Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng chiến lược CSR
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate social responsibility – CSR) ngày càng được nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam quan tâm.
Để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng hơn, các hoạt động CSR nên được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp thay vì chỉ dừng lại ở các hoạt động từ thiện.
CSR là gì?
Cụm từ này được dịch ra là “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” nhưng trên thực tế có nhiều cách định nghĩa khác nhau về CSR. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), CSR là:
“Cam kết của doanh nghiệp trong việc đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững, làm việc với các nhân viên, gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, theo những cách thức vừa tốt cho doanh nghiệp và đồng thời cũng tốt cho sự phát triển”.
Trong khi đó, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế trong ISO 26000:2010 lại cho rằng,
“Trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của một tổ chức đối với các tác động của các quyết định và hoạt động của doanh nghiệp đó lên xã hội và môi trường, thông qua hành vi minh bạch và mang tính đạo đức, góp phần vào sự phát triển bền vững, bao gồm cả sức khỏe và phúc lợi xã hội, quan tâm đến mong muốn của các bên liên quan; là tuân thủ theo pháp luật hiện hành và các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi, kết nối toàn tổ chức và được thể hiện trong các mối quan hệ của tổ chức trong phạm vi ảnh hưởng của mình”.
Cần lưu ý gì khi xây dựng chiến lược CSR?
1. Chiến lược CSR phải dựa trên nguồn lực cốt lõi của công ty
Thoạt nhìn nhiều doanh nghiệp cho rằng các hoạt động CSR thường mang tính phô trương, tốn kém nhưng trên thực tế đó chính là điều gây chú ý, quan tâm cũng như kêu gọi hỗ trợ để xã hội cùng chung tay vì hoạt động cộng đồng. Hoạt động CSR đó nên được đón nhận và nhân rộng. Việc thực hiện CSR không nhất thiết cần ngân sách dồi dào, nhiều khi chỉ cần nguồn lực khiêm tốn cũng có thể tạo ra những lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Điển hình là Heineken lan tỏa chiến dịch 2018-2019 với thông điệp Đã uống rượu bia thì không lái xe trong bối cảnh Việt Nam xảy ra rất nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông do uống bia rượu quá liều lượng nhưng vẫn điều khiển xe, đặc biệt trong dịp lễ tết.
2. Xác định lĩnh vực doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động CSR
Một số doanh nghiệp ở Việt Nam lại quan niệm CSR là làm từ thiện cho người nghèo, những người kém may mắn, hay thể hiện đạo đức doanh nghiệp. Về lý thuyết, nhìn nhận này không sai, nhưng làm từ thiện chỉ là một phần rất nhỏ, trong khi đó CSR là chiến lược chủ động và hướng đến nhiều đối tượng với nhiều chủ đề khác nhau.
Công ty bia Việt Nam nổi tiếng với chuỗi hoạt động về an ninh nước như “Một phút tiết kiệm, triệu niềm vui” và “Đem nước sạch về vùng xa”. Qua đó, công ty này đã tài trợ 22 công trình nước sạch cho người dân tại những khu vực khan hiếm nước sạch dùng trong ăn, uống và sinh hoạt hằng ngày.
3. Khuyến khích nhân viên tham gia vào các dự án CSR của công ty
Không chỉ các doanh nghiệp lớn mới có đủ điều kiện thực hiện trách nhiệm xã hội. Mỗi nhân viên ý thức tiết kiệm điện, nước cũng là cách thể hiện trách nhiệm đối với môi trường sống của họ. Hay những doanh nghiệp sản xuất cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốt cũng là sự thể hiện trách nhiệm cần thiết. CSR nên là một phần trọng yếu trong chiến lược phát triển bền vững, hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và xã hội, bắt đầu từ những hành động cụ thể của từng cá nhân ngay từ hôm nay.
CSR nên là một phần trọng yếu trong chiến lược phát triển bền vững, hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp, cho cộng đồng và xã hội.
Dành ngân sách trung bình 30 tỉ đồng mỗi năm vào các hoạt động CSR, ngoài các hoạt động cứu trợ thiên tai, trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn thì FPT dành một khoản lớn vào các hoạt động CSR về giáo dục đặc biệt là công nghệ. Trong đó phải kể tới ViOlympic, cuộc thi giải toán qua mạng Internet do bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, tập đoàn FPT và đại học FPT là đơn vị tổ chức từ năm 2008. Từ năm 2010, FPT đã chọn ngày 13.3 hằng năm là Ngày FPT Vì cộng đồng, nhằm mục đích khuyến khích mỗi cán bộ nhân viên tham gia đóng góp các hoạt động thiện nguyện cho xã hội.
4. Kết nối cộng đồng địa phương với chiến dịch CSR
Là một trong những cách giúp lan tỏa giá trị doanh nghiệp: Ở đây, vai trò truyền thông cũng quan trọng không kém trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CSR. Thông qua báo, đài và các phương tiện truyền thông xã hội, các chương trình CSR thực sự cần được lan tỏa và nhiều người cùng chung tay hành động vì cộng đồng. Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) trong nhiều năm qua đã và đang thực hiện nhiều hoạt động CSR như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, trao gần 35.000.000 ly sữa nước cho hơn 440.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước.
5. Gắn kết khách hàng vào hoạt động CSR
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự chú ý đến trách nhiệm, nghĩa vụ và sự minh bạch của những thương hiệu lớn ngày càng tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy trước khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng thường xét đến danh tiếng, hoạt động kinh doanh và những cam kết xã hội của doanh nghiệp. Và CSR đã được xem là chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Gần đây, Grab và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã kêu gọi các khách hàng của mình cùng tham gia vào dự án Xây cầu đến lớp nhằm xây dựng thêm nhiều cây cầu vững chắc giúp hành trình đến với tri thức của học sinh vùng sâu vùng xa của Việt Nam được thuận lợi hơn.
Vi Mai
* Nguồn: EloQ Communications