Đúng - sai việc Huda đổi màu chùa Cầu Hội An để quảng cáo bia?
Hình ảnh lon bia Huda đặt cạnh chùa Cầu - biểu tượng văn hóa của Hội An (Quảng Nam) bị thay đổi màu khác xa thực tế đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận.
Mới đây, mạng xã hội Facebook lan truyền ảnh chụp pano quảng cáo của bia Huda kèm theo bình luận “biểu tượng chùa Cầu đã bị xâm hại một cách trắng trợn bởi bia Huda Huế”. Cụ thể, trên pano quảng cáo ngoài trời đặt tại QL1 đoạn qua TX.Điện Bàn (Quảng Nam), hình ảnh lon bia Huda Huế khổng lồ đặt cạnh với chùa Cầu, điều đáng nói là chùa Cầu bị đổi sang màu xanh lá cây khác xa với thực tế.
Những ý kiến trái chiều xoay việc việc "phủ bia" lên di sản văn hóa của Huda
Nhiều người đặt ra nghi vấn “Huda Huế đã được sự đồng ý của các cơ quan chức năng ở TP.Hội An chưa mà dám đổi màu sắc của biểu tượng chùa Cầu trong chiến dịch quảng cáo bia của mình như vậy?”.
Một số ý kiến phản đối cho rằng việc Huda “phủ bia” chùa Cầu như thế này là xúc phạm đến biểu tượng di sản 4 thế kỷ của Hội An cũng như xúc phạm tới di sản văn hóa thế giới, vi phạm thuần phong mỹ tục khi làm quảng cáo.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An, cho biết Công ty Carlsberg Việt Nam sử dụng hình ảnh chùa Cầu và hình một lon bia Huda để quảng bá sản phẩm không hề thông qua chính quyền địa phương. TP.Hội An đã đề nghị Sở VH-TT-DL Quảng Nam có ý kiến chính thức để có hướng xử lý theo thẩm quyền. “Việc sử dụng hình ảnh với màu sắc không đảm bảo, không đúng với bản chất của biểu tượng di sản văn hóa thế giới là sai, địa phương hoàn toàn phản đối”, ông Sơn khẳng định.
Được biết hình ảnh quảng cáo này nằm trong chiến dịch "Huda yêu miền Trung" của Carlsberg Việt Nam, Huda phát hành bộ lon có sử dụng hình ảnh của các địa danh nổi tiếng của 8 tỉnh miền Trung bao gồm Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Làng Sen (Nghệ An), Hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), chợ Đông Hà (Quảng Trị), Điện Thái Hòa (Huế), Cầu Vàng - Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Chùa Cầu - Hội An (Quảng Nam), và các địa danh này đều đổi thành màu xanh lá cây - màu nhận diện thương hiệu của bia Huda.
Bên cạnh những ý kiến phản đối gay gắt thì cũng có một bộ phận cho rằng việc thay đổi màu sắc không phải là vấn đề to tác, bởi hình ảnh những địa danh nổi tiếng cũng đã từng bị thay đổi màu để xuất hiện trên những ấn phẩm khác (đơn cử như tiền polymer của Việt Nam là một ví dụ). Cũng có người cho rằng cách làm của Huda đơn thuần muốn truyền tải hình ảnh danh lam thắng cảnh của đất nước một cách trẻ trung hiện đại hơn, để thông qua đó khơi gợi tình yêu, niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương.
Vì đâu mà bảng quảng cáo của Huda vẫn được thông qua và xây dựng?
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trường hợp Sở VH-TT-DL Quảng Nam (đơn vị cuối cùng cho phép doanh nghiệp (doanh nghiệp) sử dụng hình ảnh chùa Cầu để quảng bá sản phẩm) cho phép thì cần phải yêu cầu thay đổi lại màu sắc cho phù hợp, có tính chân xác của chùa Cầu. “Chùa Cầu giờ đã là một phần của Hội An, di sản chung của cả nước”, ông Sơn nói.
Ông Phan Đình Đường, Phó chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết đơn vị đã nắm vụ việc Công ty Carlsberg Việt Nam sử dụng hình ảnh chùa Cầu để quảng bá sản phẩm. Giám đốc Sở VH-TT-DL cũng đã chỉ đạo Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL) có văn bản gửi Công ty quảng cáo Lê Nguyễn (đóng tại TP.Đà Nẵng) yêu cầu thay đổi maquette. Tuy nhiên theo ông Đường, đến nay ngành chức năng Quảng Nam chưa nhận được trả lời và hình ảnh cũ vẫn nguyên vẹn.
