Quảng cáo để duy trì sự hiện diện và lợi thế cạnh tranh
Lang thang trên các diễn đàn về marketing, truyền thông để đi tìm cho mình câu trả lời “Người ta quảng cáo để làm gì, mà hàng năm tốn quá nhiều tiền cho hoạt động quảng cáo, và liệu rằng cắt bớt quảng cáo thì có bị làm sao không…?”, tôi chợt bắt gặp bài viết “Quảng cáo để duy trì sự hiện diện và lợi thế cạnh tranh” của anh Phạm Ngọc Linh đăng tải trên VMMC.
Hãy trả lời câu hỏi “Quảng cáo để làm gì?”
Từ xưa tới nay, quảng cáo là một hoạt động chiếm nhiều ngân sách của doanh nghiệp, đo lường được hiệu quả đã đành, nếu không đo lường được chính xác mà chỉ mơ mơ hồ hồ thì họ sẽ nghĩ ngay tới việc cắt giảm ngân sách Marketing trong những giai đoạn gặp khó khăn (như không bán được hàng, doanh thu bị giảm…) vì cho rằng cắt giảm chi phí sẽ thu lại được lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng có một điều mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra: “Việc cắt giảm ngân sách marketing có thể là quyết định cắt đi tương lai của sản phẩm” – trích dẫn từ một bài báo của CafeF.
Dù là đối với sản phẩm có tên tuổi trên thị trường, hay là sản phẩm mới được ra mắt, quảng cáo đầu tiên là để giới thiệu thương hiệu với người tiêu dùng, tiếp đó là duy trì sự hiện diện, có như vậy mới có được lợi thế cạnh tranh trên môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Có khi nào bạn tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao Sunsilk, Omo hay Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk và rất nhiều thương hiệu khác đã nổi tiếng đến mức trở nên gần gũi với tất cả người tiêu dùng rồi mà họ vẫn chi rất nhiều tiền cho quảng cáo?”
Họ quảng cáo nhiều đến nỗi đi đâu cũng nhìn thấy, từ trong nhà ra đến ngõ phố, đi trên đường, cho tới chỗ làm, chỗ học, thậm chí trên xe cũng nghe thấy quảng cáo (radio), đọc sách báo tạp chí cũng nghe thấy…
Có phải họ giàu có rồi nên quảng cáo để rửa tiền chăng? Đây chỉ là một câu nói đùa mà thôi. Còn câu trả lời đã được nói từ phía trên, đó chính là việc quảng cáo để duy trì sự hiện diện (trên thị trường) và lợi thế cạnh tranh (với đối thủ), để nhắc nhở người tiêu dùng luôn nhớ tới thương hiệu.
Anh Phạm Ngọc Linh đã dẫn dắt vấn đề bằng việc nhắc tới trường hợp của PTCasa (một thương hiệu chuyên về sản phẩm nội thất và trang chí Châu Âu cao cấp), tại sao PTCasa suốt ngày ra rả trên VOV giao thông mà không sợ hao tiền, tốn của hay sao?
“Vì thực tế tất cả các thương hiệu nổi tiếng trong mọi lĩnh vực, kể cả họ dẫn đầu thì tiếp sau vẫn luôn có những thằng thứ 2, thứ 3 và thứ n…
Nếu họ dừng lại và an tâm rằng mình đã nổi tiếng, đã trở nên quen thuộc và có thể dừng lại hoặc cắt giảm chi phí quảng cáo thì ngay lập tức đó là cơ hội cho những thằng thứ 2, thứ 3 bứt phá nhảy lên.
Mình nhớ trước đây gần như kênh VOV là của nội thất Hùng Túy, thương hiệu nội thất cao cấp ấy dường như trở thành cái tên ám ảnh trong đầu những ai thường xuyên lái xe.
Nhưng ngay sau đó, PTCasa ra đời. Họ cũng định vị mình là cao cấp, là nơi hội tụ của rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và họ chiếm sóng trên VOV, chỉ VOV, để cạnh tranh với Hùng Túy.
