Marketer Bạch Hạnh
Bạch Hạnh

Content Executive @ Brands Vietnam

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

CSR không chỉ đơn thuần là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ, mà nên gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như triết lý thương hiệu. Một chiến lược CSR đúng đắn có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững (Sustainable Growth) của doanh nghiệp cũng như của cộng đồng và xã hội.

Re-think CSR” là chuyên mục do Brands Vietnam và Rice & Partners hợp tác thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

Ở số thứ 5, Brands Vietnam đã có buổi gặp gỡ với Bà Lâm Ngọc Thảo, hiện là Giám đốc Điều hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, chia sẻ quan điểm về CSR từ góc nhìn của người đại diện tổ chức phi lợi nhuận và những hoạt động của LIN tại Việt Nam.

* Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong tổ chức phi lợi nhuận, bà có thể vui lòng khái quát về CSR tại Việt Nam hiện nay?

Trước tiên, có thể khẳng định rằng bức tranh CSR tại Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với những nước đang phát triển khác. CSR được giới thiệu đến Việt Nam thông qua các kênh đầu tư nước ngoài và từ những doanh nghiệp đa quốc gia. Mục đích mang CSR đến Việt Nam của những tổ chức này là để đồng nhất những chính sách cũng như phát triển chiến lược ở mức độ toàn cầu.

Đối với các quốc gia phát triển, CSR hoạt động dưa trên mô hình kim tự tháp do giáo sư Carroll giới thiệu vào năm 1991. Mô hình này nói về mức độ quan trọng của doanh nghiệp khi phản ứng lại các nhu cầu trong xã hội, gồm có 4 tầng trách nhiệm và được sắp xếp theo mức độ quan trọng sau đây:

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

Mô hình tháp CSR của Carroll dành cho các nước phát triển (1991).

 

Tầng 1 (Quan trọng nhất): Trách nhiệm kinh tế (Economic responsibilities)
Có thể nói, mục tiêu lợi nhuận chính là chìa khoá giúp việc xây dựng kinh doanh bền vững. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều phải xây dựng nền móng này thật vững chắc trước khi tiến đến những tầng cao hơn trong trách nhiệm của họ.

Tầng 2: Trách nhiệm pháp lý (Legal Responsibilities)
Các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ luật pháp, hoạt động theo những điều luật được quy định chính thức bởi chính phủ và các cơ quan chức năng.

Tầng 3: Trách nhiệm đạo đức (Ethical Responsibilities)
Các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện những hoạt động đúng đắn, tuân thủ quy tắc đạo đức, không gây hại cho cộng đồng, dù điều đó có được quy định trong luật pháp hay không.

Tầng 4: Trách nhiệm thiện nguyện (Philanthropic Responsibilities)
Ở tầng trách nhiệm này, các doanh nghiệp sẽ tổ chức các hoạt động để đóng góp cho cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống nói chung và hồi đáp lại sự trông đợi của xã hội.

 

Còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mô hình này được tái cấu trúc lại để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, thể hiện qua mô hình kim tự tháp CSR của Wayne Visser.

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

Mô hình tháp CSR của Wayner Visser dành cho các nước đang phát triển (2018).

Ở mô hình này, Wayner Visser vẫn sử dụng 4 tầng trách nhiệm giống với mô hình CSR của Carroll nhưng có sự thay đổi về trật tự.

 

Tầng 1 (Quan trọng nhất): Trách nhiệm kinh tế (Economic responsibilities)

Tầng 2: Trách nhiệm thiện nguyện (Philanthropic Responsibilities)

Tầng 3: Trách nhiệm pháp lý (Legal Responsibilities)

Tầng 4: Trách nhiệm đạo đức (Ethical Responsibilities)

 

* Như vậy tại sao mô hình CSR tại Việt Nam khác với các quốc gia phát triển khác?

Tại Việt Nam, mô hình và hoạt động CSR có sự thay đổi so với các nước phát triển vì bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hoá, tôn giáo. Có hai lý do cơ bản gây ra sự khác biệt này.

