Người kể chuyện thương hiệu: Copywriter trong thời đại số
Thời đại số đã thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp cận thông tin của con người. Từ xem tivi, nghe radio và đọc báo trong thế kỉ 20, nhân loại thế kỉ 21 đang dần thay thế bằng việc dùng smartphone để cập nhật tin tức.
Ngành truyền thông – quảng cáo cũng thay đổi không ngừng, kéo theo hàng loạt đòi hỏi mới cho những vị trí truyền thống.
Nội dung vẫn là vua. Nhưng vua thời nay cần nhiều cận thần phò tá lên ngôi hơn trước. Đó là các đối tác đa dạng mà nhãn hàng phối hợp, mỗi bên chuyên một mảng, với kinh nghiệm và tầm nhìn riêng: mạng xã hội, phân tích dữ liệu, chăm sóc khách hàng, tư vấn, sản xuất, PR…
Để kết nối tất cả những mảng thiết yếu này thành câu chuyện hoàn chỉnh, chúng ta cần một đầu tàu với khả năng phối hợp thành quả nghiên cứu và ý tưởng của mọi người thành câu chuyện thống nhất, chặt chẽ. Nhưng để đúc rút ra được một thông điệp hấp dẫn, người kể chuyện thương hiệu trong thời đại số cần lưu ý những điểm sau.
1. Lựa chọn nội dung phù hợp
Bạn cần biết rõ mình đang viết cho ai, họ thích gì, và “nỗi đau” (pain points) của họ ở đâu, liên quan thế nào đến sản phẩm của bạn…
Hãy đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, tường tận một ngày của họ diễn ra thế nào, họ đam mê, băn khoăn hay lo lắng điều gì, thì nội dung bạn tạo ra mới chạm đến trái tim độc giả.
Chẳng hạn, viết bài cho “mẹ bỉm sữa” mà nói chuyện đêm trăn trở không ngủ được thì sai pain point. Chị em nuôi con nhỏ thực ra chỉ ao ước một đêm ngủ thẳng giấc, vì vậy chuyện trằn trọc thâu đêm giờ đây trở nên thật xa xỉ.
Mỗi đối tượng có sở thích, nhu cầu khác nhau, nên bạn đừng tham vọng viết một post ngắn cho tất cả mọi người. Vì kết quả thường đáng thất vọng: không ai thấy mình trong đó, độc giả không muốn tốn thời gian và sẽ lập tức bỏ qua nội dung “sai nhịp”. Mỗi bài viết chỉ nên hướng đến một đối tượng người tiêu dùng nhất định, và chỉ có sự thấu hiểu tinh tế mới có thể chinh phục được những khách hàng khó tính.
2. Cài thông tin hữu ích
Những bài viết suông ca ngợi sản phẩm, nhãn hàng thường khó giữ chân người đọc. Họ chỉ hứng thú khi tìm thấy thông tin thú vị, bổ ích, và đó cũng là chìa khoá thành công của một copywriting thời đại số. Khi độc giả tìm thấy lời giải cho những vấn đề gấp rút hay trăn trở của họ ở nơi bạn, họ sẽ bị thu hút và dành tình cảm cho nhãn hàng nhiều hơn, từ đó làm tiền đề cho sự gắn kết không thể tách rời trong tương lai.
3. Giải thích tốt hơn liệt kê
Trong thế giới ngập tràn thông tin, sản phẩm của bạn sẽ mất hút trong tâm trí khách hàng nếu vấn đề bạn đưa ra thiếu đi việc giải thích thấu đáo. Người đọc thực sự cần được thuyết phục về công dụng, mức độ cần thiết của sản phẩm trước khi rút hầu bao cho chúng.
4. Cảm xúc quyết định hành động
Bài viết thành công cần gợi lên cảm xúc cho người đọc. Khi người tiêu dùng đọc nội dung của bạn và thấy nó như viết cho riêng mình, họ sẽ sẵn lòng mua sản phẩm. Lúc này, cảm xúc giàu tính thuyết phục hơn nhiều lần những số liệu thống kê khô khan.
Dầu ăn Neptune đã rất thành công với thông điệp “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết” qua nhiều mùa Tết. Quảng cáo này chạm đến nỗi nhớ nhà của người xa xứ, gợi nhắc truyền thống đoàn viên mỗi độ xuân về. Khó mà không yêu mến một quảng cáo đầy xúc cảm như thế.
Cảm xúc là gia vị – tuy ít ỏi nhưng nó quyết định món ăn ngon hay không. Thế nên hãy cố gắng làm độc giả tin tưởng, quý mến fanpage của nhãn hàng như bạn bè, đồng nghiệp. Lúc đó, họ có xu hướng làm theo lời “đề nghị” của bạn dễ dàng hơn.
5. Viết đúng “giọng” nhãn hàng
Copywriting là công cụ mạnh mẽ nhất để kể chuyện thương hiệu. Copywriter cần nắm bắt đúng “giọng” thương hiệu, thể hiện rõ đặc tính của nó, đảm bảo thống nhất giữa các khâu. Khi ấy, thương hiệu sẽ nói đúng “giọng” mình và tự tìm thấy cộng đồng “tri âm” của nó.
Thử tưởng tượng, nhãn hàng cao cấp dành cho đối tượng doanh nhân thành đạt mà giọng quảng cáo nhí nhảnh tuổi teen, thì kết quả không còn gì đau lòng hơn.
6. Suy nghĩ như khách hàng
Người kể chuyện thương hiệu có xu hướng đặt nặng mối quan tâm của nhãn hàng hơn là người tiêu dùng. Như thế là chưa hợp lí trong công cuộc chinh phục khách hàng.
Khi lựa chọn thông điệp để lan toả, bạn đừng quên đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, tự hỏi điều gì hấp dẫn họ nhất, điều gì mang đến cho họ nhiều giá trị nhất – thay vì điều gì nhãn hàng muốn nói.
Khi copywriter toàn tâm toàn ý vì người tiêu dùng, nội dung sẽ đi thẳng vào lòng người đọc, làm họ tâm đắc và không thể không mua hàng.
Nhung Do
*Nguồn: EloQ Communications