8 dạng văn hóa giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển
Dưới đây là 8 dạng văn hóa doanh nghiệp dựa theo nghiên cứu mới nhất từ Harvard Business Review do tổ chức Dale Carnegie Việt Nam tổng hợp lại.
Trong một tổ chức với nhiều cá nhân có tính cách khác biệt, người chủ cần xác định rõ ràng văn hóa doanh nghiệp và đưa họ cùng đi đến một mục tiêu chung.
"Yêu thương liệu có xa xỉ trong kinh doanh ngày nay" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong thời buổi công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Đây cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận tại buổi chia sẻ Quản trị bằng yêu thương do Dale Carnegie Việt Nam tổ chức mới đây.
Chia sẻ với khoảng gần 100 đại diện doanh nghiệp đến từ TP.HCM, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm TGĐ Dale Carnegie.
Việt Nam đã nhắc đến 8 dạng văn hóa trong doanh nghiệp mà bất cứ công ty nào cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng để biết cách điều hành một nhân sự đi theo đúng mục đích của một tổ chức đặt ra. Những nghiên cứu này được rút ra từ quá trình khảo sát 230 công ty trên 6 châu/vùng Phi, Á, Âu, Mỹ, Đại Dương, phân tích và phỏng vấn 1.300 vị lãnh đạo cấp cao. Đồng thời nghiên cứu cũng dựa trên việc đối chiếu, khảo sát 25.000 nhân viên, dựa trên tham khảo và phân tích 100 mô hình văn hóa và rất nhiều nghiên cứu nổi tiếng khác về văn hóa doanh nghiệp như David Calwell, Jennifer Chatman, James Heskett, John Kotter, Chales O’Reill…
8 dạng văn hóa doanh nghiệp dựa theo nghiên cứu từ Harvard Business Review
Văn hóa Quan tâm: Đây là dạng văn hóa chiếm số lượng khá lớn trong các doanh nghiệp hiện nay với tỉ lệ nghiên cứu là 63%. Biểu hiện đặc trưng của dạng văn hóa Quan tâm mối quan hệ và sự tin tưởng. Môi trường làm việc của dạng văn hóa này đi theo xu hướng ấm áp, hỗ trợ và luôn hợp tác lẫn nhau. Yếu tố kết nối nhân viên chính là lòng trung thành, sự thật tâm của đồng nghiệp. Nếu xây dựng thành công dạng văn hóa này người lãnh đạo được đề cao về sự chân thành, tinh thần đồng đội và luôn có các mối quan hệ tích cực. Disney là một dạng doanh nghiệp có văn hóa quan tâm.
Thuận lợi của nó là thúc đẩy tinh thần đồng đội, gắn kết, giao tiếp, niềm tin và mang đến cảm giác "tôi thuộc về nơi này". Tuy nhiên, dạng văn hóa này cũng có những bất lợi như tập trung quá nhiều vào sự đồng lòng, đồng thuận có thể làm giảm cơ hội khám phá mới, dập tắt cạnh tranh và ra quyết định chậm.
Văn hóa Học Hỏi: Dạng văn hóa này khá nhỏ, khoảng 7% dựa trên nghiên cứu của Harvard Business. Đặc trưng của dạng văn hóa này là hướng đến sự khám phá, tìm tòi, phát triển và mở rộng. Môi trường làm việc phải luôn đầy sáng kiến và sự chia sẻ, cởi mở với những ý tưởng mới, yêu cầu nhân viên phải kết nối liên tục để kích thích tính tò mò và sự hiếu kỳ. Xây dựng thành công văn hóa Học hỏi người lãnh đạo được đề cao về tính đổi mới, kiến thức và sự mạo hiểm, sáng tạo.
Thuận lợi của văn hóa Học hỏi giúp thúc đẩy sự đổi mới, thay đổi linh động và nhanh chóng tạo nên một xu hướng văn hóa học của toàn công ty. Tuy nhiên, nó cũng có những bất lợi như việc tập trung quá mức vào mục đích khai thác cái mới sẽ khiến nhân viên mất tập trung và thiếu khả năng quan sát để làm tốt những cái hiện tại đang có. Do đó, chỉ có khoảng 7% công ty trên thế giới áp dụng loại văn hóa này.
Văn hóa Vui vẻ: Văn hóa vui vẻ chiếm rất ít trong tổng số những công ty được khảo sát trên toàn thế giới với 2%. Đặc trưng của dạng văn hóa này là luôn tạo ra niềm vui và sự phấn khích. Môi trường làm việc đi theo tiêu chí thư thái - nơi mọi người có thể thoải mái làm những gì mà họ cảm thấy hạnh phúc nhất. Yếu tố kết nối nhân viên chính là sự khôi hài và luôn khuấy động tinh thần. Lãnh đạo doanh nghiệp được đề cao về sự tự nhiên và tính hài hước.
Văn hóa Vui vẻ giúp thúc đẩy tinh thần, sự gắn kết và sáng tạo của đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, nhà quản trị cần lưu tâm khi lựa chọn bởi sự tập trung quá nhiều vào sự tự chủ và gắn kết có thể dẫn đến việc thiếu tính kỷ luật, dẫn đến những vấn đề của pháp lý và quản trị.
Văn hóa Quyền Lực: Có khoảng 4% doanh nghiệp đang đi theo dạng văn hóa này. Biểu hiện đặc trưng của nó là quan tâm đến sức mạnh, sự quyết đoán và liều lĩnh. Môi trường làm việc luôn tuân theo tiêu chí cạnh tranh cao - nơi mọi người phải nỗ lực liên tục để dành được lợi thế cá nhân. Yếu tố kết nối nhân viên phụ thuộc vào sự kiểm soát mạnh mẽ từ cấp trên. Lãnh đạo doanh nghiệp được đề cao về sự tự tin, địa vị và khả năng thống trị.
