Từ bóng chày đến bài học tư duy chiến lược trong kinh doanh
Có lẽ, tất cả những chiến lược gia sẽ đều gặp phải một tình huống tương tự như bộ film Moneyball – chủ đề về tiền và quyền lực. Nếu tất cả những thứ bạn có đều thua thiệt đối thủ thì đó cũng là lúc những tư duy, chiến lược đột phá là cần thiết để lật lại ván cờ.
Moneyball là bộ phim có Brad Pitt thủ vai chính, nội dung liên quan đến chiến lược đã được đề cử đến tận 6 giải Oscar vào năm 2012 kể về hành trình khám phá và cố gắng thay đổi triết lí thành công trong bộ môn bóng chày. Việc này không chỉ đơn thuần là dựa trên kinh nghiệm và trực giác của nhà tuyển mộ – giới bóng chày – hiệp hội nhà nghề và thay vào đó là áp dụng số liệu thống kê, phân tích để giúp tăng hiệu suất chiến thắng.
Bộ phim miêu tả lại toàn bộ những nỗ lực của Billy Beane – giám đốc điều hành câu lạc bộ Oakland Athletics, để “xoay chuyển vận mệnh” cho đội bóng chày đang gặp thất bại nặng nề của mình. Đồng hành với Billy trên mọi mặt trận là trợ lý điều hành của anh – Peter Brand.
Đây là bộ phim dành cho tất cả những ai đang muốn hiểu thêm về tư duy chiến lược và cách hiện thực hoá nó là như thế nào.
Những bài học lớn về tư duy chiến lược
1. Internal Analysis
Mở đầu phim là buổi họp, phân tích vấn đề về nguồn lực nội bộ.
- Ngân sách (Money): Hiện tại ngân sách mà Billy đang có là 38 triệu USD trong khi các đội lớn thì nắm giữ mức 120 triệu USD. Một cách biệt quá lớn để có thể chạy đua vũ trang mua cầu thủ so với các đội bóng “chóp bu”.
- Cầu thủ (Manpower): Bộ 3 cầu thủ chủ lực gồm Giambi, Damon và Olmedo bị các đối thủ như Boston và Yankee mua về.
- Mục tiêu (Mission): đến giữa tháng 7, thì sự cách biệt giữa Oakland A’s và đội dẫn đầu là 7 điểm.
- Chiến lược (Strategy/ Method): thay đổi cách tiếp cận thay vì kinh nghiệm và trực giác, A’s sẽ áp dụng tư duy phân tích, thống kê nhằm đánh giá năng lực của cầu thủ và đào tạo để trở thành cầu thủ chủ chốt.
- Phương pháp đánh giá (Measurement): toàn bộ sẽ nhất quán đi từ chiến lược. Các thông số biểu hiện mức độ chơi hiệu quả (performance) sẽ quyết định việc ra sân của cầu thủ.
2. External Analysis
Tiếp theo là cách Peter Brand nhận định về bóng chày.
- Baseball Industry | Về bộ môn bóng chày:
Nhân định được lỗ hổng của những người điều hành giải bóng chày nhà nghề là họ đã đánh giá sai về cầu thủ và đội bóng của họ – những người mà chỉ biết mua bán cầu thủ. Theo Peter Brand, mục tiêu của họ không phải là mua cầu thủ trị giá bao nhiêu triệu đô mà là nên mua chiến thắng với giá bao nhiêu.
Chính điểm tư duy này là sự khác biệt rất lớn trong việc mua hay bán cầu thủ. Và Peter cũng cho rằng đây không phải là tư duy của bóng chày hiện đại.
- Player Analysis | Về việc phân tích các cầu thủ dựa trên số liệu:
Ví dụ:
Tỉ lệ lên gôn của Giambi là 0,477; của Damon là 0,324; và của Olmedo là 0,291. Tổng số là 1,092. Vậy thì bước cơ bản khi tiến hành mua cầu thủ đó là việc trung bình ra số 0,364. Đó sẽ là thước đo cho việc quyết định mua hay bán cầu thủ, chứ không phải việc đánh giá hình thể đẹp hay xấu, hay việc “đi bộ” có khí chất trong bóng chày trong cách suy nghĩ của các nhà tuyển mộ và huấn luyện.
Peter phân tích cách đánh bóng với tay đánh bóng.
Khi cậu đánh bóng, tỉ lệ đánh trúng bóng là 0,625 (tỉ lệ rất lớn) tức là cậu đang chế ngự quả banh.
