Bách Hóa Xanh và Cô Tạp Hóa

Chắc các bạn cũng giống mình, đã quá quen thuộc với các tiệm tạp hóa và chợ, nơi mà mình có thể mua được hầu như mọi thứ đồ dùng sử dụng thường nhật, từ mắm muối, nước ngọt, bia rượu,…

Hôm nay cũng vậy, như mọi khi mình đi mua hàng, và chợt nhận ra có một số sự thay đổi. Có lẽ những sự thay đổi này vừa ảnh hưởng đến túi tiền của mình và đặc biệt hơn, là túi tiền của những người bán tạp hóa hay các tiểu thương ở chợ. Đó là những cửa hàng tiện lợi.

Chỉ trong vòng bán kính tầm 200m, tức là vài phút đi bộ, mình đã gặp không dưới 1, 2 mà là 5 cửa hàng tiện lợi. Trong đó có một cửa hàng mở cửa 24/24. Với mức giá cạnh tranh, dịch vụ tốt, liệu những tiệm tạp hóa nhỏ hay sạp chợ sẽ lấy gì để cạnh tranh với những cửa hàng này.

Thói quen mọi người đang thay đổi

Còn nhớ trước đây, khi mà Coop-Mart mở ở quê mình, nhiều người ở chợ vẫn bĩu môi cho rằng siêu thị này sẽ vắng và chỉ dành cho những người có tiền. Thế mà bây giờ, trong lần mình về chợ, mình nhận ra siêu thị thì ngày càng đông những người đang đứng chờ được thanh toán, đi qua một số hàng tại chợ, mình thấy sự vắng vẻ, các tiểu thương nhìn nhau và nói chuyện để giết thời gian.

Mình có hỏi vài người bạn của mình, những người thường thích mua đồ về nấu hơn là đi ăn ngoài. Mình nhận được những câu trả lời, đó là những người này đang dần chuyển từ đi chợ sang đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Những lý do mình nhận lại được đều xoay quanh những ưu điểm mà siêu thị mang lại. Đó là giá niêm yết, chất lượng đảm bảo và nhiều dịch vụ kèm theo.

Mới đây thôi, trong một bài báo, đến tháng 6/2019 Bách Hóa Xanh đã mở được khoảng 600 cửa hàng, và đang đặt mục tiêu 50-60 cửa hàng mỗi tháng. Nếu những con số này thành hiện thực thì đó thực sự là một cơ ác mộng đối với tiệm tạp hóa và chợ.

Tuy nhiên, quay lại câu chuyện. Liệu những cô tạp hóa hay những tiểu thương ở chợ sẽ làm gì để có thể tiếp tục tồn tại. Câu trả lời thật khó khi đa phần các người chủ này đều đã có tuổi, mất đi nhiều động lực phát triển, họ chỉ muốn mọi thứ ổn định. Mình cũng nghe vài người nói rằng sẽ đi xin thêm việc làm để trang trải hơn, nhưng cũng khó.

Tồn tại hay không tồn tại

Với một xã hội đang phát triển thì việc thay đổi các thói quen cũ bằng những thói quen mới có lợi hơn sẽ là điều tất yếu. Và đương nhiên, những gì không phù hợp sẽ dần bị đào thải. Mình đang tự hỏi liệu với sự phát triển nhanh như vũ bão của chuỗi thì những cửa hàng tạp hóa, các sạp hàng sẽ còn tồn tại trong bao lâu. Mình nghĩ những tác động này sẽ đến nhanh thôi.

Tuy nhiên thay vì bị đào thải vì lạc hậu, hoàn toàn cũng có những cách để những sạp chợ, tiệm tạp hóa vẫn tồn tại song song với những ông lớn về chuỗi.

Mình nhớ có một công ty taxi nào đó không cạnh tranh lại những ứng dụng công nghệ, thay vì hô hào khách hàng tẩy chay, họ đã tìm cách tối ưu bộ máy, nâng cao dịch vụ. Lấy những điểm mạnh của mình để làm lợi thế cạnh tranh với đối thủ. Nhờ vậy, thay vì ngày càng lún sâu trong sự lạc hậu, họ vẫn tồn tại, ít nhất là trong giai đoạn này.

Tổng kết lại, khi thời thế thay đổi, dù là cũ hay là mới thì ai cũng cần phải thay đổi.