Ưu điểm của văn hóa Quyền lực là thúc đẩy tốc độ ra quyết định và phản hồi đối với những đe dọa, khủng hoảng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý bởi việc tập trung quá nhiều vào quyền lực và quyết định táo bạo có thể dẫn đến xung đột chính trị, mâu thuẫn và môi trường làm việc không an toàn về tâm lý.
Văn hóa Chủ đích: Có khoảng 9% doanh nghiệp đi theo dạng văn hóa này. Biểu hiện đặc trưng của văn hóa Chủ đích là lý tưởng và chủ nghĩa vị tha. Môi trường làm việc đi theo tiêu chí bao dung, đồng cảm - nơi mọi người nỗ lực làm việc thật tốt vì một tương lai tốt đẹp. Yếu tố kết nối nhân viên là sự định hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Lãnh đạo doanh nghiệp được đề cao về những lý tưởng được sẻ chia và đóng góp cho đại nghĩa.
Ưu điểm của văn hóa Chủ đích là sự nhìn nhận, trân trọng dành cho sự đa dạng để tạo ra tính bền vững và thiên về trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, việc để nhân viên tập trung quá nhiều vào lý tưởng và chủ đích lâu dài có thể làm giảm đi tính thực tiễn và giải pháp tức thời.
Văn hóa Kỷ luật: Có khoảng 15% doanh nghiệp áp dụng dạng văn hóa này trong công ty. Biểu hiện đặc trưng là sự tôn trọng, cơ cấu và những chuẩn mực đạo đức được đồng thuận. Môi trường làm việc có hệ thống, phương pháp, nơi mọi người làm việc và tuân thủ theo nguyên tắc. Yếu tố kết nối nhân viên là sự hợp tác trong mọi thời điểm. Người lãnh đạo được đề cao về khả năng quản trị hệ thống dựa theo quy chuẩn đã xác lập.
Dạng văn hóa này giúp thúc đẩy hiệu suất công việc, giảm mâu thuẫn và nâng cao khả năng quan tâm đến nhu cầu của cộng đồng. Nhược điểm của nó là sự tập trung quá nhiều vào luật lệ và truyền thống có thể làm giảm sự độc lập cá nhân, dập tắt sáng tạo và hạn chế những linh động trong việc thay đổi, đổi mới.
Văn hóa An toàn: Có khoảng 8% doanh nghiệp lựa chọn dạng văn hóa này. Biểu hiện đặc trưng của nó là sự cẩn trọng, hoạch địch kế hoạch rõ ràng và luôn tỉ mỉ. Môi trường làm việc dễ dự đoán - nơi mọi người dè dặt với rủi ro, ít chấp nhận lỗi sai và luôn cân nhắc kỹ lưỡng từng vấn đề. Yếu tố kế nối nhân viên là mong muốn được bảo vệ và có khả năng dự đoán những thay đổi. Lãnh đạo được đề cao về tính thực tế và khả năng hoạch định trước các vấn đề.
Ưu điểm của văn hóa An toàn là thúc đẩy quản trị rủi ro, sự ổn định và tính liên tục trong kinh doanh. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào chuẩn hóa và hình thức hóa có thể dẫn đến cục bộ, quan liêu, thiếu tính linh hoạt và tạo ra môi trường làm việc thiếu tính nhân văn.
Văn hóa Kết quả: Đây là dạng văn hóa được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất với khoảng 95%. Biểu hiện và đặc trưng của dạng văn hóa này là tập trung 2 yếu tố thành tựu và chiến thắng. Môi trường làm việc luôn hướng đến kết quả và sự tưởng thưởng - nơi mọi người luôn khát khao đạt được những kết quả vượt trội. Yếu tố kết nối nhân viên là sự cạnh tranh về năng lực và khả năng thành công trong công việc. Lãnh đạo được đề cao năng lực đạt được mục tiêu đề ra.
Ưu điểm của văn hóa Kết quả là thúc đẩy vận hành, tôn trọng hướng ngoại, nâng cao năng lực và đạt mục tiêu. Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế nhất định như việc tập trung quá nhiều vào mục tiêu, kết quả có thể dẫn đến sự gãy, vỡ trong giao tiếp, hợp tác mang đến nhiều căng thẳng và lo lắng.
Theo bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam, mỗi dạng văn hóa đều mang trong mình những ưu-nhược điểm khác nhau. Song hiện nay, có thể nhận xét các xu hướng chung như sau:
Hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến văn hóa thiên về ‘Kết quả' (95% - ví dụ như GSK). Trong khi phần đông số khác có khuynh hướng trở thành các doanh nghiệp biết ‘Quan tâm' (63% - điển hình như Disney). Một xu hướng đang lên - dù chiếm tỉ lệ thấp, phổ biến ở các công ty công nghệ hiện nay là văn hóa ‘Học hỏi' và ‘Vui vẻ' (lần lượt là 7% và 2%, ví dụ như Tesla và Zappos).
Chính vì những xu hướng văn hóa doanh nghiệp mang tính tương đối, do đó các chủ doanh nghiệp cũng cần có các quyết định chọn lựa loại hình văn hóa phù hợp (theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp hoặc bản chất, ngành nghề của doanh nghiệp) để phát huy được các khả năng của loại hình văn hóa doanh nghiệp hiện có.
Theo CafeF.