Nhật ký những ngày đầu "trầy trật" của một Account Intern – Phần cuối

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

Đi hay ở, tiếp tục hay dừng lại… là những băn khoăn mà bạn chắc chắn sẽ gặp khi bước những bước đi đầu tiên với nghề. Tuy nhiên, chặng đường này có thể dễ dàng hơn, thú vị hơn và đặc biệt là tích cực hơn khi bạn có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Xem lại Phần 1

Thứ Hai của tuần 2 – Còn 4 ngày nữa đến buổi pitch

Hà quay lại làm việc sau chuyến đi chơi xa cuối tuần. Văn phòng chỉ lác đác người nhưng khắp các tường kính là vô số giấy dán ghi ý tưởng, layout, mockup... Hà chắc mẩm đây là công trình trong suốt hai ngày cuối tuần của các anh chị trong team. Tầm chưa đến mươi phút sau, mọi người cũng đã có mặt khá đầy đủ để chuẩn bị họp WIP đầu tuần, riêng team đấu thầu Liên Thành thì được miễn vì phải tập trung cao độ cho việc pitch.

Chị Chi tập hợp toàn bộ team Planning, Creative, Account của dự án, thông báo: “Như vậy mình đã xác định được chiến lược và ý tưởng trong weekend vừa rồi. Mình sẽ làm hai campaign: thematic để build brand Liên Thành và tactical để launch Liên Thành đặc sản huyết yến. Đối với phần thematic mình có hai ideas: idea 1 – “Liên Thành – The Quality Made by Legacy”; và idea 2 – “The Secret of Making Nước Mắm Liên Thành”. Cuối cùng cả team mình thống nhất với idea 1.

Nhiệm vụ số 6

Từ hôm nay đến ngày pitch, tất cả mọi người sẽ cùng nhau làm việc trong phòng họp lớn để trao đổi công việc cho thuận tiện. Về mặt thời gian, mình còn bốn ngày nữa – Thứ Hai, Ba, Tư và Năm vì Thứ Sáu là pitch rồi. Tuy nhiên, thực ra mình chỉ còn ba ngày, tức là đến Thứ Tư phải xong hết mọi thứ, dành ngày Thứ Năm cho rehearsal. Cả team mình cùng cố gắng làm việc cao độ nhé”. Sau đó chị giao nhiệm vụ cho Hà đôn đốc cả team theo checklist các hạng mục phải làm để chuẩn bị cho presentation deck. Chị Chi sẽ chịu trách nhiệm soạn deck cuối cùng.

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

Hà mở máy kiểm tra email thì thấy chị Chi đã gửi Contact Report cho Client vào tối muộn Thứ Sáu tuần trước. Trong email chị vẫn lạc quan khẳng định với Client rằng Agency sẽ tìm ra giải pháp cho yêu cầu mới về việc giới thiệu dòng nước mắm Liên Thành làm từ đặc sản huyết yến. Sau đó Hà in checklist mà chị Chi đã gửi cho Hà, trong đó có ghi rõ ai làm việc gì và deadline khi nào, có đến gần 45 items cần phải hoàn thành trong ba ngày sắp tới.

Theo lịch, Hà chuẩn bị gửi mẫu quảng cáo hay tiếp theo cho Client. Gửi xong Hà chuyển sang đọc kỹ danh sách 45 hạng mục. Ôi integrated campaign là đây, vô số việc cần làm! Ngước mắt nhìn lên, Hà thấy chị Chi đang cặm cụi viết viết vẽ vẽ trên giấy A3 thể hiện cấu trúc và mạch của bài powerpoint. Hà rất muốn lại gần nhìn chị làm, thế nhưng cảm giác áy náy, tội lỗi khi nghĩ đến các anh chị đã phải làm việc cật lực không có ngày nghỉ còn mình thì đi chơi, khiến Hà chùn bước.

Không thể thoát ra khỏi mặc cảm vô hình vây quanh, Hà nhíu mày cố suy nghĩ để nắm được idea 1 và idea 2. Hà băn khoăn không biết tại sao idea 1 – “Liên Thành – The Quality Made by Legacy” lại được chọn trong khi Hà cảm thấy idea 2 – “The Secret of Making Nước Mắm Liên Thành” dễ hiểu hơn. Hà hiểu đây là phần quan trọng trong truyền thông nên quyết định gác lại cảm xúc ngại ngần, tiến đến hỏi chị Chi.

Bài học số 8: Việc truyền đạt thông điệp không nên sơ sài, cụt ngủn, dễ làm cho sự việc đi sai hướng.

