5 bí quyết then chốt giúp nâng cao khả năng viết content của bạn
Tôi tin rằng bạn thích viết, vì mọi người đều có cảm xúc, suy nghĩ hay kinh nghiệm cần chia sẻ. Trong giao tiếp, tôi nhận ra ai cũng thích nói rất nhiều về câu chuyện CỦA HỌ, quan điểm cá nhân CỦA HỌ chứ chẳng mấy người chịu ngồi nghe.
Có thể chỉ là viết để thỏa mãn bản thân (nhật ký, hồi kí, tự truyện,..) hay chuyên nghiệp hơn khi viết bài giới thiệu sản phẩm, bài quảng cáo bán hàng trực tiếp thì những chỉ dẫn tiếp theo tôi sắp nêu ra sẽ cần thiết với bạn …
1. Bắt sóng cảm xúc
Rất khó lên lịch để viết. Mặc dù Joe Vitale tác giả cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ” (HYPNOTIC WRITING) nói rằng bạn nên lên kế hoạch viết mỗi ngày, nhưng tôi cho rằng đó là những trường hợp THIỂU SỐ tác giả. Cảm xúc không thể ép buộc. Sẽ có những khoảnh khắc cô nàng cảm xúc đỏng đảnh tìm về với bạn. Nhưng có lúc em ấy sẽ chơi trốn tìm khiến bạn cắn nát đầu bút không ra một chữ. Nhiệm vụ của bạn chỉ là vồ lấy cảm xúc bất cứ khi nào em xuất hiện. Hãy sắm cho mình tập giấy nhớ và cây bút để phác thảo nhanh ý tưởng, suy nghĩ. Có khi em thập thò nhìn trộm lúc bạn đang ngâm mình trong bồn tắm, lúc lại nằm kề bên khi bạn đang yên vị trong chăn ấm, hoặc ôm eo khi bạn lái xe bon bon trên đường … Hãy chuẩn bị tâm thế, vì em đến rất nhanh mà đi cũng lẹ. Bạn cần đáp lại sự quyến rũ của em ngay lập tức !
2. Muốn viết hay thì phải đọc nhiều
– Muốn ngôn từ phong phú hơn : bạn có thể đọc Kinh Thánh, hay những vở kịch của Shakespeare ...
– Hiện thực phê phán hay châm biếm đả kích : đọc Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ...
– Truyền cảm hứng : Napoleon Hill, Dale Carnegie, Jim Rohn ...
– Triết lý của trái tim / Tình yêu : bạn có thể đọc Phạm Lữ Ân
– Lôi cuốn tình tiết : các tác giả Dan Brown, J.K.Rowling, ...
– Giàu tính thuyết phục, kể chuyện : đọc nhiều truyện ngụ ngôn, thần thoại Hy Lạp, Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ tích Andersen …
– Muốn viết bài giới thiệu, quảng cáo thuyết phục : đọc Joe Vitale, Robert W.Bly, David Ogilvy ...
3. Muốn viết hay thì phải viết nhiều
Dĩ nhiên, nó là kỹ năng. Mà kỹ năng cần luyện tập. Không nhất thiết phải sửa đi sửa lại một bài, mà bạn cần chỉnh sửa VỪA ĐỦ cho 1 bài, và viết NHIỀU BÀI sẽ thành thục. Khoa học cũng chứng minh cần 20 giờ để bạn có căn bản trong một lĩnh vực nào đó, và cần 10 nghìn giờ để bạn thành chuyên gia
4. Đừng bắt chước
Khi bạn đọc nhiều, có một điều tồi tệ xảy ra là bạn bị “nhiễm” văn của người khác. Tôi từng bị ảnh hưởng bởi Phạm Lữ Ân, Nguyễn Công Hoan. Hãy chú ý tránh bị "hòa tan" để người đọc cảm nhận được đó là phong cách CỦA BẠN, thay vì thấy hình bóng AI KHÁC trong bạn.
Một lỗi nữa là đừng tổng hợp văn. Nhiều người thích tổng hợp cái hay cái đẹp của nhiều tác giả để ra văn phong của mình, kết quả bài viết của họ trở thành một đống hỗn độn
5. Đừng dễ dãi
Cái dở của thời buổi hiện nay là viết dễ dãi, cảm giác mọi người đều có thể trở thành cây bút được. Ai cũng có thể viết, tôi đồng ý, nhưng để viết cho ra hồn thì cần khổ luyện. Đừng viết để bợ đỡ, đừng viết quảng cáo cho một sản phẩm tồi. Đừng viết vì miếng ăn, vì nhuận bút ! Giờ mới có nghề copywrite kiếm bộn tiền chứ thực chất nhà văn Việt ngày xưa nghèo rớt. Viết vì CHÍNH BẠN, viết cho CHÍNH BẠN thôi. Hãy viết những điều khiến con tim bạn rung động. Hãy viết về những sản phẩm mà chính bạn cũng muốn dùng. Dù bạn viết hay dở cũng đều có kẻ khen người chê. Đừng sợ ai khác chê cười, hãy là một cây viết có đạo đức