Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Ngày nay, con người vẫn luôn chủ quan và tự tin khi cho rằng mình làm chủ mọi hoạt động trên các ứng dụng điện tử, và các thuật toán ra đời suy cho cùng cũng chỉ khiến cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn mà thôi. Nhưng dưới góc độ công nghệ, liệu bạn có đang thực sự quyết định hành vi của mình?

Nhận được nhiều đề xuất không có nghĩa là bạn có nhiều sự lựa chọn

Hãy thử tưởng tượng khi bước vào một nhà hàng, bạn được nhân viên phục vụ đưa cho một menu với rất nhiều đồ ăn ăn hấp dẫn: 10 món khai vị, 15 món chính và 5 món tráng miệng. Lúc này, với vị thế là khách hàng, bạn thấy mình có trong tay quyền tự do quyết định món ăn nào sẽ được dọn lên mà không hề biết rằng tất cả menu trên thực tế đã được sắp xếp bởi nhà hàng.

Trong công nghệ cũng vậy, thuật toán đề xuất danh mục kiểm soát những gì được gửi đến màn hình, do đó, nó cũng kiểm soát luôn lựa chọn của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta đã quên đi những vấn đề còn quan trọng hơn nằm ngoài danh mục ấy.

  • Còn có những lựa chọn nào mà chúng ta không biết tới?
  • Vì sao chúng ta được cung cấp những lựa chọn này mà không phải lựa chọn khác?
  • Liệu những lựa chọn này có thực sự đáp ứng nhu cầu của chúng ta hay không hay chỉ đóng vai trò là yếu tố gây xao nhãng?

Cùng xem lý thuyết trên được ứng dụng vào app Foody như thế nào nhé! Bạn muốn tìm một quán cafe để tán gẫu với bạn bè dịp cuối tuần và công cụ đầu tiên bạn nghĩ đến là Foody. Bạn hài lòng với việc mình được tự do tìm hiểu và chọn bất kỳ quán cafe nào trên Foody. Nhưng hãy để ý mà xem, với mỗi quán cafe, Foody không chỉ hiển thị địa điểm mà còn có cả menu các loại đồ uống. Bất ngờ thay, đa phần các bạn lại bị cuốn vào việc so sánh đồ uống giữa các cửa hàng với nhau. Cuối cùng, bạn đi đến quyết định chọn “Ama Coffee” bởi những hình ảnh giới thiệu hấp dẫn mà Foody đăng tải.

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Trong quá trình này, Foody đã tác động lên tâm trí của bạn như thế nào?

Thứ nhất, bạn rơi vào ảo tưởng “Foody đang thể hiện đầy đủ mọi lựa chọn cho việc tìm địa điểm”. Vì vậy, bạn đâu còn để ý, ngay bên đường đối diện kia thôi, có hẳn một triển lãm tranh đang phục vụ bánh ngọt và cafe. Sự tự do lựa chọn của bạn thực ra đã bị thu hẹp.

Thứ hai, bạn rời xa mục đích ban đầu là tìm kiếm “nơi phù hợp nhất để nói chuyện” và bị cuốn vào mục đích tìm kiếm “nơi có loại đồ uống hấp dẫn nhất”. Như vậy, những lựa chọn Foody đưa ra thực ra không ăn nhập gì mấy với nhu cầu của bạn.

Ai cũng muốn trải nghiệm trò chơi “quay số trúng thưởng ”

Bạn có biết rằng tại Mỹ, các máy quay số trúng thưởng còn kiếm được nhiều tiền hơn cả 3 ngành kinh doanh bóng chày, rạp chiếu phim và công viên giải trí gộp lại?

Máy quay số trúng thưởng “gây nghiện” bằng cách đưa ra những kết quả (giải thưởng) ngẫu nhiên cho mỗi lần chơi. Khi bỏ vào 1 đồng xu và gạt gần quay số, chúng ta háo hức chờ đợi điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Công nghệ áp dụng điều này bằng cách đưa cho chúng ta một chiếc “máy quay trúng thưởng” tí hon, chính là chiếc smartphone yêu quý ở bên ta hàng ngày. Mỗi lần lướt newsfeed hay kiểm tra email là mỗi lần chúng ta chờ đợi xem mình sẽ nhìn thấy tấm hình nào, nhận được bao nhiêu likes hay bao nhiêu email mới. Mỗi lần một khác và không có cách nào dự đoán trước những gì chúng ta sắp sửa thấy, và đó là cái cách công nghệ trói buộc tâm trí người dùng vào ứng dụng này tới ứng dụng khác.