Nội dung quảng cáo na ná, chiếm sóng y chang với những khung giờ cao điểm tới mức vợ chồng mình còn nghĩ Hùng Túy đổi tên.
Kết quả sau 2 năm với chiến lược ấy, họ đăng mẩu quảng cáo đại loại: “Cảm ơn sự ủng hộ và tin tưởng của quý khách hàng suốt hai năm qua, đóng góp cho sự thành công của chúng tôi. Giám đốc trẻ trung, năng động xin cảm ơn và sẽ luôn mang tới sự hài lòng”
Đừng để khách hàng lãng quên và thương hiệu trở nên lỗi thời…
Phần tiếp của bài viết, anh Phạm Ngọc Linh nói về việc làm thế nào để duy trì sự hiện diện của thương hiệu. Nếu bạn đã tới đạt thành công trong một lĩnh vực nhất định, sau đó là dừng lại hoạt động quảng cáo, thời gian đầu thì không sao, nhưng về lâu về dài bạn sẽ bị lỗi thời, và kết cục là người ta dần quên đi bạn. Bởi thị trường luôn có sự làm mới và đào thải, có biết bao nhiêu thương hiệu mới mỗi ngày dấn thân vào thị trường, trong khi lớp khách hàng của doanh nghiệp thì ngày càng thêm tuổi và có những hành vi, thói quen mua sắm thay đổi theo thời gian; và lớp khách hàng kế thừa “tre già măng mọc” thì lại chẳng biết tới bạn là ai.
“Điểm người tiêu dùng còn có những phân khúc theo khu vực, độ tuổi và giới tính. Bởi vậy dù bạn có nổi tiếng đến đâu đi chăng nữa cũng cần duy trì vị thế của mình. Nếu không thế hệ khách hàng trong phân khúc bạn lựa chọn sẽ ngày một già đi và có những hành vi, thói quen mua hàng với những thương hiệu, sản phẩm khác. Thế hệ tiếp theo thì họ chẳng biết bạn là ai cả, bạn dần trở nên lỗi thời.
Điển hình cho việc này là thương hiệu gạch Prime từng trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người thế hệ 8x với câu hát: "Hạnh phúc là Rai - mơ, thịnh vượng là Rai - mơ. Rái mớ Rai mớ Rai mờ".
Còn bây giờ, các bạn trẻ chắc chưa từng nghe hay biết gì tới thương hiệu này cả, vì họ thành công và thôi quảng cáo cả chục năm nay rồi.
Thêm nữa, đôi khi quảng cáo liên quan cả tới câu chuyện cạnh tranh giống như các hãng sơn là ví dụ điển hình.
Bữa trước đi trên đường Pháp Vân Cầu Giẽ mình thấy có những khu vực toàn biển quảng cáo sơn. Đơn giản là: "Thằng kia nó quảng cáo ở đấy mình cũng phải quảng cáo ở đấy. Nếu mình không quảng cáo ở đấy là mình kém nó, thua nó. Nó vào nhà vệ sinh mình cũng phải vào theo".
Đấy là chiến lược hay, khi bạn chọn ra được cho mình 3 thằng đối thủ cạnh tranh thì nên quan tâm tới cách làm này. Mày đi đâu ông theo đấy. Ờ.
Rút lại, ở thời buổi này bạn đừng mong chờ người khác tự nhớ đến bạn, tự thương yêu và đặt bạn trong trái tim.
Bạn và thương hiệu của bạn phải xuất hiện thường xuyên, liên tục và sống động mỗi ngày.
Giống như mình ngày nào cũng đăng Facebook ấy, hay dở không biết nhưng nó cho các bạn thấy mình vẫn còn tồn tại trên thế gian này, vẫn gần bạn và vẫn làm quảng cáo tại Công ty Unique, vẫn say cuộc đời này, hihi.
Đừng bao giờ dừng lại quảng cáo, dừng lại sự hiện diện và lợi thế của mình nhé.”
Thu Nguyệt
Unique Outdoor Ads