Tìm kiếm bằng giọng nói đang thay đổi marketing như thế nào?
Tìm kiếm bằng giọng nói tạo ra nhiều thay đổi hơn chúng ta nghĩ. Tuy nhiên đa số thương hiệu lại chưa có động thái gì cụ thể về nó.
* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Luke Janich - CEO của Red² - agency có trụ sở tại Việt Nam.
Doanh số đến từ các thiết bị loa thông minh (có voice assistant) và các thiết bị liên quan đã tăng 63% trong năm 2018 và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân trong thời gian tới.
Điện thoại thông minh và các thiết bị có hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói cũng góp phần tăng số lượng người dùng.
Tuy vậy, nhiều marketer lại đánh giá thấp tiềm năng của nó. Đây có thể là một sai lầm của họ. Bởi vì, công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão nhưng không đến nỗi siêu tưởng như trí tưởng tượng của các nhà văn khoa học viễn tưởng. Quan trọng hơn là mọi người vẫn đang thích nghi với sự phát triển của công nghệ.
Các số liệu thống kê chứng minh điều đó.
Khoảng 20% tổng số lượt tìm kiếm trên Google hiện nay là tìm kiếm bằng giọng nói; tỉ lệ này thậm chí cao hơn đối với nhóm người trẻ. Các thống kê còn cho thấy khoảng 65% người từ 25-49 tuổi sử dụng tìm kiếm bằng giọng nói ít nhất một lần mỗi ngày và khoảng 50% trong số họ đã mua hàng từ những kết quả tìm kiếm bằng giọng nói.
Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực. Với marketing, tìm kiếm bằng giọng nói có tác động như thế nào? Agency hoặc thương hiệu có thể làm gì để thích nghi với tính năng mới này?
Tìm kiếm bằng giọng nói có tác động như thế nào?
Tin tốt là marketing cho tính năng tìm kiếm bằng giọng nói sẽ dựa trên những “cơ sở hạ tầng” vốn có của website.
Cơ chế hoạt động của tìm kiếm bằng giọng nói vẫn dựa trên nền tảng SEO của website. Từ trước đến nay, các thương hiệu đã dành nhiều năm đầu tư vào nội dung trang web, vậy nên, trong thời gian tới họ chỉ cần tập trung vào tối ưu nội dung cho tìm kiếm bằng giọng nói mà không phải thay đổi gì nhiều.
Điểm này đặc biệt đúng với những website có giao diện tối ưu cho điện thoại di động.
Nếu không sở hữu giao diện tối ưu cho điện thoại di động, website của bạn sẽ không xuất hiện trong danh sách kết quả tìm kiếm bằng giọng nói. Với Google, những website có giao diện tối ưu cho điện thoại di động cũng sẽ xếp thứ hạng cao hơn trong các tìm kiếm trên máy tính, vì hiện nay mobile-first index là tiêu chuẩn. Vậy nên, quan trọng hơn hết là một website có giao diện tối ưu cho người dùng di động, vì điều này không chỉ liên quan đến kết quả tìm kiếm bằng giọng nói mà còn ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm thông thường nữa.
Mặt khác, cả Alexa và Cortana đều sử dụng Bing, vậy nên đừng bỏ qua việc tối ưu cho công cụ tìm kiếm này.
Thay vì dùng các từ khóa, người dùng bắt đầu sử dụng những câu hỏi.
Thay đổi lớn liên quan đến tìm kiếm bằng giọng nói là cách người dùng tìm kiếm thông tin. Thay vì dùng các từ khóa, người dùng bắt đầu sử dụng những câu hỏi. Do đó, bạn cần đảm bảo các nội dung trên website của bạn có dạng “câu hỏi – câu trả lời”. Điều này sẽ tăng khả năng các công cụ tìm kiếm chọn nội dung của bạn.
Nhiều doanh nghiệp đã có nền tảng tương thích với việc marketing cho cơ chế tìm kiếm bằng giọng nói, nhưng họ vẫn chưa thực sự tận dụng được nền tảng này.
Và câu hỏi là…
Hầu hết các thương hiệu chưa có động thái cụ thể nào về chủ đề này. Có lẽ họ chưa chắc chắn về cách hoạt động hoặc đánh giá thấp tác động của chức năng tìm kiếm bằng giọng nói. Các dữ liệu đều chỉ ra tìm kiếm bằng giọng nói là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, chúng ta cần phải tự hỏi: “Liệu mình có đủ khả năng bắt kịp sự phát triển này không?”.
Thay vì phản ứng với tìm kiếm bằng giọng nói như thể đó là sự phát triển của một trào lưu mới (với cơ may phát triển hoặc lụi tàn nhanh chóng), chúng ta nên đầu tư hoặc ít nhất là đưa nó vào trong kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.
Nếu vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trong các kết quả tìm kiếm bằng giọng nói trong vài năm tới.
Nguồn: Luke Janich / Campaign Asia