Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

Trong bài viết kỳ trước của chuyên mục Fashion Marketing, Thảo Trần, cô chủ của Lơ Boutique có những chia sẻ đậm tính thương mại của một tay ngang lấn sân thời trang về chữ “P” thứ 2: Place (nơi bán, trưng bày sản phẩm). Trong số #4 của chuyên mục này, mời các bạn theo dõi phần phỏng vấn với Võ Thị Li Lam, cô chủ thương hiệu Lam Boutique, về “P” tiếp theo: Promotion (quảng bá thương hiệu).

Lam có niềm đam mê thời trang từ trong máu. Sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc trong lĩnh vực PR một thời gian, Lam quyết định quay lại với niềm đam mê của mình và mở thương hiệu Lam Boutique năm 2009 tại Sài Gòn. Suốt 10 năm gầy dựng, Lam luôn hướng thương hiệu của mình đến hình ảnh "sự thanh lịch vượt thời gian" cho chị em phụ nữ. Với Lam, xây dựng thương hiệu cần phải có thời gian, thông điệp phải nhất quán, các chiến dịch phải bổ trợ lẫn nhau theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Cô cũng cho rằng thời trang phải định hình cá tính, nói lên quan điểm sống chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất ở thị trường thời trang Việt là khách hàng thường đánh giá các thương hiệu nội thông qua giá cả, mẫu mã bên ngoài. Lam vẫn kiên nhẫn với định hướng của mình và đợi đến ngày hái quả ngọt. Mời các bạn cùng tìm hiểu những bước đi trong việc xây dựng thương hiệu của Lam.

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

* Chào Lam, cám ơn em đã nhận lời chia sẻ với chuyên mục Fashion Marketing trên Brands Vietnam. Em có thể giới thiệu về đối tượng khách hàng của Lam Boutique?

Cảm ơn chị Lan và Brands Vietnam đã tạo điều kiện để Lam chia sẻ về Lam Boutique.

Đối tượng khách hàng của Lam Boutique là các chị em mong muốn có sự thay đổi về ngoại hình theo thời gian, làm chủ được quỹ thời gian của mình và làm chủ được cuộc sống. Họ tìm kiếm những sản phẩm thanh lịch nhưng không gò bó, sang trọng nhưng vẫn giữ được năng lượng, giữ được tuổi trẻ.

Khoảng gần 40% khách hàng của Lam là những người đang tìm kiếm phong cách và đang thử nghiệm với bản thân. Họ cần Lam giúp tìm được tiếng nói và xây dựng hình ảnh cá nhân để họ có thể tự tin trong cuộc sống.

Còn 45% là những khách hàng đã biết đến Lam, những người phụ nữ xem áo quần là một phần trong cuộc đời. Họ tìm kiếm những món đồ có thiết kế tinh tế và phù hợp với phong cách của họ. Hơn 10% còn lại là khách nước ngoài, những người làm việc ở Việt Nam một thời gian hoặc du khách vãng lai.

* Vậy Lam đã làm gì để có giải pháp hợp lý cho thử thách này?

Qua 10 năm làm thời trang, Lam hiểu rõ hơn khách hàng của mình, không chỉ về hình thức mà còn hiểu sâu hơn về cảm xúc của họ. Lam đã dần biết họ cần gì, muốn gì nên những mẫu mã tại cửa hàng gần như là “đo ni đóng giày” cho họ.

Điểm mấu chốt là Lam luôn thiết kế sản phẩm để khi người phụ nữ khoác lên người đều cảm nhận được sự thoải mái, không phải “gồng”, cho dù họ đang phải gánh vác nhiều trọng trách trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Lam tin mỗi người đều hướng đến cái đẹp, nhưng do tính chất công việc mà họ tự giới hạn mình, tự đặt mình vào những khuôn khổ. Nhìn thấy phụ nữ cứ cuống cuồng để rồi quên mất bản thân, Lam biết “trọng trách” của mình là khơi gợi sự thanh lịch ở người phụ nữ mà vẫn cho họ cảm giác thoải mái, tự do trong trang phục. Lam muốn giải phóng tư duy cho phụ nữ thông qua quần áo, Lam muốn họ hiểu được giá trị của mình để tận hưởng được nhiều niềm vui hơn.

Khi thiết kế Lam không nghĩ nhiều về các xu hướng đang thịnh hành, mà Lam chỉ muốn chuyển tải thông điệp sống của bản thân lên các sản phẩm của mình với chất liệu đẹp nhất có thể. Lam luôn quan niệm tận cùng của áo quần chính là sự thoải mái và thanh lịch. Về lâu dài Lam muốn lan tỏa sự tự tin, niềm cảm hứng cho phụ nữ.

