Chỉ mặt tất cả các tính năng trong một phần mềm Heatmap
Nếu đang sở hữu một website, dù là trang bán hàng trực tuyến, trang tin tức hay trang blog, hẳn bạn sẽ muốn có cho mình một công cụ phân tích, cho phép bạn hiểu được điều gì đã và đang diễn ra trên đó.
Một điều không thể chối cãi là chỉ có thông qua việc phân tích bằng các công cụ này, bạn mới hiểu được website của mình và nếu có thay đổi điều gì đó, ít ra cũng có cơ sở hơn là cảm nghĩ chủ quan.
Nhất là khi nếu bạn là nhân viên marketing đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục sếp mình thực hiện một điều chỉnh nào đấy, thì phân tích chính là cứu cánh ngay lúc này.
Vậy ta sẽ phân tích những gì?
Việc đó sẽ tuỳ theo mục đích phân tích của bạn.
Còn về công cụ, thông thường và phổ biến nhất, ta sẽ sử dụng Google Analytics nhằm nắm được các thông số đại khái như lượng traffic theo kênh, thời gian trung bình trên website, tỷ lệ thoát (bounce rate), hoặc nếu 'có nghề' hơn một chút, bạn sẽ lọc dữ liệu theo các dimension hay metrics để có được báo cáo mình mong muốn.
Tất nhiên việc sử dụng công cụ như G.A, dù miễn phí vẫn cần một thời gian đủ dài để nắm bắt.
Nhưng nó lại quá phức tạp với đa phần chúng ta. Vậy nên có một công cụ phân tích đơn giản và dễ sử dụng hơn G.A, đó chính là Heatmap.
Lưu ý rằng: heatmap không hề có ý định thay thế cho G.A, nếu bạn là một tay nhà nghề về phân tích web, hẳn bạn sẽ hiểu heatmap hỗ trợ rất tốt cho các phân tích mà G.A không làm được.
Theo định nghĩa, heatmap là biểu đồ nhiệt, cho phép biểu diễn trực quan bằng màu sắc các dữ liệu người dùng được thu thập.
Thông thường là các thao tác hoặc hành vi mà người dùng để lại trên web như rê, click / nhấp, cuộn trang. Tuy nhiên một phần mềm heatmap thực sự tốt, sẽ bao gồm các tính năng 'ngầu lòi' khác mà ít khi bạn để ý hoặc thấy có nhu cầu.
Bài viết này sẽ tổng hợp các tính năng mà một phần mềm heatmap có thể cung cấp, và những cái tên đình đám nào đang có những tính năng này.
Các tính năng của một phần mềm heatmap
Nếu đang sử dụng một heatmap cho mình, hãy kiểm tra xem có những tính năng này không nhé.
Click heatmap, Mouse cursor heatmap và Scroll heatmap
Nói tới heatmap hẳn không thể thiếu bộ 3 này. Đây là 3 tính năng căn bản nhất mà một heatmap phải có.
- Click heatmap sẽ cho biết, tại một trang cụ thể trên website của bạn, những vị trí nào được click vào nhiều nhất.
- Mouse cursor heatmap (hoặc một số nơi còn gọi là mouse movement, hover map) thì đơn giản là những vùng mà khách hàng (thông qua đôi mắt) sẽ chú ý thường xuyên. Một số thông tin cho biết, thì mouse cursor heatmap chính xác cỡ 85-90% so với eye tracking (theo dõi cử động mắt).
- Scroll heatmap sẽ cho biết tốc độ cuộn trang tại các vùng dọc theo nội dung của 1 trang web. Các nội dung (đoạn, câu) được dừng lâu hơn sẽ được biểu thị bằng gam màu nóng (giống 2 người anh em trên kia). Trường hợp người đọc đi tuốt tuồn tuột từ trên xuống thì màu rất nhạt và bạn cũng hiểu là nội dung của mình hấp dẫn ra sao rồi đấy.
Hầu hết các đơn vị có tiếng đều cung cấp những tính năng này như Crazy Egg, Mouseflow, Lucky Orange, Inspectlet, Clicktale, Hotjar,...
-----
Kiểm tra hành vi khách truy cập vào website với công cụ miễn phí Smart Convert.
Tiếp đây là các tính năng hấp dẫn, có chỗ cung cấp có chỗ không.
Confetti heatmap
Heatmap này sẽ cho phép ta chia và biểu diễn dữ liệu heatmap theo nguồn traffic, đồng nghĩa với việc ta sẽ thấy cách người dùng từ các nguồn như Google, mạng xã hội,... tương tác với mình ra làm sao.
Attention heatmap
Nếu dịch sang tiếng Việt, bạn sẽ thấy nó có nghĩa na ná như Mouse cursor heatmap trên kia, đều biểu thị vùng mà người truy cập chú ý, tuy nhiên, attention heatmap còn tính thêm các yếu tố như cuộn trang xa hay gần, dành bao nhiêu thời gian, kích thước màn hình, độ phân giải.
