Social Wifi Marketing và Smartphone: Cặp đôi hoàn hảo?
Như chúng tôi đã từng nhắc đến trong danh sách 9 startup có bài pitch trong Demo Asean, workshop 1, Light Bulb Ad là một startup mà chúng tôi vẫn dõi theo sau khi sự kiện kết thúc. Startup này nổi bật nhờ đi đầu tại Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ quảng cáo thông qua wifi (Social wifi marketing).
Mới gần đây, anh Cửu Long, cựu phó tổng giám đốc của GoldSun, một công ty truyền thông có hạng trên thị trường Việt nam, đã gia nhập nhóm với vai trò CEO. Đồng thời, startup này cũng liên kết với một công ty truyền thông khác và chuẩn bị ký một hợp đồng với một đối tác cung cấp cơ sở hạ tầng mạng lớn tại Việt Nam. Tuy đối tác này chưa được tiết lộ, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta dán mắt vào startup này và nghiền ngẫm xem mô hình mới mà họ đang làm là gì.
Có thể bạn đã biết, Social wifi marketing là cổng đăng nhập có khả năng hiển thị quảng cáo khi người dùng kết nối wifi đồng thời có tích hợp các tính năng của mạng xã hội (facebook, twitter…). Mô hình này vô cùng phù hợp cho những chuỗi cửa hàng hay những nơi tập trung nhiều cửa hàng như các khu trung tâm thương mại. Và nếu được hỗ trợ để nhân rộng lên thì nó sẽ trở thành một thành phố phủ sóng wifi miễn phí như thành phố Đà Nẵng hay Đà Lạt hiện nay. Mô hình nhìn chung là vậy, còn nội dung quảng cáo sẽ tùy thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ và advertiser (người đăng quảng cáo).
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đề cập lại về dịch vụ của Light Bulb Ad nhưng tôi muốn đi vào một thị trường rất tiềm năng mà giải pháp của startup này là một đáp án hoàn chỉnh cho bài toán khó thị trường đang gặp phải. Tôi đang nói đến thị trường quảng cáo trên smartphone.
Vì sao lại là smartphone? – Vì đó là xu hướng.
Có một sự thật hài hước nhưng khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều: nếu không kể những người sống cùng nhà, thì chiếc điện thoại chính là thứ mà chúng ta gặp đầu tiên trong ngày, cũng là thứ mà chúng ta gặp vào cuối ngày. Và chúng ta mang nó bên mình suốt ngày.
Theo một thống kê của Global, người ta dùng điện thoại trên giường ngủ, khi chờ đợi, khi xem TV, khi di chuyển, khi ở cùng gia đình, trong phòng tắm, khi mua sẵm, khi vui chơi cùng bạn bè. Và như thế, dễ dàng nhìn ra rằng di động không chỉ là vật bất ly thân nhưng đã trở thành người bạn đồng hành trong suốt ngày sống của chúng ta.
Có bao nhiêu người như chúng ta? Theo số liệu của ITU, số thuê bao di động trên thế giới vào năm 2014 ước tính là khoảng 7 tỉ thuê bao, sấp sỉ dân số toàn cầu. Vậy nếu người ta đang có xu hướng chuyển từ điện thoại truyền thống sang smartphone, thì sẽ đến lúc cả thế giới ăn, ngủ, làm việc, giao lưu, giải trí và mua sắm trên smartphone.
Riêng tại Việt nam, nếu cách đây khoảng 8-9 năm, sau khi web 2.0 ra đời, chúng ta loay hoay thảo luận với nhau làm sao để tạo ra các trang web tương tác được với người dùng một cách thông minh (và chúng ta vẫn còn tiếp tục thảo luận), thì giờ đây, chúng ta có xu hướng đặt vấn đề là liệu có nên làm ứng dụng di động cho trang web của mình chăng? Trong năm 2014, IDC ước tính số ứng dụng được tải về sẽ là 76,9 tỉ so với 10,9 tỉ ứng dụng trong năm 2010. Đây là con số mà ai trong chúng ta cũng lấy làm kinh ngạc!
Với xu hướng này, smartphone trở thành mảnh đất màu mỡ mà các nhà làm quảng cáo đang nhắm đến khai thác. Đất lành chim đậu! Khi quá nhiều khách hàng của chúng ta dành cả bốn buổi trong ngày bên chiếc smartphone, thì không ở đâu khác, chính trên smartphone là nơi thương hiệu chúng ta cần phải có mặt.
