So sánh tốc độ ra đời sản phẩm mới của các công ty smartphone toàn cầu
Nền công nghiệp thiết bị smartphone dù chỉ mới xuất hiện trong khoảng chục năm trở lại đây nhưng đã trải qua hàng loạt những thay đổi chóng mặt. Thay đổi xuất hiện cả trong công nghệ lẫn trong vị thế của các công ty. Theo số liệu của Statista thì chỉ mới một thập kỷ trước, Nokia vẫn còn là một đại gia chiếm lĩnh 38% thị phần toàn cầu nhưng đến năm 2018 thì vị trí dẫn đầu đã trở thành cuộc đua giữa Samsung, Huawei, Apple và Xiaomi.
Giữa cuộc cạnh tranh gây cấn này, các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi hay OPPO đang nổi lên mạnh mẽ và không ngần ngại đối đầu với Samsung và Apple, theo kết quả từ một nghiên cứu mới của công ty tìm kiếm và so sánh iPrice Group.
Vương quốc thương hiệu smartphone
Từ lâu được biết đến là địa điểm chuyên gia công sản xuất thiết bị điện tử cho toàn thế giới, nhưng kể từ các năm 2011-2012, quốc gia này đã cho ra đời các thương hiệu Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và dần tự tin khẳng định vị thế của mình cả trong mảng kinh doanh smartphone. Và đến nay, họ đã có phần vượt trội so với các quốc gia có truyền thống kinh doanh hàng điện tử như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Số liệu thu thập từ website của GSMArena cho thấy trong top 15 thương hiệu smartphone có nhiều sản phẩm nhất trong 10 năm trở lại đây, có đến một nửa là các công ty Trung Quốc, bao gồm: Huawei, Lenovo, OPPO, Vivo và Xiaomi.
Đáng chú ý, tuy vẫn giữ vị trí thứ 2 nhưng đại gia Samsung đã phải liên tục giảm số mẫu smartphone sản xuất ra hàng năm. Cụ thể, năm 2018, họ chỉ cho tung ra vỏn vẹn 24 mẫu smartphone mới, ít hơn một công ty Trung Quốc là Vivo. Nguyên nhân chính cho sự thay đổi đột ngột này, theo Forbes, là do chi phí sản xuất tăng chóng mặt cộng với việc doanh thu của Samsung giảm liên tục nhiều quý vào thời điểm năm 2014, khiến công ty này phải gấp rút thay đổi chiến lược kinh doanh.
Trong khi đó, 5 công ty smartphone của Trung Quốc tuy sinh sau đẻ muộn nhưng luôn không ngừng phát triển các sản phẩm mới, năm sau thì lại nhiều hơn năm trước. Kết quả là trong top 5 công ty sản xuất nhiều mẫu mã nhất năm 2018 có đến 4 đến từ Trung Quốc.
Năng suất toàn cầu có nhiều biến động
Số liệu nghiên cứu của iPrice cũng chỉ ra rằng, nếu như trong khoảng thời gian 2009-2013, Hàn Quốc với bộ đôi Samsung và LG là đất nước cho ra đời nhiều mẫu điện thoại di động nhất, thì đến giai đoạn 2014-2018, họ đã tụt hậu khá xa so với Trung Quốc về mặt này.
Theo chiều ngược lại, trong các năm 2009-2013, Trung Quốc chỉ mới manh nha kinh doanh 158 mẫu smartphone nhưng trong 5 năm tiếp theo, con số này đã tăng lên thành 413 – nhiều nhất thế giới và chiếm đến 35% số mẫu mã smartphone toàn cầu.
Trung Quốc cũng là một trong hai quốc gia duy nhất (cùng với Đài Loan) trong nghiên cứu của iPrice tiếp tục phát triển mạnh về số lượng mẫu mã smartphone. Các quốc gia còn lại, kể cả Nhật Bản hay Mỹ, đều giảm về chủng loại sản phẩm và chuyển sang lấy chất bù lượng.
Các con số này cũng trùng lắp với sự chuyển dịch về thị phần. Số liệu của công ty nghiên cứu Gartner trong quý 4/2018 cho thấy so với cùng kỳ năm 2017, thị phần của Apple và Samsung đã có sự sụt giảm. Trong khi đó thì thị phần của Huawei và Xiaomi đều tăng trưởng ấn tượng để lần lượt nắm chắc vị trí thứ ba và thứ tư thế giới.
Theo các chuyên gia từ Gartner thì thành công này của Huawei (và của các hãng Trung Quốc nói chung) là do họ đã có sự đầu tư đúng đắn vào các thị trường mới nổi như châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông. Trong khi đó, Samsung và Apple hiện đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng móc hầu bao cho các mẫu điện thoại đắt tiền nhưng không có nhiều cải tiến đáng kể.
Nguồn báo cáo: iPrice Insights
Giới thiệu về iPrice Group:
iPrice là công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá, hiện đã có tại Vietnam và sáu quốc gia khác, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thailand, Philippines và Hong Kong. iPrice hiện hợp tác chính thức với nhiều công ty thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. iPrice cũng thường xuyên cho ra đời các báo cáo và phân tích về chủ đề công nghệ, startups và thương mại điện tử.
Mọi nhu cầu cộng tác về nghiên cứu và truyền thông xin liên hệ: Đặng Đăng Trường - Content Marketing Executive - [email protected]