* Mỗi khi có bộ sưu tập mới, Lam giới thiệu đến với khách hàng như thế nào?

Hằng năm, Lam tổ chức 1 – 2 show trình diễn các bộ sưu tập mới, thường sẽ rơi vào tháng 7 và tháng 12. Nhưng mỗi 2 tuần, Lam lại ra mắt một mini-collection để lúc nào boutique cũng có mẫu mới, khách hàng cũ quay lại cũng cảm thấy có cái mới để lựa chọn. Thay đổi sản phẩm thường xuyên cũng giúp khách cảm nhận rõ hơn về sự linh hoạt của các thương hiệu thời trang boutique.

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

Ngoài show diễn, Lam cũng sử dụng những kênh phổ biến như website, facebook hoặc nhắn tin trực tiếp cho khách hàng, do đội ngũ nhân sự của Lam Boutique thực hiện. Một công cụ mà Lam cũng chú trọng ngay từ ngày đầu xây dựng thương hiệu là CRM (Customer Relationship Management - Quản lý quan hệ khách hàng). Nhiều người nghĩ một boutique thì không cần sự đầu tư lớn như hệ thống CRM để quản lý khách hàng, nhưng Lam cho rằng đó là cách giúp mình hình dung rõ hơn về chân dung họ, hiểu họ hơn và từ đó “chăm sóc” họ tốt hơn.

* Còn với “Personal styling” hay “tư vấn trang phục” cho khách hàng, Lam có thể chia sẻ mục đích chính của những buổi trò chuyện này là gì và cho đối tượng nào?

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

“Personal Styling” là việc định hình phong cách cá nhân, nhằm giúp phụ nữ trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình với những trải nghiệm mới mẻ. Với Lam, đây là một hành trình cần rất nhiều thời gian. Nhưng qua đó, khách hàng sẽ thấy mình đẹp hơn và tận hưởng cuộc sống với một thái độ tích cực hơn.

Đối tượng là bất kỳ khách hàng nào của Lam, những người có nhu cầu tư vấn riêng. Họ chỉ cần đặt lịch hẹn trước, và Lam sẽ tư vấn, trò chuyện để có thể giúp họ dần định hình phong cách cho riêng mình. Trước đây, khách hàng phải email để đặt lịch hẹn. Sắp tới trên website của Lam boutique sẽ có phần “Information Box”, khách hàng chỉ cần điền thông tin vào để đăng ký nên sẽ tiện hơn.

Theo Lam quan sát qua chương trình này thì thấy có những khách hàng gắn bó với phong cách và chất lượng sản phẩm của Lam Boutique trong thời gian dài. Nhưng cũng có những khách hàng thử phong cách của Lam, và cũng muốn thử những phong cách khác nữa. Điều tuyệt vời là họ sau cùng cũng quay lại với Lam, với phong cách tinh tế và thanh lịch Lam tư vấn cho họ. Suy cho cùng, Lam nghĩ phụ nữ cần những món đồ tôn lên tính cách của họ, nên sau khi thử nhiều phong cách khác nhau, họ sẽ dần hiểu hơn về giá trị Lam mang đến.

Lam định hướng giải phóng cách suy nghĩ của người phụ nữ từ bên trong chứ không phải chỉ bề ngoài. Lam nghĩ quần áo trang phục chính là cách nói lên suy nghĩ của mình. Khi phụ nữ hiểu về cái đẹp, họ sẽ có ý thức hơn với không gian sống của mình, với cuộc đời mình. Họ cảm nhận được cái tâm của Lam trong từng sản phẩm thì họ cũng sẽ để ý hơn đến chất lượng công việc của họ.

* Còn những mẫu thời trang cho phụ nữ mắc bệnh ung thư, ý tưởng này xuất phát từ đâu vậy Lam?

Ý tưởng này xuất phát từ việc Lam muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến với những phụ nữ đang chống chọi với căn bệnh ung thư vú trong cộng đồng ung thư vú Việt Nam. Lam muốn họ hiểu rằng “phụ nữ trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải đẹp và tỏa sáng theo cách riêng của mình”. Thực ra cảm thấy tự do trong tâm hồn cũng là một cách tỏa sáng, chứ không chỉ đơn thuần là phải có một vẻ ngoài xinh đẹp. Với Lam, khi tự do trong tâm hồn, phụ nữ sẽ sống tích cực hơn. Đối với những người phụ nữ đang chống chọi với bệnh ung thư thì họ lại phải càng yêu quý bản thân và giải phóng sự tự ti, mặc cảm của mình.

NTK Li Lam cùng ekip đã trực tiếp tư vấn phong cách ăn mặc cũng như trang điểm cho những phụ nữ ung thư vú.

