Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng AI
Phần lớn những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều lợi ích trong kinh doanh, chẳng hạn như gia tăng hiệu quả quy trình cũng như cắt giảm chi phí. Đối với hầu hết các doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ, bắt đầu ứng dụng AI từ đâu có thể gây bối rối. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, ứng dụng các giải pháp AI dường như đặc biệt phức tạp hoặc ngoài tầm với.
Dù vậy, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể ứng dụng AI trong hoạt động kinh doanh thì tiềm năng mang lại là rất lớn. So với các doanh nghiệp lớn thường có sẵn hệ thống quy trình và cũng không dễ dàng để có thể thống nhất những dữ liệu cần thiết để AI hoạt động hiệu quả, thì với các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc mới thành lập, điều này thường khả thi hơn rất nhiều.
Các doanh nghiệp SME, đặc biệt là các doanh nghiệp “sinh ra” trong thời đại kỹ thuật số thường dễ dàng thu thập và tích hợp dữ liệu hơn. Điều này cho phép các doanh nghiệp SME ứng dụng các giải pháp AI nhanh hơn. Ngay cả những doanh nghiệp SME hoạt động lâu năm và lưu trữ dữ liệu phần lớn bằng văn bản đều hoàn toàn có thể ứng dụng AI – chìa khóa đơn giản đó chính là số hóa dữ liệu công ty trên nền tảng kỹ thuật số.
AI là một công nghệ thú vị có ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo đang dần hiểu ra rằng chuyển đổi kỹ thuật số không còn là tùy chọn, mà đó chính là “sống còn”. Chuyển đổi kỹ thuật số thực sự là một hành trình dành cho các doanh nghiệp muốn hướng tới tương lai để sẵn sàng thích nghi và đột phá. Chuyển đổi kỹ thuật số trong kinh doanh cần phải có tầm nhìn, tính kỷ luật và sự kiên trì. Những yếu tố này giúp doanh nghiệp hạn chế việc áp dụng không tới và dính vào những bản vá công nghệ.
Đối với các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu ứng dụng AI, điều quan trọng nhất là phải có sự ủng hộ từ các cấp quản lý, bởi khi ứng dụng AI vào bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũng sẽ đòi hỏi phải thay đổi. Nếu không có sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo, thì chắc chắn các vấn đề từ đầu tư tài chính đến sự thay đổi văn hóa sẽ trở thành những những rào cản trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể lo lắng việc không rành công nghệ là trở ngại trong việc đưa ra quyết định ứng dụng AI, nhưng điều họ thực sự cần chính là khát khao thay đổi, một tinh thần cởi mở và sẵn sàng trao đổi với nhân viên.
Về cốt lõi, AI đang dùng phân tích dữ liệu, mô hình và thuật toán để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn. Để AI hoạt động hiệu quả và giúp các lãnh đạo doanh nghiệp thấy được những cải thiện trong hiệu suất kinh doanh cũng như có được những insight khách hàng, thì việc truy cập vào dữ liệu tốt là điều cần thiết. Cấp quản lý cần xác định những thông số mà họ quan tâm (ví dụ: tiếp cận khách hàng chính xác hơn? xác định thời gian mua hàng kịp thời hơn để giảm lượng hàng tồn kho?). Kế đến, điều quan trọng là cần cam kết đưa ra các quyết định dựa vào dữ liệu càng nhiều càng tốt. Biết được những gì doanh nghiệp muốn đạt được sẽ giúp việc triển khai hiệu quả hơn - và doanh nghiệp có thể bắt đầu áp dụng cho một quy trình hoặc một mảng kinh doanh. Cam kết về việc ra quyết định dựa trên dữ liệu sẽ đảm bảo doanh nghiệp đang thu thập những dữ liệu phù hợp.
Văn hóa công ty đóng vai trò rất lớn khi đưa AI vào doanh nghiệp. Thông thường, bất kỳ ai cũng sẽ trở nên do dự từ việc đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và phán đoán của con người sang việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. AI có thể khiến mọi người lo lắng rằng họ sẽ mất việc nếu máy móc có thể thay thế. Điều này tương đối khó xảy ra, mà thay vào đó, AI đóng vai trò như một thành viên mới tuyệt vời của nhóm với khả năng khiến công việc trở nên hiệu quả và năng suất hơn.
