Bán hàng online có còn "hái ra tiền"?

Tại Việt Nam, bán hàng online, bán hàng đa kênh trên: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo… hiện đang là xu hướng. Nhưng xu hướng này cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, nguồn lực để có thể vận hành tốt, đặt ra bài toán về giải pháp quản lý tập trung.

Theo báo cáo "Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018" do Google - Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Trong đó, quy mô thị trường đạt khoảng 8 tỷ USD với mức tăng trưởng lên tới 30%. Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường có thể đạt 13 tỷ USD.

Đây cũng là mức tăng trưởng lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Cùng với đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng về số người tham gia mua sắm trực tuyến, giá trị mua sắm trực tuyến…

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo và Thegioididong đang lần lượt dẫn đầu về lượng truy cập, mua sắm tại nước ta. Điển hình là sự tiến bộ vượt bậc của Sendo, khi số lượt truy cập web của sàn thương mại điện tử này trong quý đã tăng đến hơn 10%, từ 25,3 triệu lượt lên 28 triệu lượt.

Bán hàng online có còn hái ra tiền?

Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Sendo cho biết, bên cạnh thế mạnh thấu hiểu sâu sắc văn hóa, thị trường Việt Nam, thì việc sàn thương mại điện tử tập trung vào đối tượng người bán hàng online - nâng cao khối lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm là một chiến lược rất quan trọng.

Những giấc mơ dở dang

Chia sẻ của ông Trần Hải Linh đã phác họa được phần nào bức tranh thương mại điện tử Việt Nam ở góc độ người bán hàng, kinh doanh online, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước ta trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế số hóa các ngành nghề truyền thống trên toàn cầu.

Bởi thông qua các sàn thương mại điện tử, người bán sẽ tiết kiệm được nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, hạn chế những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường mới, chỉ cần tập trung phát triển mạng lưới đối tác, cũng như nâng cao dịch vụ, sản phẩm.

Lam Linh, chủ shop online chuyên về đồ trang sức và lưu niệm tại Hà Nội cho biết, trước đây cô từng mơ ước có một cửa hàng riêng về trang sức. Tuy nhiên, hạn chế về tài chính, cộng với việc vận hành cửa hàng vật lý tốn kém nhiều chi phí từng khiến cô không ít lần phải bỏ dở ước mơ này.

Lam Linh sau đó tìm hiểu và biết tới mô hình kinh doanh online, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi tư duy từ offline sang online giúp Lam Linh hiện thực hóa được ước mơ bấy lâu. Với 2 kênh bán hàng chính là Facebook và Shopee, cô chủ shop này có nguồn thu đều đặn, trong khi chi phí bỏ ra không quá cao.

Trong khi đó, Hoàng Tùng - chủ shop online chuyên về quần áo thể thao đã có phần may mắn hơn. Hoàng Tùng sở hữu một cửa hàng nhỏ trong 5 năm, nhưng càng ngày doanh số càng giảm, do lượng khách bán lẻ ngày một ít đi.

Dù đã thử nghiệm nhiều phương thức, nhưng phải tới khi Hoàng Tùng quyết định mở ra các kênh bán hàng online trên Zalo, Tiki, Facebook, tình hình kinh doanh của shop mới được cải thiện. Lý do là người dùng đang có xu hướng mua hàng online nhiều hơn, trải nghiệm mua hàng truyền thống không còn sức hấp dẫn với các khách hàng trẻ tuổi.

Cuộc chơi mới đầy thách thức

Mặc dù cả Lam Linh và Hoàng Tùng đã bước đầu tìm ra được "công thức" trong cuộc chơi kinh doanh online, nhưng thách thức đặt ra trước mắt họ không hề nhỏ. Việc cùng lúc bán hàng trên nhiều kênh, nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau mang đến cho các chủ shop này không ít phiền phức.

Lam Linh chia sẻ,việc mở thêm các kênh bán hàng ngoài Facebook khiến cô "đầu tắt mặt tối". "Một mình vừa đăng bài, vừa quảng cáo, lại tư vấn, nhận đơn và chuyển hàng nên mình phải liên tục chân tay. Nhiều khi rối quá mình còn ship nhầm cho khách hoặc bỏ quên đơn", Linh nói.

Còn như Hoàng Tùng, để đối mặt với bài toán bán hàng đa kênh, chủ shop này liên tục phải thuê cộng tác viên nhằm phát triển các kênh mới,nhất là trong bối cảnh các đơn hàng theo đó cứ liên tục đổ về.

"Việc tính toán để đưa ra giá bán phù hợp trên các khoản chi phí mà sản phẩm phải chịu không hề đơn giản như mình tưởng tượngban đầu. Mặc dù số lượng đơn hàng có gia tăng nhưng chẳng thể bù đắp được chi phí thuê cộng tác viên, chi phí quảng cáo, chạy chiến dịch", Hoàng Tùng ngẫm lại.

Không riêng gì Lam Linh hay Hoàng Tùng, bán hàng đa kênh hiện là bài toán đau đầu với rất nhiều chủ shop bán hàng online. Sự đổ bộ của các sàn thương mại điện tử cùng sự phát triển bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra nhiều "đất diễn" cho các chủ shop, gia tăng cơ hội đưa sản phẩm tiếp cận tới người dùng.

Nhưng để quản lý, cũng như bán hàng online hiệu quả thì cần tới những giải pháp chuyên dụng. Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo cho hay, các giải pháp quản lý bán hàng online ra đời đã giúp phá bỏ rào cản giữa các các kênh độc lập, để quy về quản lý tập trung một chỗ về hàng hóa, đơn hàng, khách hàng, đồng thời tiết kiệm tối đa nguồn lực...

"Thị trường hiện có rất nhiều giải pháp bán hàng đa kênh. Nhưng sản phẩm chuyên biệt và thiết kế dành riêng cho người bán hàng online thì chưa nhiều. Sapo mới ra mắt dịch vụ Sapo GO quản lý bán hàng online dành riêng cho nhà bán hàng trên sàn và Facebook giúp các chủ shop triển khai các kênh bán hàng online này một cách dễ dàng với chi phí thấp", ông Tuyến nói.

Bán hàng online có còn hái ra tiền?

Đơn cử như việc kiểm tra, cập nhật vài chục mặt hàng trên nhiều kênh online nếu không cẩn thận có thể dẫn tới tình trạng khách hàng đặt mua những sản phẩm đã hết, khiến độ uy tín của của hàng bị sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực trở lại doanh thu.

Giải pháp quản lý bán hàng online giúp chủ shop kiểm soát tập trung một nơi về tồn kho, đơn hàng, khách hàng, doanh thu, báo cáo của tất cả các gian hàng một cách hoàn toàn tự động. Việc tính toán kỹ lưỡng, cũng như áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận cùng chi phí tiết kiệm nhất.

Theo Vneconomy