Music Marketing - Làm thương hiệu thông qua âm nhạc
Dùng âm nhạc trong xây dựng thương hiệu không mới, chỉ là gần đây chúng ta thấy có vẻ là xu hướng.
Tại sao âm nhạc có thể lan toả thương hiệu?
Có bao nhiêu % độc giả của bài viết này có thể liên tưởng ngay đến thương hiệu kem Wall's khi được nghe đoạn nhạc thần thánh "không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem", nhưng cũng chừng ấy người không thể nhớ logo kem Wall's có mấy vòng trái tim!
Nếu bạn được nghe lại giai điệu "go go go à lê a lế à lê" (The cup of life - Ricky Martin), ai cũng nhớ ngay đến France 98? Vậy ai nhớ logo của France 98?
Có ai không nhớ đoạn nhạc chuông của Nokia không?
Có phải ai trong chúng ta cũng có một giai điệu nào đó, một bài hát nào đó, mà mỗi lần nghe lại sẽ khiến chúng ta nghĩ về một điều gì đó!?
Âm nhạc giúp cho chúng ta có những trải nghiệm khó quên.
Các phù thuỷ âm thanh đã làm gì chúng ta?
Vì họ hiểu được âm nhạc có thể tác động như thế nào đến một con người, từ sinh lý - tâm lý - và cả hành vi.
Chúng ta có từng bỏ đi khỏi một quán cafe vì nhạc ở đó quá tệ? Tại sao các dịch vụ khách sạn, spa, ... luôn bật những đoạn nhạc du dương, êm dịu? Liệu ai có thể đứng yên không nhún nhảy khi nghe dòng nhạc EDM?
Từ khi nào hễ cứ nghe tiếng reng reng reng của chuông báo thức là ai cũng bật dậy (rồi tính tiếp).
Các phù thuỷ âm thanh hiểu rằng với mỗi loại âm nhạc khác nhau, giai điệu khác nhau, tần số khác nhau, ... sẽ dẫn đến hành vi khác nhau. Và một điều quan trọng, nhịp của âm nhạc rất tương đồng với nhịp tim, nơi tạo ra cảm xúc, mà cảm xúc thường khó quên. Mấy ai đang lắng nghe tiếng sóng biển rì rào mà lại nỗi điên bao giờ?
Vậy làm sao để dùng âm nhạc lan toả thương hiệu?
Dân Mar ai cũng rành việc có cái logo hoặc key visual rồi sau đó áp lên tất cả mọi thứ để có bộ CI, có hình ảnh chủ đạo, ... Vậy có ai nghĩ đến Sound Logo? Âm nhạc có làm được chuyện đó không?
Để có 5 nốt nhạc "tứn từn tưn tứn từn", Coca Cola đã phải trả một số tiền cực khủng. 5 nốt này sẽ được biến tấu cho nhạc hiệu TVC, Radio Ads và được gọi là Jingle; sau đó phát triển ra nhạc chờ cho tổng đài điện thoại, nhạc chuông điện thoại, được phối theo nhiều phong cách để dùng trong các sự kiện, ... Điều này không khác biệt mấy với bộ CI, mà có khi còn sinh động hơn.
Có thương hiệu xem Music Marketing là chiến lược, có thương hiệu chỉ xem là chiến thuật. Đây chính là sự khác biệt.
Trở về các thương hiệu Việt.
"Trăm phần trăm, trăm phần trăm..." là ai nhỉ?
Và gần đây là sự trở lại mạnh mẽ của Bitis nhờ Lạc Trôi, Đi để trở về, Cuộc đời là những bước chân với việc xuất hiện sản phẩm đầy tinh tế, kèm theo việc mua trọn bản quyền bài Đi và yêu của Soobin Hoàng Sơn nhằm gắn cụm từ Đi và yêu với Bitis. Dĩ nhiên, đi thì phải mang giày, mà giày thì Bitis. Việc tạo ra làn sóng giữa Team Đi và Team Về trước khi tung ra Đi để trở về, đây là chiến lược hay chiến thuật?
Điều thú vị là, Coca Cola chính là thương hiệu làm Music Marketing đầu tiên với bài "I'd like to teach the world to sing" vào năm 1971, tạo nên cú hít vào thời đó.
9 năm sau, Micheal Jackson mang bài hit nổi tiếng Billie Jean đến ngõ ý muốn bán cho Coca Cola với giá 5 triệu đô, Coca từ chối. Ông mang đến Pepsi, và tất nhiên, Pepsi đồng ý mua, và bài hát Pepsi Generation trên nền nhạc Billie Jean ra đời (search từ khoá Micheal Pepsi Generation).
Có nên suy nghĩ nghiêm túc về một Music Marketing Strategy cho thương hiệu để tạo đột phá và khác biệt?
Tạm kết:
Đã qua rồi cái thời các thương hiệu hét lên, mà hãy hát lên!