Finger Ages – Kỷ nguyên của những ngón tay (P2)
Truyền thông có cả hai chức năng đối với xã hội: Kiến trúc hoá các tư tưởng thành 1 định dạng có thể nghe – xem – sờ được và Xây dựng/ lan toả những tư tưởng đó trong xã hội.
Trước khi tiếp tục phân tích “Làm cho những ngón tay đó dừng lại..!” như thế nào, có lẽ tôi sẽ dành khoảng 2 chapter trong series này để phân tích 1 cách tổng quan về thị trường “truyền thông xã hội” hiện tại một cách đầy đủ, rõ nét, tránh những mơ hồ và hiểu nhầm không đang có mà rất nhiều người, kể cả là các marketers chuyên nghiệp đang vướng phải.
Thứ gì đang quyết định truyền thông xã hội hiện đại?
Tôi còn nhớ khi học cao học, tôi được tiếp xúc với một khái niệm rất thú vị đó là “truyền thông kiến tạo xã hội” của Tiến sỹ Đỗ Anh Đức – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn. Phần đa chúng ta sẽ lựa chọn chữ “định hướng” chứ không phải chứ “kiến tạo”, nhưng những luận điểm của thầy cho thấy sự vượt bậc về góc nhìn và sự đánh giá khách quan về những giá trị của truyền thông với xã hội.
Nếu là “định hướng” thôi thì chưa đủ cả độ sâu và độ rộng. “Kiến tạo” có thể được hiểu ngắn gọn là bao hàm cả 2 quá trình: Kiến trúc và Tạo dựng. Giống như xây 1 ngôi nhà vậy, ý tưởng của chủ nhà hay và chi tiết đến đâu cũng vẫn cần 1 Kiến trúc sư lên bản vẽ kỹ thuật và 1 thợ xây để xây nên ngôi nhà sát với bản vẽ nhất. Truyền thông có cả hai chức năng đó đối với xã hội: Kiến trúc hoá các tư tưởng thành 1 định dạng có thể nghe – xem – sờ được và xây dựng/ lan toả những tư tưởng đó trong xã hội.
Với thực tiễn làm nghề của mình, tôi ngày càng thấy khái niệm này thực sự đúng đắn. Truyền thông ngày nay đóng một vai trò rất rất lớn trong xã hội. Bạn hãy thử nhìn quanh mình, chỉ 3-5 năm trước thôi, các khái niệm Quảng cáo – PR – Marketing – Thương hiệu được trộn hết vào với nhau và chẳng mấy ai kiên nhẫn tách bạch chúng. Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp mà in-house cũng đã có những phòng ban riêng, tách biệt chức năng và KPI của từng mảng chứ đừng nói đến các Agency. Để tạo ra các sản phẩm truyền thông không chỉ là 1 tổ chức, doanh nghiệp mà 1 cá nhân cũng có thể là chủ thể truyền thông, kiến tạo nên các giá trị cho xã hội với một chủ đề hoặc thông điệp nào đó, bởi ngày nay quá dễ dàng để bất kỳ ai có thể sở hữu 1 kênh truyền thông cá nhân – Owned Media.
Và bởi thế, thứ đang quyết định truyền thông xã hội hiện nay chính là “Sự sáng tạo nội dung” – Content Creation. Qua rồi thời kỳ Khách hàng là thượng đế, ngày nay người người từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều thừa nhận khái niệm “Content is King”. Sự thành công và vươn cao của nghề Truyền thông ngày nay đến phần nhiều vào sự tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo nội dung của xã hội.
Trong quyển sách Platform Revolution – Geoffrey G Parker đã phát biểu một câu nói trở thành kinh điển về bản chất của sự phát triển các mô hình kinh tế – xã hội hiện tại: “Uber – Công ty vận tải lớn nhất thế giới lại chẳng sở hữu 1 chiếc xe nào cả, AirBnB có thể coi là công ty bất động sản lớn nhất thế giới lại chẳng sở hữu bất kỳ ngôi nhà nào cả…”. Các bạn có thể tư duy tương tự với Facebook: “Trang thông tin lớn nhất thế giới mà chủ của nó chẳng mảy may quan tâm đến việc tạo ra chút nội dung nào cả… !”.