Nhưng khi vung chày, tỉ lệ đánh trúng bóng chỉ ở mức trung bình.
Và khi vung chày thấp, nó chỉ còn 0,158.
Peter phân tích về ném bóng.
Khi nhìn vào thống kê, đây là phân tích cơ bản của ném bóng. Đó là việc cậu nên ném đi đâu và tại sao.
3. Strategy
Billy và niềm tin về triết lý bóng chày hiện đại, chiến lược thực thi nên được làm như thế nào?
4. Outcomes
Thành công lớn nhất sau những nỗ lực của Billy và Peter đó là gì?
Đó là một cuộc nói chuyện giữa chủ của đội Red Sox (đội bóng danh tiếng của làng bóng chày Mỹ).
- Oakland A’s ghi tên mình vào sử sách với mạch thắng dài nhất mọi thời đại (103 năm) của môn bóng chày 20 trận thắng liên tiếp.
- Oakland A’s với 41 triệu USD, đã xây dựng từ đội bóng thấp bé vào đến trên play-off.
- Tuy mất đi các cầu thủ chủ chốt, nhưng đội tuyển lại thắng nhiều hơn khi có họ.
- Số lần đội tuyển A’s thắng bằng với số lần Yankee thắng, chỉ khác biệt ở chỗ cái giá mà mỗi chiến thắng đội Yankee phải trả là 1,4 triệu USD, trong khi đội tuyển A’s chỉ tốn 260 nghìn USD.
- Billy được mời về làm giám đốc quản lí cho Red Sox với mức lương là 12,5 triệu USD – sẽ được xếp hạng là một trong những mức lương cao nhất của lịch sử thể thao.
Nhưng trên tất cả, đó không phải là điều Billy mong muốn. Cái Billy thực sự muốn chứng minh đó là, cách tiếp cận của những nhà huấn luyện nhà nghề cần phải thay đổi, và Billy hy vọng tất cả những điều anh làm phải thực sự tác động đến cách họ suy nghĩ về bóng chày.
Và ông chủ đội Red Sox đã nhìn ra điều đó. Chính triết lý mà Billy xây dựng, đã được đội tuyển Red Sox áp dụng và vô địch giải thế giới lần 1 năm 1918.
Chướng ngại vật
1. Mâu thuẫn định hướng phát triển
Với vai trò của Billy, việc biến những điều mà anh ta tin tưởng sẽ gặp phải vô vàn sự phản đối từ chính nội bộ ban huấn luyện cho đến cộng đồng chuyên gia bên ngoài. Đó là đỉnh điểm, khi Grady, một người cố vấn gạo cội đã nói thẳng vào mặt Billy rằng: “Chẳng ai lập một đội bóng bằng máy tính. Bóng chày không phải là môn khoa học. Nó phụ thuộc vào kinh nghiệm và trực giác. 1 thằng nhóc học kinh tế từ Yale và một người làm chết bỏ trong cái môn này gần 29 năm, vấn đề là anh đang nghe sai người rồi anh bạn”.
Bất kì một sự thay đổi nào có tác động lớn, chúng ta cũng sẽ gặp một sức cản tương tự. Tư duy càng mới, sự chống đối càng quyết liệt hơn.
Thành thật mà nói, thì cách tiếp cận của Grady và Billy bây giờ gặp cách biệt quá lớn về mặt tư tưởng. Hay có thể nói, tuy họ “Đồng chí” nhưng không “Đồng hướng”. Đáp lại lời nói ấy, Billy chỉ nói vỏn vẹn “Adapt or die”: Thích ứng hay là chết.
Câu chuyện về sự thay đổi tư duy, câu chuyện về việc biến niềm tin ấy thành hiện thực trong suốt bộ phim sẽ thấy rằng: Bất kì một sự thay đổi nào có tác động lớn, chúng ta cũng sẽ gặp một sức cản tương tự. Tư duy càng mới, sự chống đối càng quyết liệt hơn.
Vậy nên, một khi đã ra được quyết định cái gì nên làm và cần phải làm, Billy đã toàn tâm toàn ý dốc hết sức mình cho nó.
2. Sự không nhất quán từ chiến lược xuống thực thi
Bài toán hóc búa là khi chiến lược đã rõ ràng nhưng đội ngũ bên dưới không thực thi như đúng kế hoạch (trên bảo dưới không nghe), khiến cho Billy cần phải làm một cuộc cách mạng. Các chướng ngại từ các chuyên gia và cả những cầu thủ chủ chốt khiến chiến lược luôn bị cản trở.
