Ai đang là kẻ hưởng lợi từ sự thua lỗ của các sàn Thương mại điện tử

Cuối năm 2015, trang Thương mại điện tử (TMĐT) beyeu.com chính thức đóng cửa với lời nhắn cuối cùng: “TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người tiếp tục cố gắng”. 3 năm sau, câu nói này dường như vẫn đúng với thị trường TMĐT, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực. Cuộc chiến đốt tiền trong TMĐT không biết khi nào sẽ kết thúc và ai là người chiến thắng cuối cùng.

# Sức hút từ thị trường tiềm năng

Tháng 8.2018, giám đốc điều hành của Haravan – Công ty chuyên cung cấp giải pháp bán hàng, chia sẻ câu chuyện thú vị trên mạng xã hội về việc một người phụ nữ lái đò ở Tú Làn xem hàng trên internet và sau đó đặt mua online một đôi giày Juno. Tú Làn thuộc làng Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, được xem là địa điểm rất ít doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đặt cửa hàng vì những hạn chế về mặt địa lý, nhưng giờ đây, TMĐT đã tiếp cận để làm thay, và hứa hẹn sẽ làm tốt vai trò của mình.

Câu chuyện mua giày Juno ở Tú Làn

Câu chuyện người lái đò ở Tú Làn mua giày Juno được CEO của Haravan chia sẻ

Câu chuyện mua giày này đã thu hút khá nhiều người quan tâm bởi nó thể hiện rõ nhất tốc độ phát triển của TMĐT ở Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ và phá bỏ các rào cản về địa lý. Theo một nghiên cứu giữa năm 2016 của Google Temasek Holding, nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á từ 50 tỷ USD vào năm 2017 được dự báo sẽ có bước đại nhảy vọt, khi có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.

Quy mô thị trường online Đông Nam Á

Quy mô thị trường online Đông Nam Á

Với tốc độ tăng trưởng được dự báo tăng 22% mỗi năm, và có thể đạt tới 10 tỷ USD vào năm 2020, không khó hiểu khi hàng loạt ông lớn nhảy vào thị trường TMĐT Việt Nam. Tỷ phú Jack Ma từng ví TMĐT Việt Nam như một mỏ vàng nhờ vào cơn lốc đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu khu vực.

# Các ông trùm công nghệ chạy đua rót vốn

Ngành TMĐT vẫn thường được ví như cuộc chơi “đốt tiền” nên đòi hỏi những kẻ tham gia chẳng khác gì công tử Bạc Liêu ngày xưa. Họ phải đốt tiền một cách kinh hoàng cho các chi phí liên quan tới bán hàng, logistics, khuyến mãi .v.v. trong nhiều năm liền nhằm thu hút người dùng.

Các ông lớn đứng sau các trang TMĐT của Việt Nam

Các ông lớn đứng sau các trang TMĐT hàng đầu Việt Nam

Ngày 16.01.2018, tập đoàn JD đầu tư vào nền tảng TMĐT Tiki.vn với con số cụ thể không được tiết lộ. Trước đó vào tháng 11 năm 2017, JD cũng đã đầu tư 44 triệu USD vào Tiki, hoàn tất thương vụ này, JD đã trở thành một trong những chủ sở hữu cổ phần lớn nhất tại TIKI. Ngoài ra, Tiki còn nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG đổi lấy 38% cổ phần hồi tháng 5 năm 2016, nâng giá trị của nền tảng TMĐT này đạt 45 triệu USD – một con số khổng lồ tại thời điểm đó.

Tháng 9 năm 2018, VNG tiếp tục rót thêm gần 122 tỷ đồng để mua cổ phần của Tiki trong một đợt chào bán riêng lẻ. Như vậy, số tiền mà công ty này đầu tư vào Tiki đã vượt quá 500 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VNG vào một công ty liên kết được thể hiện trên báo cáo tài chính.