Một trong những ưu điểm vượt trội có thể thấy rõ của quảng cáo trên smartphone là khả năng bắn đích xác khách hàng mục tiêu. Người ta vẫn hay nói đùa rằng: bạn không biết mình có bao nhiêu bộ đồ lót nhưng Jockey biết đấy. Câu nói đùa này cực kỳ đúng trong trường hợp làm quảng cáo trên di động.
Các thông tin cá nhân của người dùng smartphone như email, facebook, vị trí người dùng đang đứng, thói quen lướt web, hành vi tiêu dùng, mua sắm qua smartphone bao nhiêu lần trong một tuần…tất cả những thông tin này đều có thể được cân đong đo đếm và cất vào kho, chờ đến ngày được truy xuất.
Một ngày đẹp trời, bạn nhận được một tin nhắn với nội dung: Chúc mừng sinh nhật An, đây là danh sách những cửa hàng giảm giá mà bạn có thể mua sắm trong ngày sinh nhật của mình với giá chỉ 50%. Chạm tay vào màn hình và đi vào danh sách, bạn thấy tất cả những món hàng ao ước của mình bày bán trong các cửa hiệu này. Trong khi, một người bạn khác sinh cùng ngày lại nhận được một danh sách khác của bạn nhưng cũng toàn những món hàng mà người ấy quan tâm.
Giờ thì chúng ta đã có thể nói: này Jockey, tôi biết anh hiểu tôi theo cách nào rồi đấy.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là: dựa vào đâu để có được thông tin cá nhân của khách hàng, thông qua smartphone?
Social wifi marketing và smartphone: cặp đôi hoàn hảo
Nếu khách hàng chỉ sử dụng 3G cho smartphone thì đã đến lúc chúng ta có thể quên đi chuyện quảng cáo một cách cá nhân, chính xác và riêng biệt thông qua smartphone. Đơn giản là vì chúng ta không thể có được data người dùng trừ khi nhà mạng cung cấp. Nhưng thật may, theo dự đoán của Cisco, lưu lượng sử dụng wifi sẽ chiếm 50% tổng lưu lượng internet. Việc này mở ra hai cánh cửa. Nếu khách hàng sử dụng wifi truyền thống, chúng ta không có gì để bàn ở đây ngoài những mẫu banner được đính cố định trên các trang web mà chúng ta xem được, trong những lần sử dụng smartphone để lướt web. Nhưng nếu hệ thống wifi truyền thống được thay thế bởi Social wifi thì câu hỏi về thông tin khách hàng sẽ được giải quyết một cách triệt để.
Ở đây, có vẻ như đang bắt đầu một cuộc chiến giữa Social wifi và wifi truyền thống. Nó có thật sự bắt đầu không? Tôi nghĩ là không. Nhưng đó phải là một cái bắt tay mới đúng. Không một chủ tiệm ăn uống nào hay chủ một chuỗi cửa hàng nào lại muốn từ chối cánh cửa kinh doanh “thần kỳ” này, trừ khi thị trường Việt Nam quay lại bài 2 con cua trong rổ bò mãi không ra hoặc khi các ông “rất lớn” giang tay ôm hết thị trường.
Lời kết
Nhiều người cho rằng quảng cáo trên di động là bài toán khó. Tại Việt Nam, bài toán này cực khó vì chúng ta chỉ mới bắt đầu phát triển và mức độ sử dụng thuần thục công cụ quảng cáo này không thể mang ra so sánh với các quốc gia đã và đang phát triển. Nhưng khi startup Light Bulb Ad đưa ra giải pháp Social wifi marketing, chúng ta có thể sáng tỏ hơn về đường đi nước bước cho thị trường quảng cáo trên di động.
Điều mà chúng ta chờ đợi là: Liệu Light Bulb Ad sẽ làm gì để bảo đảm về mặt hạ tầng và họ có thể đưa ra những gói dịch vụ thông minh đến mức nào cho các công ty tìm đến họ để quảng cáo? Và sẽ có bao nhiêu công ty khác cũng nhảy vào khi nhìn ra tiềm năng của thị trường này?
(Biên tập bởi Phương Thảo)
Nguồn: Tech in Asia