Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói (VSO) và sự ảnh hưởng to lớn đến chiến lược tiếp thị số

Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói sẽ đem lại một lượng truy cập tiềm năng khổng lồ nhưng không mấy doanh nghiệp biết và hiểu rõ những lợi thế mà nó mang lại.

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là một điều không mấy xa lạ với các Marketer. Khi hoạch định chiến lược SEO cho doanh nghiệp của bạn thì cần phải chú ý đến hai điểm quan trọng nhất là Nghiên cứu từ khóa & Hoạch định chiến lược dựa vào các xu hướng phát triển trong tương lai.

Nghiên cứu từ khóa mục đích là để hiểu được về cách tìm kiếm của các khách hàng/độc giả trong lĩnh vực của bạn. Hoạch định chiến lược lại ở mức khác hơn khi phải “cân đo đong đếm” rất nhiều thứ từ thuật toán của công cụ tìm kiếm cho đến xu hướng của người dùng.

Ví dụ: Một ngày bạn tỉnh dậy và thuật toán mới của Google khiến hàng loạt từ khóa của bạn rớt khỏi trang đầu, lưu lượng truy cập sụt giảm nghiêm trọng và lượng hàng bán ra gặp ảnh hưởng. Nhân sự ngay lập tức than thở còn bạn – Người chịu trách nhiệm chính thì phải sửa đổi lại cả tháng trời mới có thể khắc phục được một phần tình hình.

Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói (VSO) và sự ảnh hưởng to lớn đến chiến lược tiếp thị số

Google có vô vàn thuật toán và các Marketer cứ vậy mải miết chạy theo.

Hầu hết các Marketer đều trải qua hoàn cảnh này và phải liên tục thay đổi kĩ thuật SEO để phù hợp với thuật toán, cuộc đua giữa Marketer và các công cụ tìm kiếm gần như không thể chấm dứt, không thể dừng lại.

Chưa kể đến, cách mọi người tìm kiếm thông tin cũng đang dần chuyển dịch và tìm kiếm bằng giọng nói đang dần bước vào lĩnh vực tìm kiếm khổng lồ này.

Sự cần thiết của Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói (Voice Search Optimization)

Tìm kiếm bằng giọng nói đang dần trở nên phổ biến trong vài năm qua, đến mức CEO của Google là Sundar Pichai đã phát biểu rằng 20% lượng truy vấn tìm kiếm trên Google trong năm 2016 đến từ tìm kiếm bằng giọng nói. Xu hướng sử dụng Trợ lý ảo & Tìm kiếm trên di động phát triển nhanh, được hỗ trợ trên đa nền tảng đã biến nó trở thành một trong những chức năng tìm kiếm chính hiện nay.

Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói (VSO) và sự ảnh hưởng to lớn đến chiến lược tiếp thị số

Trợ lý ảo & Tìm kiếm bằng giọng nói không khác gì “cặp bài trùng” của thế giới số.

Sự hấp dẫn của Trợ lý ảo & Tìm kiếm bằng giọng nói cũng đến một phần từ việc nó đơn giản và tiện lợi hơn so với các phương pháp tìm kiếm thông thường. Có bao giờ bạn từng tìm kiếm gì đó trên Google hay Bing và không thể tìm ra kết quả mình mong muốn để rồi phải chỉnh lại từ ngữ hoặc xáo trộn cả câu hỏi của mình lên?

Đó là lý do tìm kiếm bằng giọng nói được ưa thích. Nó không bắt người dùng phải nhập hay chỉnh lại mọi thứ mà chỉ đơn thuần là đặt câu hỏi như một cuộc trò chuyện bình thường thôi. Kết hợp yếu tố này với trợ lý ảo và bạn sẽ hiểu lý do các chuyên gia dự đoán tìm kiếm bằng giọng nói sẽ chiếm 50% tổng lưu lượng tìm kiếm vào năm 2020, chiến lược SEO của các doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh lại ngay từ bây giờ.

Tối ưu tìm kiếm bằng giọng nói bao gồm những gì?