VNG liên tiếp đầu tư vào Tiki.vn

VNG liên tục đầu tư vào TIKI

Thời gian qua cho thấy Tiki tuyển nhân sự ồ ạt, mở đội ngũ xây dựng các kênh riêng và mở ra nhiều kênh dịch vụ từ bán bảo hiểm, vé máy bay, voucher ăn uống, du lịch đến dịch vụ mua giúp hàng từ nước ngoài (Tiki Global). Nhiều khả năng trong năm 2019, Tiki sẽ thực hiện vòng gọi vốn Series D với kế hoạch huy động từ 50 đến 100 triệu USD và JD.COM sẽ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng tiếp tục tham gia vào vòng này.

Alibaba đầu từ vào Lazada

Lazada bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2012. Tại thời điểm đó, công ty thuộc sở hữu của Rocket Internet, và tính tới năm 2014, tổng số tiền được ném vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á đã lên tới 647 triệu USD.

Với mong muốn chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á, đến năm 2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để mua cổ phần của Lazada. Chỉ sau đó 1 năm, Alibaba nâng mức sở hữu đối với Lazada lên đến 83% khi rót thêm 1 tỷ USD vào nền tảng TMĐT này. Gần đây Lazada công bố sẽ tiếp tục nhận được thêm 2 tỷ USD từ chính đại gia Trung Quốc này.

Các ông lớn đầu tư vào Sendo

Tháng 8 năm 2018, SBI Holdings (tập đoàn tài chính Nhật Bản) và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á, đầu tư tổng cộng 51 triệu USD vào Sendo Technology (Sendo.vn). Sendo xác định, họ sẽ chỉ phục vụ các nhà cung cấp Việt Nam. Theo đại diện Sendo, thương vụ này có sự góp mặt của 8 nhà đầu tư, trong đó có 4 nhà đầu tư mới, gồm: SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures, bên cạnh các nhà đầu tư hiện hữu của Sendo gồm FPT, eContext Asia, Beenos và Beenext. Tuy nhiên, giá trị đầu tư chi tiết của từng đơn vị không được tiết lộ.

# Những cuộc đại chiến siêu khuyến mãi …..

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thế hệ Z (những người sinh năm 1996 tới 2000) chiếm 21% lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2025, có tỉ lệ kết nối internet thường xuyên lên đến 21%, cao gấp đôi so với thế hệ Millennials (những người sinh từ đầu thập niên 1980s tới đầu thập niên 2000s). Với thế hệ đầy tiềm năng này, đây là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp TMĐT và cũng là lý do cho các cuộc đại chiến siêu khuyến mãi được diễn ra rất mạnh mẽ để thu hút người sử dụng.

Hành vi tiêu thụ nội dung số của thế hệ Z

Hành vi tiêu thụ nội dung số của thế hệ Z

Lazada Việt Nam nổi bật với kỷ niệm sinh nhật tháng 4 hằng năm hay ngày Single day - 11.11 theo Tập đoàn mẹ Alibaba của Trung Quốc. Đợt kỷ niệm sinh nhật lần thứ 6 vừa rồi (năm 2018) hấp dẫn tới mức có rất nhiều nhà bán cũng tham gia ủng hộ Lazada Việt Nam bằng cách tung ra các chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng của họ.

Đề cập tới các chương trình khuyến mãi, không thể không nhắc đến Shopee Việt Nam. Dù mới gia nhập thị trường hơn 2 năm, nhưng Shopee đang có tốc độ phát triển ấn tượng, nhờ vào các chính sách thiết thực dành cho khách hàng như chạy chương trình khuyến mãi hằng ngày vào mỗi khung giờ với đủ loại mặt hàng cùng với giá sốc. Không chỉ nổi bật với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn, các chiến dịch của sàn TMĐT này còn ấn tượng bởi slogan cam kết “Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền”; hoặc mua hàng với giá 9 ngàn đồng. Đáng chú ý, kết thúc sự kiện 9.9 ONLINE SHOPPING DAY ở Đông Nam Á và Đài Loan, số lượng giao dịch trên Shopee đã tăng 3,5 lần; lượng truy cập cao gấp 5 lần ngày thường và thu hút 30.000 chủ cửa hàng tham gia, giúp đơn hàng tăng gấp 1.500 lần so với ngày thường.

