Khi marketer nhảy việc: Liệu cỏ bên kia đồi có thực xanh hơn?
Mỗi mùa chuyển việc qua đi, không ít marketer lại để sự nghiệp của mình nhiễu dần sự kiên định giữa những kỳ vọng và ảo ảnh về công việc mới. Cuộc tìm kiếm ngọn đồi xanh nhất liệu có làm chúng ta đứng ở vị trí cao nhất trong nấc thang sự nghiệp của chính mình?
Thạo việc, thạo cả “nhảy việc”
Những năm trở lại đây, thị trường tuyển dụng nhân sự cấp cao ngành Marketing chưa bao giờ thôi hạ nhiệt. Giải mã điều này, bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan của thị trường và chủ quan từ phía người lao động. Theo Báo cáo Khảo sát lương của Talentnet-Mercer năm 2019, nhóm ngành Truyền thông nằm trong Top 3 Nghề được trả lương cao nhất cho vị trí quản lý.
Sở dĩ như vậy là vì nhân sự cấp thấp thì đông, mà quản lý thực sự có tầm thì ít. Sự khan hiếm của các vị trí cấp cao digital hay trưởng bộ phận truyền thông, thương hiệu,… đã khiến các công ty đưa ra những mức lương hấp dẫn và chức danh cao để săn tìm người thạo việc. Điều này vô hình chung tạo ra một thị trường tuyển dụng đầy tính cạnh tranh với những nấc thang “ảo” trong sự nghiệp của các marketer, khiến không hiếm những bạn trẻ giữ vị trí quản lý mà số lượng công ty từng kinh qua còn gấp đôi số năm kinh nghiệm làm việc.
Theo góc độ cá nhân hơn, văn hóa “nhảy việc” đang dần trở thành mẫu số chung trong việc tìm kiếm cơ hội thăng tiến của nhiều marketer, tâm lý này đặc biệt phổ biến ở ngành tiêu dùng nhanh (Consumer Goods). Các bạn trẻ mới vào nghề càng lúc càng nhiều, nhưng chưa kịp đào tạo đến lúc trở nên cứng cáp và thực sự tạo ra những giá trị cho doanh nghiệp thì họ đã nôn nóng, vội nhảy việc sang lĩnh vực khác, hoặc thậm chí là công ty đối thủ để nhanh chóng đạt một cấp bậc cao hơn.
Với tầm nhìn ngắn hạn xoay quanh vấn đề lương thưởng, hoặc giải quyết khó khăn và áp lực nhất thời, những hạt giống của một lứa marketer tài năng chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn để nhìn thấy tiềm năng lớn tại công ty hiện tại. Sau khi chuyển việc, khi vẫn chưa thật sự thấu hiểu tổ chức, nhóm quản lý vừa lên này lại tiếp tục nhìn thấy tiềm năng của mình hiện hữu ở một công việc khác. Và thế là cuộc đuổi bắt sự thoả mãn trong công việc lại bắt đầu và dường như không có hồi kết.
Kỳ vọng nhưng cần thực tế
Sau 3-5 năm thu thập kinh nghiệm và thành thạo kỹ năng, các marketer thường tìm kiếm sự công nhận để bứt phá.
Thế hệ marketer trẻ thiếu sự kiên nhẫn như thế là vì không phải chúng ta không muốn được thành công, mà là vì sâu thẳm bên trong chúng ta rất khao khát được thành công. Sau 3-5 năm thu thập kinh nghiệm và thành thạo kỹ năng, các marketer thường tìm kiếm sự công nhận để bứt phá, thử thách để nâng cao trình độ và tưởng thưởng xứng đáng để cống hiến nhiều hơn. Kỳ vọng này lại càng cần thực tế hơn để bắt nhịp thật nhanh sau cú nhảy việc và giảm thiểu nhiều nhất những chi phí cơ hội.