Bằng chứng là việc Billy mua các tay ném như Jeremy, David và Hatteberg về và yêu cầu Art phải cho Hatte ra sân với vị trí lên gôn. Anh bán hết toàn bộ những ngôi sao còn lại của đội bóng như Pena, khiến cho huấn luyện viên trưởng kinh ngạc vì những gì Billy làm và cho rằng đó là việc phá hoại thanh danh và lịch sử của đội. Nhưng chính vì phải muốn triệt để, không còn đường thoái lui, Billy bắt buộc phải làm như vậy sau hơn 15 lần thảo luận với Art về việc để Hatteberg ra sân thi đấu.
Và bạn có biết rằng, trong giây phút quyết định thời khắc lịch sử, khi mà nỗ lực mong muốn đạt 20 chuỗi thắng liên tiếp của Oakland A’s gần như sụp đổ khi tỉ số bị san bằng 11-11, người đã đánh thành công cú home-run là ai không? Chính là Hatteberge. Người mà Billy nỗ lực thuyết phục, yêu cầu và ép buộc Art phải sử dụng anh ở vị trí gôn 1, cuối cùng cũng đã toả sáng.
3. Thuyết phục người khác về vai trò của họ trong đội ngũ
Trong số một vài tay ném mua về, David Justice là tay ném có giá 7 triệu USD nhưng thái độ không hợp tác. Billy đã gặp trực tiếp và nói rằng: “Anh nghĩ rằng anh đặc biệt à? Anh 37 tuổi rồi David. Chúng ta sẽ thẳng thắn về chuyện này nhé. Cái giá mà đội Yankee đang trả cho anh là 3.5 triệu đô. Tôi trả tiền cho anh như thế vì tôi muốn vắt kiệt phần bóng chày còn lại trong anh, tôi không trả cho những gì anh đã làm cho quá khứ. Và anh hãy nên làm gương cho các thành viên trẻ hơn. Hãy ra dáng thủ lĩnh đi.”
4. Thay đổi cách suy nghĩ về chiến thắng
Sau khi trải qua một mùa giải bết bát của tuyển Oakland A’s, Billy Beane hiểu cần phải có một sự thay đổi, tái cấu trúc đội bóng.
Beane đã bị thuyết phục bởi Peter (thạc sĩ tốt nghiệp ngành kinh tế từ Yale) rằng không thể dựa vào trực giác để quyết định lựa chọn việc mua cầu thủ, mà cần phải việc quyết định trên các con số (figures and facts) cùng với một thông điệp hết sức rõ ràng: “Nếu anh muốn chiến thắng, anh phải ghi điểm. Muốn ghi điểm, anh phải có người ghi điểm. Đó là cách mà anh phải bắt đầu”.
Billy bị ám ảnh một cách sâu sắc bởi một nỗi, “Anh ta không hề muốn thất bại. Anh ta cảm giác rằng không thất bại còn quan trọng hơn là chiến thắng. Đó chính là sự khác biệt”. Billy nhận thấy một điều thật sự khác biệt với tất cả những kinh nghiệm năm tháng làm nghề huấn luyện từ những điều Peter chia sẻ, thế là Billy đã tuyển Peter thành trợ lý điều hành.
Việc chọn lựa nhân sự chủ chốt nằm trong bộ máy điều hành sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp đến cả một hệ thống vận hành, hay hơn thế, là cả triết lý hoạt động.
Ta học được một bài học, việc chọn lựa nhân sự chủ chốt nằm trong bộ máy điều hành sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp đến cả một hệ thống vận hành, hay hơn thế, là cả triết lý hoạt động.
Hết sức quyết đoán, mặc cho nhiều lần Peter khuyên nhủ nên cân nhắc, Billy quyết định loại đi 3 chủ lực của A’s, thay vào đó, anh cùng Peter tuyển chọn những chiến binh đã về hưu, những huyền thoại đã hết thời nhưng đều có một điểm chung, là “khả năng về gôn an toàn”. Điều đó đúng với tiêu chí mà Billy đã đề ra, “Không thất bại còn quan trọng gấp nhiều lần hơn so với chiến thắng”. Tuy không phải là một đội gồm những ngôi sao tài năng, nhưng sẽ là một đội có khả năng gắn kết cao, cùng với việc bám chặt “stick to the plan”, tin tưởng vào chiến lược của những người hoạch định là Billy và Peter, A’s đã thành công.