Form analytics
Hỗ trợ tìm hiểu lý do người dùng không hoàn thành form (mẫu) đăng ký. Hoạt động tạo lead đăng ký thường sẽ cần tính năng này hơn.
Track funnel
Cho biết người dùng (từ các nguồn traffic khác nhau) hành xử ra sao trên website của bạn. Đây có thể coi như phần bổ sung cho confetti heatmap trên kia.
Session recording
Hỗ trợ ghi lại (video) thao tác / hành vi cụ thể của từng khách hàng đã diễn ra trên web. Thông qua các tính năng heatmap cơ bản ta có thể đưa ra các giả định của mình về hành vi khách hàng, tuy nhiên để khám phá ra sự thực, việc chịu khó xem lại video sẽ cung cấp đầu mối tốt hơn.
Traffic segmentation
Phân khúc lưu lượng truy cập, không chỉ phân loại theo kênh (trả tiền, miễn phí, mạng xã hội), mà còn phân theo vị trí (thành phố, quốc gia), hành vi (thời gian trên trang, số phiên, số lượt xem, công nghệ (trình duyệt, độ phân giải, thiết bị, hệ điều hành)
Conversion funnel
Cho biết người dùng bị 'rớt' ở chỗ nào trên lộ trình phễu bạn đã vạch sẵn như bước 'hoàn tất đơn hàng' hoặc 'tạo tài khoản'.
Visitor poll, survey
Hỗ trợ tạo bình chọn (poll) hoặc khảo sát (survey) ngay trên trang web. Thay vì sử dụng một công cụ bình chọn hoặc khảo sát riêng với heatmap, một phần mềm heatmap có thể làm luôn tiện ích này và biết được chỗ nào trên poll hay survey đó được chú ý nhất.
Live chat
Tính năng cực ngầu này đang là xu hướng của các đơn vị làm heatmap, nắm bắt được nhu cầu bán hàng trực tuyến và giải pháp cho việc tăng tỷ lệ chốt đơn hàng, việc tư vấn cho khách hàng đang truy cập web đúng vấn đề, đúng nơi, đúng thời điểm sẽ mang lại lợi thế rất lớn trước đối thủ.
Real-time heatmap
Cho biết người đang truy cập vào web của bạn đang thao tác ra sao, đây cũng là tính năng tuyệt vời bên cạnh tính năng session recording. Nếu xem lại được hành vi người dùng qua các video được ghi lại, sao ta không xem nó vào ngay lúc đang diễn ra chứ.
A/B testing
A/B testing là kỹ thuật hữu ích khi làm marketing, nhất là marketing online do được sự hỗ trợ từ công nghệ nên việc triển khai cũng như đánh giá cũng dễ hơn. Tuy nhiên, ngoài việc tự động chọn mẫu thử mang về kết quả tốt nhất, bản thân chúng ta cũng không rõ yếu tố nào, hay điều gì trên các nội dung / thiết kế A và B kia là nguyên nhân thúc đẩy hành vi khách hàng. Heatmap trong lúc này lại tỏ ra có giá trị hơn cả.
Tích hợp Google Analytics, Google Tag Manager,...
Như đã nói, heatmap là công cụ đơn giản, hữu ích, nhưng không thể thay thế được các công cụ gạo cội trong làng phân tích, mà chỉ có thể được xem là mảnh ghép làm đầy cho bức tranh phân tích được thấu đáo hơn. Thay vì sử dụng riêng lẻ từng công cụ, sao ta không gom tất cả vào 1 giao diện cho tiện lợi. Bảo anh Google tích hợp heatmap vào G.A thì chắc không rồi đó, nhưng ngược lại thì quá dễ dàng.
Lựa chọn phần mềm heatmap cho mình
Như vậy ta đã điểm qua các tính năng mà một phần mềm heatmap có thể cung cấp cho người sử dụng. Tất nhiên hiếm có đơn vị nào cung cấp tất thảy các tính năng này, mà chỉ cung cấp một phần trong số đó dựa trên thị trường mục tiêu, nguồn lực và lợi thế cạnh tranh của mình.
Về phía người dùng, chẳng hạn như các marketer chúng ta, việc có đủ hết các tính năng trên, đôi khi lợi bất cập hại. Nên có bao nhiêu xài bấy nhiêu và dựa trên nhu cầu, cũng như túi tiền của mình ngay lúc này rất quan trọng. Bảng dưới đây sẽ tổng hợp các tính năng mỗi phần mềm heatmap cung cấp để bạn dễ hình dung, đồng thời kèm theo số tiền bạn cần bỏ ra nếu mua từ họ.