Xây dựng thương hiệu vượt biên giới, cần thông tin đến báo chí quốc tế
Hàng Việt đã tiếp cận với thị trường 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều start up công nghệ đã gọi vốn thành công từ các quỹ nước ngoài… nhưng đến nay vẫn rất ít thương hiệu được biết đến rộng rãi trên thế giới. Xây dựng thương hiệu vượt biên giới là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt tại “Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới” diễn ra mới đây tại Pháp.
Về cơ bản, để mỗi thương hiệu, mỗi doanh nghiệp tự khẳng định mình với thị trường thì yếu tố quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhưng nó không đơn thuần chỉ là “hữu xạ tự nhiên hương”, tự chất lượng sản phẩm, dịch vụ tạo nên doanh tiếng cho thương hiệu, doanh nghiệp mà cần một kênh thông tin đến thị trường. Ở đây, báo chí có vai trò quan trọng.
Theo báo cáo Content Connect (tạm dịch là kết nối nội dung) được Hãng tin Reuters thực hiện năm 2018, 54% số người được hỏi cho rằng họ tin tưởng ở những nhãn hàng được các nguồn tin báo chí uy tín đăng tải; 64% đồng ý rằng họ dễ tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp nếu thông tin đó được xuất hiện trên các phương tiện báo chí online uy tín.
Thông tin đến báo chí cũng rất được các giám đốc kinh doanh quan tâm. Theo báo cáo của Reuters, 72% các giám đốc tiếp thị toàn cầu (CMO) cho biết sẽ tăng cao chi dùng cho việc tiếp thị nội dung theo phong cách báo chí thay vì quảng cáo. Cũng trong báo cáo này, con số ước tính chi dùng cho tiếp thị nội dung sẽ đạt 300 tỉ USD cho đến hết năm 2019.
Với doanh nghiệp, một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất trong việc khẳng định thương hiệu là chủ động cung cấp thông tin cho các đơn vị báo chí chính thống tại mỗi thị trường mà doanh nghiệp đầu tư hay có hoạt động kinh doanh. Tất cả các nội dung phát đi từ doanh nghiệp được xem là kho tư liệu để báo chí có thêm các thông tin hữu ích, nghiên cứu và ghi nhận.
Gây dựng thương hiệu doanh nghiệp qua báo chí (brand journalism) là xây dựng nội dung về nhãn hàng, về doanh nghiệp không trực diện nhằm mục đích tăng doanh số, kích cầu tiêu dùng mà là hình thức khơi dậy sự quan tâm, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với một nhãn hàng nào đó. Nó vượt qua biên giới thông tin nhằm PR cho doanh nghiệp một cách đơn thuần, mà thay vào đó xây dựng những câu chuyện, những chia sẻ nhìn từ một góc nhìn khác.
Nó có thể vượt qua câu chuyện của bản thân doanh nghiệp, nó cung cấp thông tin mang tính chất số liệu, xu hướng của ngành, của cả thị trường chứ không còn là vấn đề của bất cứ một doanh nghiệp đơn lẻ nào. Những nội dung mang phong cách báo chí luôn khơi gợi người đọc tìm hiểu thông tin, tổng hợp, từ đó có được sự tin tưởng và chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy hiện nay đa phần các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đầy đủ đến brand journalism mà vẫn vướng phải bài toán cũ khi chi dùng quá nhiều ngân sách cho việc thực hiện road show, triển lãm, quảng cáo tại nước ngoài... Những hạng mục này tốn nhiều chi phí nhưng lại không thu được hiệu quả như mong đợi do sức lan tỏa thông tin về thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp không cao.
Bởi người tiêu dùng thường khá dè dặt khi đọc những thông tin liên quan trực tiếp đến từ doanh nghiệp. Họ cởi mở và dễ tiếp nhận hơn nếu có các nguồn tin chính thống và uy tín chia sẻ. Cho nên, doanh nghiệp Việt nên chủ động tiếp cận với hệ thống báo chí quốc tế để truyền tải thông tin và hoạt động của doanh nghiệp là việc hết sức nên làm.
Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn theo lối mòn cũ, thiếu đi kênh giao tiếp trực tiếp này với báo giới. Chỉ đợi khi nào báo chí tìm đến doanh nghiệp thì có lẽ lúc đó cuộc chơi cũng đã khác. Vì vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động hơn nữa trong các hoạt đông xây dựng nội dung, đưa các nội dung đó đến với người tiêu dùng bản xứ bằng ngôn ngữ của người bản xứ. Có như vậy mới có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình và định vị doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Lê Mai Anh - Giám Đốc Quốc Gia PR Newswire Việt Nam