Khuyến mãi thương mại điện tử

Cuộc chiến khuyến mãi của các trang TMĐT

Nếu Lazada thực hiện “Deal chớp nhoáng” thì Tiki cũng tung ra chương trình “Giật cô hồn”. Ngoài ra các sàn TMĐT luôn tích cực dùng những người ảnh hưởng, tạo các quảng cáo viral. Ví dụ, Shopee kết hợp với nền nhạc Baby Shark và thủ môn Bùi Tiến Dũng, Bảo Anh hay U23 Việt Nam, cùng hoa hậu Tiểu Vy đã ngay lập tức gây sốt. Hoặc Tiki chọn Chi Pu, Hà Đức Chinh và mới đây là Nhã Phương, Trường Giang trong hoạt động quảng cáo của mình. Sendo cũng rất tích cực trong việc ra mắt các TVC với hình ảnh Chị đại Sen Đỏ - Mỹ Tâm.

# Sàn thương mại điện tử nào đang lỗ nhiều nhất...

Sắp tới, “cuộc đua tam mã” Lazada, Tiki và Shopee vẫn là yếu tố trụ cột của thị trường, cùng với một số doanh nghiệp đang bám sau như Sendo, Lotte, Co.op, Adayroi. Theo đó, các tay chơi đã tách thành nhóm với Lazada, Tiki và Shopee đang ở top đầu của đường đua, với mỗi công ty dần định hình theo cách riêng. Tuy nhiên, đây cũng là những đơn vị có số lỗ về mặt tài chính lớn nhất. Tính đến cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với gần 400 tỷ đồng mà VNG rót vào doanh nghiệp này đầu năm 2016 đã được tiêu hết sạch.

Mức lỗ của các trang TMĐT

Mức lỗ của các trang TMĐT hàng đầu Việt Nam - Nguồn: CafeF

Lazada đang cho thấy là một “tay chơi” chịu chi nhất trên thị trường, thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng trong mỗi năm 2015 và 2016. Vào cuối 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 được tính toán vào khoảng 3.100 tỷ đồng.

Tháng 8.2016, đánh dấu thời điểm Shopee chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Ngay lập tức, công ty TMĐT thuộc SEA-Singapores đã khiến các đối thủ của mình phải dè chừng khi tung ra hàng loạt chương trình trợ giá cho các đối tác bán hàng như miễn phí giao hàng, miễn phí thu hộ, miễn phí hoa hồng cho các chủ gian hàng trên Shopee. Đơn vị này nhanh chóng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng, nhưng đồng thời phải đánh đổi bằng khoản lỗ 164 tỷ đồng trong năm 2016 – khi hoạt động chưa đầy nửa năm. Tính tới năm 2017, con số thua lỗ của Shopee đã tăng lên 619 tỷ đồng, tức gấp đôi so với mức lỗ của Tiki. Và để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapores bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1200 tỷ đồng vốn điều lệ cho Shopee tại Việt Nam.

Lỗ lũy kế của các trang TMĐT

Lỗ lũy kế của các trang TMĐT hàng đầu Việt Nam - Nguồn: CafeF

Là một sản phẩm của Tập đoàn FPT, Sendo.vn ra đời năm 2012 và nhanh chóng huy động 18 triệu USD từ nhiều công ty Nhật, trong đó có SBI Holdings. Sau 2 năm hoạt động, khoản lỗ của Sendo có phần khiêm tốn hơn so với các đối thủ đã kể trên, khi đến cuối 2016, lỗ lũy kế của sàn TMĐT này là gần 230 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền 51 triệu USD vừa được bơm thêm vào từ chính SBI Holdings và 7 nhà đầu tư khác có thể khiến cho mức lỗ này của Sendo sẽ tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

Chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị phần là một chiến lược tất yếu phải chấp nhận của các đại gia, khi quyết định tham gia vào thị trường này.