* Sắp tới em sẽ mở thêm “LAM living” chia sẻ về lối sống, rộng hơn ý niệm về việc Lam Boutique chỉ là thời trang. Em có thể chia sẻ thêm về ý định này?

Lam không chỉ muốn dừng lại ở việc chọn áo quần, trang phục cho phụ nữ mà còn muốn hướng đến tạo ra một không gian sống đẹp. Lam thấy đây là một hướng đi mới cho mình, được chọn lựa và tư vấn cho khách những gì Lam thật sự thích. Mục đích cốt lõi Lam luôn hướng tới là giúp khách hàng cảm nhận khi bước chân vào không gian của Lam, họ sẽ sống chậm lại một chút, bình yên hơn trong từng hơi thở để thư giãn, hưởng thụ cái đẹp nhiều hơn.

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

* Trong 10 năm qua, khách hàng của Lam đã có thay đổi gì trong việc tiếp nhận các thông điệp từ thương hiệu Lam Boutique? Lam có định hướng gì cho thời gian tới?

Lam thấy các thông điệp mình đưa ra được khách hàng đón nhận cởi mở hơn so với thời gian đầu. Với sự phát triển nhanh của internet và mạng xã hội, khách hàng cũng hiểu hơn về khái niệm boutique. Thị trường thời trang Việt Nam ngày càng sôi động với nhiều nhãn hàng quốc tế có mặt cũng là một cơ hội để khách hàng trải nghiệm và cảm nhận được sự khác biệt giữa Lam Boutique và các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion). Khi thử nhiều phong cách khác nhau, họ mới trân trọng hơn những giá trị Lam mang lại.

Định hướng của Lam trong thời gian tới là Lam muốn tập trung phát triển văn hóa thương hiệu Lam, phát triển không gian shopping cho khách hàng để khi bước chân vào Lam, họ cảm thấy thư giãn và thoải mái khỏi những xô bồ của cuộc sống hiện đại hiện tại. Lam cũng muốn giữ gìn và lan tỏa nét thanh lịch của người Sài gòn, một nét đẹp đang dần bị lãng quên.

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữ

Fashion Marketing #4: Thương hiệu Lam Boutique - Trân trọng vẻ đẹp riêng của phụ nữChia sẻ từ chị Lâm Hồng Lan:

Cũng theo nghiên cứu “The State of Fashion 2019” do tạp chí thời trang Business of Fashion (BoF) kết hợp với công ty tư vấn McKinsey&Company công bố cuối năm 2018, một trong 10 xu hướng của thời trang năm 2019 là việc người tiêu dùng trở nên có nhận thức hơn (Getting woke). Người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm thế hệ trẻ, đang có những mối quan tâm đến xã hội và môi trường khi mua sắm, và có khuynh hướng chọn lựa những thương hiệu có những giá trị tương đồng với bản thân họ và xa dần những thương hiệu không có yếu tố này.

Ông Cedric Charbit, giám đốc điều hành của thương hiệu thời trang Balenciaga, khi được phỏng vấn về chủ đề này cho biết “thời trang không thể chỉ giam mình trong lâu đài mộng tưởng của chính mình nữa. Chúng ta cần phải quan tâm hơn đến thế giới và phản ảnh thế giới qua những sản phẩm của mình”.

Khi được hỏi những ưu tiên và cơ hội cho ngành thời trang thế giới năm 2019, ông Charbit chỉ ra hai điều. Thứ nhất là sản phẩm thời trang phải mang ý nghĩa, chứ không đơn thuần là sáng tạo hay kỹ xảo nghệ thuật truyền thống nữa. Các nhà thiết kế phải thêm cảm xúc và các giá trị có ý nghĩa với người tiêu dùng trong thiết kế của mình. Thứ hai là cách các thương hiệu tương tác với khách hàng, bao gồm cả những khách hàng tiềm năng, thông qua kênh online và mạng xã hội. Thương hiệu không nên chỉ chú trọng vào việc bán hàng, mà cần truyền bá những thông điệp và giá trị của thương hiệu để người tiêu dùng có thể cảm nhận và hiểu rõ thương hiệu hơn.

Lam Boutique đang đi đúng hướng khi đã và đang gầy dựng cho thương hiệu những giá trị tinh thần cho chị em phụ nữ trong từng sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao những giá trị này và quay lại thường xuyên hơn. Đây là lợi thế cạnh tranh của các thương hiệu thời trang vừa và nhỏ khi phải cạnh tranh với những thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) lớn, vốn chỉ tập trung vào xu hướng đang thịnh hành và mẫu mã đa dạng.

Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo, với phần chia sẻ của một khách mời khác về những “Ps” kế tiếp của marketing mix.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam