Sự ghi nhận trong giới quảng cáo đáng giá bao nhiêu?
1 năm nữa trôi qua, Agency (Công ty quảng cáo) và Supplier (Nhà cung cấp) điểm lại và thấy mình đã nỗ lực rất lớn nhưng ngậm ngùi nhận ra lời khen ngợi của đối tác dành cho công sức của mình khá là khan hiếm.
Sự thật trần trụi về lời khen nơi “công xưởng ý tưởng”
Lời khen ngợi trong môi trường làm việc giữa Brand (Thương hiệu) với Agency, hoặc Agency và Supplier khá hiếm hoi. Điều này được giải thích bởi sự cản trở của những niềm tin được truyền từ đời nhân viên này sang đời nhân viên khác.
Niềm tin đầu tiên khiến việc khen ngợi không được coi trọng là người trả tiền (Brand trả tiền cho Agency, hoặc Agency trả tiền cho Supplier) có quyền đòi hỏi sự hài lòng hoặc kết quả tốt như thỏa thuận.
Trong khi đó, một số người trong giới sáng tạo tin rằng “khen là không nghiêm khắc”. Nhất là trong những dự án dài hơi 1 tháng hay cả năm, người làm việc với Supplier dễ bị quy trách nhiệm “không nghiêm khắc với đối tác" khi phong độ của họ không ổn định.
Dù vậy, “khen đổ hen” mới là niềm tin kỳ lạ và bền bỉ nhất. Nghĩa là dù trước đó Supplier làm việc rất tốt, sai sót sẽ “auto” xảy ra khi được khen. Ví dụ, nếu làm tờ rơi (leaflet), account lỡ nhìn bản test (in thử) mà khen tấm tắc supplier chỉn chu, khéo léo thì đợt in mass (in đại trà) sau có thể gặp trục trặc, không bị dời ngày cũng sai màu.
Những niềm tin “bền vững” này cùng với sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của hàng ngàn agency quảng cáo tại Việt Nam đã biến lời khen bị khan hiếm, hoặc trở thành tài sản quý nằm trên website của mỗi công ty dưới hình thức Client's testimonial. Tuy nhiên, sự xâm nhập của lứa nhân sự trẻ Millennials hay Gen Z vốn chú trọng vào sự thật cốt lõi và yếu tố tinh thần, đã vực dậy và lan tỏa giá trị của những lời ghi nhận trong thế giới quảng cáo.
Từ lời ghi nhận đến lòng biết ơn
Lời khen (compliment) là một hành động lịch sự biểu hiện sự công nhận hoặc ngưỡng mộ (A polite expression of praise or admiration - Oxford Dictionary). Trong ngành quảng cáo, khen ngợi là nhận thấy và công nhận bằng lời những nỗ lực được tạo ra bởi những con người đã dốc lòng, dốc sức.
Đừng xem mọi thứ là đương nhiên, nhất là trong ngành quảng cáo (“Do not take it for granted”) bởi đó là ngành đem đến các tác phẩm nghệ thuật với các giá trị vô hình mới nhất, lạ nhất, đòi hỏi nhiều chất xám và sự chăm sóc khách hàng chỉn chu nhất. Nên sản phẩm tạo ra bởi những Agency/Supplier thực thụ là độc nhất vô nhị, vượt ra khuôn khổ một bản hợp đồng.
Cách đây 2 năm, trong 1 dự án khá lớn được thực hiện bởi một thương hiệu (Brand) và một Agency cũng “nặng ký", thương hiệu muốn launching (ra mắt) chiến dịch sớm hơn kế hoạch 5 ngày. Vì vậy, landing page (trang website chính thức của chương trình) thay vì sản xuất trong 4 ngày thì phải hoàn tất trong vòng 48 giờ. Supplier hiện tại từ chối, nên bộ phận Account (Chăm sóc khách hàng) phải vắt chân lên cổ để lùng sục, thuyết phục sự hỗ trợ của các đối tác.
Đến khi tìm được người xuất sắc có thể thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” này rồi thì phải cùng thức 48 giờ với họ để theo dõi, chỉnh sửa ngay lập tức. Tiếc là, công việc cuối cùng cũng hoàn thành xuất sắc và kịp thời, nhưng một lời khen ngợi cũng không nhận được. Tâm lý của đội ngũ Account và những người đã cống hiến đương nhiên sẽ ức chế.
Một lời khen nhỏ hay một lời cảm ơn cũng mang lại giá trị tinh thần và vật chất lớn. Nó tiếp lửa, động viên, kết nối, làm mát lòng mát dạ... người nghe, cũng như ngăn chặn một cơn “bùng nổ”, một “thảm họa”, hay một “đại chiến email" nào đó. Vì vậy lời khen nói riêng và sự công nhận nói chung sẽ giúp nuôi dưỡng mối quan hệ giữa các đối tác.
Thậm chí, theo một nghiên cứu, khen ngợi có tác động tương đương như trao thưởng bằng tiền mặt. Nên mỗi lời ghi nhận dù nhẹ nhàng hay ngắn ngủi cũng có giá trị giúp công ty kiếm tiền và tiết kiệm tiền. Trong cuốn Sức mạnh của sự tử tế ghi nhận: cứ tăng 2% trạng thái phấn khởi và tương trợ nhau của nhân viên trong không khí làm việc thì tổng thu nhập sẽ tăng được 1%.