# Lỗ nhưng vì sao vẫn đua nhau rót vốn vào TMĐT...

Câu hỏi đặt ra là vì sao các đại gia cả trong và ngoài nước vẫn cứ hối hả đổ tiền vào thị trường TMĐT Việt Nam như thế, dẫu cho công cuộc đốt tiền không hề có dấu hiệu nào là sắp kết thúc ?

Đầu tư vào thương mại điện tử vẫn tiếp diễn mạnh

Theo các chuyên gia TMĐT phân tích, chuyện thua lỗ bước đầu khi đầu tư vào TMĐT là rất bình thường. Không một trang TMĐT nào có lãi sau 3 năm, thậm chí 5 năm đầu hoạt động, bởi để có lãi, TMĐT phải có một dung lượng khách hàng đủ lớn, đạt biên độ lợi nhuận đủ lớn, và họ phải xây dựng hàng chục triệu khách hàng trong 5 năm đến 10 năm.

Chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị phần là một chiến lược tất yếu khi mà thị trường hiện tại toàn những đại gia chịu chi. Nguồn đầu tư được tập trung để củng cố hệ sinh thái – từ nền tảng công nghệ, dịch vụ khách hàng tới nhà bán hàng, thương hiệu, mở rộng mạng lưới kênh phân phối hay tăng tốc độ giao hàng... Điển hình có thể kể đến Amazon – hãng TMĐT lớn nhất thế giới hiện nay, cũng phải chấp nhận chịu lỗ trong ròng rã nhiều năm. Thậm chí ngay thời điểm này, khi mà Amazon đang ở giai đoạn đỉnh cao, lợi nhuận của hãng cũng chỉ dừng ở mức 1,6 tỷ trên doanh thu hơn 50 tỷ USD. Và dù có lãi ở Bắc Mỹ, nhưng ở các thị trường toàn cầu, Amazon vẫn thua lỗ tới 622 triệu USD.

Trang thương mại điện tử AMAZON cũng chịu lỗ

Có lẽ chính vì lý do này mà, mặc dù thấy rõ các sàn TMĐT hàng đầu đều đang lỗ, nhưng những tân binh như tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Aeon Mall của Nhật vẫn cứ đổ bộ không chùng bước. Vậy, động lực nào đã thôi thúc họ nhảy vào tranh giành những thị phần tưởng như rất xương xẩu này? Thứ nhất, TMĐT Việt Nam là một miếng bánh ngọt khổng lồ. Hiện thị trường chỉ mới đang trong giai đoạn sơ khai, nên sẽ còn cơ hội rất lớn cho các ông lớn chia sẻ. Cùng với đó, với số dân gần 100 triệu người, tỉ lệ dân số trẻ em và nhu cầu mua bán trực tuyến đang tăng trưởng cao sẽ là những chỉ dấu hoàn toàn xứng đáng và khả quan cho các nhà đầu tư đặt niềm tin. Thứ hai, bên cạnh Logistics và thanh toán, thì Thương mại điện tử cùng với hệ thống phân phối và bán lẻ chính là những huyết mạch của nền kinh tế, ai nắm giữ và chi phối được các lĩnh vực này sẽ là vua không ngai. Đây chính là yếu tố khiến các ông lớn trong và ngoài nước cố sống cố chết nắm TMĐT trong tay. Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, TMĐT chính là cánh cửa rộng lớn để cho các doanh nghiệp tiếp cận với cộng đồng mua sắm ASEAN, bao gồm 10 thị trường thành viên, quy mô và nhu cầu tiêu dùng lên đến hơn 600 triệu dân. Muốn mở rộng thị trường, tăng khách hàng, tăng lợi nhuận, thì TMĐT là con đường đi nhanh nhất và hiệu quả nhất.

