Remarketing - công cụ hiệu quả cho một chiến lược online
Remarketing - tiếp thị lại hoạt động thế nào?
Đối với các Chuyên viên Digital Marketing, thì công cụ quảng cáo Remarketing không thể thiếu trong hầu hết các chiến dịch của một chiến lược marketing online , giúp lan rộng thông điệp quảng cáo, đẩy mạnh mức độ nhận diện thương hiệu, tiếp cận nhóm các đối tượng khách hàng tiềm năng thêm một lần nữa, khuyến khích khách hàng quay lại website của bạn và tiến hành mua hàng.
Quy trình hoạt động của quảng cáo Remarketing như thế nào
Nguyên lý hoạt động của tiếp thị lại đó là với một đoạn mã (code đối với Remarketing của Google và Pixel với Facebook Retargeting trong chiến dịch quảng cáo trên facebook) sẽ được thêm vào một Landing Page hoặc website doanh nghiệp muốn thực hiện tiếp thị lại. Mỗi khi người dùng truy cập vào website đã được gắn mã, hệ thống sẽ tự động lưu lại các thông tin và thêm cookie vào danh sách chiến dịch Tiếp thị lại. Những người này sẽ trở thành một nhóm khách hàng tiềm năng trong mỗi chiến dịch marketing nhắm trực tiếp vào họ.
Tại sao cần phải quan tâm tới Remarketing?
1. Cơ hội thứ hai để tạo ra chuyển đổi
Điểm khác biệt của công cụ Remarketing đó là chỉ nhắm tới những người dùng đã từng có hành động truy cập tới trang web hoặc landing page của doanh nghiệp, điều này có nghĩa là họ có quan tâm tới những sản phẩm dịch vụ của bạn (có thể chỉ là vô tình). Do vậy cơ hội để một nhóm khách hàng tiềm năng này thực hiện những hành vi chuyển đổi cuối cùng (như: mua hàng, đăng ký…) khi quay lại website của doanh nghiệp một lần nữa sẽ là lớn hơn.
Ví dụ trong chiến dịch quảng cáo google Adwords , đối với những từ khóa có mức độ cạnh tranh cao, doanh nghiệp sẽ phải chi ra rất nhiều tiền cho mỗi lần click vào quảng cáo của người dùng và cũng chỉ có được một cơ hội duy nhất để tạo ra chuyển đổi từ những người dùng đó. Nhưng khi doanh nghiệp sử dụng công cụ tiếp thị lại, có thể tiếp cận được những người dùng tiềm năng đã quan tâm tới sản phẩm dịch vụ với một mức chi phí quảng cáo hợp lý hơn rất nhiều.
2. Tạo ra tài sản giá trị từ dữ liệu khách hàng
Sẽ không quá khi nói rằng, tiếp thị lại chính là một sự bổ sung hoàn hảo cho công cụ SEM và SEO. Nếu trang web của bạn có được lượng truy cập tốt nhờ kết quả SEO và SEM, bạn nên đưa những người dùng này vào trong danh sách quảng cáo tiếp thị lại. Điều này đặc biệt hữu dụng nếu phần lớn lượng truy cập vào website của bạn là những người dùng chỉ ghé thăm một lần và không quay trở lại.
Tương tự như vậy, mỗi chiến dịch nào bạn đang thực hiện cũng giúp bạn xây dựng được nhóm khách hàng mục tiêu riêng biệt cho chiến dịch đó, việc gắn thêm một đoạn mã Remarketing vào Landing page rõ ràng là điều cần làm. Bằng cách này, bạn sẽ có được những thông tin, dữ liệu quý giá về khách hàng (ví dụ như một list email), qua đó có thể tăng khả năng tiếp thị và tiếp cận đến trong dài hạn kể cả khi chiến dịch đã kết thúc.