Chưa kịp vui mừng chức danh quản lý cấp cao bộ phận Quản lý khách hàng (Senior Account Manager), Tâm, trước đó với vị trí executive ở một global agency nọ đã dần nản lòng vì chưa đủ năng lực quản lý một nhóm 5-6 nhân viên cộng với khối lượng công việc đồ sộ mà cô không lường trước sẽ nhiều hơn hẳn ở công ty cũ. Hay như Hoàng, bỏ lỡ cơ hội phát triển sự nghiệp tại aAgency, Hoàng rẽ hướng sang client mà đã 6 tháng trôi qua anh vẫn không thể thể hiện tốt được bởi những cú shock văn hóa với môi trường co-operate, mà còn loay hoay trong việc tự trang bị kiến thức mênh mang về bán hàng, tài chính, nghiên cứu thị trường,…
Đây chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện mà marketer đã vỡ mộng khi nhảy việc, với những cơ hội mà nếu ở một thời điểm chín muồi hơn, họ đã có thể thể hiện xuất sắc hơn và đạt được kỳ vọng của bản thân và doanh nghiệp.
Tất nhiên, bức tranh chuyển việc không chỉ có những gam màu ảm đạm giữa một thế giới marketing luôn dịch chuyển. Thực tế, nhiều nhà tuyển dụng vẫn cho rằng một nhân sự marketing nếu có nhiều trải nghiệm sẽ bắt nhịp nhanh với guồng quay thị trường và cho rằng giá trị của một ứng viên sẽ không bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm làm việc của họ, mà chính bởi thái độ và sự kiên trì học hỏi – “Khi đánh giá một ứng viên hay nhân viên của mình, chúng tôi không đơn thuần chỉ nhìn vào kinh nghiệm mà còn nhìn vào các tiềm năng thô, khả năng thích nghi, giỏi xoay sở và nỗ lực học hỏi” – Bà Melissa Nguyễn, Giám đốc Quốc gia về Giải pháp Khách hàng tại Việt Nam và Thái Lan tại Google chia sẻ tại chương trình Talentnet Business Innovation Showcase – TBIS 2019.
Bước đà dài hơi cho sự nghiệp
Để chuyển việc sẽ không là một cú nhảy chếnh choáng mà thật sự là một bước đà dài hơi cho sự nghiệp, mỗi marketer nên có kế hoạch cụ thể cho đường chạy của mình.
1. Xác định nội lực
Sau tất cả, dù bạn đã từng có bao nhiêu cú nhảy, thì năng lực nội tại mới là thứ thúc đẩy bạn đi xa nhất. Và chỉ khi chúng ta thấy sự phát triển về năng lực của chính mình, đó là lúc sự thăng tiến được công nhận. Vì thế, trước hết, cần trung thực xác định năng lực bản thân và đề ra mục tiêu nghề nghiệp phù hợp, cụ thể bạn muốn thăng tiến ở vị trí nào, trong quy mô và ngành nghề công ty như thế nào, từ đó mới suy nghĩ về một chiến lược cho riêng mình.
2. Nâng sức bền
Làn sóng số hóa và tự động hóa khiến kiến thức ngành marketing trở nên vạn biến hơn bao giờ hết. Do đó, việc giữ mình cập nhật những xu hướng, kiến thức ngành và rèn luyện các kỹ năng tổng hợp là điều vô cùng quan trọng khiến bạn không bao giờ bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, đừng quên một thái độ sống tích cực để nhìn được cơ hội trong khó khăn vì như vậy bạn mới có thể đi xa với nghề.
3. Tăng cự ly
Đừng chỉ lặp lại chuỗi ngày chấm công với những công việc nằm trong phạm vi khả năng và kĩ năng quen thuộc. Các marketer đang nâng tầm mình khi luôn chủ động gắn kết marketing với bức tranh kinh doanh vĩ mô hơn của doanh nghiệp, từ khâu nghiên cứu thị trường, đến R&D, sản xuất và khám phá những phương thức mới tiếp cận người tiêu dùng. Hay đôi khi chỉ rướn cự ly bằng việc thử sức với một kĩ năng mới.
4. Tìm kiếm bạn đồng hành
Đừng ngần ngại xây dựng mối quan hệ với những “tiền bối” đi trước trong cùng ngành, hoặc những chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ngay từ bây giờ. Đường chạy có dài nhưng luôn rõ hướng đi bởi có những người đồng hành sẽ thấu hiểu cá tính, mong muốn cũng như hệ giá trị mà bạn hướng tới để mang đến cho bạn cơ hội công việc xứng tầm.
Tìm hiểu thêm Công ty Talentnet – Not just as Headhunters, but as Partners in your Progress.