Data Station #7 – Xu hướng bán lẻ đa kênh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.
Vào tháng 9 năm 2019 vừa rồi, Kantar tiến hành nghiên cứu và đưa ra báo cáo về tình hình tăng trưởng trong môi trường bán lẻ mới với xu hướng đa kênh. Báo cáo này giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng khám phá xu hướng đa kênh “Omnichannel” đang diễn ra ở Việt Nam và ý nghĩa mà xu hướng này mang lại.
Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng chị Vũ Thị Thu Dung – Senior Account Manager của Worldpanel Division, Việt Nam về báo cáo thú vị này.
* Cảm ơn Chị Dung vì đã chia sẻ quan điểm của mình về Xu hướng Bán lẻ đa kênh tại Việt Nam, đặc biệt trong môi trường bán lẻ mới. Chị có thể vui lòng chia sẻ định nghĩa Omnichannel tại Việt Nam hiện nay là gì?
Omnichannel là mô hình bán lẻ đa kênh, bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…). Trong mô hình bán lẻ đa kênh, các sản phẩm sẽ được đồng bộ trên tất cả các kênh bán hàng và được quản lý trên một hệ thống duy nhất. Mô hình này giúp khách hàng có thể mua sắm linh hoạt, có trải nghiệm liền mạch ở bất cứ đâu dù online hay offline.
Sự phát triển của mô hình này đến từ nhu cầu mua sắm thuận tiện và chuyên biệt của người tiêu dùng Việt Nam. Từ dữ liệu theo dõi hành vi mua sắm, Kantar thấy rằng gần 1/2 hộ gia đình ở khu vực thành thị đi mua sắm ở ít nhất 7 loại kênh bán hàng trong một năm và con số này đang ngày một tăng.
* Chị có thể cho biết những kênh bán lẻ nào đang dẫn đầu, đặc biệt đối với ngành hàng FMCG tại Việt Nam?
Theo báo cáo này của Kantar từ số liệu Worldpanel, tại Việt Nam, ba kênh bán lẻ đang dẫn đầu về tăng trưởng FMCG là thương mại điện tử, hệ thống siêu thị nhỏ/ cửa hàng tiện lợi và mô hình chuyên doanh.
Kênh Thương mại điện tử đứng đầu bảng với mức tăng trưởng ấn tượng 91% mặc dù chỉ chiếm 2.3% thị phần đối với toàn ngành hàng FMCG, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các ứng dụng công nghệ trong đời sống.
Hệ thống Minimart/ CVS (Siêu thị nhỏ/ Cửa hàng tiện lợi) tại Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai về mức tăng trưởng là 36.3%, chiếm 5.2% về thị phần đối với ngành hàng FMCG. Điều này được lí giải bởi xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưa chuộng những cửa hàng vừa hiện đại lại vừa gần nhà, đặc biệt với các sản phẩm FMCG.
Mô hình cửa hàng chuyên doanh hay còn được biết đến như các cửa hàng chuyên kinh doanh 1 nhóm hàng như đại lý bia, nước giải khát, cửa hàng bán sữa, cửa hàng hay siêu thị bán đồ mẹ & bé… cũng đạt mức tăng trưởng thứ 3 vì nắm bắt được xu thế tất yếu của người tiêu dùng: lượng hàng hoá đa dạng cho cùng một loại sản phẩm và giá cả hấp dẫn. Kênh này đóng góp 8.8% thị phần trong mô hình bán lẻ đa kênh đối với ngành hàng FMCG và giữ mức độ tăng trưởng 14.3%.
Tại thành thị, mặc dù 3 kênh này chỉ chiếm 16% thị phần nhưng đóng góp đến 66% giá trị tăng thêm cho ngành hàng FMCG trong vòng 12 tháng tính đến quý 2 năm 2019. Điều này xảy ra do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là nhóm đối tượng khách hàng của 3 kênh trên rơi vào thế hệ Millennials – nhóm đối tượng có chi tiêu mua sắm cao hơn rất nhiều so với nhóm người từ 35 tuổi trở lên.