Hà mở lời: “Chị ơi, em thấy idea 1 kỳ kỳ làm sao đó, nhưng tại sao mình lại chọn idea này vậy chị?”. Chị Chi dừng lại trả lời Hà: “Người làm quảng cáo chuyên nghiệp không nhận xét idea “kỳ kỳ”, điều đó không dẫn đến kết quả gì cả. Em đứng từ quan điểm nào mà bảo là kỳ? Cả weekend vừa rồi em không cùng làm việc với team để hiểu được các anh chị đã phải cố lục tung kiến thức, kinh nghiệm, tìm ra bao nhiêu idea để rồi sàng lọc ra được idea sáng giá cuối cùng này. Phải đứng trên quan điểm của người tiêu dùng và quan điểm của brand mà đánh giá, đừng dùng cảm tính của mình. Em nên khéo léo khi đưa ra ý kiến, bởi vì điều em vừa làm sẽ upset các anh chị Creative đấy”.

Hiểu ra tính nghiêm trọng của vấn đề, Hà vội vàng xin lỗi chị Chi. Cũng may là team Creative chưa nghe thấy ý kiến của Hà.

Đến gần giờ trưa, chị Chi bảo Hà đi mua đồ ăn cho cả team vì không ai có thời gian đi ra ngoài. Hà đến từng bàn hỏi thăm các anh chị muốn ăn gì để chuẩn bị order. Tiếng gõ máy tính, tiếng máy in chạy liên hồi, tiếng cặp đôi art và copy anh Sang – chị Nguyệt tranh luận khe khẽ làm nên không khí làm việc cao độ. Hà tự nhủ, ít ra việc mua thức ăn của mình cũng góp một phần công sức cho dự án.

Ăn trưa ngay tại phòng làm việc, chị Chi vừa tất bật chuẩn bị bài presentation, vừa tranh thủ gọi điện cho khách hàng để hỏi thêm thông tin về dòng đặc sản huyết yến. Khách hàng không tiết lộ nhiều vì đây là phát minh độc quyền giúp họ tạo được bứt phá trong ngành hàng mà Masan đã thống lĩnh quá lâu. Chị Chi cố gắng thuyết phục khách hàng cho Agency biết việc có thêm huyết yến sẽ giúp dòng nước mắm này ngon hơn; hay là giàu dinh dưỡng hơn, từ đó diễn đạt được thế mạnh của sản phẩm. Thế nhưng, khách hàng vẫn từ chối trả lời.

Chị Chi ủ rũ gác máy, chia sẻ với team Planning và Creative tin buồn rằng chị không thể khai thác thêm thông tin từ Client. Không khí lặng đi, cả nhóm lâm vào bế tắc. Chị Chi lên tiếng an ủi: “Mình tập trung làm thematic campaign; còn tactical để Chi tính tiếp”. Phần Hà, thấy thương các anh chị mà không giúp gì được nên đành ngồi im lặng.

Càng nghĩ càng không cam lòng, Hà lục lọi trong trí nhớ rằng mẹ Hà có một người bạn thân tên là Xuyến, cô hiện là kỹ sư hoá thực phẩm đang làm trong phòng R&D (Research & Development) của Liên Thành. Vậy là Hà vội hỏi ý kiến chị Chi xem có nên gọi cô Xuyến để hỏi thăm, thấy chị Chi đắn đo nhiều, bởi vì brand team của Client đã từ chối trả lời vì lý do bảo mật, mà Agency lại tìm con đường đi vòng qua R&D thì có thể làm phật lòng brand team.

Chị đáp: “Để chị suy nghĩ một lúc, it’s not a bad idea but it can put us at risk. I’ll think and give you the answer by end of today”. Hà nhận thấy ánh mắt của chị đã nồng ấm hơn vài ngày trước.

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

“Cuối cùng, mình cũng có thể trở nên có ích…”

Trong lúc chờ chị Chi trả lời, Hà lên mạng tìm thông tin về huyết yến thì biết đấy không phải là máu của chim yến mà là những khoáng sản quý giá trong hang đá nơi yến làm tổ, thấm vào nước dãi của yến và tạo ra màu đỏ tự nhiên, do đó loại yến màu đỏ này rất giàu chất dinh dưỡng. Vậy thì hiển nhiên có thể kết luận, khi bổ sung huyết yến vào nước mắm sẽ làm tăng nguồn dinh dưỡng của nước mắm.

Cuối ngày chị Chi gặp Hà: “Chị nghĩ mình nên hỏi cô Xuyến bạn mẹ em, nhưng mình phải thẳng thắn chia sẻ với cô mục đích mình cần thông tin. Thứ nhất, để cô không bị lo lắng tại sao mình có thông tin về dòng sản phẩm mới này, em phải giải thích mình được mời đấu thầu. Thứ hai, mình phải nói cho cô biết mình có hỏi xin thông tin từ brand team và bị từ chối để cô có quyền chọn lựa trả lời hay không. Thứ ba, nếu cô đồng ý giúp thì nhờ cô giữ kín việc này”.