Các tài nguyên cụ thể mà mỗi công ty cần có để ứng dụng công nghệ AI hiệu quả sẽ phụ thuộc vào những gì đang có. Các doanh nghiệp có quy mô lớn có thể thành lập một nhóm chuyên gia khoa học dữ liệu do đã có sẵn các nền tảng. Các nhân tài về khoa học dữ liệu đang được săn đón và khá đắt đỏ. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp SME muốn ứng dụng AI trong kinh doanh cần có sự trợ giúp từ một đơn vị cung cấp công nghệ.
Thực hiện một nghiên cứu chuẩn xác là điều cần thiết để xác định các giải pháp AI tốt nhất. Việc này giúp cấp quản lý có được cái nhìn đầy đủ về những gì đang xảy ra hàng ngày tại công ty để không đưa ra bất kỳ một giả định sai nào. Sự ác cảm với việc ứng dụng AI xảy ra khi những người thực hiện mong muốn thấy ngay được kết quả từ việc triển khai AI và không nắm đầy đủ những gì mà một giải pháp có thể và không thể mang lại, và sau đó thất vọng với kết quả này. Điều này dẫn đến việc quay lưng với giải pháp - gây bất lợi của doanh nghiệp.
Để đảm bảo lựa chọn các giải pháp tốt nhất, ban lãnh đạo cần cởi mở để hiểu được những thách thức mà nhân viên đang phải đối mặt. Với sự thấu hiểu, cấp quản lý có thể làm việc với các nhóm và cá nhân để đánh giá các sản phẩm và nền tảng tốt nhất. Một số giải pháp có thể yêu cầu tùy biến (customization) để thực hiện tốt nhất, vì vậy các CEO cần kiên nhẫn trong khi hệ thống được điều chỉnh để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Khả năng của AI là rất lớn và nó có thể hỗ trợ các hoạt động kinh doanh theo nhiều cách. Các doanh nghiệp SME có bề dày hoạt động có thể không tăng trưởng theo cách của một doanh nghiệp trẻ, nhưng tăng trưởng chỉ là một trong những KPI cho AI. Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay đang tìm cách để thực hiện mọi thứ hiệu quả hơn và AI có thể hỗ trợ giúp cho mọi việc trở nên khả thi hơn. Ví dụ, AI có thể đảm nhận những công việc thường đòi hỏi một nhóm nhiều người, giúp doanh nghiệp trở nên tinh gọn hơn. AI cũng có thể giải phóng mọi người khỏi những công việc nhàm chán - chẳng hạn như các nhiệm vụ hành chính lặp đi lặp lại – giúp họ có thêm thời gian tập trung vào các dự án đòi hỏi trí tuệ con người và sự sáng tạo.
Các doanh nghiệp SME ở châu Á đang có rất nhiều sự lựa chọn khi muốn ứng dụng AI. Chẳng hạn, Đài Loan được công nhận là điểm đến hàng đầu của AI nhờ vào lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và quản lý hệ thống thông tin mỗi năm. Ngoài ra, tại Đài Loan, hệ thống dữ liệu được công khai nhằm khuyến khích mọi người truy cập và trải nghiệm. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) nhằm hỗ trợ các công ty AI mới. Tương tự, “đảo quốc sư tử” Singapore đang chứng kiến sự phát triển trong lĩnh vực AI nhờ vào sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ. Điều này có nghĩa là khu vực Châu Á không thiếu tài nguyên và hệ thống giáo dục về AI cũng như có nhiều nhà cung cấp công cụ AI đủ năng lực hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình kinh doanh.
Tại Appier, chúng tôi nhận thấy các khách hàng tại Châu Á đang rất nhiệt tình ứng dụng AI trong kinh doanh và cam kết phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để có hiệu quả tối đa. Tại các thị trường mới nổi tại Châu Á, các doanh nghiệp SME có rất nhiều cơ hội đi đầu trong việc ứng dụng AI để trở nên nổi trội so với các đối thủ cạnh tranh.
Bài viết được chia sẻ bởi Charles Ng, Phó chủ tịch mảng Trí tuệ nhân tạo Doanh nghiệp tại Appier