Khám sức khỏe tổng quát - nỗi lo không của riêng ai
Thời điểm mạng xã hội ngập tràn thông tin tiêu cực về môi trường hay nguồn gốc thực phẩm, cũng là lúc các chủ đề “phòng bệnh", “khám sức khoẻ tổng quát” nhận được đông đảo thảo luận và quan tâm từ người dùng mạng xã hội.
Đây sẽ là cơ hội hay thách thức cho các thương hiệu phòng khám và bệnh viện? Hãy cùng YouNet Media tìm hiểu qua bài viết thống kê bên dưới.
Thông tin tràn lan, bất an về sức khoẻ
Như thường lệ, quý 4 cuối năm thường là lúc các thông tin về an toàn thực phẩm và thanh tra tiêu dùng được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội. Chính vì thế, diễn biến thảo luận tăng dần của chủ đề khám sức khoẻ tổng quát (KTQ) cũng trùng khớp với khoảng thời gian cuối năm 2018. Người dùng mạng xã hội lo ngại sự ảnh hưởng của thực phẩm và ô nhiễm đến sức khoẻ, do đó họ nhắc đến khám sức khoẻ tổng quát như một phương pháp kiểm tra từ sớm.
Đặc biệt trong tháng 12/2018, khi Nhà nước chính thức áp dụng những thay đổi mới về chính sách BHYT cũng là lúc cuộc thảo luận đạt con số 88,474 lượt mentions, ghi nhận nhiều câu hỏi xoay quanh các từ khoá “khám sức khoẻ sử dụng thẻ BHYT", “khám có BHYT".
Lo xa không ai qua phụ nữ
Trong những chia sẻ được ghi nhận bởi YouNet Media, đa số thảo luận đến từ phụ nữ với tỉ lệ gấp đôi nam giới: 65.1%. Thực tế này phản ánh đúng tâm lý lo xa, thích quan tâm và chăm sóc gia đình vốn có của nữ giới.
Không chỉ ghi nhận phần trăm ưu thế về giới tính nữ, diễn biến thảo luận còn nhận thấy, độ tuổi 25-34 là nhóm đối tượng chính nhắc đến KTQ. Đây là nhóm dân văn phòng có thu nhập và có khả năng chi trả, họ bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ bản thân và gia đình.
Đợi bệnh mới lo, tâm lý khó bỏ
“Có dấu hiệu bệnh" là nguyên nhân chính khiến người dùng mạng xã hội nảy sinh nhu cầu KTQ. Họ kể về một số triệu chứng như: đau đầu, biếng ăn, đau nhức, mỏi khớp,... và xin tư vấn địa chỉ khám và tranh thủ khám tổng quát để phát hiện các nguy cơ bệnh khác.
Điều này minh chứng thực tế và cũng là thách thức của các phòng khám/ bệnh viện: dù đã có ý thức thảo luận và hỏi đáp về KTQ, thế nhưng người dùng mạng xã hội thường không chủ động thăm khám nếu cảm thấy “khoẻ".
Bên cạnh đó, lượt thảo luận về KTQ dành cho ba mẹ chiếm 29.2%. Có thể thấy sự nhất quán giữa nhóm đối tượng thảo luận chủ yếu và nguyên nhân nhắc đến KTQ là dân văn phòng từ 25-34 tuổi, nhóm tuổi phần nào “thỏa mãn” về thu nhập, sẽ bắt đầu có ý thức quan tâm đến nhu cầu về sức khỏe, ý thức được sức khỏe của các bậc “phụ lão” cần phải được theo dõi thường xuyên.
Ngoài ra, KTQ nội nhi là vấn đề được các mẹ đặc biệt quan tâm bởi trẻ nhỏ cần phải theo dõi sức khoẻ và sự phát triển định kỳ. Nhu cầu công việc như xin visa du học, du lịch hoặc làm việc ở nước ngoài cũng khiến người dùng mạng xã hội nảy sinh ý định KTQ.
Khám sức khoẻ tiền hôn nhân dù được nhắc đến với tần suất không nhiều nhưng có thể là một hướng truyền thông mới cho các phòng khám/ bệnh viên khi mà phụ nữ là đối tượng chiếm đến 65.1% thảo luận về khám sức khoẻ TQ.
Định kiến về chi phí cao tạo rào cản lớn
Sợ tốn kém là nỗi lo được nhắc đến nhiều nhất của người dùng mạng xã hội khi thảo luận về KTQ. 37% lượt thảo luận nói về lo ngại: bác sĩ “vẽ" chuyện, yêu cầu làm thêm các xét nghiệm không cần thiết khiến chi phí lên cao. Bên cạnh đó, những định kiến về thời gian khám lâu, quy trình rườm rà tốn thời gian cũng khiến 34% người dùng mạnh xã hội không mấy có nhu cầu với dịch vụ KTQ.
