Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á các tháng đầu năm 2019
Theo báo cáo do Google & Temasek công bố, hiện các nước Đông Nam Á có hơn 350 triệu người dùng internet. Quan trọng hơn, hơn 90% trong số này hiện đang kết nối internet chủ yếu thông qua các thiết bị di động.
Con số này còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới cùng với việc smartphone ngày càng dễ sở hữu và các dịch vụ viễn thông ngày càng được cải thiện về chất lượng. Ứng dụng di động vì thế cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn đối với toàn ngành thương mại điện tử ở các nước Đông Nam Á.
Thêm vào đó, báo cáo này cũng chỉ ra rằng nền kinh tế trực tuyến của khu vực Đông Nam Á sẽ nhanh chóng tăng trưởng để đạt mức 240 tỷ USD trong năm 2025 và ngành thương mại điện tử (TMĐT) sẽ chính là mũi nhọn cho sự phát triển này.
Đứng trước những tiềm năng khổng lồ đó, các công ty TMĐT tại thị trường Đông Nam Á đang bước vào một cuộc chiến thật sự hấp dẫn, không chỉ về vốn và dịch vụ mà còn về công nghệ và những ý tưởng đặc biệt.
Để mang lại một cái nhìn thật sự tổng quan về tình hình chung của toàn ngành trong các tháng đầu năm 2019, công ty tìm kiếm sản phẩm và so sành giá iPrice Group hợp tác cùng các công ty đo lường App Annie Intelligence và SimilarWeb để tổng hợp nên báo cáo Bản đồ Thương mại Điện tử Đông Nam Á.
Lazada, Shopee, Tokopedia dẫn đầu nền tảng di động
Nghiên cứu của iPrice Group và App Annie Intelligence tiến hành xác định các ứng dụng mua sắm trên di động được sử dụng nhiều nhất tại các nước Đông Nam Á. Số liệu được báo cáo sử dụng để đưa ra xếp hạng này là số Người sử dụng hàng tháng (Monthly Active Users) của các ứng dụng trên cả hai nền tảng Android và iOS.
Theo đó, ứng dụng mua sắm trực tuyến của Lazada chính là ứng dụng có số lượng người sử dụng hàng tháng cao nhất. Theo đó, Lazada cũng đứng đầu xếp hạng này tại bốn trong số sáu quốc gia xuất hiện trong báo cáo, bao gồm: Philippines, Malaysia, Thailand, và Singapore. Hai quốc gia duy nhất Lazada chịu xếp sau là Việt Nam và Indonesia. Tuy vậy, tại hai nước này, họ vẫn nằm trong top 5 khi xếp hạng nhì tại Việt Nam và hạng hạng tư tại Indonesia.
Trong các năm gần đây, Lazada đã đặt rất nhiều nguồn lực vào việc cải tiến ứng dụng di động của họ và không chỉ khiến nó ngày càng trở nên hiện đại và tiện dụng hơn mà còn thu hút khách hàng hơn thông qua những chức năng mang nhiều tính tương tác. Tiêu biểu có thể kể đến chức năng livestream hay chức năng tìm sản phẩm bằng hình ảnh mà Lazada tuyên bố rằng hiện được sử dụng bởi 500.000 khách hàng, bên cạnh đó còn là các trò chơi kết hợp với giảm giá như “Chém giá”.
Đối thủ đáng gờm nhất của Lazada tính trong quy mô khu vực là Shopee. Sàn TMĐT này xếp đầu bảng ứng dụng di động tại Việt Nam, hạng nhì tại bốn nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Thailand và hạng ba tại Singapore.
Shopee từ lâu đã theo đuổi chiến lược mobile-first, tức đặt nền tảng di động là ưu tiên. Một bài viết trên website của công ty này cho biết: “Nhằm tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của thiết bị di động ở Đông Nam Á và Đài Loan, Shopee tập trung phát triển ứng dụng Shopee làm điểm chạm đầu tiên trên hành trình mua sắm của khách hàng”.
Nhằm cụ thể hóa tuyên bố này, trong năm 2018, họ đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều hoạt động nhằm thu hút khách hàng đến với ứng dụng di động của mình, có thể kể đến như chiến dịch quảng cáo Baby Shark gây bão trên YouTube hay chương trình “Ngày hội mua sắm 4.0” phát sóng trực tiếp trên HTV2 trong ngày 11/11.
Cuối cùng, một đối thủ khác của Lazada và Shopee cũng tạo nên làn sóng ảnh hưởng trên nền tảng di động chính là Tokopedia – sàn TMĐT đến từ Indonesia. Ứng dụng của sàn này đứng đầu bảng MAU tại Indonesia. Nếu tính về mặt dân số cùng với tiềm năng phát triển, Indonesia chính là thị trường TMĐT lớn nhất tại Đông Nam Á, chính vì vậy, chiến thắng của Tokopedia tại thị trường nội địa thật sự là một điểm nhấn đáng chú ý và là một sự khích lệ cho các công ty TMĐT nội khác mà Sendo và Tiki là những ví dụ điển hình.
Ứng dụng mua sắm Trung Quốc và Mỹ phổ biến
Trong cả sáu quốc gia có trong báo cáo, các ứng dụng TMĐT của các công ty Mỹ và Trung Quốc đều rất phổ biến và nằm trong top 10 về số người sử dụng hàng tháng.
