Người Việt Nam “mê” tiền mặt?

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ người Việt Nam dùng tiền mặt để chi trả vẫn còn rất cao do e ngại các hình thức thanh toán online (90% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt và chỉ có 30% dân số có tài khoản ngân hàng)

Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi người dân tiến tới chuyển đổi các giao dịch từ tiền mặt sang thanh toán điện tử. Hoạt động này sẽ để lại dấu vết điện tử mà nhà chức trách có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát. Người dân sẽ không phải đến ngân hàng để rút tiền, giữ tiền và có thể thanh toán ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại. Giao dịch trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại.

Để bắt kịp xu hướng, Chính phủ Việt Nam đưa ra đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, có mục tiêu đến cuối năm 2020: toàn thị trường có ít nhất 300.000 máy POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có hệ thống máy POS; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước.

Dưới đây là 2 yếu tố góp phần cung cấp một cái nhìn tổng quan về tính khả thi trong việc thay đổi cách thức thanh toán của người Việt:

1. Thói quen khó bỏ

Được nhiều lợi thế về tỉ lệ dân số dùng internet, độ phủ sóng thuê bao di động lớn và thương mại điện tử phát triển nhanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người vẫn còn rất xa lạ với thanh toán online. Ngay cả việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng cũng chỉ mới phát triển những năm gần đây, chưa thực sự trở thành phương thức quen thuộc trong đời sống của đại đa số người Việt. Việc sử dụng một chiếc ví vô hình để thanh toán càng khiến nhiều người lo sợ không đảm bảo được tính bảo mật.

Người Việt Nam “mê” tiền mặt?

Một trong những tính năng của ví điện tử được nhiều người yêu thích là thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, nước, phí chung cư, học phí,…Tuy nhiên, tính năng này lại đang gặp phải sự cạnh tranh từ phương thức thu tiền hộ tại các điểm chấp nhận thanh toán như Thế Giới Di Động, FPT,... Do có mạng lưới lớn và độ phủ dày, việc đến nộp tiền tại các điểm chấp nhận thanh toán này khá dễ dàng và nhanh chóng, từ đó khiến người dân chưa muốn từ bỏ thói quen để chuyển sang sử dụng ví điện tử.

2. Hệ sinh thái thanh toán “ nói không với tiền mặt” chưa hoàn thiện

Hiện có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như quẹt thẻ, thanh toán di động, thanh toán qua ví điện tử... phổ biến nhất hiện nay là thanh toán qua máy POS. Tuy nhiên ngay cả việc áp dụng phương thức thanh toán này khá tốn kém và "kén" cửa hàng. Để có thể áp dụng hình thức này, ngoài việc ngân hàng phải phát hành thẻ, còn phải đầu tư hệ thống POS đặt tại các cửa hàng, song song đó là kết nối đường truyền mạng nên khó phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Người Việt Nam “mê” tiền mặt?

Ngay cả ví điện tử Việt cũng đã có khá đầy đủ các tính năng như: nạp/rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, mua sắm online, thanh toán vay tiêu dùng...Tuy nhiên, số lượng các điểm chấp nhận thanh toán vẫn còn hạn hẹp nên các trường hợp đi siêu thị, nhà hàng hay mua sắm người dùng vẫn phải dùng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng để chi trả. Ngoài ra, một vấn đề cản trở sự phổ biến của ví điện tử là số lượng người sử dụng tài khoản ngân hàng còn chưa cao và nhiều ngân hàng chưa kết nối với các công ty triển khai ví điện tử. Trong khi đó, việc thuyết phục các nhà bán lẻ chấp nhận là điểm thanh toán sẽ còn mất nhiều thời gian hơn cả so với liên kết với ngân hàng vì số lượng quá nhiều và không có hệ thống chặt chẽ như ngân hàng.

Như vậy, thói quen thanh toán của người Việt không thể thay đổi nhanh chóng trong vòng một vài năm tới. Việc này đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính phủ trong cả việc thay đổi toàn bộ hệ sinh thái thanh toán và giáo dục người dân đặc biệt là thế hệ trẻ.

Bài viết được chia sẻ từ BookOke