Một sự thật là, có đến 62% người thảo luận về KTQ nằm trong độ tuổi 25-34 tuổi, do đó họ có trở ngại về thời gian khám trùng với thời gian làm việc (chiếm 28%), luôn muốn tìm kiếm những dịch vụ khám ngoài giờ hoặc cuối tuần.
Quan tâm “nổi cộm” nhận được nhiều lượt thảo luận nhất
Dù khám tổng quát là dịch vụ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp về sức khoẻ nhưng thay vì quan tâm thương hiệu hay chất lượng thì người dùng mạng xã hội vẫn đặt quan tâm về giá cả lên hàng đầu. Bằng chứng là tổng thảo luận xoay quanh câu hỏi “Khám tổng quát trung bình khoảng bao nhiêu?” chiếm 2,511 lượt mentions.
Kế đến, “địa điểm khám tốt” là mối quan tâm chiếm 2,215 lượt thảo luận. Tuy nhiên, chuẩn đánh giá “tốt" của người dùng mạng xã hội còn chưa rõ ràng mà chỉ xoay quanh các yếu tố: phòng khám quốc tế, dịch vụ nhanh không phải chờ đợi, bác sĩ hỏi bệnh tường tận và chi tiết.
Một điều đáng lưu ý là vấn đề KTQ sử dụng BHYT nhận được 1,450 lượt mentions, minh chứng rằng các đối tượng thảo luận đều xem việc sử dụng BHYT là quyền lợi không thể bỏ qua.
Ung thu - Tử thần cần nhận biết
Chiếm số lượng nổi bật trong tổng 11,427 thảo luận nhắc về các bệnh lý và nhu cầu khám chính là tầm soát ung thư với 7,632 thảo luận. Những vấn đề về thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường khiến tỉ lệ ung thư tăng cao và trẻ hoá đã tạo nên nhu cầu cao về chuyên khoa này.
Thêm vào đó, 62% người trong độ tuổi từ 25-34 tuổi nhắc đến khám sức khoẻ tổng quát cũng thuộc độ tuổi khởi phát nguy cơ ung thư, vậy nên họ có mối quan tâm chung là tầm soát ung thư, sớm phát hiện và điều trị cho bản thân và gia đình.
Nữ giới là đối tượng thảo luận chính về chủ đề KTQ nên khám và phụ khoa và khám nội nhi cũng là hai chuyên khoa được nhắc đến phổ biến.
Top thương hiệu bệnh viện có nhiều thảo luận
VinMec và Hoàn Mỹ là 2 bệnh viện quốc tế được nhắc đến nhiều nhất. Điều này chứng tỏ các bệnh viện quốc tế hiện đang nhận được đánh giá cao về chất lượng và có độ nhận diện tốt.
From data to action
Báo cáo nghiên cứu lắng nghe mạng xã hội của YouNet Media đối với việc khám sức khoẻ tổng quát trong giai đoạn 01/09/2018 đến 28/02/2019 đã chỉ ra một số cơ hội cho các thương hiệu:
1. Hiểu rõ đối tượng tiếp cận
Thảo luận từ social media chỉ ra rằng, phụ nữ vẫn luôn giữ vai trò chính khi nhắc đến việc khám và chăm sóc sức khoẻ các thành viên trong gia đình. Nội dung trên fanpage của thương hiệu nên tạo hoạt động promotion/ event theo hướng “Cả nhà khoẻ vui để cùng nhau tận hưởng". Xây dựng hình ảnh fanpage hoặc lựa chọn Influencer dựa trên mối quan tâm và hành vi của phái nữ trong độ tuổi này.
2. Chọn đúng nơi và hình thức tiếp cận
Khác với các lĩnh vực khác thường có bài review, khám tổng quát thường được thảo luận dưới dạng hỏi đáp. Người dùng mạng xã hội có xu hướng đăng post công khai trên trang cá nhân để nhờ tư vấn từ mối quan hệ đáng tin (đồng nghiệp/ người quen/ bạn bè) so với việc đăng bài vào các hội nhóm.
Do đó thương hiệu cần xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng: trước - trong và sau khám thật hoàn thiện, để tạo ấn tượng tốt và hiệu quả “Word of Mouth” cao nhất.
3. Dịch vụ linh hoạt, đáp ứng nhu cầu
Các thương hiệu phòng khám/ bệnh viện có thể xem xét việc đa dạng dịch vụ KTQ theo nhóm: ví dụ phát triển gói dịch vụ bao gồm tầm soát ung thư, chiến lược giá ưu đãi dành cho những người có thói quen khám định kì - khuyến khích KTQ ít nhất 2 lần/ năm.
Triển khai các buổi livestream trực tiếp hoặc xây dựng một album nội dung mang tính chất tư vấn và giải đáp trực tiếp các câu hỏi về gói dịch vụ KTQ. Tránh tình trạng đưa thông tin một chiều và phải trả lời inbox/ comment nhiều lần về cùng một chủ đề.
*Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat - Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.