Điều này có thể đặc biệt thấy rõ tại hai quốc gia có cộng đồng nói tiếng Hoa lớn là Malaysia và Singapore. Tại hai nước này, ứng dụng Taobao xếp lần lượt hạng 3 và 4. Trong khi đó, tại các nước còn lại, AliExpress lại chiếm ưu thế khi ứng dụng này xếp hạng ba tại Thailand, hạng năm tại Philippines, hạng sáu tại Việt Nam và hạng tám tại Indonesia. Tương tự thì các ứng dụng đến từ Mỹ như Amazon và eBay cũng có mặt trong top 10 của mỗi nước.
Thực tế này một mặt cho thấy nhu cầu mua sắm online trên ứng dụng di động của người tiêu dùng Đông Nam Á rất lớn và đa dạng, mặt khác cho thấy một khoảng trống thị trường mà các ứng dụng nội địa và khu vực chưa đáp ứng hết.
Các công ty TMĐT nội cạnh tranh tốt
Tokopedia là sàn TMĐT duy nhất chỉ hoạt động duy nhất ở một thị trường (Indonesia) và đứng đầu tại thị trường đó về chỉ số MAU. Kết quả này đến không lâu sau khi Tokopedia nhận được khoản đầu tư khổng lồ trị giá một tỷ USD, biến công ty này trở thành startup có giá trị nhất ở Indonesia, một thành quả đáng chú ý trong bối cảnh quốc gia này cũng là cái nôi của nhiều “kỳ lân” khác như Bukalapak, Traveloka và Go-jek.
Theo thông tin từ Bloomberg, Tokopedia có được thành công ngày hôm nay một phần lớn là nhờ co-founder William Tanuwijaya đã tận dụng thành công xu hướng dịch chuyển lên nền tảng di động của người tiêu dùng Indoensia.
Bên cạnh Tokopedia, Đông Nam Á cũng không thiếu những ví dụ thành công tương tự của các sàn TMĐT nội địa như Bukalapak (Indonesia), Qoo10 (Singapore), cùng với Sendo và Tiki (Việt Nam).
Giải thích thêm về cơ hội của các công ty TMĐT nội, ông Jeremy Chew - chuyên viên về thị trường Đông Nam Á của iPrice, cho biết do đặc thù của ngành, các sàn TMĐT luôn phải hiểu rõ nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở từng quốc gia và đó chính là một lợi thế của các sàn nội địa như Tiki và Sendo.
Xếp hạng các website TMĐT có lượng truy cập cao nhất
Mặc dù di động đang dần chứng minh được vai trò khổng lồ của mình trong toàn cảnh cạnh tranh của thị trường, website vẫn tiếp tục là một nền tảng không thể thiếu của ngành TMĐT Đông Nam Á. Nghiên cứu về Toàn cảnh TMĐT Đông Nam Á năm 2017 cũng của iPrice cho thấy, tỷ lệ chuyển đổi (mua hàng) của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á trên máy tính cá nhân cao hơn hẳn trên di động (tại Việt Nam, tỷ lệ này máy tính cá nhân cao gấp 2,5 lần so với trên di động).
Vì lý do đó, nghiên cứu của iPrice cũng đi vào so sánh các website TMĐT tại từng quốc gia dựa trên số lượt truy cập website trung bình hàng tháng (trên cả desktop và mobile).
Theo đó, một số các insights đáng chú ý có thể rút ra từ xếp hạng này như sau:
- Tương tự với trên di động, Lazada tiếp tục là sàn chiếm thế thượng phong trên nền tảng web. Lazada dẫn đầu bảng tại ba nước Malaysia, Philippines, Thailand. Tuy vậy, tổng lượng truy cập của công ty này đã giảm 12% so với quý trước.
- Nếu tính về tổng số, Shopee mới là công ty có số lượng truy cập cao nhất với tổng cộng hơn 184,8 triệu lượt ở toàn Đông Nam Á.
- Dù chỉ hoạt động tại độc nhất một thị trường, Tokopedia (ID), Bukalapak (ID), & Tiki (VN) vẫn lần lượt xếp thứ ba, bốn và năm về tổng lượng truy cập trên toàn Đông Nam Á. Điều này một lần nữa khẳng định nhu cầu mua sắm online khổng lồ tại hai quốc gia này.
Xin vui lòng click vào các link dưới đây để xem chỉ số và báo cáo chi tiết của iPrice tại từng quốc gia:
- Indonesia: https://iprice.co.id/insights/mapofecommerce/en/
- Vietnam: https://iprice.vn/insights/mapofecommerce/en/
- Thailand: https://ipricethailand.com/insights/mapofecommerce/en/
- Philippines: https://iprice.ph/insights/mapofecommerce/en/
- Malaysia: https://iprice.my/insights/mapofecommerce/
- Singapore: https://iprice.sg/insights/mapofecommerce/
About iPrice
iPrice là công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá, hiện đã có tại Vietnam và sáu quốc gia khác, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thailand, Philippines và Hong Kong. iPrice thường xuyên cho ra đời các báo cáo và phân tích về chủ đề công nghệ, startups và thương mại điện tử.
Mọi nhu cầu cộng tác về nghiên cứu và truyền thông xin liên hệ:
- Đặng Đăng Trường - Content Marketing Executive
- Email: [email protected]