Từ McDonald’s, nhìn về giá trị tiền đồng

Những người thích thức ăn nhanh Việt Nam đã rất háo hức khi thương hiệu nổi tiếng thế giới McDonald’s đặt chân vào Việt Nam với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP.HCM vào đầu tháng 2. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này còn lan sang cả thị trường tiền tệ khi gây nên tranh cãi mới về việc tiền đồng đang được định giá cao hay thấp trên thực tế.

Tờ The Economist đã đưa tiền đồng vào rổ chỉ số Big Mac Index, một chỉ số so sánh giá trị tương đối giữa đồng tiền các quốc gia trên thế giới mà McDonald’s hiện diện. Dĩ nhiên, rổ hàng hóa The Economist căn cứ vào để so sánh đơn giản chỉ là chiếc bánh hamburger Big Mac mà thôi.

Kết quả tính toán của The Economist đã mang lại sự bất ngờ thú vị. Một chiếc Big Mac tại Việt Nam có giá bán 60.000 đồng, tương đương 2,84 USD theo tỉ giá hiện hành, trong khi giá một chiếc bánh tương tự tại Mỹ là 4,62 USD. Vì vậy, theo lý thuyết về sức mua cân bằng, tiền đồng đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực 39% khi so sánh với USD. Tiền đồng cũng được cho là định giá thấp hơn giá trị thực khi so sánh với đồng yen Nhật, bảng Anh và euro.

Theo hướng ngược lại, tiền đồng lại được cho là đang bị định giá cao hơn giá trị thực khi so sánh với nhân dân tệ của Trung Quốc, ở mức 4%.

Các con số này dường như có phần nào hợp lý khi nhìn lại kết quả thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia trên vào năm ngoái. Tiền đồng được định giá thấp đã góp phần hỗ trợ xuất khẩu và giúp Việt Nam đạt thành tích xuất siêu với Mỹ, Anh và Nhật. Trong khi đó, việc lên giá so với giá trị thực khi so sánh với nhân dân tệ có thể là một trong những nguyên nhân giải thích cho việc nhập siêu kỷ lục 23,76 tỉ USD với Trung Quốc, tăng đến 45% so với năm 2012.

Từ McDonald’s, nhìn về giá trị tiền đồng

Một chiếc Big Mac tại Việt Nam có giá bán 60.000 đồng, tương đương 2,84 USD, trong khi giá chiếc bánh tương tự ở Mỹ là 4,62 USD. Ảnh: Trường Nikon

Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên tin tưởng quá nhiều vào một chỉ số đơn giản như Big Mac Index vì nó được The Economist mô tả là để tham khảo cho vui là chính. Thực vậy, giá thành của các yếu tố tạo nên chiếc bánh Big Mac đã bị nhiễu khá nhiều. Ngoại trừ các nguyên liệu được sử dụng trong nước, các nguyên liệu nhập khẩu khác đều phải chịu thuế nhập khẩu. Hơn nữa, chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và vận tải, vốn khác nhau ở mỗi nước, cũng góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt về giá Big Mac giữa các quốc gia.

Chiếc bánh Big Mac ở Việt Nam phải dùng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu như thịt bò Úc, philê cá trắng đánh bắt ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, khoai tây Mỹ. Bánh mì cũng được nhập từ Malaysia. Những nguyên liệu này đều phải chịu thuế, chi phí vận tải...

Thậm chí, ngay cả thành phần cấu tạo nên chiếc bánh Big Mac cũng có thể khác nhau ở mỗi quốc gia để cho phù hợp với phong tục và khẩu vị của người dân địa phương. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, Big Mac được làm từ thịt gà chứ không phải thịt bò vì đối với người dân nước này, bò là con vật linh thiêng.

Rõ ràng, có nhiều yếu tố tác động đến giá của chiếc bánh Big Mac. Vì vậy, việc rút ra kết luận tiền đồng đang bị định giá thấp so với USD là điều cần được cân nhắc kỹ.

Ở khía cạnh ngược lại, tính toán của một số chuyên gia dựa trên một rổ hàng hóa rộng lớn hơn và sử dụng những mô hình phân tích phức tạp hơn cho thấy tiền đồng lại đang bị định giá cao so với giá trị thực, đặc biệt là so với USD, loại tiền tệ mà tiền đồng đang neo vào.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Quốc Huy, Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Hải Đăng với chủ đề “Tỉ giá hối đoái giai đoạn 2000-2011: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu” đã chỉ ra rằng tiền đồng đang lên giá thực và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (báo cáo này thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội).

Còn theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, tiền đồng đã tiếp tục lên giá thực khoảng 3% so với USD vào năm 2013.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, lạm phát ổn định hơn trong 2 năm qua đã giúp các nhà điều hành chính sách có điều kiện để điều chỉnh tỉ giá từng bước theo hướng cẩn trọng và tránh gây sốc cho thị trường. Theo đó, sau khi hạ giá tiền đồng 1% trong năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2014, tỉ giá sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn để có thể hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo cân đối vĩ mô và mức điều chỉnh sẽ không quá 2%.