Thứ đang quyết định truyền thông xã hội hiện đại chính là các nội dung cá nhân như thế. Chúng ta có thể cập nhật nhanh một status livestream nào đó, bù lại cũng có thể sẽ bị chết ngập trong các luồng thông tin giả mạo… Nó vừa có lợi và có hại cho cả chủ thể truyền thông lẫn công chúng.
Tuy nhiên, không cần dài dòng như trên, ở Việt Nam có thể nói đơn giản thứ đang quyết định truyền thông xã hội hiện đại là… “Luật An ninh mạng”!
Toán học trong truyền thông?
Nếu theo tư duy của chúng ta khi chọn trường đại học thì hẳn chúng ta sẽ xem Truyền thông là ngành “xã hội” chứ chắc chắn không ai cho rằng đó là ngành “tự nhiên”, bởi đâu đó gốc rễ của Truyền thông vẫn là một hiện tượng của xã hội. Tuy nhiên hãy thử nhìn nhận Truyền thông theo cách toán học thì sẽ như thế nào nhé.
Tôi sẽ ví dụ bài toán đặt ra ở đây là: Tại sao Facebook mua Instagram với giá 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu vào tháng 4/2012?
Tất nhiên có rất nhiều cách trả lời chung chung, nhưng nếu thử tính toán về phương diện doanh số truyền thông thì điều này có ý nghĩa gì với cả 2 nền tảng.
Đầu tiên bạn cần xác định doanh thu của Facebook chủ yếu đến từ quảng cáo. Ở đây chính là lượt hiển thị quảng cáo của các thương hiệu trên newfeed của người dùng. Bởi thế “thời gian người dùng lướt newfeed” là yếu tố sống còn cho doanh thu. Hay cũng có thể nói Facebook đang kiếm tiền trên ngón tay của chính các bạn – Finger Ages.
Theo cách tính đó thời gian người dùng sử dụng Facebook chính là công cụ để Facebook thu tiền từ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook.
Ngày 6.10.2010, Instagram được phát hành trên App Store. Vào tháng 12 năm 2010, con số người dùng Instagram là 1 triệu người. Chỉ vài tháng sau đó vào tháng 6 năm 2011, Instagram đã công bố tổng số người dùng lên đến 5 triệu người và nhanh chóng tăng lên con số 10 triệu người dùng vào tháng 9 năm 2011. Vào tháng 12 năm 2014, nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom đã công bố có tới hơn 300 triệu người dùng.
Hãy cùng làm phép tính như bảng:
Bạn có thể hiểu đơn giản là việc Instagram ra đời đã “cướp” đi 3,6 tỷ phút sử dụng của Facebook vào năm 2012. Nếu nhân nó với doanh thu mỗi phút trong năm của Facebook ở trên, nghiễm nhiên Facebook đã mất đi đâu đó khoảng 0,00091 x 3.600.000.000 = 3.280.580 USD
Khi bạn đang là ứng dụng số 1 thế giới, bạn sẽ làm gì khi có 1 “người bạn” là ngôi sao đang lên cướp 3,2 triệu USD của bạn ngay khi người bạn đó mới chỉ ra đời được có 1 năm? Ồ đó, rất đơn giản, bỏ 1 tỷ USD ra mua luôn người bạn đó!
Tương tự, đó chính là căn nguyên của các thương vụ mua bán khác của Facebook hay một loạt các tập đoàn truyền thông. Video clip dưới đây có thể tổng hợp nhanh được tốc độ của cuộc chơi đang thay đổi từng ngày như thế nào.
Mục đích của chapter này để các bạn có thể thử nhìn thế giới truyền thông ở góc độ vi mô định nghĩa và vĩ mô về thị trường. Hy vọng các bạn thấy được thế giới truyền thông rất rộng lớn và thú vị, rất nhiều điều đáng phải bàn hơn việc chỉ là việc viết content sao cho hay, thiết kế sao cho đẹp.
Còn tiếp.
Leo Trần – CEO Express Agency
Finger Ages – Kỷ nguyên của những ngón tay (P1)