Dự kiến, trong tương lai, 3 kênh này còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng vượt bậc. Vì số lượng người chưa mua thử ở các kênh này còn rất cao. Tỉ lệ hộ gia đình chưa từng mua sắm FMCG trên mạng còn tới 75% và với 2 kênh còn lại là 40%. Hơn nữa tần suất của người mua trên 3 kênh này vẫn còn rất thấp.
Với đà tăng trưởng như trên, trong 6 năm nữa đến 2025, Kantar dự báo rằng thị phần của kênh Thương mại điện tử sẽ tăng gấp 3 lần, CVS sẽ tăng gấp 2 lần và mô hình chuyên doanh cũng tăng gấp 2 lần ở khu vực thành thị.
* Như vậy, lý do thúc đẩy sự tăng trưởng kênh thương mại điện tử đối với ngành hàng FMCG là gì thưa Chị?
Có ba lý do thúc đẩy sự tăng trưởng của kênh thương mại điện tử, bao gồm:
Thứ nhất là sự hỗ trợ của hệ thống giao nhận như Giao Hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, Ahamove, v.v... Yếu tố đội ngũ giao hàng đông đảo và chuyên nghiệp cùng với thói quen sử dụng thẻ tín dụng hay ví điện tử (thanh toán không tiền mặt) khiến việc mua sắm trên kênh thương mại điện tử tiện lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng hiện nay không cần tốn thời gian vào việc di chuyển mà vẫn có thể mua được sản phẩm nhanh chóng.
Thương mại điện tử dần trở thành kênh bán lẻ hiệu quả nhờ vào hệ thống giao nhận phát triển; khách hàng dành nhiều thời gian cho việc online hơn và tương tác tích cực trên mạng xã hội.
Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay dành nhiều thời gian online bằng di động để mua sắm, giải trí. Nhờ đó, tăng trưởng tương lai của thương mại điện tử được thúc đẩy bởi sự gia tăng kết nối trực tuyến qua thiết bị di động.
Thật vậy, từ số liệu gần đây của Kantar, tỉ lệ sở hữu smartphone lên đến hơn 90% và con số này ở khu vực nông thôn là 70%. Chưa kể cơ sở hạ tầng Internet, hệ thống cáp, 3G và 4G ở Việt Nam phủ rộng khắp nơi với chi phí thấp nên người tiêu dùng có thể kết nối mạng thường xuyên hơn.
Cuối cùng là sự tăng cường tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, v.v..., tạo điều kiện cho mua sắm C2C hay B2C bằng di động phát triển.
* Theo Chị, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược tiếp cận gì để có thể phát triển đồng bộ mô hình bán lẻ đa kênh hơn?
Để có thể tận dụng những ưu điểm của mô hình bán lẻ đa kênh, ngoài việc tập trung vào các kênh mua sắm đang có thị phần lớn, các nhà bán lẻ còn cần chú ý đến các kênh nhỏ nhưng tăng trưởng tốt để gia tăng doanh thu một cách hiệu quả.
Vì tầm quan trọng của các kênh này có thể được nhìn thấy rõ ở hầu hết các ngành hàng lớn trong FMCG, nên dù là ngành hàng thực phẩm hay phi thực phẩm như mì & cháo hay mỹ phẩm, các kênh này đều là động lực tăng trưởng chính với mức đóng góp hơn 50% giá trị tăng thêm. Tuy nhiên mức độ đóng góp cũng sẽ khác nhau tuỳ theo từng ngành hàng, từng thị trường cụ thể.
Như vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần thực hiện chính là tìm hiểu rõ nguồn gốc tăng trưởng và xu hướng bán lẻ của từng ngành hàng riêng biệt, để giúp xây dựng một chiến lược phân phối bán lẻ hiệu quả hơn.
Tiếp theo, doanh nghiệp nên đa dạng hoá mô hình, tìm mọi cách để đạt được sự tăng trưởng trong từng mô hình, nắm bắt nhu cầu khác nhau ở mỗi chuyến mua hàng của người tiêu dùng ở từng kênh riêng biệt.
Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ có thể được áp dụng vào mô hình bán lẻ đa kênh, ví dụ như ứng dụng công nghệ AI và Machine Learning vào Marketing để nâng cao trải nghiệm của người mua sắm.
* Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những xu hướng mua sắm nào của người tiêu dùng để tạo động lực thúc đẩy cho các kênh bán lẻ phát triển đúng định hướng hơn trong thời gian sắp tới, thưa Chị?