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Tâm lý lo sợ nếu bỏ lỡ một chi tiết quan trọng

Một trong những cách mà các website hay ứng dụng xã hội như Facebook, Instagram xâm nhập tâm trí người dùng đến từ chính tâm lý sợ bỏ lỡ 1% thông tin quan trọng của họ.

Vì sao bạn không thể tắt điện thoại dù chỉ 1 tiếng? Đơn giản vì bạn tin rằng, rất có thể sau 30s khi tắt điện thoại, bạn sẽ nhận được một cuộc gọi, một tin nhắn vô cùng quan trọng, như thông báo trúng số chẳng hạn. Việc ngừng check email một ngày có khả năng sẽ khiến 1 cơ hội việc làm hấp dẫn bị nhấn chìm trong đống thư quảng cáo. Hay Facebook – nơi mọi câu chuyện trên thế giới được cập nhật từng giây trong một status, làm người ta có xu hướng lao vào check thông báo ngay lập tức bởi họ lo sợ rằng biết đâu trong những câu chuyện được tăng tải ngoài kia sẽ có mình trong đó.

Nhưng trên thực tế, không phải tất cả các noti của facebook đều quan trọng, đôi khi chỉ là việc cô bạn cùng lớp đăng đàn bóc phốt một quán trà sữa gần trường trong group “hội những người thích ăn uống”. Tuy nhiên, nhờ thấu hiểu “nỗi lo” của người dùng, facebook đã biến tâm lý “sợ hãi” trở thành động lực để chúng ta hoạt động tích cực hơn trên nền tảng này.

Bạn cần biết rằng chúng ta không phải sinh ra để sống từng khoảnh khắc với nỗi lo có thể bị lỡ mất gì đó. Một khi buông bỏ nỗi lo đó, bạn sẽ thoát ra khỏi những ám ảnh kia nhanh đến nhường nào.

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Sự công nhận từ xã hội

Đa số mọi người, nhất là giới trẻ đều có xu hướng cảm thấy tổn thương nếu không được xã hội công nhận vì ai cũng muốn mình được đánh giá cao bởi một nhóm người nào đó, đặc biệt trên các mạng xã hội. Vô hình chung, việc chúng ta có được người khác công nhận hay không lại nằm trong tay của những nhà công nghệ.

Khi bạn được một cậu bạn khác tag trên mạng xã hội, bạn sẽ nghĩ rằng đây là một hành động được quyết định bởi cậu ta. Nhưng không, trước khi đưa ra quyết định đó, Facebook mới thực sự là người chỉ dẫn cậu ta hành động như vậy bằng cách tự động gợi ý khuôn mặt của những người nên tag (chẳng hạn bằng cách hiển thị khung hình kèm theo nút xác nhận chỉ với một cú nhấp chuột, “Tag ai đó trong ảnh này”). Nhờ vậy, tài khoản của bạn được xuất hiện trong một bức ảnh của người khác và bạn nghĩ rằng người đăng tấm hình này chắc hẳn rất quan tâm tới mình.

Hay như việc bạn đăng một bức ảnh selfie sành điệu, instagram biết được rằng “đây là lúc người dùng cần sự công nhận nhất”. Vì vậy, instagram đưa ảnh của bạn lên newsfeed của những người khác. Càng nhiều người like, bình luận, ảnh của bạn càng hiện lâu trên mục trang chủ của instagram. Rồi mỗi khi nhận được thông báo, bạn sẽ quay lại kiểm tra ngay và không rời khỏi đó được nữa.

Hiệu ứng Tit-for-tat

Nếu vào một ngày bạn nhận được thông báo có anh chàng điển trai nào đó vừa nhấn nút follow tài khoản instagram của mình, sẽ thật không công bằng nếu bạn từ chối việc follow lại tài khoản của anh ấy. Những người làm thuật toán gọi đó là “Tit-for-tat” (hiệu ứng có đi có lại). Đa phần chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của người khác, đặc biệt trên mạng xã hội.

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Bạn có thể thấy trên LinkedIn, Facebook hay bất kỳ một trang mạng xã hội nào, mục “chấp nhận lời mời kết bạn” luôn đi kèm với “đề xuất kết bạn”. Việc bạn nhận được “friend request” từ một chàng trai chưa chắc anh ta đã thực sự muốn biết và kết nối với bạn mà chỉ đơn giản vì tài khoản của bạn xuất hiện trong danh sách đề xuất của anh ta. Nói cách khác, LinkedIn biến việc hai bạn muốn kết nối thành “nghĩa vụ” phải đáp lại sự đề xuất từ người còn lại.