Về mặt quản trị, khen là “củ cà rốt” bên cạnh “cây roi” nghiêm khắc. Các chiến dịch quảng cáo vốn mỗi lần mỗi khác, không bao giờ đi cùng 1 con đường cũ, nên khách hàng cần thông qua những lời khích lệ để dẫn dắt Agency/Supplier đi đúng con đường dẫn đến trái tim của thương hiệu và người tiêu dùng. Nếu chỉ buông những lời phàn nàn, trách móc thì chiếc xe đưa chiến dịch về đích sẽ mau “hết xăng nhiệt huyết", chỉ còn “xăng trách nhiệm" mà thôi.
Morico là một trong những đối tác rất được lòng các đối tác nhờ tư duy và phong cách làm việc kiểu Nhật. Họ khiêm tốn, biết khích lệ và luôn khéo léo trong góp ý, nhưng tuyệt đối nghiêm khắc, không nhượng bộ những giá trị riêng. Trong các bài PR, Morico kỹ từng chữ, thậm chí mất cả tuần để góp ý cho 1 bài, nhưng mỗi một chỉnh sửa đều thể hiện sự tôn trọng đối tác, đồng thời không quên khen ngợi những điểm tốt. Nhờ vậy đối tác khi làm việc với họ rất thoải mái, luôn muốn suy nghĩ, góp ý, giới thiệu cho Morico.
Giới quảng cáo là cái nôi của những tác phẩm nhân văn đề cao những giá trị như hạnh phúc (Coca-Cola), sự khác biệt, sự nỗ lực (Chiến dịch Under Armour), lòng biết ơn (Chiến dịch Không sao đâu - Prudential), nên đó là nơi để những người tài giỏi hít thở bầu không khí của lòng biết ơn, trân trọng những suy nghĩ khác biệt, nỗ lực của đối tác. Thiết nghĩ, không bắt đầu từ việc nhỏ, sao có thể tạo ra những kiệt tác lớn?
Khen sao mới “sướng"
Mỗi lời khen đều rất giá trị, nhưng ghi nhận công sức người khác thế nào để họ cảm nhận được sự trân trọng thì cần lưu ý 3 điểm hiếm người biết đến:
Công ty không tự đề xuất lời khen, mà là cá nhân. Nếu là người quyết định, hãy đề xuất hoặc gửi lời cảm ơn, ghi nhận đến đối tác thông qua email của công ty, hoặc một lá thư chính thức có đóng dấu. Ghi nhận công sức và coi trọng đối tác cũng chính là cách tạo mạng lưới mối quan hệ rộng khắp dù cá nhân đó có làm gì, làm việc ở bất kỳ nơi đâu. Nghĩ xem, nếu không tự mình tạo ra một mối quan hệ lành mạnh thì khi cần một đối tác giỏi và tin cậy bên cạnh, bạn có ai để gọi?
Chân thành và cụ thể: Không ít Account khi khen ngợi Design hay Creative nhưng không tập trung, chiếu lệ, hay ngay lập tức yêu cầu một việc khác...thì việc khen ngợi đó hoàn toàn vô nghĩa. Dù dưới hình thức nào: một lá thư trang nghiêm, một lời cảm ơn nhỏ, hay một ly trân châu đường đen, 1 tờ giấy note... thì mục tiêu của lời khen vẫn là khiến người nhận cảm thấy được trân trọng và ghi nhận. Sau đây là 3 bước cơ bản để đưa ra một lời khen đích thực:
1. Thật sự trân trọng và toàn tâm toàn ý tập trung vào họ.
2. Cụ thể trong lời khen: Thay vì chung chung: “Ý tưởng cũng được" hãy thật cụ thể: "Đề xuất về cá tính nhân vật rất đáng xem xét, cảm ơn bạn đã lên tiếng".
3. Giải thích tại sao đóng góp đó giá trị và quan trọng: Nó đã tác động gì đến dự án, khách hàng, tập thể…Ví dụ: “Nếu không có anh/chị vất vả thức đêm hôm qua để tìm tài liệu, dự án này thật sự khó có những ý tưởng hay như hôm nay.”
Cuối cùng, khen đúng lúc. Nhiều Account hay Brand muốn khen đối tác nhưng ngại, dặn lòng sẽ khen khi kết thúc dự án, cuối cùng lại quên mất. Theo nguyên tắc giao tiếp, thông điệp khi đã chuyển đi (ở đây là mỗi nỗ lực vượt trội của đối tác) cần nhận sự phản hồi càng sớm càng tốt (lời khen). Khi thấy nỗ lực của mình được ghi nhận, con người tự động có tâm lý tiếp tục thực hiện.
Các nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn là một trong những cách không chỉ làm cho người khác hạnh phúc, mà khiến thái độ của bản thân được cải thiện. Hãy công nhận và biết ơn những gì người khác làm cho bạn nhé! 2019 rồi, thả thính khen thôi!
Trâm Lê
*Bài viết mang cách nhìn cá nhân.