Tư duy thiết kế - một xu hướng thời đại
Design thinking (hay Tư duy thiết kế), theo cá nhân tôi đánh giá, nó sẽ trở thành một công cụ giải quyết vấn đề chủ chốt trong các hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai gần, ví dụ như nghiên cứu hành vi người dùng, phát triển sản phẩm, bán hàng, marketing, nâng cao trải nghiệm dịch vụ.
VẬY DESIGN THINKING LÀ GÌ?
Theo cá nhân tôi hiểu, design thinking là một công cụ gồm 5 bước dùng để giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp mà cốt lõi của nó là đặt Con người làm trọng tâm trong suốt quá trình 5 bước đó.
ĐẶT CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM
Vì chính vì đặt Con người làm trọng tâm nên cốt lõi của design thinking đó là chính sự tương tác trực tiếp với con người thật (khách hàng, đối tác, nhân viên…) để lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông từ đó tìm ra được những giải pháp khả thi hữu hiệu. Càng thấu hiểu họ thì giải pháp mang lại càng phù hợp.
>>> Tìm hiểu thêm: Insight của khách hàng để thấu hiểu họ hơn
SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ TRỰC QUAN
Do bắt nguồn từ Thiết kế nên trong design thinking áp dụng những phương pháp trực quan như vẽ nháp, phác thảo (sketching) ý tưởng lên giấy, vẽ storyboard, xây dựng bản mockups (giống graphic design). Nói chung thay vì nói ê a ý tưởng nào đó bằng lời thì bây giờ chúng sẽ được vẽ ra. Cách này rất hiệu quả. Lúc đó cả ông IT, ông sales, khách hàng, các sếp sẽ cùng chung 1 ngôn ngữ.
TẠO RA CÁC NGUYÊN MẪU (PROTOTYPE)
Một điểm nữa, trong Design thinking luôn bắt bạn phải tạo ra các sản phẩm mẫu (hay nguyên mẫu prototype). Tức là phương pháp tư duy này không cho phép bạn chỉ nói suông hay phác thảo ý tưởng rồi thôi, mà nó buộc bạn phải tạo ra các sản phẩm mẫu để kiểm chứng với đối tượng bạn đang muốn xây dựng các giải pháp.
DESIGN THINKING ĐƯỢC THỰC HIỆN LẶP ĐI LẶP LẠI
Cuối cùng, Design thinking là những vòng lặp (iteration) 5 bước nêu trên. Bạn hình dung là sản phẩm mẫu ban đầu có thể chưa được hoàn chỉnh, bạn tiếp tục lặp lại 5 bước nữa để làm ra sản phẩm mẫu thứ 2, và lặp lại để tạo ra sản phẩm mẫu thứ 3, 4, 5…cho đến khi có được sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Quá trình này giúp bạn giảm thiểu được rủi ro, tiết kiệm được nguồn lực rất nhiều.
Chúc bạn thành công với Design thinking – tư duy thiết kế!
Anh Marketer