30% các website xây xong đắp chiếu, dân kinh doanh trực tuyến cần làm gì?

Để thiết kế được 1 website bán hàng chỉ mất 2 tuần, nhưng thu hút được khách hàng từ web không phải ai cũng biết cách làm.

20 năm trước, doanh nghiệp nào có website hẳn sẽ rất hãnh diện bởi có rất ít người ‘dám’ đầu tư một vài chục triệu chỉ để có một trang giới thiệu thông tin doanh nghiệp. Giờ đây, bất cứ ai bán hàng online cũng có thể trang bị một website thương mại điện tử một cách dễ dàng, nhanh chóng, với mức chi phí chỉ bằng ly trà đá mỗi ngày.

Có tới 30% các website ‘làm xong để đó’

“Ban đầu, các chủ shop rất hào hứng đưa ra các ý tưởng thiết kế website, yêu cầu những tính năng, tiện ích để có được một website bán hàng ưng ý, nhưng phần quan trọng nhất mà không phải ai cũng đủ kiên trì để làm, đó là cập nhật nội dung và hình ảnh thường xuyên cho website của mình, có tới 30% các website làm xong để đó”, ông Trần Trọng Tuyến, CEO của Sapo.vn, đơn vị đang triển khai khoảng nghìn website thương mại điện tử mỗi tháng chia sẻ.

Mặc dù có sự nhắc nhở thường xuyên với khách hàng nên dành thời gian để cập nhật cả về nội dung và hình ảnh, làm mới trang web, có như vậy mới bán hàng được hiệu quả trên website, nhưng có nhiều khách hàng vì quá bận rộn hoặc do nguồn lực mỏng mà chưa thực sự chú trọng đầu tư vào website bán hàng.

Đây cũng không phải tình trạng hiếm gặp khi có nhiều khách hàng cho rằng, cứ làm website xong rồi chờ khách online tới. Chị Hương, một chủ shop bán hàng xách tay tâm sự: “Thấy người ta làm website, đơn hàng về ầm ầm, tôi cũng làm theo, những tưởng làm xong thì khách sẽ tới, nhưng chờ hoài không thấy”.

Với các cửa hàng, showroom vật lý thu hút khách hàng, đòi hỏi phải được đặt ở những vị trí đắc địa và trưng bày hàng hóa hấp dẫn, cũng như các hoạt động tiếp thị độc đáo để mời gọi khách ghé thăm. Đối với các cửa hàng trên mạng, là các website bán hàng, cũng phải tiếp thị trực tuyến, quảng cáo để thu hút khách hàng ‘ghé thăm’ và đặt mua hàng.

Vì vậy thiết kế xong website bán hàng, các chủ shop mới chỉ đặt 1 bước chân đầu tiên vào thế giới thương mại điện tử. Để thu hút được khách hàng, họ cần phải đầu tư mạnh mẽ vào các kênh tiếp thị cho website đó. Nói cách khác, một website bán hàng được thiết kế xong mới chỉ là phần nổi của tảng băng, còn việc vận hành website mới là phần ‘chìm’ của tảng băng đó.

Chia sẻ quan điểm về thực trạng này, ông Vincent Đỗ, người sáng lập Cộng đồng SEO 2019 cho rằng: “Cá nhân tôi nhận định việc “thiết kế xong website và ngồi đợi đơn hàng” là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì dù website của bạn đẹp cách mấy và tỉ lệ chốt đơn cao nhưng nếu không có lưu lượng truy cập, không có ai xem thì cuối cùng bạn cũng sẽ không bán được đơn hàng nào. Thà rằng, website của bạn bớt đẹp đi một chút nhưng lại thu hút rất nhiều lượt xem, và thời gian ở lại trang web càng lâu thì khả năng sinh ra đơn hàng chắc chắn sẽ cao hơn”.

30% các website xây xong đắp chiếu, dân kinh doanh trực tuyến cần làm gì?

Những chỉ số quan trọng nếu muốn có khách từ website

Như Peter Drucker, cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, đã nói: “Thứ gì bạn không đo lường được thì cũng không thể cải thiện được”. Vì vậy, nếu bạn thiết kế web xong nhưng lại không chăm chút, đầu tư và theo dõi sự phát triển thông qua các chỉ số đo lường quan trọng thì sẽ không thể cải thiện được hiệu quả bán hàng trên nền tảng này.

Bên cạnh những chỉ số doanh thu, chi phí bán hàng trên website, thì để có được một website hiệu quả, các chủ shop cần đo lường sát sao các chỉ số thiết yếu sau: Lưu lượng truy cập vào website thông qua các nguồn, kênh (từ mạng xã hội như Facebook, Instagram,… hay từ tìm kiếm Google, hay từ các nguồn quảng cáo...)...Từ đó, bạn sẽ dễ dàng biết đâu là mục tiêu mình nên đầu tư nhiều hơn để mang lại hiệu quả tốt hơn, tăng lượng truy cập vào web nhanh hơn và nhiều hơn cho kênh của mình.

Mặt khác, số lượng cũng cần phải đi kèm với chất lượng. Để đo lường chất lượng của nguồn truy cập, đầu tiên các chủ kinh doanh cần đo lường được tỉ lệ thoát trung bình của website và tiếp nữa là thời gian trung bình người dùng ở trên website.

“Và cho dù ở kênh nào đi chăng nữa, thì nội dung vẫn là yếu tố quan trọng nhất". Vì nội dung, giao diện và điều hướng trên website là 3 yếu tố cốt lõi trong trải nghiệm người dùng. Một website có trải nghiệm người dùng tốt có thể thu hút và giữ chân khách hàng tiềm năng, chuyển đổi họ mua hàng một cách nhanh chóng”, ông Vincent Đỗ nhấn mạnh.

Nguồn: CafeBiz