3. Tạo niềm tin về sự lớn mạnh
Việc khách hàng liên tục nhìn thấy mẫu quảng cáo sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp ở khắp mọi nơi có thể khiến họ tin rằng doanh nghiệp đã phải chi ra rất nhiều tiền cho chiến dịch quảng cáo nêm mới có thể xuất hiện ở mọi trang web họ ghé thăm. Đây chính là một chiến thuật thông minh để gây dựng niềm tin và tăng mức độ nhận diện thương hiệu với khách hàng.
Rõ ràng không chỉ đơn giản đóng vai trò thúc đẩy chuyển đổi hay hiệu suất, tiếp thị lại còn giúp khách hàng nhận thức thương hiệu của doanh nghiệp từ trong tiềm thức của khách hàng, dù điều này đôi khi không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho những mục tiêu chuyển đổi ngắn hạn.
4. Hiệu suất chiến dịch nổi trội
Như đã đề cập ở trên, một chiến dịch quảng cáo tiếp thị lại sẽ chỉ nhắm tới một nhóm khách hàng riêng biệt để hiển thị những mẫu quảng cáo phù hợp rành riêng cho họ. Điều này sẽ giúp cho việc tối ưu hóa hiệu quả và chi phí do không phải nhắm chọn đối tượng quá rộng hay hiển thị quảng cáo không phù hợp với khách hàng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hình thức quảng cáo tiếp thị lại là một công cụ quảng cáo hiển thị mang lại hiệu suất đầu tư cao nhất (ROI), tuy vậy mỗi lĩnh vực kinh doanh cũng cần phải được áp dụng đúng cách và linh hoạt.
Hiệu suất chiến dịch quảng cáo tiếp thị lại
Ngoài ra, sẽ không ngạc nhiên khi thấy CTRs của quảng cáo tiếp thị lại sẽ cao hơn so với các công cụ quảng cáo hiển thị khác, khoảng từ 0.30 – 0.95% – gấp 3 - 10 lần so với CTR trung bình và cũng có thể cao hơn nữa. Trong thế giới của quảng cáo hiển thị là nơi mà bạn phải chi trả cho tần suất xuất hiện mỗi mẫu quảng cáo, thì tỷ lệ CTR cao sẽ đem lại sự khác biệt đáng kể.
5. Bán thêm & bán chéo
Bằng cách đặt đoạn code Remarketing tại hành vi chuyển đổi trên trang webe hoặc trang “Thank you” (Trang cảm ơn khi người dùng thực hiện đăng ký hoặc mua hàng), bạn sẽ có được một danh sách các khách hàng đã thực hiện các hành vi chuyển đổi.. Nếu tiếp tục đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn sau khi họ thực hiện mua hàng, bạn sẽ có cơ hội bán sản phẩm này vào những lần tiếp theo.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể quảng cáo thêm các sản phẩm khác phù hợp cho các khách hàng này dựa vào lịch sử mua hàng của họ. Ví dụ khách hàng của bạn muốn đặt mua một chiếc iphone 6s, rõ ràng họ sẽ quan tâm đến một số các sản phẩm phụ kiện đi kèm như ốp lưng, dán màn hình… Bằng cách hiển thị một mẫu quảng cáo về các loại phụ kiện này, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để bán thêm cho khách hàng các sản phẩm khác cho cùng một cách hàng.
Người ta thường nói rằn bạn chỉ có thể gây ấn tượng trong lần gặp đầu tiên và sẽ không có cơ hội thứ hai nữa. Nhưng với quảng cáo tiếp thị lại, bạn không chỉ cơ hội thứ hai mà còn có thêm cơ hội thứ ba, thứ tư và nhiều hơn thế nữa. Rõ ràng trong môi trường với sự cạnh tranh khốc liệt như digital marketing, bạn cần phải tận dụng mọi lợi thế của mình và tối ưu giá trị của từng khách hàng mà bạn có thể tiếp cận được. Hãy là một người thực hiện chiến lược marketing online thông minh và nhạy bén theo cách của riêng bạn.
Nguồn: Chiến lược Marketing Online By NOVAONADS