Khi dấu ấn Việt cô đọng trong một tấm hình
Nếu bạn thường băn khoăn tự hỏi cái gì tạo nên sự khác biệt của sơn mài Hanoia - thương hiệu sơn mài hạng sang của Việt Nam thì hình ảnh quảng cáo mới đây của thương hiệu này chính là lời giải đáp. Đó là những câu chuyện, những mảnh ghép đầy hơi thở cuộc sống mà những nhà thiết kế Hanoia đã lưu lại trong những hoa văn, những sắc màu của bộ sưu tập 2019 sau những ngày lang thang kiếm tìm cảm hứng trên mảnh đất hình chữ S.
Nhắc đến Việt Nam, người ta thường nghĩ tới những hình ảnh quen thuộc như Tháp Rùa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, vịnh Hạ Long, chùa Thiên Mụ, chợ Bến Thành v.v… Không ít các thương hiệu Việt Nam và nước ngoài, từ các mặt hàng lưu niệm đến các nhãn hàng cao cấp đều đã sử dụng các biểu tượng đó để đại diện cho ký ức về mảnh đất hình chữ S: thật dễ dàng để bắt gặp một chiếc áo với chữ Phở trên người một du khách châu Âu, và cũng không khó để thấy cảm hứng của một tà áo dài trên sàn diễn Fashion Week thế giới. Đi sâu vào tiềm thức của các nhà thiết kế Việt Nam và nước ngoài, những hình ảnh mang tính biểu tượng đó đã trở thành một phần hình ảnh đại diện của Việt Nam hướng ra thế giới trong nhiều năm liền.
Nhưng với những nhà thiết kế Hanoia, dấu ấn Việt được thể hiện theo một cách khác. Tinh thần Việt Nam, ký ức Việt Nam đến từ mọi khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống. Đó là một sớm mai đi ngang phố nhỏ, gặp một quán trà xinh nằm nép mình dưới tán cây xanh, bà cụ bán trà có nụ cười sao mà đôn hậu thế. Đó là khi đi lại hành trình của con đường tàu điện cũ từ chợ Mơ ra Bờ Hồ, qua biết bao những khu tập thể thời bao cấp, những căn biệt thự xây từ đầu thế kỷ trước, những phố cổ nhà xưa, gặp biết bao những khung cửa sổ, những ban công với chấn song sắt đã bạc màu vì năm tháng, nhưng còn giữ nguyên nét duyên dáng thuở nào. Đó là khi nắng chiều rải một màu vàng ươm trên những mảng tường hồng của nhà thờ Tân Định, khiến cái màu hồng rất đáng yêu và độc đáo đó cứ níu chân người du khách. Đó là đêm rằm phố cổ Hội An thật kiêu sa và lộng lẫy trong ánh đèn lồng. Hay đôi khi chỉ là một góc vườn xuân, rộn ràng tiếng chim, cánh bướm, một đầm sen ngát hương giữa buổi trưa hè… Từng chút từng chút một, hơi thở cuộc sống len lỏi vào trong cảm xúc của các nhà thiết kế để từ đó những ý tưởng mới ra đời.
Dòng sản phẩm “Song xưa” được lấy cảm hứng từ những hoa văn cửa sắt duyên dáng, thanh lịch một thời vang bóng trên các con phố Hà Nội. “Hàng Đồng” tiếp nối câu chuyện về phố xưa nghề cũ, con phố ngắn từng nổi tiếng với nghề chạm đồng tinh xảo. “An yên” mang màu trắng tinh khôi của sứ Bát Tràng, kết hợp với nghề đan tre làng Vác để tôn vinh thú thưởng trà giản đơn mà tao nhã của người Việt. “Điền viên” lưu lại những mùa hè thơm ngát hương sen…Mỗi nhà thiết kế của Hanoia đều là một kẻ lãng du – lãng du giữa các miền đất từ nơi địa đầu đất nước đến điểm cực nhìn ra biển lớn, từ miền rừng đến miền biển, từ bản làng nọ đến chái nhà rêu phong nơi phố phồn hoa. Đó còn là những kẻ lãng du trong văn hoá Việt – những du khách mang trong mình sự yêu mến, đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc vẻ đẹp của đa dạng văn hoá. Những chuyến hành trình của họ để lại dấu chân khắp mọi nẻo đường, để ấp ủ nâng niu toàn bộ hành trình dưới dáng hình của ký ức: những ký ức ngọt ngào và đẹp đẽ nhất, mang tên Việt Nam.
Còn rất nhiều những dòng sản phẩm khác không mang những hình ảnh biểu tượng của Việt Nam. Nhưng ẩn đằng sau vẻ đẹp đương đại của chúng là những câu chuyện, những ký ức, những mảnh ghép thường ngày của cuộc sống được kết tinh lại trong hoa văn, hình khối, sắc màu. Chính điều đó đã tạo nên sự độc đáo của bộ sưu tập Hanoia 2019. Cũng chính nhờ điều đó, Hanoia luôn mang đến cho những người yêu nghệ thuật thủ công Việt một cảm nhận riêng đầy khác biệt. Một nét khác biệt đến từ chính những gì thân quen nhất, gần gũi nhất mỗi ngày.
Client: Hanoia
Agency: Opal Vietnam