Kinh doanh nhà hàng – nên bắt đầu từ đâu?
Ở bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào, trước khi bắt tay vào thực hiện, bạn cần phải lập kế hoạch sắp xếp từng khâu sao cho hợp lý và vạch ra phương hướng cụ thể, ngắn hạn và dài hạn theo từng quý, từng năm.
Ngày nay, khi cuộc sống của con người ngày càng phát triển, nhu cầu ăn uống trở thành điều được quan tâm, chú trọng hơn bao giờ hết. Hàng loạt những nhà hàng, khu ẩm thực dần mọc lên. Rất nhiều người ôm giấc mộng trở thành ông chủ lớn và bắt đầu dấn thân thử sức với lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên, để có thể thành công, bạn cần có sự chuẩn bị thật kĩ càng và trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết. Cho dù bạn có là nhà kinh doanh “tay ngang” hay là người mới “tập tành thử sức” thì cũng sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra cho bạn 5 bước đi cơ bản để bạn có thể tự tin hơn khi bắt đầu dấn thân kinh doanh ở lĩnh vực này nhé!
1. Lập kế hoạch kinh doanh
Ở bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào, trước khi bắt tay vào thực hiện, bạn cần phải lập kế hoạch sắp xếp từng khâu sao cho hợp lý và vạch ra phương hướng cụ thể, ngắn hạn và dài hạn theo từng quý, từng năm. Kinh doanh nhà hàng cũng không ngoại lệ, việc tạo ra một bản kế hoạch chi tiết sẽ giúp cho việc kinh doanh của bạn vận hành trơn tru và thuận lợi hơn. Tuỳ theo xu hướng và nhu cầu của thị trường, bạn sẽ lập ra cho mình một kế hoạch kinh doanh linh hoạt và phù hợp. Cùng với đó bạn cũng nên cân nhắc các yếu tố như vốn đầu tư, thị hiếu khách hàng… để tìm cho mình một hướng đi đúng đắn.
Nội dung của một bản kế hoạch kinh doanh nhà hàng cần phải có đủ tối thiểu các thông số sau: bảng dự trù chi phí đầu tư, bảng tính toán chi phí - lợi nhuận theo tháng, điểm hoà vốn và kế hoạch tồn kho.
2. Huy động vốn và dự trù ngân sách tài chính
Để có thể kinh doanh, bạn cần phải cân nhắc về nguồn vốn. Bạn có thể kiếm nguồn vốn từ đâu? Nếu như bạn đã tiết kiệm đủ số vốn cần có thì còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào từng bước triển khai. Nhưng nếu như bạn chưa đủ vốn, bạn có thể vay ngân hàng hoặc xin tài trợ. Cách xin tài trợ là một cách an toàn hơn, bạn có thể lập một bản kinh doanh cụ thể rồi trình bày với những nhà đầu tư tiềm năng, cho họ thấy được tương lai và lợi nhuận thu được từ nhà hàng của bạn để từ đó “mạnh tay” góp vốn đầu tư kinh doanh.
Có đủ số vốn trong tay rồi, việc tiếp theo bạn cần làm là chi tiêu sao cho thật hợp lý. Đây là một bài toán khó nhằn dành cho hầu hết những nhà kinh doanh. Bạn cần phải có kế hoạch thật chi tiết dành cho từng khoản phí: từ chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên cho đến chi phí mua nguyên liệu, chạy quảng cáo…Thêm vào đó, bạn cũng nên dành riêng ra một khoản tiền để đề phòng những chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh, lường trước mọi rủi ro không đáng có.
3. Lựa chọn mặt bằng phù hợp
Địa điểm, mặt bằng là một điểm mấu chốt quyết định việc kinh doanh của bạn sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi sau này. Tuỳ vào từng mô hình kinh doanh khác nhau mà bạn phải tìm kiếm cho quán của mình một vị trí thật phù hợp. Hợp lý nhất thì nên đặt nhà hàng ở những nơi có mật độ dân cư đông đúc, rộng rãi, dễ quan sát, có thể ở mặt đường hoặc trong khu trung tâm để dễ dàng thu hút, tạo sự chú ý cho khách hàng.
Một điều bạn phải cực kỳ lưu ý nữa đó chính là yếu tố phong thuỷ trong việc lựa chọn, thiết kế khu vực nhà hàng. Cần tối kỵ xây dựng nhà hàng ở các vị trí có toà nhà lớn bao vây quanh, cổng nhà hàng có đường lớn đâm thẳng vào, phía trước có cột điện hay hầm lớn,… Với một nền văn hoá Á Đông đậm màu sắc tín ngưỡng như nước ta thì vấn đề phong thuỷ rất cần được chú trọng vì nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc kinh doanh và phát triển của chính bạn.
4. Đào tạo và quản lý đội ngũ nhân viên
Con người là một yếu tố vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Tìm được những nhân viên tận tâm, chu đáo và nhiệt tình trong công việc sẽ giúp cho việc quản lý nhà hàng của bạn trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Dựa vào mong muốn, đam mê và kỹ năng của từng người, bạn nên sắp xếp, phân chia công việc thật hợp lý dành cho nhân viên của mình. Trong quá trình làm việc, bạn cũng nên cập nhật những nguyên tắc, thưởng phạt rõ ràng để đánh giá chính xác trình độ của từng người. Đồng thời bạn cũng nên kiểm soát số lượng nhân viên để tránh tình trạng thừa hay thiếu vào giờ cao điểm của nhà hàng.
5. Lập chiến dịch quảng bá nhà hàng
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể tạo được ấn tượng và thu hút khách hàng đến với nhà hàng của mình, bạn cần phải có một chiến dịch marketing phù hợp. Bạn có thể sử dụng phương pháp marketing truyền và miệng thêm vào đó là các chương trình quảng bá trên facebook, instagram, treo băng rôn, biển hiệu… làm sao để truyền đạt tới khách hàng của mình một thông điệp ý nghĩa và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Khi đã có một chỗ đứng nhất định trên thương trường, bạn cần có kế hoạch quảng cáo tiếp thị theo từng giai đoạn để đảm bảo sự mới mẻ và tạo sự tò mò của khách hàng, thu hút họ ghé thăm.
Bài viết trên đây đã đưa ra cho bạn 5 bước đi cơ bản để bạn có thể tự tin hơn khi có ý định “dấn thân” vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Nếu như bạn ôm mộng trở thành ông chủ lớn và muốn có một nhà hàng của riêng mình, còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay triển khai ngay thôi nào! Chúc bạn sẽ thành công trên con đường kinh doanh đầy thử thách nhưng cũng đầy thú vị này nhé.
Tác giả: FnB Việt Nam