Hà hiểu ý và bấm máy gọi cô Xuyến. Sau một hồi trao đổi, đại ý của cô là: “Cô rất muốn giúp cháu nhưng câu trả lời của cô có thể không đại diện cho brand team, do đó nó thể dẫn các cháu đi sai đường, các cháu cứ thử cả hai options: vị ngon và dinh dưỡng”. Tóm lại, Hà nhận được một đáp án “huề cả làng.”

Với thời gian còn lại quá ít, chị Chi họp cả team và thống nhất không thể làm option được. Agency sẽ đề nghị một hướng mà Agency tin là đúng chiến lược. Theo thực tế, lượng nước mắm được dung nạp vào cơ thể mỗi ngày khá nhỏ, do đó nói về dinh dưỡng và sự cảm nhận dinh dưỡng đem lại cho cơ thể là hầu như không rõ ràng. Vì vậy Agency đề nghị Client nên đi theo hướng nói về vị ngon. Tuy taste là định vị phổ biến nhất trong ngành nhưng với phát minh độc đáo sử dụng thành công huyết yến trong nước mắm ắt hẳn sẽ mang đến hình ảnh đột phá cho Liên Thành. Và thế là cả team thống nhất đi theo hướng này.

Thấy đã hoàn tất hết công việc và không thể giúp được gì hơn cho các anh chị, Hà tắt máy chuẩn bị đi về. Chị Chi nhờ Hà order đồ ăn tối cho mọi người, rồi tạm biệt Hà.

Thứ Ba của tuần 2 - Còn 3 ngày nữa đến buổi pitch

Nhiệm vụ số 7

Văn phòng hôm nay ngổn ngang team Creative nằm ngủ, đồ đạc chất đống trên sofa và dưới thảm, nghĩa là các anh chị đã ở đây qua đêm. Chị Chi vừa đánh răng rửa mặt xong và bước vào, chị bảo Hà hôm nay phụ in ấn và cắt dán board.

Hà cầm checklist và bắt đầu đi nhắc các anh chị. Giọng còn ngái ngủ, một anh thiết kế trả lời gay gắt: “Ngồi yên đấy đi, khi nào xong thì giao hàng. Đừng có dí anh.”

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

Sợ quá, Hà vội xin lỗi anh và lặng lẽ về góc của mình. Tiếp tục gửi mẫu quảng cáo tham khảo thứ bảy cho Client, Hà lại ngồi chờ nhận nhiệm vụ đi mua đồ ăn, cắt dán, chép file và photo. Không khí làm việc ngày một khẩn trương. File presentation của chị Chi đã lên đến 67 slides. Càng về chiều không khí càng hăng say, một nửa trong số checklist đã xong.

Bài học số 9: Thích nghi với hoàn cảnh hiện tại sẽ dẫn đến thành công trong tương lai. “Sếp” là một minh chứng.

Đến cuối ngày chị Chi bỗng nhận được điện thoại của Client. Vì lý do sếp lớn phải bay đi công tác đột xuất vào Thứ Sáu nên phần trình bày của Agency phải dời sớm hơn lên sáng Thứ Năm, 8.30am. Chị Chi lo lắng và hỏi liệu có thể để cuộc họp này sang Thứ Hai tuần sau được không thì Client giải thích sếp đi hai tuần mới về nên không thể delay được. Bất lực buông điện thoại, chị Chi thông báo bad news, nhiều tiếng chửi thề vang lên nhưng chị Chi trấn an ngay: “Không sao, team mình đã xong được 50% rồi, còn đêm nay và ngày mai mình sẽ hoàn thành hết được. Các bạn đừng lo.

Tiếng gõ bàn phím, tiếng máy in lại vang lên, các anh chị tập trung cao độ vì chỉ còn đêm nay thôi, tất cả sẽ kết thúc. Hà order đồ ăn tối và rụt rè hỏi chị Chi: “Chị có cần em ở lại tối nay không?” Chị trả lời: “Tuỳ em”. Vậy là Hà nấn ná làm đến 12h đêm rồi xin phép đi về.

Thứ Tư của tuần 2. Còn 1 ngày nữa đến buổi pitch

Đúng giờ Hà có mặt tại văn phòng. Khác với hôm qua, các anh chị đã bắt đầu làm việc. Những gương mặt mệt mỏi, những đôi mắt trũng sâu nhưng tinh thần thì vẫn quyết tâm cao độ. Các anh nhờ Hà pha cà phê, Hà đến khu vực pantry và hỏi chị Tea Lady cách pha thế nào, mời mọi người uống thành quả tự tay mình làm lần đầu tiên.