Bài học rút ra từ “Moneyball”
1. Nên vận dụng số liệu thực tế vào chiến lược kinh doanh
Đã là một người làm kinh doanh, ngoài chuyện bạn kiếm tiền, triết lí thành công mà bạn tin tưởng đóng vai trò cốt lõi. Song song đó, việc biến những số liệu thống kê và tư duy sẽ ra quyết định hoàn toàn dựa trên con số cùng với đánh giá năng lực hiện tại, nó sẽ giúp bạn chinh phục những điều mới lạ mà chưa ai từng khám phá.
2. Nhìn nhận vấn đề bao quát
Cách nhìn nhận một vấn đề quan trọng hơn cách mà bạn cố giải quyết nó. Khi đã nhìn nhận sai thì việc mà bạn xử lý vấn đề chỉ mang tính ngắn hạn và không có lợi thế cạnh tranh. Nếu như chúng ta ngồi họp trong đây như cái cách mà Yankee đang chơi, thì chúng ta sẽ thua đội Yankee ngoài đó.
3. Tập làm quen với sự công kích
Khó khăn và chông gai là thiết yếu khi bạn dấn thân vào một điều gì đó khác biệt; đó là sự chống đối từ nội bộ, sự công kích từ cánh chuyên gia với thông điệp “Nobody reinvents the baseball”. Để có thể thay đổi một cách triệt để, thứ nhất bạn phải có quyền ra quyết định. Tiếp đến, bạn phải cắt bỏ hết tất cả những “điểm neo” mà những người cũ có thể mãi bấu víu để ngăn chặn sự thay đổi, và cuối cùng, kiên trì thực hiện đến cùng. Như câu nói của Billy và Peter: “Mày có thực sự tin vào điều mà tao đang làm là đúng đắn hay không. Và nếu mày tin là đúng, thì chúng ta sẽ cùng thực hiện nó bất kì giá nào.
4. Lắng nghe những ý kiến mở
Cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là đôi khi bạn cần tập xoá đi những lằn ranh hiểu biết về nghề. Đừng bao giờ xem thường những lời đóng góp từ bên ngoài ngành bằng câu nói cố hữu “Mày không làm trong ngành nên mày không hiểu nó đâu”. Khi bạn muốn giải quyết một vấn đề theo một cách sáng tạo, đầu óc chúng ta phải luôn mở với những điều mới mẻ, và điên rồ, vì chính những điều đó là nhân tố quyết định cho cách bạn giải quyết vấn đề đấy.
Kết
Bạn cứ nghĩ xem, triết lý áp dụng bóng chày mà Billy Beane áp dụng lại đến từ Billy James, một người vô danh trong lĩnh vực bóng chày, hay thậm chí chỉ là tay bảo vệ quèn thì ai lại thèm để tâm? Có. Billy và Peter là những người có cùng lối suy nghĩ tiếp cận vấn đề tương đồng. Và chính những con người như Billy, có đủ thực quyền và sự sáng suốt không chối bỏ cách tiếp cận mới thì mới có thể mở ra một chương khác cho lịch sử phát triển của bóng chày.
Những con người có đủ thực quyền và sự sáng suốt, không chối bỏ cách tiếp cận mới thì mới có thể mở lối thành công.
Nó làm mình nhớ tới câu Henry Ford nói: “Nếu bạn hỏi một ai đó muốn gì, họ có lẽ sẽ nói tôi muốn một con ngựa nhanh hơn”. Và nếu Henry tin vào điều đó thì chúng ta đã chẳng có xe hơi như ngày hôm nay.
Câu thông điệp cuối phim từ owner của Red Sox nói với Billy cũng khiến tôi suy ngẫm rất nhiều: “Anh là người tiên phong, Billy ạ. Và chính vì lẽ đó, nên việc phải “đổ máu” bởi những đợt ném đá do một cộng đồng đang cộng sinh trong nó là điều không thể tránh khỏi. Để tôi nói thẳng nhé. Ai mà không xáo tung đội hình lên và tái thiết lại khuôn mẫu mà anh đã tạo nên thì họ đã là người tối cổ rồi.”
Có lẽ, tất cả những chiến lược gia sẽ đều gặp phải một tình huống tương tự như bộ phim Moneyball – chủ đề về tiền và quyền lực. Nếu tất cả những thứ bạn có đều thua thiệt đối thủ thì đó cũng là lúc những tư duy, chiến lược đột phá của những giả thuyết tưởng chừng như không có giá trị như Billy James nghĩ ra, cần được bắt đầu lại.