Về cốt lõi, việc tối ưu nội dung cho tìm kiếm bằng giọng nói và tối ưu nội dung cho tìm kiếm thông thường (gõ tay) là một sự khác biệt rất nhẹ và tinh tế. Nó liên quan đến sự khác biệt trong cách chúng ta nhập liệu và trò chuyện khi tìm kiếm thông tin.

Ngày trước, từ khóa dài (Long-tail Keyword) khá quan trọng vì nó giúp người dùng tìm kiếm những thông tin cụ thể, người viết cũng có thể dựa vào những từ khóa này để khiến nội dung mình cung cấp cụ thể hơn và xếp hạng cao hơn trên Google, Bing và các công cụ khác. Tuy nhiên, tìm kiếm bằng giọng nói đã khiến các từ khóa dài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại sao lại như vậy? Nói một cách đơn giản thì các từ khóa dài dễ nói hơn là gõ tay. Điều này giúp các doanh nghiệp cải thiện chiến lược SEO của họ vì từ khóa dài giúp họ hiểu được nhiều hơn về ý định của người dùng so với các từ khóa ngắn.

Ví dụ: Không ai hiểu người dùng muốn tìm hiểu về máy tính bảng hay muốn mua hàng nếu họ tìm kiếm “Máy tính bảng tốt nhất”. Nhưng nếu họ tìm “Những chiếc máy tính bảng phù hợp cho người hay đi phượt” thì ý định lại được bộc lộ rõ ràng hơn rất nhiều.

Song song với việc thay đổi các từ khóa chính thì bạn cũng cần hiểu sự khác biệt trong hai phương pháp tìm kiếm. Hãy thử đọc một vài từ khóa bạn dùng khi gõ trên công cụ tìm kiếm và tưởng tượng mình sẽ sử dụng những từ khóa đó thế nào khi nói. Bạn sẽ hiểu sự khác biệt đâu chỉ nằm trong cách viết tắt bạn hay dùng, biểu tượng cảm xúc bạn thường sử dụng? Nó còn nằm trong cấu trúc câu và cách lựa chọn từ ngữ nữa.

Một điều thú vị khác của tìm kiếm bằng giọng nói là nó giúp Local SEO (Tối ưu các từ khóa liên quan tới một địa phương, lãnh thổ) lên một tầm cao mới. Tìm kiếm sử dụng thiết bị di động cũng giúp Local SEO một phần vì nhiều người sử dụng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói trên thiết bị di động để nhận chỉ đường đến một địa điểm/khu vực nào đó.

Đây thực sự là một “mỏ vàng” không mấy ai biết, vì vậy hãy tận dụng bằng cách sử dụng các nhóm từ khóa có liên quan tới công việc kinh doanh và vị trí của nó (Đào tạo … tại thành phố… / Điểm bán … tại khu vực …). Đừng quên bạn cần tối ưu tốc độ tải trang và tính thân thiện với các thiết bị di động của Website.

SEO và những nguyên lý cơ bản không bao giờ kết thúc

Dù thuật toán có thay đổi bao nhiêu lần đi nữa thì những nguyên lý cơ bản của SEO vẫn không hề đổi thay theo thời gian. John Muller – Chuyên gia phân tích cao cấp của Google đã phát biểu trong một cuộc hội thảo về quản trị Website với những lời khuyên sau:

“Hãy tập trung vào việc tối ưu nội dung để Google và những công cụ tìm kiếm khác có thể hiểu ngữ cảnh tốt hơn và người dùng có thể đọc chúng một cách trơn tru không va vấp. Thực ra, tôi nghĩ đây là hướng dẫn chung cho toàn bộ nhà quản trị Website.”

Hãy nhớ rằng, tìm kiếm bằng giọng nói có thể làm thay đổi phương thức phân phối nội dung nhưng những nguyên lý cơ bản của SEO thì vẫn mãi trường tồn mà thôi. Xu hướng luôn luôn thay đổi từng ngày, từng tháng, từng năm nhưng điều cốt lõi và cơ bản nhất vẫn luôn ở lại.

Minh Tuấn

*nguồn: VBusiness