Chị Chi thông báo: “Cả team mình phải hoàn thành mọi hạng mục trong checklist đúng 12h trưa hôm nay. Sau đó tất cả mọi người phải dừng lại và chuyển qua rehearsal. Mình sẽ rehearsal ba lần và cố gắng kết thúc lúc 6pm. Tối nay tất cả chúng ta phải về nhà ngủ sớm để sáng mai có mặt tại văn phòng Client lúc 8am chuẩn bị cho buổi thuyết trình lúc 8.30am.” Các anh chị lại chú tâm làm việc. Chị Chi đã xong toàn bộ bài presentation, giờ chỉ cần insert hình ảnh và in ấn hoàn thiện các board minh hoạ.

Đến 12h trưa, dù các anh thiết kế báo vẫn chưa xong việc, chị Chi dứt khoát yêu cầu mọi người ngưng lại, ăn trưa và chuyển sang rehearsal. Các anh chị phân công nhau ai nói gì và khi nào. Trong lúc vừa nói, các anh chị vừa điều chỉnh script. Lần đầu bị gián đoạn liên tục vì phải ngưng lại thảo luận. Chị Chi cho cả nhóm có một tiếng đồng hồ chỉnh sửa và tự tập luyện riêng. Sau đó cả team ráp lại và tập dượt lần hai. Lần này thì nhịp nhàng hơn. Chị Chi ghi chú những slide cần điều chỉnh lại cho phù hợp với script.

Đến lần tập dượt thứ ba, chị Chi mời anh Tuấn vào dự. Cả team trình bày nhuần nhuyễn như thật. Anh Tuấn vỗ tay khen ngợi và có vài góp ý ở phần chiến lược và idea. Việc tập dượt kết thúc lúc 7pm.

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

“Ở nhà nghen cưng…”

Chị Chi thông báo các anh chị nào xong việc thì về nhà sớm; những anh designer nào chưa xong thì hoàn thiện nốt và chị ngồi chờ để lấy file. Hà rụt rè hỏi chị: “Ngày mai em có được đi tham dự buổi đấu thầu không hả chị?” Dù đã khá mệt, chị Chi vẫn nhỏ nhẹ: “Team mình đi rất đông và ai có mặt trong buổi họp ngày mai cũng phải đứng lên present. Khách hàng sẽ khó chịu khi thấy có một bạn tham dự suốt buổi họp mà không nói câu nào. Do đó em ở văn phòng nhé.” Hà tiu nghỉu và hỏi chị Chi có cần giúp gì không? Chị Chi đáp gãy gọn: “Không, cám ơn em.” Hà đi về và biết tối nay chị sẽ thức suốt đêm để hoàn thiện file powerpoint.

Thứ Năm của tuần 2. 8.30am buổi pitch bắt đầu

Có mặt lúc 9am, văn phòng vắng hoe vì cả một team hùng hậu đang đấu thầu tại Liên Thành. Hà nhìn xung quanh phòng họp lớn, mọi thứ thật bừa bộn, giấy nháp, bản script chi chít chỉnh sửa, layout in hỏng phải bỏ đi, board cắt còn dư lại, ly cà phê chất thành đống. Các anh chị bận quá nên không kịp dọn dẹp. Hà bước vào, bắt đầu thu xếp lại căn phòng. Hà tự nhủ, cách đây gần hai tuần, khi Hà mới bước vào văn phòng này với bao nhiêu sự háo hức và tự tin, mà sao giờ chỉ còn lại sự buồn bã, chán nản và mỏi mệt.

Nhật ký những ngày đầu trầy trật của một Account Intern – Phần cuối

Hà tự vấn mình: “Tại sao mình làm gì cũng bị la? Tại sao chị Chi lại lạnh lùng với mình đến thế? Tại sao không ai nghe ý kiến của mình? Tại sao mình đơn độc trong văn phòng này, không ai nói chuyện với mình hết? Tại sao mình chỉ làm việc lặt vặt: pha cà phê, kêu đồ ăn, photo giấy tờ? Và giờ đây, trong buổi họp quan trọng nhất mình cũng không được tham dự. Mình cũng có đóng góp trong dự án này mà? Môi trường ở đây không phù hợp với mình sao? Hay mình không hợp với công việc làm Account? Mình có nên bỏ cuộc không?”

Nếu bạn là Hà, bạn sẽ quyết định thế nào sau một loạt câu hỏi tự vấn bản thân? Qua câu chuyện của Hà, bạn nghĩ các bạn trẻ dự định bước vào công việc Account Management cần phải chuẩn bị gì?… Trả lời được những câu hỏi này nghĩa là bạn đã mường tượng được phần kết của câu chuyện rồi đấy.

Tại lớp Account, bạn sẽ được nghe những câu chuyện làm nghề chân thực từ những giảng viên kỳ cựu tới từ GroupM, Dentsu Việt Nam, BBDO Việt Nam. Đặc biệt, cơ hội làm việc tại những agency không “bỏ rơi” intern cũng đang chờ đợi bạn sau tốt nghiệp. Đừng bỏ lỡ nhé! Chi tiết khoá học tại đây.