Thế hệ Z của Việt Nam tin rằng họ sẽ là nhà lãnh đạo tốt hơn các thế hệ trước

Tại Việt Nam, thế hệ Z chiếm 1/7 dân số đất nước. Được sinh ra từ năm 1995 đến 2015, thế hệ Z được sống trong kỷ nguyên cuộc cách mạng 4.0 và sự bùng nổ công nghệ. Họ chỉ vừa bắt đầu tham gia lực lượng lao động và sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. Cuộc khảo sát nhằm mục đích hiểu rõ hơn về cách thế hệ Z nghĩ về vai trò CEO của họ vào năm 2050. Kết quả cho thấy 70% người đồng ý vào năm 2050, CEO vẫn cần phải có trình độ Đại học. Điều này phản ánh tầm quan trọng của nền giáo dục chính quy, đồng thời cho biết rằng 66,7 % thế hệ Z tin kỹ năng mềm sẽ quan trọng hơn kỹ năng chuyên môn.


CEO cần thiết phải có kỹ năng quản lý con người và lãnh đạo

Thế hệ Z tin rằng Quản lý con người và Lãnh đạo là hai kỹ năng quan trọng nhất mà các CEO hiện tại cần phải cải thiện. Ngoài ra, gần một phần ba người nghĩ rằng các CEO phải trang bị Trí tuệ xúc cảm (28,8%), tiếp theo là Sáng tạo (24,3%) và Khả năng tự nhận thức (24,3%).

Hướng đến năm 2050, Gen Z-ers đã khắc họa các CEO tương lai là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những người giao tiếp xuất sắc và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, việc ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu là kỹ năng mà thế hệ Z cảm thấy không được chuẩn bị tốt. Ngoài ra, hơn một phần ba người nghĩ rằng hệ thống giáo dục hiện tại không giúp họ cải thiện các kỹ năng về Đàm phán, Quản lý dự án theo Agile và Trí tuệ xúc cảm.

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc, Adecco Malaysia & Việt Nam, nhận xét: Toàn cầu hóa và tiến bộ trong công nghệ đòi hỏi một phong cách lãnh đạo mới, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu và quản lý con người hiệu quả. Thế hệ Z ngày nay khá tài năng. Họ ý thức được họ là ai, họ cần gì và điều gì dẫn đến thành công của họ. Sự tò mò và học hỏi nhanh là những động lực chính giúp thế hệ Z thích nghi với môi trường luôn thay đổi và sẽ mang lại những giải pháp sáng tạo cho các doanh nghiệp.

Học tập thông qua trải nghiệm được ưu tiên lựa chọn

Hơn một nửa các nhà lãnh đạo tương lai sẽ lựa chọn các khóa học thông qua trải nghiệm để rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho CEO nói trên. Họ cũng thích các khóa học khác như học trực tuyến hoặc hội thảo (25%). Mặc dù thừa nhận rằng bằng cấp cử nhân bậc đại học rất quan trọng đối với người lãnh đạo vào năm 2050, nhưng chỉ có 2,7% thế hệ cho rằng tập trung học đại học sẽ có ích cho sự phát triển kỹ năng mềm của họ (Hình 1).

Thế hệ Z của Việt Nam tin rằng họ sẽ là nhà lãnh đạo tốt hơn các thế hệ trước

Hình 1: Cách thế hệ Z chuẩn bị cho vị trí CEO năm 2050

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam nhận xét: ‘Đã qua rồi những buổi học truyền thống do giáo viên giảng dạy trong trường đại học. Thế hệ Z đánh giá cao sự linh hoạt và các chương trình mang lại cơ hội làm việc thực sự trong thời gian học tập. Giáo dục trực tuyến cũng cho phép thế hệ Z tùy chọn trải nghiệm học tập của họ dựa trên sở thích và lịch trình cá nhân, cũng như cho phép họ cập nhật các kỹ năng mới nhất không thể tìm thấy trong sách giáo khoa.

Gen Z nhận thức được tác động của sự phát triển công nghệ, các vấn đề chính trị và ô nhiễm môi trường

Khi được yêu cầu đánh giá về các mối đe dọa bên ngoài đối với triển vọng tăng trưởng của tổ chức của họ vào năm 2050, tốc độ phát triển công nghệ là vấn đề hàng đầu được xác định bởi 45% thế hệ Z. Các bản công bố tình hình thị trường hàng quý của Adecco cho thấy nhu cầu gia tăng đáng chú ý trong ngành công nghệ, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ kinh doanh và Tài chính công nghệ. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong tương lai và 20 triệu công việc trong ngành sản xuất sẽ được thay thế bằng robot vào năm 2030, được trích dẫn bởi Oxford economic.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, Adecco Việt Nam nói rằng: ‘Thế hệ Z có hiểu biết sâu sắc về việc công nghệ thay đổi cách chúng ta làm việc và sinh sống như thế nào. Thời đại tự động hóa này mang đến những cơ hội đáng kể cho những người lao động có tay nghề cao, tạo ra một môi trường làm việc công bằng hơn và cải thiện năng suất cao hơn. Thay vì sợ robot sẽ đảm nhận công việc của mình, những người lao động trong tương lai cần phải thích nghi với sự thay đổi mà nó sẽ mang lại và đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình.

43% thế hệ Z tin rằng sự biến đổi khí hậu và thiệt hại do ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới sẽ gia tăng, do đó tạo ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo trẻ cũng quan ngại về tình hình chính trị bất ổn (37,8%), tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao (34,2%) và Hối lộ và Tham nhũng (31,5%) (Hình 2).

Thế hệ Z của Việt Nam tin rằng họ sẽ là nhà lãnh đạo tốt hơn các thế hệ trước

Hình 2: Những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai dưới góc nhìn của thế hệ Z

Cuối cùng, 96% thế hệ Z tin rằng mình sẽ trở thành những nhà lãnh đạo giỏi nhất, tạo ra tác động tích cực hơn đến Việt Nam so với các thế hệ trước.