Hãy tưởng tượng mà xem, bạn đang bị đưa vào một thế giới của sự “cho đi – gả lại”, bạn lòng vòng hàng giờ quanh facebook chỉ để “trả like” và “rep comment”. Tất cả quá trình này được Facebook tìm hiểu và thiết kế sao cho thời gian người dùng hoạt động trên nền tảng là lâu nhất, tạo ra nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp.

Chiếc bát không đáy

Có một quan niệm phổ biến trong giới công nghệ “cách tốt nhất để khiến một người luôn tiêu thụ sản phẩm là khiến họ sử dụng nó kể cả khi họ không có nhu cầu”.

Giáo sư Brian Wansink của Đại học Cornwell đã chứng minh điều này trong nghiên cứu của mình và cho thấy bạn có thể lừa mọi người tiếp tục ăn súp bằng cách cho họ một cái bát không đáy và tự động đầy lên trong khi họ ăn. Với những chiếc bát không đáy này, người ta sẽ ăn nhiều hơn 73% calo so với bình thường và đánh giá lượng calo họ đã ăn thấp hơn 140 kl so với thực tế.

Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

Nếu như newsfeed của Facebook được thiết kế để lấp đầy mọi thông tin mà bạn quan tâm, khiến bạn cứ kéo mãi không thôi thì Youtube lại có chế độ “auto-play”, tự phát các chương trình mà không cần đợi suy nghĩ của bạn cho những video tiếp theo. Bạn bị thu hút bởi các nội dung đề xuất tự động, bạn liên tục xem chúng mà không nghĩ gì về sở thích hay nhu cầu ban đầu của bản thân. Thật bất ngờ, đó chính là phương thức mà công nghệ giữ chân và thao túng tâm trí bạn.

Các công ty công nghệ thường tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc xem những video họ muốn” trong khi thực ra là họ lại đang phục vụ lợi ích kinh doanh của mình. Còn chúng ta lại không thể đổ lỗi cho họ, bởi vì ta càng “xem dễ dàng hơn” thì doanh thu của họ càng tăng, vẹn cả đôi đường.

Xen mục đích của bạn vào mục đích của doanh nghiệp

Có một cách khác để công nghệ thao túng tâm trí của người dùng chính là lợi dụng mục đích của bạn khi truy cập vào ứng dụng, rồi khiến những lý do ấy gắn liền với mục đích kinh doanh của ứng dụng.

Lấy ví dụ trong hành vi mua sắm thực tế, giả sử đa phần lý do khiến một người vào cửa hàng Circle K là để mua chai nước lọc. Tuy nhiên, Circle K lại mong muốn tối đa hóa sức mua của người dùng bằng cách đặt sản phẩm nước uống vào góc cuối cửa hàng. Đồng nghĩa, để mua nước, bạn sẽ phải đi qua gian hàng bán snack, bim bim và rất nhiều đồ ăn vặt. Nói cách khác, Circle K không thể để mục đích mua nước lọc của bạn tách rời mục đích kinh doanh chung của họ.

Các thiết kế công nghệ cũng tương tự, khi bạn muốn tìm thông tin về một sự kiện trên facebook, như đại nhạc hội “Heineken Countdown” 31/12 chẳng hạn, nơi đầu tiên bạn cần đến là newsfeed của facebook. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn lập tức tìm kiếm sự kiện bằng cách gõ tên nó vào ô tìm kiếm, tuy nhiên cũng có khả năng cao bạn sẽ lại bị thu hút bởi một vài mẩu tin thú vị nào đó hiện trên newsfeed. Như vậy, mục đích của bạn (tìm kiếm event) phần nào sẽ bị điều hướng bởi mục đích của Facebook (giữ chân bạn càng lâu trên nền tảng càng tốt).

Tạm kết

Trên đây chỉ là chỉ là 6 trong hàng ngàn cách công nghệ đang sử dụng để thao túng tâm trí người dùng. Bạn có bất ngờ không khi những thuật toán mà chúng ta tin tưởng rất nhiều, những thuật toán được in vào từng thớ vải của cuộc sống, chỉ là một “cú lừa” của các nhà làm công nghệ?. Liệu rằng trong tương lai, những thuật toán trên có chiếm ưu thế trong việc định hình xã hội của chúng ta? Câu trả lời trên vẫn còn là một ẩn số mà chỉ có từng cá nhân mỗi người dùng mới tự tìm ra giải pháp cho riêng mình.