Đáng chú ý, ông Đường cho biết việc lấy hình ảnh chùa Cầu để quảng cáo sản phẩm bia Huda đã được cấp phép. Phòng Quản lý văn hóa là đơn vị giám định nội dung, thống nhất và cho phép doanh nghiệp lấy hình ảnh chùa Cầu để quảng cáo. Tuy nhiên, hình ảnh quảng cáo chùa Cầu như dư luận phản ứng là không đúng với thực tế và gây phản cảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho hay quá trình xin dựng pano quảng cáo bia Huda gắn với chùa Cầu được Phòng Quản lý văn hóa tham mưu cho một phó giám đốc Sở ký cấp phép. “Hiện anh em nghiệp vụ đang thảo luận, trao đổi với doanh nghiệp có thể chọn hình ảnh khác phù hợp để thay thế maquette trên, miễn sao phù hợp với văn hóa Quảng Nam, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo giá trị quảng bá cho sản phẩm”, ông Hồng nói. Sau khi dư luận có ý kiến, ông Hồng cho biết đã ký văn bản yêu cầu thu hồi tấm pano nhưng đơn vị làm quảng cáo (Công ty quảng cáo Lê Nguyễn) đã “kéo rê”, không chịu thực hiện. Hiện Sở đã chỉ đạo tạm thời tháo dỡ tấm pano, công việc đang được triển khai.
Trước câu hỏi Sở VH-TT-DL Quảng Nam đã cấp phép lại yêu cầu thu hồi, tháo dỡ liệu có bị doanh nghiệp đòi bồi thường, ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, nói: “Khi nào doanh nghiệp có ý kiến thì hay, chứ bây giờ họ cũng chưa có ý kiến gì”. Cũng theo ông Hướng, khi muốn bồi thường một cái gì đó (ra quyết định trái với quy định pháp luật, bị kiện) thì phải ra tòa dân sự và do tòa phán quyết.
Ngoài bảng quảng cáo sử dụng hình ảnh chùa Cầu được đặt ở Quảng Nam, thì Huda còn sử dụng hình ảnh cầu Trung Đạo (Di sản văn hóa thế giới thuộc quần thể kiến trúc Cố đô Huế) để cho lên biển quảng cáo
Từng “phủ” bia lên cầu Trường Tiền, Ngọ Môn và bị phản đối
Liên quan đến pano quảng cáo có biểu tượng chùa Cầu (Hội An), trước đó vào tháng 6/2017, Carlsberg Việt Nam đã sử dụng hình ảnh di tích ở Huế như cầu Trường Tiền, Ngọ Môn... để quảng cáo cho bia. Phía trước Ngọ Môn của Huế được phủ kín một lớp chai bia, lon bia xanh ngắt. Hoặc, thay cho các chân cầu, cầu Trường Tiền cũng được "đắp" bởi hàng loạt chai bia khổng lồ. Hình ảnh trên theo nhiều người nhận định là rất phản cảm, bị dư luận tại Thừa Thiên Huế phản đối.
Huda từng “phủ bia” lên cầu Trường Tiền, Ngọ Môn và bị phản đối gay gắt
Ở góc độ pháp luật, như nhận định của cơ quan chức năng, quảng cáo này vi phạm điều 3, khoản 8 của Luật quảng cáo (thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam). Còn về góc độ cảm tính, dù là một công dân tại Huế hay bất cứ địa phương nào, tất nhiên chẳng ai vui khi thấy một Di sản Thế giới tại Việt Nam lại được "phủ kín" bằng thứ đồ uống có cồn như vậy. Và sau đó Huda cũng đã phải gỡ bỏ những hình ảnh quảng cáo trên.
Lưu ý cho doanh nghiệp khi muốn sử dụng hình ảnh của biểu tượng, di sản văn hóa vào quảng cáo
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho rằng nội dung quảng cáo cần tuân thủ theo sự điều chỉnh của luật Quảng cáo và các quy định liên quan. Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung quảng cáo có gắn với di sản văn hóa cần phải được nghiên cứu thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần tôn vinh được giá trị di sản và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng sở hữu di sản đó. Mặt khác, Cục Di sản văn hóa cũng trích dẫn luật Di sản văn hóa tại khoản 1 điều 13 và các văn bản liên quan quy định về việc tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích. “Vì vậy, Cục Di sản văn hóa lưu ý các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng nội dung quảng cáo có gắn với di sản văn hóa cần thận trọng để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho rằng: “Sở VH-TT-DL Quảng Nam là đơn vị có thẩm quyền kiểm tra, điều chỉnh nếu tấm quảng cáo đó không phù hợp với chủ trương cho phép dùng biểu tượng của địa phương”. Theo bà Hương, để thể hiện trên tấm bảng lớn ngoài trời thì các sở VH-TT-DL có nhiệm vụ thẩm định nội dung. “Cần phải tăng cường, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan cấp phép ở địa phương. Họ cần cẩn trọng hơn khi duyệt các nội dung quảng cáo để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp khi treo quảng cáo lên rồi lại phải rút”, bà Hương nói. Về phần doanh nghiệp, bà Hương cho rằng việc quảng cáo bia liên tục bị phản đối cho thấy doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn trong việc quảng cáo.
Thu Nguyệt
*Nguồn: Thanh niên