# ……….. Tuy nhiên, có những ông lớn đã hụt hơi

Cuộc đua khốc liệt trên thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi. Theo số liệu báo cáo bản đồ TMĐT Việt Nam trong quý 2 năm 2018 của Iprice Insights, website Adayroi.com chỉ có trung bình chưa đầy 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cách rất xa lượt truy cập của các đối thủ như Lazada (gần 33 triệu), Shopee (hơn 26 triệu), Tiki (gần 20 triệu) và Sendo (hơn 16 triệu). Cũng theo báo cáo này, xếp hạng ứng dụng của Adayroi chỉ đứng thứ 6 và thứ 9 trên lần lượt 2 hệ điều hành IOS và Androi, trong khi các ứng dụng Shopee, Lazada, Sendo và Tiki lần lượt chia nhau các vị trí từ thứ nhất tới thứ 4 trên cả 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.

Trang thương mại điện tử Vuivui đóng cửa

Trang thương mại điện tử Vuivui đóng cửa

Vuivui.com là nền tảng TMĐT được Thế giới di động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017. Ở thời điểm ra mắt, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG từng kỳ vọng nền tảng này sẽ tăng trưởng mạnh và giành vị trí số một trong vòng 4 đến 5 năm sau và vượt qua doanh thu của chuỗi cửa hàng Thế giới di động. Tuy nhiên, trang này đã chính thức đóng cửa từ cuối tháng 11 năm 2018.

# Sau cùng, ai là người hưởng lợi từ cuộc đua này …

Một điều không thể phủ nhận, trong cuộc chạy đua khuyến mãi giữa các sàn TMĐT, sau rốt, người được hưởng lợi nhất chính là các khách hàng. Người tiêu dùng khi nhận được dịch vụ tốt hơn, giá thành rẻ hơn, công nghệ hiện đại nên việc mua sắm ngày càng dễ dàng, sẽ thúc đẩy mạnh cho sự tăng trưởng của TMĐT.

Quan trọng hơn, TMĐT Việt Nam đã qua giai đoạn của khoảng 4 năm về trước, tức người sử dụng mới bắt đầu tiếp cận mua sắm trực tuyến và cần khuyến mãi để thử trải nghiệm. Giờ đây, bên cạnh khuyến mãi, các dịch vụ đi kèm và các chương trình hỗ trợ khách hàng phải khác biệt.

Người hưởng lợi sau cùng chính là người tiêu dùng

Người hưởng lợi sau cùng chính là người tiêu dùng

Khác biệt đầu tiên là đa dạng mặt hàng. Đa dạng ở đây không chỉ dừng lại ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà cần phải có sự tham gia của các nhãn hàng lớn, đã có thương hiệu trên thị trường. Khác biệt thứ 2 chính là các chương trình thanh toán trực tuyến phải đủ hấp dẫn để đem lại trải nghiệm thuận tiện nhất trong khâu cuối cùng của quá trình mua sắm online. Khác biệt cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, chính là tốc độ giao hàng. Một trong những điểm nghẽn của các chương trình khuyến mãi những năm trước là thời gian giao hàng quá lâu, do việc tăng đột biến số lượng đơn hàng trong thời gian ngắn khiến các đơn vị hậu cần quá tải, dẫn đến giao hàng lâu hoặc bị thất lạc hàng hóa.

Để khẳng định tên tuổi cũng như vị thế trên thị trường, bất kỳ sàn TMĐT nào cũng cần thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người tiêu dùng. Đây cũng chính là tiền đề, cho phép người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng về những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt nhất trong những năm tới đây.

Nguồn: Kênh youtube Người nổi tiếng.