Tôi là “bố đẻ” của nhãn hiệu, tôi được quyền sử dụng độc quyền?

Đăng ký nhãn hiệu - một hoạt động sở hữu trí tuệ rất quen thuộc đối với những brand lớn. Còn đối với những doanh nghiệp nhỏ, vừa thì việc đăng ký nhãn hiệu hay những hoạt động sở hữu trí tuệ thường được quan tâm sau cùng, cho tới khi có chuyện.

Nhãn hiệu (hay logo, thương hiệu) của bạn là do bạn tự thiết kế (tác giả) hoặc thuê thiết kế tạo ra (chủ sở hữu). Bạn nghĩ đơn giản như vậy bạn đã độc quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt nó. Nhưng đó chỉ là bạn nghĩ vậy thôi, thực tế diễn ra đôi khi không giống với những suy nghĩ của chúng ta.

“Bố đẻ” của nhãn hiệu có quyền gì?

Nhãn hiệu được tạo ra từ ai thì người đó được gọi là tác giả, là “bố đẻ” của nhãn hiệu và được hưởng những quyền lợi được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật sở hữu trí tuệ.

Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có toàn quyền đối với nhãn hiệu, nôm na gọi là “bố đẻ” của nhãn hiệu sẽ có quyền được sử dụng, chiếm hữu và định đoạt thương hiệu ngay từ khi thương hiệu sinh ra. Nhưng để được pháp luật bảo vệ, sử dụng hợp pháp nhãn hiệu đó vào trong quá trình kinh doanh, các bạn không chỉ đơn giản sinh ra nhãn hiệu và cứ thế là sử dụng.

Bố đẻ của nhãn hiệu có quyền được sử dụng, chiếm hữu và định đoạt

Tại sao lại phải đi đăng ký nhãn hiệu?

Đã là bố đẻ thì khi sinh ra, nhãn hiệu nghiễm nhiên là “con” của bạn rồi, sao phải đi đăng ký nhỉ? Nhưng đó là một hiểu lầm tai hại của chúng ta hay gặp phải, cho tới khi đứa con của bạn bị “bắt cóc” hay tranh chấp về việc cùng sử dụng đứa con nhãn hiệu. Chúng ta mới vỡ lẽ, hóa ra là bố đẻ chưa hẳn là được độc quyền sử dụng nếu không đăng ký.

Đơn cử như nhãn hiệu cháo của chị A, ở một huyện nhỏ của thị trấn Quảng Ngãi. Ban đầu chị không nghĩ là mình có tài làm ăn, chỉ đơn giản là rảnh quá nên mở quán bán cháo. Ai ngờ đâu, bán miết cũng được 6 năm rồi. Giờ có vốn liếng định kinh doanh rộng hơn và mở thêm cửa hàng, biết đến việc đăng ký nhãn hiệu vì xung quanh cũng có vài gia đình cũng bắt đầu bán cháo giống chị, vì thấy vừa nhàn, vừa có lãi. Khi đăng ký, tưởng mình độc quyền nhưng hóa ra đã có một bên khác, cũng cách nhà chị không xa đăng ký trước chị và đã có hẳn văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do cục sở hữu cấp. Giờ đến lượt chị, thì đành phải thay đổi tên nhãn hiệu bao năm kinh doanh, hơn thế nữa còn thấy ấm ức vì đó là “đứa con” mình đẻ ra, giờ thì mình như người dưng, không có quyền được phép sử dụng một cách hợp pháp nhãn hiệu của chính mình. Thật là trớ trêu thay!


Bố đẻ đi “khai sinh” cho nhãn hiệu để được pháp luật bảo vệ

Vậy mới thấy, chúng ta không nên chủ quan, đến khi sự việc nghiêm trọng mới bắt đầu đi giải quyết vấn đề. Mà ngay khi có nhãn hiệu, phải tìm cách bảo vệ bằng việc đăng ký nhãn hiệu tại cục sở hữu trí tuệ - cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đăng ký nhãn hiệu của mình theo đúng luật pháp quy định. Có thể chủ nhãn hiệu đều biết điều này, nhưng vấn đề là không ai nghĩ cần phải làm, thế mới khổ!

Gia Nam