5S trong xây dựng thương hiệu vượt ra ngoài yếu tố sản phẩm
Trong sự kiện ra mắt Top 50 thương hiệu Nhật Bản có giá trị nhất (tại Tokyo), Ông Nigel Hollis đã có một bài thuyết trình nói về cách các thương hiệu Nhật có thể gia tăng sự thành công trên thị trường toàn cầu. Một trong những tiêu chí để thành công, đó là phải nghĩ cách vươn ra ngoài yếu tố chất lượng của sản phẩm.
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Nigel Hollis, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Phân tích toàn cầu của Kantar Millward Brown.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, chất lượng sản phẩm tốt – vốn là thế mạnh truyền thống của các thương hiệu Nhật – chưa đủ để tạo ra thành công. Những sản phẩm giống hệt nhau về hình thức lẫn chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về mặt chức năng, nhưng lại không đem đến cảm xúc khác biệt hay sự gắn kết nơi họ.
Để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, thương hiệu cần bổ sung những giá trị giúp thương hiệu kết nối cảm xúc với khách hàng.
Và những nguyên tắc 5-S sau có thể làm được điều trên:
1. System – Hệ thống
Có thể nói, những thương hiệu thành công nhất hiện nay đều dựa trên hệ thống chứ không chỉ sản phẩm, ví dụ như Uber, Airbnb hay Amazon. Từ quan điểm của người dùng, những thương hiệu trên thành công vì đáp ứng được sự tiện lợi mà họ mong muốn. Do đó, những nhà sản xuất cũng có thể tham gia vào cuộc chơi này. Điển hình như Apple, bằng việc cung cấp nội dung qua TV, âm nhạc và ứng dụng Podcast, công ty này đã khoá người dùng vào hệ sinh thái của họ.
2. Service – Dịch vụ
Đối mặt với tăng trưởng chậm lại bởi sự cạnh tranh của những sản phẩm chất lượng tương đương, nhiều công ty đang tìm cách tăng doanh số thông qua các dịch vụ cộng thêm.
Ví dụ, xe hơi của bạn có thể kết nối với trung tâm hỗ trợ 24h thông qua wifi để được bảo hành thông qua nhà sản xuất.
Hay như Rolls-Royce trong nhiều năm liền đã theo dõi hiệu năng động cơ máy bay và thông báo cho các hãng hàng không để họ chú ý hơn.
3. Social – Xã hội
Khi nhắc đến thương hiệu, chúng ta sẽ nói đến những giá trị mà họ đại diện. Nhưng ngày nay, thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc được nhắc đến một cách đơn thuần mà họ còn muốn tạo ra một cộng đồng riêng. Nhờ cộng đồng, thương hiệu mỹ phẩm Glossier có thể bán hàng trực tiếp cho khách hàng, hay thương hiệu có thể cố gắng tạo ra một phong trào nhằm khiến thế giới tốt đẹp hơn.
4. Sustainability – Sự bền vững
Từ việc adidas làm giày bằng nhựa thu lượm từ biển, hay Unilever thông báo sẽ cắt giảm đáng kể việc sử dụng nhựa, cuối cùng, sự phát triển bền vững đã trở thành một tiêu chuẩn mới của xã hội. Và trong khi nhiều người tiêu dùng không sẵn sàng thực hiện điều trên, họ vẫn cảm thấy biết ơn khi có một thương hiệu nỗ lực làm điều đó thay cho họ.
5. Simplicity – Sự đơn giản
Trong nhiều trường hợp, phép trừ lại tốt hơn phép cộng.
Khi cố gắng cải tiến một sản phẩm, nhiều thương hiệu cố gắng thêm vào những tính năng phức tạp khiến khách hàng cảm thấy bối rối và khó chịu.
Do đó, sự đơn giản đôi khi sẽ mang đến sự hiệu quả và dễ chịu cho khách hàng.
Trên đây là những yếu tố mà tôi tâm đắc. Nếu bạn muốn thêm hoặc bớt, hãy chia sẻ suy nghĩ của mình nhé.
* Nguồn: Kantar Millward Brown