Marketer Võ Văn Quang
Võ Văn Quang

Brand Guru - Chuyên gia thương hiệu @ Chief Marketing Officer

Báu vật Mù Căng Chải dưới góc nhìn thương hiệu

Sở hữu các sản phẩm thế mạnh có thể đầu tư khai thác và quảng bá để mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho địa phương như nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, tắm khoáng nóng… nhưng lâu nay, tiềm năng du lịch của tỉnh Yên Bái vẫn còn bỏ ngỏ.

Những ngày đầu tháng 10, sắc lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái) thu hút từng đông đảo người dân tứ xứ đổ về du lịch, chụp ảnh vào đúng thời điểm tạp chí du lịch danh tiếng CNTraveler xếp hạng Mù Căng Chải là một trong những điểm đến rực rỡ nhất thế giới. Ngoài Chiang Mai của Thái Lan, Mù Chăng Chải là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong danh sách.

Nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang và 'mỏ vàng' Mù Căng Chải

Đẹp hút hồn ruộng bậc thang Mù Căng Chải mùa lúa chín. Ảnh: Ngọc Sơn.

Nằm cách Hà Nội 300km về phía Tây Bắc, Mù Căng Chải xuất hiện sau những con đèo, dốc quanh co. Để đến được Mù Căng Chải, từ Hà Nội, du khách sẽ lên Yên Bái rồi đi theo lộ trình phía Tây đến huyện Văn Chấn, ghé thăm đồi chè cổ thụ Suối Giàng rồi qua thị xã Nghĩa Lộ là một phần của thung lũng Mường Lò - vùng đất tổ của người Thái đen.

Từ Nghĩa Lộ qua xã Tú Lệ, vượt đèo Khau Phạ quanh co - một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc - là đến huyện Mù Căng Chải, nơi sở hữu những cánh đồng ruộng bậc thang của bà con người Mông ở xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha; rồi có thể rẽ phải lên huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu để khám phá những cánh đồng chè ngút ngàn.

Đây là cung đường phổ biến nhất cho khách du lịch. Cung đường này không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp nơi núi rừng Tây Bắc mà còn là nơi cất giấu những sản phẩm vật thể và phi vật thể như những viên ngọc thô đang chờ được mài giũa.

Báu vật Mù Căng Chải 

Sức hấp dẫn của Mù Căng Chải theo đánh giá của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cũng tương tự như trường hợp của du lịch Mũi Né của tỉnh Bình Thuận hơn 15 năm về trước, khi lãnh đạo địa phương này còn chưa hiểu rõ quảng bá tiếp thị là gì.

Trong kinh nghiệm xây dựng cấu trúc thương hiệu địa phương, nhắc đến Bình Thuận là nói đến thương hiệu quả Thanh Long, nói về nước mắm thì phải là nước mắm Phan Thiết và nói đến du lịch quốc tế thì chắc chắn là Mũi Né chứ không phải Bình Thuận.

“Thương hiệu phải được chứng minh bằng những sản phẩm thực tế và cụ thể, dù là vật thể hoặc phi vật thể, lý tính hoặc phi lý tính”, ông Quang, tác giả chính thức của Dự án Thương hiệu điểm đến du lịch TP. HCM (Vibrant Ho Chi Minh City) chỉ ra.

Theo ông Quang, thương hiệu du lịch Mù Căng Chải là một sản phẩm văn hoá phi vật thể. Du lịch Mù Căng Chải là ngắm ruộng bậc thang và tham gia nhiều hoạt động như bay dù lượn, nhiếp ảnh, ngắm cảnh và tận hưởng không khí mùa thu vàng. Đó là một sự kết hợp giữa các sản phẩm lý tính và phi lý tính, từ đó khẳng định thương hiệu Mù Căng Chải.

Như vậy, ông Quang cho rằng, một cấu trúc thương hiệu cần một thương hiệu dẫn đầu làm bảo chứng (endorsement) cho các thương hiệu còn lại, phù hợp với từng phân khúc khách hàng.

Trong trường hợp của Bình Thuận, khách quốc tế đến từ Nga đam mê thương hiệu Mũi Né trong khi người Trung Quốc thì lại biết rất rõ thương hiệu thanh long Bình Thuận.