Lý do thứ nhất, nền kinh tế của Việt Nam đang trong quá trình phát triển và đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội khác. Hầu hết những công ty đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn thực hành trách nhiệm kinh tế, tập trung vào việc mở rộng kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Các tổ chức này có thể thực hiện trách nhiệm thiện nguyện nhưng dựa trên động lực xây dựng hoặc bảo vệ thương hiệu. Mặc dù có thể thấy được rất nhiều thông tin và bài học từ các quốc gia khác về hoạt động CSR, nhưng họ từ chối lợi ích lâu dài của việc thực hiện CSR.

Lý do thứ hai nằm ở hệ thống pháp lý, cấu trúc luật pháp của Việt Nam chưa hoàn thiện và còn nhiều điểm hạn chế. Điều này dẫn đến trách nhiệm pháp lý không phải là ưu tiên trong việc doanh nghiệp thực hành CSR tại Việt Nam.

Trong một vài năm gần đây, có rất nhiều câu chuyện trên truyền thông về việc bảo vệ môi trường cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia gây hại đến môi trường Việt Nam. Một trong những lý do gây ra hậu quả trên là vì lỗ hỗng luật pháp tại Việt Nam chưa có khung pháp lý quy định rõ ràng để những doanh nghiệp, công ty đa quốc gia tuân thủ.

Điều này trái với các quốc gia phát triển, các doanh nghiệp và tổ chức thực hành hoạt động CSR bắt nguồn từ sự tuân thủ luật pháp (trách nhiệm pháp lý) và nhu cầu tự nguyện (trách nhiệm đạo đức) với mong muốn cải thiện môi trường tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Một lý do khác có thể kể đến là do đặc điểm văn hóa và tôn giáo chi phối. Ở các quốc gia này, công việc thiện nguyện, đóng góp cho Cộng đồng được coi trọng và là một chuẩn mực đánh giá một Công dân doanh nghiệp tốt.

Sứ mệnh của LIN là hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để họ có thể thực hiện được sứ mệnh của mình cũng như tập trung vào các giải pháp dài hạn.

* Bà vui lòng cho biết vai trò và sứ mệnh của LIN trong việc thúc đẩy hoạt động CSR tại Việt Nam?

LIN là một tổ chức phi lợi nhuận địa phương đang hoạt động tại Việt Nam.

Sứ mệnh của LIN là hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận địa phương để họ có thể thực hiện được sứ mệnh của mình cũng như tập trung vào các giải pháp dài hạn. Bên cạnh đó LIN còn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đa phương giữa chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức Phi lợi nhuận. Để hiện thực hoá được sứ mệnh của mình, LIN tập trung vào 3 hoạt động chính:

Hoạt động thứ nhất là chia sẻ thông tin. Hàng năm, LIN tổ chức các hội thảo với nhiều quy mô khác nhau, từ buổi thảo luận bàn tròn đến các buổi coffee talk nhỏ. Thông qua những hoạt động này, các tổ chức phi lợi nhuận cũng như các doanh nghiệp có thể thu thập được nguồn thông tin chia sẻ về vấn đề phát triển cộng đồng.

Hoạt động thứ hai là nâng cao năng lực cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Dựa vào nhu cầu thực tế của các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương, LIN thiết kế các chương trình nâng cao năng lực như quản trị tổ chức, gây quỹ, truyền thông hay quản trị nhân sự để có thể giúp đỡ họ phát triển và hoàn thiện bổ máy tổ chức, đặc biệt dành cho những tổ chức mới thành lập.

Hoạt động thứ ba là huy động và điều phối nguồn lực. LIN đóng vai người kết nối giữa những bên có nguồn lực và những doanh nghiệp hay bất kỳ cá nhân nào muốn đóng góp với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương đang cần những nguồn lực hỗ trợ để hoạt động. Nguồn lực bao gồm hiện kim, chuyên môn, thời gian làm việc, công nghệ hay mối quan hệ.

