4 tiêu chí "đánh giá" doanh nghiệp từ nhân viên
Theo nghiên cứu của Cornerstone – một công ty sở hữu nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nhân lực, 77% người trẻ sẵn sàng cân nhắc chuyện nhảy việc, thay đổi nơi sống đến một thành phố khác, quốc gia khác và xem đó như là một bước chuyển lớn trong sự nghiệp.
Với số lượng doanh nghiệp ngày càng gia tăng nhân viên có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp và nơi làm việc. Nhiều người dễ dàng nhảy việc bất cứ khi nào họ cảm thấy không hài lòng với nơi làm việc hiện tại của mình. Những nhân viên không hạnh phúc trong công việc không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bản thân họ, mà còn vô tình ảnh hưởng đến năng suất và thành công của công ty.
Vì vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các chủ doanh nghiệp hiện nay là phải tìm ra biện pháp giữ chân nhân viên và làm cho họ cảm thấy hạnh phúc, và gắn bó với công ty. Với một vài thay đổi đơn giản, bạn sẽ nhận thấy sự gia tăng về năng suất làm việc nhân viên mình, đồng thời tạo điều kiện đôi bên cùng có lợi.
1. Những phần thưởng ngoài tiền lương
Các phúc lợi luôn là chính sách hấp dẫn thu hút nhân viên
Ngoài tiền lương thì các phúc lợi hay các khoá đào tạo chuyên môn, kỹ năng cho nhân viên là những động lực thúc đẩy sự hài lòng và giúp họ gắn bó với doanh nghiệp.
Bên cạnh các gói bảo hiểm bắt buộc thì nhiều doanh nghiệp đã trang bị cho nhân viên của mình những phần thưởng như voucher, mã giảm giá tập gym, spa, yoga,... Vừa là phần thưởng tạo sự thích thú cho nhân viên và vừa là chăm lo cho sức khoẻ của họ.
Đừng quên rằng ngoài yếu tố chuyên nghiệp thì yếu tố cá nhân cũng quan trọng không kém. Hãy tạo 1 môi trường thân thiện, vui vẻ và khơi dậy các buổi nói chuyện ngoài công việc để tạo môi trường tốt nhất cho nhân viên.
2. Tạo điều kiện cho nhân viên phát triển
Nhân viên cảm thấy hài lòng khi được trao cơ hội làm việc mà họ giỏi nhất
Những doanh nghiệp đã bắt đầu thừa nhận rằng nhân viên của họ luôn muốn được thể hiện chuyên môn, ưu điểm ở lĩnh vực mà họ mong muốn. Không những thế, họ luôn muốn được trọng dụng và đạt thành tựu trong thành quả mà công ty đạt được.
Theo bản khảo sát thực hiện gần đây bởi Blessing White - công ty toàn cầu trong lĩnh vực phát triển nhân sự có chỉ ra rằng, 25% nhân viên cảm thấy mãn nguyện khi họ được trao cơ hội được làm việc mà họ giỏi nhất và 5% nhân viên nói rằng có cơ hội phát triển và đào tạo sẽ gia tăng sự hài lòng của họ trong công việc.
Hãy tạo công cụ và cơ hội để nhân viên của mình phát huy tối đa chuyên môn, kỹ năng và xây dựng thêm những điểm mạnh khác. Cho phép họ vượt lên bản thân mình, cập nhật thêm những kiến thức mới.
3. Định hướng sở thích và mục tiêu của nhân viên
Dẫn dắt mọi người cùng nhau hợp tác là chìa khoá giúp cho doanh nghiệp phát triển
Hiểu rõ về mục tiêu và sở thích cá nhân của nhân viên cùng với sự dẫn dắt của cấp trên sẽ giúp họ thấy được tầm nhìn và sứ mệnh của công ty. Qua đó nhân viên sẽ làm việc cần mẫn, hiệu quả hơn và giúp đỡ đồng nghiệp của mình vì họ biết rằng mỗi thành viên là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh của doanh nghiệp.
4. Trao cho nhân viên quyền tự chủ
Môi trường năng động, thoải mái là môi trường mà nhân viên có thể phát huy tối đa năng lực
Tạo điều kiện cho nhân viên linh hoạt trong thời gian và môi trường làm việc. Bên cạnh công việc họ còn có những trách nhiệm khác nhau với gia đình, xã hội vì vậy khung giờ làm việc tự chủ sẽ giúp nhân viên tập trung làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, khuyến khích nhân viên trang bị khu vực làm việc theo sở thích và nhu cầu là điều mà cấp trên nên làm. Nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi được làm việc nơi mình thích hơn là trong văn phòng nhàm chán. Điều này không chỉ tạo sự gần gũi hơn giữa các cá nhân trong công ty mà còn hỗ trợ nhân viên chăm sóc sức khỏe bản thân. Một số người bị các bệnh văn phòng như đau lưng, mỏi mắt sẽ thấy thoải mái hơn khi sử dụng bàn ghế phù hợp với nhu cầu của họ.
Kết
Với doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, không những phải quan tâm đến nhu cầu phát triển của nhân viên mà doanh nghiệp cần đưa ra những chương trình hỗ trợ cần thiết để nhân viên của mình đạt được mục tiêu đề ra. Đầu tư cho hạnh phúc và thành công của cấp dưới là những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo nên làm để giúp họ thúc đẩy công việc và gắn bó với nhau, tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn cho doanh nghiệp của bạn.
Bài viết này được chia sẻ từ Papaya - Nền tảng quản lý phúc lợi nhân viên cho doanh nghiệp.