Doanh nghiệp nâng 5% năng suất lao động, tiết kiệm hàng ngàn nhân lực
Đội ngũ nhân viên trong công ty là nguồn lực rất quý giá cần phải được khai thác để đào tạo lại lao động nội bộ.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng tổ chức học tập trong thời đại kỹ thuật số” diễn ra ngày 25-10 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện MVV Academy, Nhà sáng lập hệ thống đào tạo trực tuyến MVV Everlearn, để xây dựng tổ chức học tập trong doanh nghiệp trước tiên doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống tư duy thống nhất, trong đó, không ai học tốt bằng người đi dạy. Do đó, việc sử dụng người trong doanh nghiệp để đào tạo cho chính doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thành công trong mô hình giảng dạy này.
“Người dạy phải học kỹ và thực hiện những cái anh ta dạy. Trong quá trình đi dạy, giảng viên này vừa phát triển bản thân của họ qua nhiều kỹ năng mềm khác. Đây cũng là cách tốt nhất gắn kết truyền thông nội bộ”, ông Sơn nói.
Theo quan sát của ông Sơn, hiện nay các doanh nghiệp, tập đoàn đang lãng phí nguồn nhân sự của mình một cách “kinh khủng". Tri thức mà doanh nghiệp có trong 20-30 năm vận hành doanh nghiệp là rất quý giá. Các tri thức này đang không được tối ưu hoá và còn rải rác, không mang tính hệ thống và nằm trong đầu nhân viên kỳ cựu, khi họ nghỉ, tri thức đó cũng rời bỏ doanh nghiệp.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học Viện Viettel Academy cho hay, hiện nay Viettel có khoảng 70.000 nhân viên nhưng vẫn luôn trong tình trạng khát nhân lực. Không chỉ vậy, Viettel còn đang bị cạnh tranh nguồn nhân lực bởi các tập đoàn kinh tế khác. Do đó, giải pháp mà Viettel đưa ra là đào tạo nguồn nhân lực để làm sao tăng năng suất lao động, giảm áp lực tuyển dụng.
“Có nghiên cứu cho thấy, con người mới chỉ khai thác được 20-25% năng lực nội tại của bản thân. Nếu qua hình thức học tập có thể nâng lên được 5% đã cải thiện rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp", ông Tuyến nói. “Nếu áp dụng cho Viettel, nâng 5% năng suất lao động có thể giúp công ty có thêm được 3.500 lao động mà không phải tuyển dụng. Đây là một số khá lớn, giảm áp lực tuyển dụng trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực hiện nay".
Viettel có nguyên tắc là cán bộ cấp trung phải có 24 giờ giảng dạy; mỗi cán bộ công nhân viên có 42 giờ học. Chi phí hoạt động đào tạo cũng có quy định rõ ràng.
Theo ông Tuyến, mỗi nhân viên sẽ đề xuất những kỹ năng cần phải được cải thiện trong một năm. Cán bộ quản lý trực tiếp sẽ xem xét liệu kỹ năng đó có cần thiết để đưa đến quyết định có cho nhân viên học hay không. Hoặc, dựa trên chiến lược kinh doanh, cán bộ quản lý sẽ đề xuất những kỹ năng cần thiết để nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Đây như một cam kết giữa người học và người sử dụng lao động. Phần mềm chúng tôi đang chạy đã có hơn 20.000 người đăng ký”, ông Tuyến nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng tổ chức học tập trong doanh nghiệp, phương thức để thiết lập tổ chức học tập trong thời đại số. Điều này không đơn giản chỉ là một xu hướng quản trị nhân lực mà nó có thể mang lại môi trường làm việc cởi mở với những tư tưởng sáng tạo, chia sẻ và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mang tính giải pháp để giải quyết những vấn đề trong công việc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thấy được việc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực, xây dựng văn hóa học tập nói riêng và phát triển thành tổ chức học tập nói chung là một chiến lược dài hạn đối với các tập đoàn, công ty. Với sự hỗ trợ và phát triển về công nghệ ngày nay, các tổ chức học tập trong doanh nghiệp sẽ biến người học thành người sáng tạo, chia sẻ và biến một tổ chức học tập thụ động thành một tổ chức học tập chủ động. Điều này không chỉ không lãng phí tri thức của tổ chức, mà còn có thể thương mại hoá các tri thức đó.