Bên cạnh việc hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, LIN còn thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đa phương giữa những chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong quá trình thúc đẩy, LIN nhận thấy rõ sự thiếu thông tin và kinh nghiệm hợp tác của các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Đặc biệt, những chủ thể này thiếu cơ hội để kết nối lẫn nhau. Do đó LIN tổ chức các hội thảo và buổi thảo luận để họ có thể lắng nghe, chia sẻ và tìm cơ hội hợp tác làm việc chung. Vì LIN quan niệm rằng hợp tác chính là chìa khoá giải quyết các vấn đề trong xã hội.

* Những hoạt động cụ thể của LIN trong việc kết nối các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để tham gia CSR?

Hiện tại, LIN đang thực hiện hơn 10 chương trình và hoạt động khác nhau, trong đó có 3 hoạt động thể hiện sự kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương.

Hoạt động nổi bật đầu tiên là hội nghị đa phương thường niên được tổ chức vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Hội nghị năm 2019 vừa rồi đã thu hút hơn 300 người tham dự đến từ rất nhiều những lĩnh vực khác nhau, bao gồm tổ chức phi lợi nhuận địa phương, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện từ chính phủ và nhà hoạt động xã hội.

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

Mục tiêu của hội nghị này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể có cơ hội lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ các hoạt động và giải pháp phát triển bền vững. Từ đó, các chủ thể tìm ra cách để hợp tác với nhau tốt hơn trong tương lai.

Hoạt động thứ hai để kết nối các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận địa phương đó là chương trình LIN ơi mình đi đâu?. Chương trình này đưa doanh nghiệp và nhân viên đến thăm và làm việc với một số tổ chức phi lợi nhuận được chọn. Sau buổi làm việc, họ được chọn cách làm việc và cách hợp tác với những tổ chức phi lợi nhuận mà họ vừa thăm.

Có thể nói, sau 10 năm hoạt động, LIN nhận thấy nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp về việc kết nối và tìm hiểu rõ hơn về các tổ chức xã hội, đồng thời gắn kết các tổ chức đó vào hoạt động CSR của mình. Chương trình “LIN ơi, mình đi đâu” phần nào đáp ứng được nhu cầu trên của doanh nghiệp.

Ngoài ra, LIN còn có trang web /philoinhuan.org/ với tính năng hỗ trợ người dùng tìm thấy danh sách các tổ chức phi lợi nhuận địa phương cũng như cơ hội tình nguyện, thông tin đóng góp cho tổ chức.

Trên đây là những hoạt động mà LIN muốn tập trung phát triển để phát huy được nhiều tác dụng hơn trong tương lai.

* Điều kiện tham gia và kết nối các chương trình của LIN là gì? Đặc biệt với chương trình “LIN ơi mình đi đâu?”

Doanh nghiệp biết đến LIN như là một đầu mối thông tin của các tổ chức phi lợi nhuận thông qua hội thảo, website hay nền tảng trực tuyến. Họ có nhu cầu liên hệ, kết nối với LIN nhằm thực hiện hoạt động CSR và gắn kết nhân viên của doanh nghiệp với những tổ chức phi lợi nhuận trong một số lĩnh vực quan tâm.

Quy trình để tham gia và kết nối các chương trình của LIN, đặc biệt với chương trình “LIN ơi, mình đi đâu” bao gồm những bước sau đây:

  • Bước 1: Doanh nghiệp tìm đến và kết nối với LIN.
  • Bước 2: LIN phản hồi và tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe nhu cầu, cũng như tư vấn để có thể kết nối với các tổ chức thích hợp mà doanh nghiệp quan tâm.
  • Bước 3: Tư vấn cách tổ chức chương trình và một vài ý tưởng nhằm tạo tác động và hiệu quả lớn hơn, lâu dài hơn cho chương trình của doanh nghiệp.
  • Bước 4: Thiết kế những buổi gặp mặt, kết nối để doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận địa phương thích hợp làm việc và gắn kết với nhau.