Cũng theo báo cáo Xu hướng bán lẻ đa kênh Omnichannel, Kantar chia sẻ 7 xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trong 5 năm tới mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào:
1. Tính tiện lợi
Doanh nghiệp nên mở rộng điểm bán phù hợp với tốc độ tăng trưởng của các mô hình tiện lợi để tiếp cận người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tạo sự chú ý, dễ nhận diện để thuận tiện cho khách hàng khi đi mua sắm. Đối với chủ cửa hàng thì cần nâng cao dịch vụ, quy cách chăm sóc khách hàng, hiện đại hoá quầy kệ, bãi giữ xe thân thiện và tiện lợi cho người mua sắm.
2. Cá nhân hoá
Để tăng đặc tính này, doanh nghiệp cần nâng cao cách tiếp cận từng nhóm khách hàng khác nhau để bán được những sản phẩm chuyên biệt, hay tận dụng sự phát triển của công nghệ để đưa sản phẩm vào những ứng dụng mua hàng khác nhau.
3. Tốc độ giao hàng nhanh chóng
Có thể nói, giao hàng càng nhanh, càng thắng lớn. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đang rất ưa chuộng những dịch vụ giao hàng nhanh để họ có thể sở hữu ngay mặt hàng mà họ đã chọn. Những doanh nghiệp thương mại điện tử tầm cỡ như Amazon, Tiki, Shopee, Lazada đều có dịch vụ giao hàng nhanh nhất có thể để đáp ứng được nhu cầu “mua nhanh, sở hữu ngay” của người tiêu dùng.
4. Người tiêu dùng mua sắm có trách nhiệm hơn
Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng của các nước phát triển khi chuộng sử dụng các sản phẩm không gây tác động nhiều đến môi trường như thực phẩm hữu cơ, ống hút tre hay hạn chế sử dụng đồ nhựa. Các doanh nghiệp nên nắm bắt yếu tố này để có thể có những chính sách phát triển sản phẩm, đóng gói bao bì hay giao hàng hợp lý hơn.
5. Trải nghiệm mới mẻ
Người tiêu dùng hiện nay không những sở hữu hầu bao lớn mà còn mong muốn tận hưởng trải nghiệm mới mẻ ở những không gian mua sắm, đặc biệt ở các kênh truyền thống như siêu thị lớn, tạp hoá hay chợ. Để làm được điều này, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để tạo ra ứng dụng chỉ dẫn mua hàng ngay tại nơi bán, hoặc thiết kế không gian mua sắm thoải mái với nhiều tiện ích khác nhau.
6. Tính chuyên biệt hoá
Để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt trong một số ngành hàng đặc thù như sữa bột em bé, tã, bỉm hay mỹ phẩm làm đẹp, doanh nghiệp cần chú ý đa dạng danh mục hàng hóa với các tính năng khác nhau hoặc dành cho những đối tượng khác nhau; chuyển hàng hóa đến những cửa hàng chuyên doanh đang tăng trưởng tốt. Đối với nhà bán lẻ, cần xây dựng uy tín & chuyên môn trong từng nhóm ngành. Đây cũng có thể là cơ hội cho các nhà bán lẻ có thêm chuỗi cửa hàng chuyên doanh 1 nhóm sản phẩm hoặc xây dựng dòng hàng nhãn riêng dựa trên uy tín nhà bán lẻ.
7. Phân chia phân khúc rõ rệt cho người mua sắm ở các cửa hàng
Cửa hàng sẽ thu hút nhiều đối tượng mua hàng hơn vì sự đa dạng của sản phẩm với các phân khúc khác nhau từ tầm thấp, trung, đến cao cấp. Đối với các đại gia bán lẻ, nên có những phân cực khác nhau từ cửa hàng cao cấp đến cửa hàng giá rẻ để nhắm đến tất cả các phân khúc người mua sắm khác nhau.
* Cảm ơn Chị Dung về những chia sẻ trên!
Thông tin liên hệ về báo cáo:
Vũ Thị Thu Dung
Senior Account Manager
World Panel Divison, Vietnam
Email: [email protected]
Xem thêm các bài viết khác trong chuyên mục tại đây.
* Nguồn: Brands Vietnam