“Như vậy, tỉnh Yên Bái có thể tham khảo cấu trúc này. Cụ thể, Mù Căng Chải là thương hiệu dẫn đầu chứ không phải tỉnh Yên Bái. Khách du lịch quốc tế không thể nhớ thương hiệu Lào Cai hay Yên Bái, người ta chỉ nhớ Sapa và Mù Căng Chải”, ông Quang chỉ ra.

Do đó, vị chuyên gia sẽ là diễn giả của Đại hội Marketing thế giới 2019 sắp tới cho rằng chưa nên quảng bá thương hiệu Yên Bái ở thời điểm hiện tại. Nếu có điều kiện, nên tập trung quảng bá thương hiệu dẫn dắt là Mù Căng Chải, cũng giống như nói đến ẩm thực Việt Nam là phải nói đến phở mặc dù phở chưa phải là duy nhất, còn có nhiều thương hiệu ẩm thực Việt nam nổi tiếng khác như bánh mỳ, bún bò Huế, cà phê sữa đá, nem...

Nếu Mù Căng Chải được liệt kê vào danh sách những thương hiệu hấp dẫn nhất thế giới sẽ là cơ hội lớn cho lãnh đạo địa phương cùng Tổng cục Du lịch phát huy những giá trị thương hiệu hiện có và còn tiềm năng của Mù Căng Chải, đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế cho cả người dân địa phương.

Nếp Tú Lệ - thương hiệu nếp ngon nhất Việt Nam

Nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang và 'mỏ vàng' Mù Căng Chải 1

Du khách hào hứng tham gia làm cốm ngay ven đường Tú Lệ. Ảnh Giang Sơn.

Kể từ sau đổi mới khi Việt Nam bắt đầu giao thương hàng hoá, nếp Tú Lệ vẫn luôn được nhiều chuyên gia đánh giá là loại nếp ngon nhất Việt Nam, ngon hơn cả dòng nếp nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ là nếp cái hoa vàng.

Đã từ lâu trên những trạm dừng dọc theo cung đường Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Căng Chải, một trong những sản vật địa phương được nhiều du khách đón nhận là nếp Tú Lệ và hấp dẫn hơn là cốm Tú Lệ vào mùa thu se lạnh.

Ông Quang cho rằng, cốm Tú Lệ thậm chí còn được đánh giá là ngon hơn cả cốm làng Vòng ở Hà Nội. Khi nghiên cứu thổ nhưỡng các khu vực ruộng bậc thang có thể thấy, lúa nếp ở Tú Lệ, Mường Lò, Mù Căng Chải ngậm sương, hưởng ánh nắng mặt trời trong môi trường trong sạch với những dòng nước sạch chảy từ trên đỉnh đồi, không sử dụng hoá chất, cộng thêm giống lúa nếp bản địa. Những yếu tố này tạo ra sản vật địa phương không nơi nào sánh bằng.

“Thế nhưng giá trị của nếp Tú Lệ vẫn chưa cao trên thị trường. Tại sao các chuỗi phân phối như Saigon Co.op và Vinmart không đưa nếp Tú Lệ - đặc sản nếp số 1 Việt Nam vào hệ thống phân phối của mình?”, ông Quang đặt vấn đề.

Theo chuyên gia này, khi đã có những sản phẩm đầu ra với giá trị cao như vậy thì phải giải quyết được bài toán kinh tế địa phương, mang lại lợi ích cho chính bà con nông dân trong chuỗi giá trị của nếp Tú Lệ - Mù Căng Chải. Còn nếu sản phẩm của bà con làm ra vẫn bị tư thương ép giá thì không nên bàn đến thương hiệu Mù Căng Chải vì không giúp ích trong việc nâng cao giá trị kinh tế chủ lực của địa phương là đặc sản nếp Tú Lệ.

Tắm khoáng nóng – đỉnh cao của du lịch

Ngoài gạo nếp, xã Tú Lệ còn có một đặc sản rất ít người để ý là nước khoáng nóng. Ông Quang cho biết, dọc khu vực Mù Căng Chải có khoảng trên dưới 10 mỏ nước khoáng.

Mang một giá trị to lớn về sức khoẻ và du lịch, tắm khoáng nóng được xem là đỉnh cao của du lịch thế giới.