Và sau khi tham gia chương trình “LIN ơi mình đi đâu?”, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định nên hợp tác với tổ chức nào và có ý tưởng về kế hoạch thực hiện chương trình CSR của mình hiệu quả. Sau 4 đến 5 năm, đã có rất nhiều các mối quan hệ hợp tác đã thành hình sau chương trình. Tính đến thời điểm hiện nay, LIN đã thực hiện được hơn 20 chương trình “LIN ơi mình đi đâu?”.

* Những hoạt động cụ thể của LIN trong việc kết nối các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để tham gia CSR là gì thưa bà?

Đến năm 2019, LIN đã có gần 400 tổ chức phi lợi nhuận địa phương tính từ Bình Thuận trở vào (phía Nam) trong mạng lưới hoạt động của LIN. Những tổ chức này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó một số lĩnh vực chính có thể kể đến như là trẻ em, giáo dục, phụ nữ, môi trường…

Hội nghị đa phương thường niên 2019 là lần tổ chức thứ 3 của LIN trong hoạt động này. Mục đích của hội nghị nhằm đưa những chủ thể khác nhau trong cộng đồng đến cùng gặp gỡ và chia sẻ, tham gia những phiên thảo luận để hiểu rõ nhau hơn. Ở hội nghị này, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về suy nghĩ và quan điểm của các tổ chức phi lợi nhuận cũng như những thách thức, cơ hội mà họ đang gặp phải.

Re-think CSR #5 – Bà Lâm Ngọc Thảo @ LIN: “Hợp tác là chìa khoá giải quyết vấn đề xã hội”

Về phía tổ chức phi lợi nhuận địa phương, họ cũng sẽ thấy được các thách thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Kết quả là đã có rất nhiều sự kết nối giữa các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận diễn ra sau hội nghị đa phương thường niên này và LIN hy vọng sẽ duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo.

Chương trình “LIN ơi mình đi đâu?” đã thu hút sự quan tâm chủ yếu từ các doanh nghiệp đa quốc gia. Vì những doanh nghiệp này đã biết đến CSR trước đó cũng như nhìn thấy được lợi ích của các chương trình CSR đem lại. Doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin hay mối quan hệ với các đối tác phi lợi thuận thích hợp nhằm hướng đến hợp tác trong tương lai.

* Thách thức của các doanh nghiệp khi tham gia CSR tại Việt Nam là gì, thưa bà?

Khi thực hành CSR tại Việt Nam, doanh nghiệp gặp một số thách thức như sau:

Đầu tiên là hệ thống luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện. Tiếp theo là sự thiếu thông tin và kinh nghiệm để hợp tác với những tổ chức xã hội tại địa phương của các doanh nghiệp. Chính vì thế, LIN đang đóng vai trò cải thiện thách thức này.

Đặc biệt là thách thức đến từ truyền thông khiến doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin để kết nối với các tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Sự thiếu nguồn lực (tài chính & nhân sự) gây ra khó khăn trên. Khi thực hiện những chương trình phát triển cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận địa phương chưa biết cách truyền thông hiệu quả đến cộng đồng và chính điều này đã gây ra khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn kết nối để hợp tác thực hiện chương trình CSR.

* Bà có thể cho biết kỳ vọng của LIN trong thời gian tới đối với hoạt động CSR tại Việt Nam?

LIN hy vọng qua chương trình này, doanh nghiệp đã, đang và sẽ thực hành CSR tại Việt Nam, sẽ có thêm góc nhìn từ phía những người đang làm công việc phát triển cộng đồng, từ phía những tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Đồng thời, mọi người sẽ biết đến LIN nhiều hơn về những công việc mà LIN đang làm, về vai trò mà LIN đang thực hiện để kết nối các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Ngoài ra, trong thời gian sắp tới, LIN mong muốn sẽ có nhiều hơn cơ hội thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên: doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận để cùng đóng góp cho hoạt động CSR cũng như phát triển Cộng đồng tại Việt Nam.

Vì chắc chắn rằng hợp tác chính là chiếc chìa khoá để giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong xã hội.

* Cảm ơn Bà về những chia sẻ trên!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam