Marketer Đặng Đăng Trường
Đặng Đăng Trường

Marketing Supervisor @ YouNet Group

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

Trung bình một đơn hàng thương mại điện tử tại Việt Nam mất 5, 6 ngày để được giao đến tay người mua - lâu hơn gấp đôi so với Thái Lan.

Tuy vậy, người mua hàng Việt Nam vẫn hài lòng với các dịch vụ giao vận trong nước - theo nghiên cứu được thực hiện bởi iPrice Insights cùng Parcel Perform.

Sức hấp dẫn cùng tiềm năng phát triển của ngành thương mai điện tử (TMĐT) khu vực Đông Nam Á từ lâu đã được giới phân tích quốc tế lưu ý đến. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và quỹ Temasek công bố, TMĐT là ngành phát triển mạnh nhất của nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây. Google cũng mạnh dạn ước tính thương mại điện tử khu vực sẽ tăng trưởng thần tốc từ nay đến năm 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đầy triển vọng này, Google đồng thời cũng chỉ ra những thách thức gây ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT mà trong đó nổi bật chính là việc cần cải thiện mạng lưới giao vận.

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

Mới đây, đơn vị nghiên cứu thị trường iPrice Insights cùng dịch vụ theo dõi bưu phẩm Parcel Perform đã khảo sát hơn 80,000 đơn hàng TMĐT tại năm quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia nhằm mang lại một cái nhìn chính xác về hiện trạng của mạng lưới giao vận TMĐT.

Giao hàng nhanh và đúng hẹn vẫn là một thách thức

Kết quả khảo sát cho thấy hiện có đến 34.1% số khách mua hàng TMĐT ở Đông Nam Á chưa hài lòng với các dịch vụ vận chuyển. Riêng Việt Nam có 33.7% khách hàng không hài lòng, thấp hơn một chút so với khu vực nhưng vẫn cao hơn Thái Lan và Singapore.

Lý do chính gây khó chịu cho khách hàng là các vấn đề liên quan đến thời gian vận chuyển.

Cụ thể, trong số các khách hàng có trải nghiệm không tốt với dịch vụ vận chuyển thì 37% cho biết rằng đơn hàng của họ bị giao trễ hẹn và thêm 33% nghĩ là mặc dù hàng được giao đúng hẹn nhưng thời gian vận chuyển hiện vẫn còn quá dài. Trong khi đó, chỉ có 1.48% khách bày tỏ lo ngại về việc hàng hóa bị hỏng trong quá trình giao hàng.

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

Các lý do khiến khách hàng không hài lòng với dịch vụ giao vận TMĐT. Nguồn: iPrice & Parcel Perform.

Nghiên cứu cũng ghi nhận rằng mức độ hài lòng của khách hàng có tỷ lệ nghịch rõ rệt với thời gian giao vận. Trung bình thời gian giao một bưu phẩm cứ tăng thêm ba ngày thì tỷ lệ hài lòng của khách hàng sẽ giảm đi 10-15%.

Những con số này minh chứng rõ rằng việc giao hàng đến tay người mua nhanh và đúng hẹn là một yêu cầu hàng đầu của thị trường đối với các đơn vị TMĐT. Tuy nhiên, dịch vụ giao vận ở các nước Đông Nam Á thì hiện tại vẫn chưa thỏa được bài toán đó.

Google đã phần nào dự đoán được khó khăn này. Tập đoàn công nghệ này thống kê rằng chỉ trong 3 năm từ 2015 đến 2018, số đơn hàng TMĐT tại Đông Nam Á đã tăng từ 0.8 triệu/ ngày lên tới 3 triệu/ ngày. Nhu cầu gia tăng quá nhanh so với điều kiện cơ sở vật chất khiến yêu cầu giao hàng nhanh trở thành một thách thức thật sự cho mạng lưới giao vận của các nước trong khu vực.

Tốc độ shipping ở Việt Nam đi sau các nước

Thông qua việc theo dõi 80,000 đơn hàng, nghiên cứu cũng tổng hợp ra thời gian giao hàng trung bình ở mỗi nước. Theo đó, tại Việt Nam, một món hàng thương mại điện tử trung bình phải mất đến 5, 6 ngày mới đến tay người mua. Con số này cao thứ nhì trong năm nước, chỉ xếp sau Malaysia và cao hơn nhiều so với Thái Lan, nơi mà người mua hàng chỉ cần đợi trung bình 2.5 ngày.

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

So sánh thời gian giao hàng trung bình của các nước. Nguồn: iPrice & Parcel Perform.

Đáng chú ý, nghiên cứu đồng thời chỉ ra Việt Nam là thị trường có thời gian trễ hàng trung bình cao nhất, lên đến 24 giờ trên mỗi bưu kiện, vượt xa các quốc gia còn lại. Cao thứ nhì sau Việt Nam là Thái Lan cũng chỉ trễ trung bình 7 tiếng đồng hồ trên mỗi bưu kiện.

Ngạc nhiên là mặc dù có thời gian giao hàng kém hơn các nước nhưng tại Việt Nam vẫn có đến 51.4% số khách mua hàng trực tuyến cho biết họ cảm thấy hoàn toàn hài lòng với dịch vụ vận chuyển hàng TMĐT. Tỉ lệ này phần nào thể hiện một cái nhìn tích cực của người tiêu dùng cả nước đối với ngành giao vận nói riêng và TMĐT nói chung.

Báo cáo ngành giao vận TMĐT: Việt Nam xếp áp chót khu vực về tốc độ giao hàng

So sánh độ hài lòng của người tiêu dùng các nước về dịch vụ vận chuyển TMĐT (1 sao: không hài lòng, 5 sao: hài lòng nhất). Nguồn: iPrice & Parcel Perform.

Nhìn về tương lai

Thực tế cho thấy là mảng giao vận TMĐT ở Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập. Tuy nhiên, các công ty TMĐT Việt Nam cùng các đơn vị giao vận cũng đã xác định được vấn đề hiện tại và đang cùng thực hiện nhiều biện pháp cải thiện.

Có thể kể đến như việc vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính được nhắc đến tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp” tổ chức hồi tháng 5/2019. Mục tiêu của Hiệp hội này sẽ là để đảm bảo trách nhiệm của các đơn vị vận chuyển và bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Về phía các sàn TMĐT thì gần đây cũng xuất hiện một “cuộc chiến” về tốc độ giao hàng mà khởi đầu là Tiki với chương trình Tiki Now, cam kết giao trong 2 giờ với hơn 100,000 sản phẩm. “Tiki 2 giờ” lần lượt kéo theo những dịch vụ cạnh tranh như Shopee “nhận hàng 4 giờ”, Sendo “giao hàng 3 giờ” hay Lotte.vn với “Giao nhanh chớp mắt”.

Bên cạnh đó, thị trường giao vận còn sôi nổi hơn hẳn với sự xuất hiện của các đơn vị startup giao vận công nghệ cao mà mới đây nhất là Ninja Van cùng mối hợp tác chiến lược với Grab.

Đại diện cho đơn vị nghiên cứu, ông Arne Jeroschewski, CEO và Founder của Parcel Perform, gợi ý rằng việc áp dụng công nghệ cao vào quá trình giao vận như những gì các startup như Ninja Van, Lalamove hay Ahamove đang thực hiện là một giải pháp tốt. Ông cho biết thêm: “Bằng cách tương tác và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng sau khi mua, các đối tác TMĐT của chúng tôi đã tăng giá trị vòng đời của khách hàng lên đến 40%”.

Những thay đổi tích cực này hứa hẹn sẽ giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của các công ty TMĐT và thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành kinh tế trực tuyến của Việt Nam trong thời gian tới.

* Nguồn: iPrice Insights & Parcel Perform