Lối đi mới nào cho khối ngành bán lẻ?
Trong các năm gần đây, thị trường bán lẻ trở nên thật sự sôi động. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường Việt Nam có quy mô dân số lớn, mức thu nhập bình quân đầu người gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. Đây cũng chính là cơ hội mà các nhà bán lẻ không thể bỏ qua để mở rộng quy mô và gia tăng doanh số của mình.
Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc chơi lớn và đầy khốc liệt khi năm 2019 vừa rồi có nhiều sự thay đổi liên tục của các ông chủ lớn. Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã nhượng lại hệ thống siêu thị Big C cho Central Group (Thái Lan); Tập đoàn BJC (Thái Lan) đã làm chủ hệ thống siêu thị bán buôn Metro từ Metro Cash & Carry (Đức). Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đã rời bỏ thị trường Việt Nam. Minh chứng mới đây nhất là Tập đoàn Auchan Pháp rút lui khỏi Việt Nam do làm ăn thua lỗ.
Ảnh: Internet
Trước sự ra đi hàng loạt của các ông chủ lớn, vậy cơ hội nào cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa phát triển trong mảng thị trường màu mỡ nhưng đầy cam go và khốc liệt này? Đó là bài toán cho các doanh nghiệp cần phải tìm ra một hướng đi mới, với cách quản lý mới để giảm thiểu các rủi ro từ việc biến động thị trường mang lại.
Trong những khó khăn về thị trường bán lẻ truyền thống, chúng ta nhìn thấy cơ hội mới cho việc phát triển và ứng dụng thương mại điện tử. Đây không phải là một khái niệm mới đối với thị trường Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã dần dịch chuyển từ offline (truyền thống) sang mua sắm online (trực tuyến). Và đây chính là cơ hội sáng giá để các nhà đầu tư nắm bắt xu hướng này.
Theo số liệu thống kê của Neisel trên 34 quốc gia, tính đến năm 2020, doanh thu của lĩnh vực thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh có thể lên tới 400 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến nhanh gấp 4 lần so với việc bán hàng truyền thống và GDP giai đoạn 2017 - 2022. Nói riêng đối với Việt Nam, ông Nguyễn Kỳ Minh – Ủy viên Ban Chấp hành VECOM nhận định rằng thương mại điện tử Việt Nam đạt mốc doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và tốc độ tăng trưởng của thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Bản báo cáo cũng lạc quan khẳng định rằng quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD). Đây là những con số biết nói để chúng ta có thể tin tưởng rằng thương mại điện tử chính là xu hướng mới và tất yếu của thị trường hiện nay.
Hơn nữa, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, thói quen tiêu dùng cũng đang dần thay đổi. Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà Internet mang lại và internet đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Việt Nam được đánh giá là thị trường dân số trẻ, với tốc độ sử dụng internet gia tăng chóng mặt và tỷ lệ người dùng smartphone cao. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang được dịch chuyển từ việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang việc mua sắm thông qua internet và các thiết bị di động. Theo thống kê, thời gian online của người tiêu dùng Việt Nam trên thiết bị di động chiếm 1/3 tổng thời gian của một ngày. Đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua người tiêu dùng thế hệ Z. Đây là một lượng khách hàng tiềm năng với tổng số thời gian online là 4 giờ 15 phút mỗi ngày, chiếm tổng số thời gian truy cập online nhiều nhất so với các thế hệ khác (Dựa trên báo cáo của Global Web Index, số liệu tính tới cuối năm 2018).
Bên cạnh việc bùng nổ của các thiết bị di động và internet, mạng xã hội cũng ngày càng được mở rộng và phát triển. Các kênh mạng xã hội như facebook, twitter, instagram không chỉ đơn thuần là các kênh kết nối người dùng với nhau, mà còn là một kênh có nguồn dữ liệu khổng lồ giúp cho các chủ doanh nghiệp có thể khai thác nguồn dữ liệu này nhằm phát triển dịch vụ thương mại điện tử của riêng mình. Và chính facebook, instagram hay google cũng nắm bắt được xu hướng này, do vậy hiện nay chúng ta thấy có facebook shop, instagram shop và google shopping ra đời.
Với việc phát triển của internet, người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ các thông tin về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến nhu cầu của họ. Do vậy, họ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu, bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời gian nào. Các chuyên gia kinh tế và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận định, xu hướng tất yếu hiện nay là lấy khách hàng làm trung tâm và tất cả thông tin đều nhằm phục vụ cho mục đích làm thoả mãn khách hàng. Giá trị cốt lõi "khách hàng là thượng đế" càng phải được nhấn mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử nhưng với một hướng đi mới và một cách làm mới.
Với các thuận lợi về thị trường và xu hướng của người tiêu dùng, chúng ta không khó để có thể nhận ra lợi ích to lớn mà thương mại điện tử đang mang lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang nền tảng online khiến cho doanh nghiệp có thể kinh doanh "xuyên biên giới", mở rộng thị trường và khách hàng trên khắp các khu vực trên thế giới; đáp ứng và phản hồi nhanh chóng các nhu cầu của khách hàng. Tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiếp thị và quảng bá tới người tiêu dùng. Từ đó giúp cho giảm chi phí sản xuất và giá bán tới người tiêu dùng. Hơn nữa, việc lưu kho và tồn kho cũng được kiểm soát chặt chẽ, giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ hàng tồn kho và ứ đọng vốn, giúp cho doanh nghiệp dễ điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh của mình; đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng theo các chiến lược đã định.