Hệ thống du lịch dịch vụ trải nghiệm tắm khoáng nóng Onsen của Nhật Bản có giá trị thu về hàng trăm USD mỗi du khách. Ở Việt Nam, nước khoáng nóng Thanh Tân của Huế được nhãn hiệu Alba phát hiện và khai thác rất hiệu quả. Thậm chí, nước khoáng thiên nhiên đóng chai Alba hiện có giá trị rất cao, ngang với nước khoáng Vĩnh Hảo.

Trong khi đó, các điểm tắm khoáng nóng của các địa phương như Tú Lệ, Mù Căng Chải hay Nghĩa Lộ chỉ mới được tư duy và khai thác ở cấp xã. Hạ tầng xộc xệch, mất vệ sinh và mức thu vài  nghìn đồng mỗi người.

Nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang và 'mỏ vàng' Mù Căng Chải 2

Bể tắm khoáng nóng ở Trạm Tấu. Ảnh: Nga Cường.

Nói về tắm khoáng nóng cho sức khoẻ, Yên Bái là một tỉnh giàu tiềm năng nhất khu vực Tây Bắc. Mặc dù Sơn La cũng có suối nước khoáng nóng nhưng lại cách xa Hà Nội hơn 500km trong khi đi từ Hà Nội lên Yên Bái chỉ hơn 200km, chủ yếu là đường cao tốc.

“Giá trị kinh tế của du lịch nước khoáng nóng ở Mù Căng Chải và Tú Lệ là tuyệt vời. Chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ địa phương nếu địa phương thấy cần thiết và có nhu cầu. Một trong những chuyên gia làm homestay rất uy tín hiện nay là anh Nguyễn Văn Mỹ cũng đồng ý về điều này”, ông Quang cho biết.

Điểm đến lý tưởng của các nhiếp ảnh gia và tay phượt hàng đầu thế giới

Mù Căng Chải là một trong những địa danh nổi tiếng cho nhiếp ảnh. Ông Quang cho biết cũng trong thời gian này, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành đã đại diện khởi xướng hai thương hiệu quốc gia nổi tiếng cho ngành mỹ thuật là thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam và thương hiệu nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong đó, các địa điểm được xem là thủ đô nhiếp ảnh như Mũi Né, Sapa, Mù Căng Chải sẽ cần được đưa vào danh sách những điểm dừng tiêu biểu của giới nhiếp ảnh quốc tế khi đến Việt Nam giao lưu.

Thủ phủ nhiếp ảnh của Nhật Bản là Furukawa ở Hokkaido đã nhiều năm mong muốn hợp tác giao lưu nhiếp ảnh với Việt Nam. Một người nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh là nghệ sỹ Nguyễn Bá Hân đã được thủ đô nhiếp ảnh của Nhật mời gửi các nhóm học sinh sang thi nhiếp ảnh và đạt giải tại Hokkaido trong vòng 5 năm qua.

Đối với khách du lịch khám phá, cung đường Mù Căng Chải là một trong những cung đường hấp dẫn nhất của các nhóm phượt bằng xe gắn máy đến từ châu Âu với các loại xe máy cổ như Minsk.

Các tay phượt đẳng cấp của châu Âu từ lâu đã thiết kế cung đường Hà Nội - Lào Cai - Sapa - Mù Căng Chải cho xe gắn máy và mô tô khủng với các hãng nổi tiếng như Ducati (Ý), Harley-Davidson (Mỹ) hoặc BMW (Đức) có mức giá hàng tỷ đồng mỗi chiếc.

“Mù Căng Chải là cung đường thích hợp nhất cho các nhóm lữ hành bằng xe mô tô phân khối lớn, đó là một đặc sản. Các cung đường mô tô phân khối lớn sẽ được liệt kê trong danh sách toàn cầu và cộng đồng chơi xe thế giới. Do đó, Mù Căng Chải là một trong những lộ trình tiêu biểu cần được quảng bá hơn nữa”, ông Quang chỉ ra.

Từ Hà Nội đi đường cao tốc lên Yên Bái, Lào Cai. Từ Lào Cai đi đường đèo lên Sapa, vượt đèo Ô Quý Hồ, sang Than Uyên ở Lai Châu và xuống Mù Căng Chải, sau đó về Nghĩa Lộ rồi về Hà Nội. Đó là vòng cung tiêu biểu nhất của vùng Tây Bắc, chỉ cần đi trong 4 ngày, ai cũng đi được kể cả các tay xe nghiệp dư.

Nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang và 'mỏ vàng' Mù Căng Chải 3

Phát triển du lịch Mù Căng Chải cần tránh bê tông hoá thiên nhiên.

Từ đặc sản này mở ra hướng du lịch lữ hành xe gắn máy kết hợp dòng sản phẩm mới là các chuỗi homestay đạt tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu nghỉ dưỡng theo mô hình của Topas Ecolodge Sapa thay vì thực hiện các dự án bê tông hoá như khách sạn, nhà nghỉ đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của Mù Căng Chải như hiện nay.

Hoặc một đặc sản khác hiện giờ đã được công nhận là bay dù lượn ở Mù Căng Chải thì nhóm chuyên gia của ông Võ Văn Quang đã triển khai cách đây 15 năm tại Mũi Né.

Đi tìm giá trị đích thực thương hiệu chè Suối Giàng

Còn nhớ cách đây gần 10 năm, nhóm chuyên gia của ông Võ Văn Quang đã từng làm phóng sự về chè Suối Giàng với tựa đề “Nghe trà”, lắng nghe tiếng nói của trà với bối cảnh là vùng chè cổ thụ. Thế nhưng sau một thập kỷ, giá trị chè Suối Giàng vẫn chưa hề thay đổi.

Một câu chuyện đặc biệt về chè cổ thụ cũng đã diễn ra khoảng mười năm về trước mà ít ai biết đến. Người con trai của chủ tịch tập đoàn Sony sau 5 năm làm việc ở Việt Nam đã vác ba lô về vùng chè cổ thụ, rừng chè nguyên sinh ở Fansipan với ý nguyện đơn giản là cắm trại ngủ dưới rừng chè nguyên sinh và hái những lá chè tinh khiết để pha nước chè uống trước khi về lại Nhật Bản. Đó là một trải nghiệm đỉnh cao.

Nói về việc phát triển một dòng sản phẩm chè trà cổ thụ ngon nhất và đắt tiền nhất Việt Nam, ông Quang nhấn mạnh chè cổ thụ Suối Giàng. Rừng chè cổ thụ trên 300 năm tuổi cao từ ba đến bảy mét, bà con người Mông phải trèo lên cây hái nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, ngâm mình trong sương.

Thế nhưng, giá gốc của loại chè này cũng ở khoảng 500 nghìn đồng/kg trong khi mỗi kg chè ngon nhất của Trung Quốc được bán với mức giá trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/kg. Điều đó nói lên rằng, việc khai thác nâng cao giá trị chè cổ thụ Suối Giàng còn bỏ ngỏ.

Nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, ruộng bậc thang và 'mỏ vàng' Mù Căng Chải 4

Không gian văn hoá chè Suối Giàng mới được khai trương ngay bên cạnh đồi chè cổ thụ. Ảnh Trương Công Tới.

Khi thương hiệu chè Suối Giàng được nâng cao và đến được với các đại gia sành trà, bà con dân tộc người Mông sẽ có thể cải thiện kinh tế địa phương rất tốt vì có thể nhân rộng các mô hình canh tác giá trị cao. Không chỉ địa danh Suối Giàng mà những vùng đất nằm ở độ cao 1.000m cũng sẽ trồng chè, nâng cao sản phẩm địa phương.

Ví dụ, trong lễ hội Mù Căng Chải, những điểm bán ở thị trấn Mù Căng Chải cần khai thác các cửa hàng trà, chè và chè Suối Giàng hiện vẫn chưa trở thành thương hiệu nổi tiếng đích thực để nâng cao giá trị lên từ 5 đến 10 lần giá trị gốc.

Ông Quang cho rằng sản phẩm chè Suối Giàng hoàn toàn có thể đặt mục tiêu nhắm đến những đại gia sành chè bởi sản lượng không nhiều nhưng mang lại tổng giá trị kinh tế cao. Thậm chí, có thể tổ chức bán đấu giá theo mùa như cách làm của Trung Quốc đối với các dòng chè giá trị cao ở Chiết Giang, An Huy và Giang Tô.