tập khách hàng với các kênh tiếp cận khác nhau: quảng cáo truyền hình, banner quảng cáo trên internet và ngoài trời, spam email, cold-call, quảng cáo radio,...
Nhưng cũng chính vì đặc điểm này, những thông điệp được sử dụng cũng rất chung chung và tổng quát để phù hợp với nhiều đối tượng. Chính vì vậy, điểm yếu của hình thức marketing này là độ cá nhân hóa không cao, và không giải quyết được nhu cầu và khó khăn cụ thể của tập khách hàng tiềm năng sẽ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Theo Forbes, trung bình một ngày, một người sẽ tiếp cận từ 4.000 - 10.000 thông điệp quảng cáo qua quảng cáo truyền hình, các banner quảng cáo ngoài trời và trên internet. Và họ sẽ không quan tâm đến hầu hết trong số đó.
Đáng nói hơn, những hình thức Outbound marketing khác như cold-call hay spam email bắt đầu tạo cho khách hàng sự khó chịu và khách hàng cảm thấy đang bị làm phiền. Điều này tạo ra cái nhìn tiêu cực và không có thiện cảm của khách hàng đối với doanh nghiệp hoặc nhãn hàng. Như một hành động đáp trả lại, nhiều người đang có những hành động né tránh trở thành mục tiêu của Outbound marketing (theo báo cáo của HubSpot):
- 91% người dùng email đã bỏ đăng ký khi những nội dung được gửi đến họ không phải những vấn đề họ quan tâm.
- 86% người dùng bỏ qua những đoạn quảng cáo trên TV.
- Sự trỗi dậy của những nền tảng nghe nhạc như Spotify hoặc radio vệ tinh làm người dùng dễ dàng bỏ qua quảng cáo trên radio.
- 44% mail được gửi trực tiếp đến hòm thư sẽ không bao giờ được mở.
- Tỉ lệ phản hồi đối với các biển quảng cáo outdoor < 1%.
- 84% người từ độ tuổi từ 25-34 rời bỏ website vì có quá nhiều quảng cáo hiển thị.
Và trái ngược với Oubound marketing, Inbound marketing đang trở nên được ưa chuộng những năm gần đây với ưu điểm thân thiện hơn, "con người" hơn, cá nhân hóa hơn trong việc tiếp cận khách hàng.
Inbound Marketing - hình thức Marketing của tương lai?
Hãy nhớ về lần cuối cùng bạn mua hàng, bạn có đưa ra quyết định vì một quảng cáo trên TV? vì một cuộc điện thoại cold-call mời chào? hay bạn đã lên mạng, tìm kiếm Google về vấn đề đang gặp phải và tìm ra phương án tốt nhất cho vấn đề của mình? Đây cũng chính là cách Inbound marketing vận hành.
Nếu như Outbound marketing là đẩy thông điệp tới lượng lớn khách hàng thì Inbound marketing là một thỏi nam châm thu hút khách hàng. Thay vì gửi thông điệp hàng loạt đến những khán giả không quan tâm, Inbound marketing hướng đến việc thu hút các khách hàng tiềm năng nhất.
Inbound Marketing hướng đến khách hàng tiềm năng bằng cách tạo và chia sẻ những nội dụng content hữu ích, bắt đầu từ những chủ đề là mối quan tâm, lo ngại, những thông tin hữu ích dành cho khách hàng. Những nội dung này sẽ được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình người mua hàng (Buyer's journey) (Nguồn: Làm sao để vận hành chiến dịch Inbound Marketing từ A tới Z)
- Giai đoạn nhận thức: khách hàng tìm kiếm những vấn đề họ đang gặp phải và những giải pháp tiềm năng
- Giai đoạn cân nhắc: khách hàng so sánh những giải pháp khác nhau cho vấn đề của họ
- Giai đoạn quyết định: khách hàng đưa ra lựa chọn cuối cùng và mua hàng.
Khách hàng sẽ tìm thấy doanh nghiệp khi họ tìm kiếm những vấn đề họ quan tâm bằng cách gõ các từ khoá trên công cụ tìm kiếm. Việc của những người sáng tạo content đó là tạo ra những content giá trị thực sự cho khách hàng và trở thành một nguồn đáng tin cậy để khách hàng tham khảo và tin tưởng. Đây là bước đầu tiên - Thu hút khách hàng (Attract).
Sau khi thu hút khách hàng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục các chiến lược nuôi dưỡng khách hàng bằng việc cung cấp những nội dung cá nhân hóa khác nhau đến khách hàng. Nếu chuyển đổi thành công, khách hàng sẽ trở thành người mua hàng. Đây là giai đoạn Chuyển đổi khách hàng (Convert) và Chốt sales (Close). Chưa dừng lại ở đó, sau khi khách hàng mua hàng, các chiến lược giữ chân khách hàng (Retention) tiếp tục được triển khai để tiếp tục cung cấp giá trị sau bán cho khách hàng (giai đoạn Delight).
Những con số biết nói về Inbound Marketing
Inbound marketing có thực sự tạo ra hiệu quả không? Hãy nhìn vào những số liệu sau của Deamandmetric về hiệu quả và những giá trị Inbound marketing mang lại:
- Inbound marketing tiết kiệm 62% chi phí cho doanh nghiệp hơn Outbound marketing.
- 57% người dùng online xem nội dung ít nhất 1 tháng/lần và người dùng trung bình dành 20% tời gian online của họ để đọc content và nội dung
- Với mỗi đôla bỏ ra, inbound marketing tạo ra gấp 3 lần leads so với outbound marketing
- 70% khách hàng muốn tìm hiểu về một công ty qua content hơn là qua quảng cáo
- Những content chất lượng, liên quan và cung cấp thông tin giá trị tăng tỉ lệ hành động của khách hàng.
Tạm Kết
Outbound hay Inbound marketing là hai hình thức marketing riêng biệt, mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Để tìm ra cách thức tiếp cận phù hợp nhất với doanh nghiệp, hãy cân nhắc đến thị trường, mục tiêu chung và thương hiệu. Không có công thức chung nào dành cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Sử dụng chỉ một hình thức, hay kết hợp cả hai hình thức này vào chiến lược marketing đều cần sự khéo léo và thông thái của người làm marketer.
Nguồn tham khảo: Inbound Marketing là gì?, số liệu từ HubSpot