Ảnh: Internet
Người tiêu dùng là những người được hưởng lợi trực tiếp từ hình thức thương mại điện tử. Họ có thêm nhiều lựa chọn về dịch vụ và sản phẩm. Đồng thời có thể dễ dàng so sánh thông tin, chất lượng, giá cả của nhiều nhà cung cấp khác nhau, nhằm chọn được sản phẩm tối ưu nhất. Khách hàng không bị giới hạn về thời gian và không gian mua sắm. Họ có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ mọi cửa hàng và nhà cung cấp khác nhau trên thế giới. Đồng thời, thương mại điện tử đang tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng, cho phép họ có thể đánh giá, bình luận và chia sẻ kinh nghiệm, giúp việc mua hàng thuận tiện và nhanh chóng.
Đối với xã hội, thương mại điện tử đang tạo ra những mô hình kinh doanh mới và cắt giảm đáng kể các khâu trung gian, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các mô hình thương mại điện tử mới như hình thức đấu giá trực tuyến, và các hình thức dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, các dịch vụ công của chính phủ... Các mô hình này được thực hiện trực tiếp qua internet giúp các mô hình quản lý trở nên tinh gọn và tiết kiệm nhiều thời gian xử lý, phản hồi, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Vậy, làm sao các chủ doanh nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt của mình trong một sân chơi rộng lớn như vậy?
Theo chúng tôi, điều đầu tiên là chú trọng tập trung hướng đến người dùng và nắm bắt hành vi người dùng. Doanh nghiệp cần hiểu khách hàng của mình đang có nhu cầu gì, đang tìm kiếm thông tin, sản phẩm gì và nguyện vọng của họ là gì để có thể đưa ra những ưu đãi và sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất. Khách hàng sẽ cảm thấy được quan tâm và chăm sóc nếu doanh nghiệp đưa ra những gợi ý đúng với nhu cầu của họ. Từ đó, giúp khách hàng hài lòng và gắn bó với doanh nghiệp trong việc mua sắm sản phẩm, dịch vụ liên quan. Khách hàng chính là nguồn sống của doanh nghiệp. Nếu việc chăm sóc khách hàng tốt thì từ chính khách hàng đó họ sẽ trở thành kênh bán hàng cho doanh nghiệp. Chính họ sẽ là người giới thiệu dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp tới bạn bè và người thân của họ. Đây là một kênh tiếp thị có tỷ lệ chuyển đổi cao so với các kênh tiếp thị khác hiện nay. Do vậy, việc am hiểu khách hàng, nắm bắt nhu cầu và hành vi khách hàng là một trong những yếu tố tiên quyết mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần phải khác biệt trong cách nghĩ. Thương mại điện tử ngày nay là một cuộc chiến cạnh tranh trực tiếp về hình ảnh, chất lượng và dịch vụ. Do đó, cần phải khác biệt ngay tại hình ảnh mà doanh nghiệp tiếp cận tới khách hàng. Nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ rằng chỉ cần xây dựng một website giới thiệu thông tin là đủ, nhưng thực tế người tiêu dùng cần hơn nhiều một website thông tin. Họ cần một nơi mà các nhu cầu mua sắm của họ được đáp ứng và thoả mãn. Do vậy, website của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp khách hàng gia tăng quyết định mua hàng. Website không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin, mà nó còn cung cấp cho khách hàng một hệ sinh thái, nắm bắt hành vi của người dùng, điều hướng khách hàng theo hành vi và sở thích của họ, từ đó gia tăng tỷ lệ đơn hàng thành công và gia tăng chất lượng phục vụ của doanh nghiệp tới khách hàng. Do đó, website không chỉ là bộ mặt hình ảnh của doanh nghiệp để tiếp xúc với khách hàng, mà nó chính là nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trên đó.
Tiếp đó, các doanh nghiệp rất cần chú trọng tới việc mở rộng thị trường mục tiêu, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và tăng độ phủ sóng cho thương hiệu. Không nên bỏ qua các kênh facebook shop, google shop, instagram shop nếu doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cũng là nơi giúp doanh nghiệp có thể tăng độ phủ sóng nhận diện thương hiệu của mình. Đây là các kênh hiệu quả để có ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến doanh nghiệp. Đồng thời, các kênh này nên được kết nối và quản lý tập trung để việc điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh trở nên thuận tiện và đơn giản, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải tối ưu trong cách vận hành mô hình hoạt động kinh doanh. Một mô hình quản lý hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Doanh nghiệp nên có một hệ thống quản lý tập trung, từ việc quản lý đơn hàng trên nhiều kênh bán khác nhau và nhiều địa điểm cửa hàng khác nhau; quản lý sản phẩm; quản lý kho bãi tới quản lý vận chuyển và các hệ thống quản lý khác. Các hệ thống này nên được kết nối với nhau để đồng bộ thông tin. Từ đó, thông tin về khách hàng, tồn kho, doanh thu và chi phí được quản lý tập trung, rõ ràng. Doanh nghiệp dễ dàng trích xuất và quản lý các báo cáo, nhằm đưa ra các định hướng và chiến lược phát triển của mình. Dù là doanh nghiệp mới thành lập hay tới các tập đoàn lớn, việc quản lý hiệu quả mô hình kinh doanh là một yêu cầu bắt buộc để có tiền đề phát triển hơn nữa. Đây là một bài toán mà các doanh nghiệp cần phải tìm ra lời giải cho riêng mình.
Nếu các chủ doanh nghiệp vẫn chưa tìm được lời giải phù hợp và tìm một hướng đi mới trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, hãy tìm kiếm những giải pháp thương mại điện tử để giúp doanh nghiệp có thể thực hiện và quản lý toàn bộ hoạt động của mình trên một nền tảng duy nhất, tiết kiệm chi phí, tối ưu trong hệ thống vận hành